Mùa khô Bảy Núi
Khoảng tháng 10-11 (âm lịch), Bảy Núi bắt đầu vào mùa khô và kéo dài đến tháng 3-4 (âm lịch). Thời điểm này, mọi sinh hoạt và sản xuất của người dân ở 2 huyện miền núi Tri Tôn và Tịnh Biên (An Giang) gặp nhiều khó khăn do thời tiết oi bức, nguồn nước khan hiếm.
Chủ động nguồn nước tưới
Mùa khô ở khu vực Bảy Núi thường gay gắt hơn so với những địa phương khác. Tình trạng thiếu nước sinh hoạt và sản xuất thường xảy ra do nhiều nơi phụ thuộc vào nguồn nước mưa và nước suối. Tuy nhiên, nhờ tận dụng những hồ nước nhân tạo mà nông dân ở khu vực này có thể chủ động được nguồn nước tưới, giúp cây trồng phát triển xanh tốt, mang lại năng suất, sản lượng cao, góp phần nâng cao đời sống cho người dân địa phương.
Khu vực ấp Tà Lọt (xã An Hảo, Tịnh Biên), nơi có điều kiện thời tiết khắc nghiệt nhất của huyện miền núi Tịnh Biên. Tại đây, kinh tế chủ yếu của bà con là trồng cây lâu năm, cây dược liệu và một số loại cây trồng khác như: khoai mì, đậu…
Vào mùa mưa, cây trồng sinh trưởng và phát triển khá tốt. Tuy nhiên vào mùa khô, nông dân ở đây luôn loay hoay với bài toán tìm nguồn nước tưới tiêu cho cây trồng. Để chủ động nguồn nước tưới phục vụ sản xuất, nhiều hộ dân trong khu vực ấp Tà Lọt đã đào hồ, khoan giếng để tích trữ nước.
Nhờ hệ thống thủy lợi nên việc canh tác nông nghiệp vùng Bảy Núi có nhiều tín hiệu khả quan
Ông Thạch Viên (lão nông sinh sống ở Tà Lọt) cho biết, đa số các hộ dân sinh sống trong khu vực đều tự đào hồ để chứa nước phục vụ sản xuất nông nghiệp. Tùy vào điều kiện của từng gia đình mà diện tích mặt hồ lớn, nhỏ khác nhau. Lượng nước trong hồ dồi dào, đủ để người dân sử dụng trong những tháng mùa khô. Nhờ vậy, nhiều hộ dân có thể trồng các loại rau màu để tăng thêm nguồn thu nhập cho gia đình, trong khi nhiều hộ dân khác ở cùng khu vực lại thiếu nguồn nước.
“Trước đây vào mùa khô, gia đình tôi và các hộ nông dân ở đây luôn bị thiếu nước, việc canh tác gặp rất nhiều khó khăn. Nhờ hồ nước này mà gia đình tôi có đủ nước sinh hoạt và tưới tiêu. Mặc dù hồ nước không lớn nhưng lượng nước sử dụng cả năm không hết. Hiện nay, gia đình tôi canh tác 4 công đất vườn, trồng các loại cây ăn trái, như: xoài, đu đủ và các loại rau màu… đủ để trang trải cuộc sống hàng ngày”.
Cách đó không xa, gia đình ông Sơn Nương cũng có thể tăng gia sản xuất, canh tác nhiều loại rau màu, cây ăn trái trong mùa khô mà không sợ thiếu nước. Ông Sơn Nương cho biết, trước đây, khi địa phương có chủ trương làm đường dưới chân núi Cấm, gia đình ông đã đề nghị lấy đất vườn nhà mình để làm lộ. Khi đất lấy xong, nơi đây hình thành cái hồ rộng cả trăm mét vuông. Cũng nhờ hồ này mà gia đình ông đủ nước sinh hoạt, sản xuất. “Những năm mưa về muộn, gia đình tôi còn dùng nước đó để bơm vào đất ruộng” – ông Sơn Nương chia sẻ.
Ngoài các biện pháp như: đào giếng, đào hồ sử dụng nước ngầm, nhiều hộ còn sử dụng phương pháp lót ny-lon hay xây bồn để trữ nước vào mùa mưa hoặc dẫn nước từ đỉnh núi xuống. Nhờ vậy mà nông dân đảm bảo được nguồn nước, phục vụ tốt cho sinh hoạt và các hoạt động sản xuất…
Video đang HOT
Đảm bảo nước sinh hoạt
Những năm gần đây, nhà nước quan tâm việc đưa nguồn nước máy đến các phum, sóc nên đời sống người dân đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) Khmer có sự thay đổi rõ rệt. Trước đây, bước sang tháng giêng là đồng bào DTTS Khmer ở ấp Sóc Tức (xã Lê Trì, Tri Tôn) phải đi chở nước ở nhiều nơi để phục vụ sinh hoạt.
“Từ năm 2008, bà con ở đây được sử dụng nước máy, đường ống từ xã An Cư kéo qua. Nhà nào cũng được gắn đồng hồ nước, sử dụng nước sạch. Bà con ở đây cảm ơn Đảng và nhà nước đã quan tâm, chăm lo cho người dân” – ông Chau Iêu (ấp Sóc Tức, xã Lê Trì) bày tỏ.
Còn anh Chau Sóc (ấp Ninh Lợi, xã An Tức) thì hồ hởi: “Từ ngày có nước giếng, nước máy đầy đủ nên mùa khô không sợ thiếu hụt nước sinh hoạt. Đời sống của bà con ở đây cũng tươm tất hẳn lên. Người dân vô cùng phấn khởi”.
Các hồ chứa nước phát huy hiệu quả trong mùa khô
Tại các xã, thị trấn ven chân núi Cô Tô, núi Dài lớn, núi Cấm… nhiều khu vực đã đảm bảo được nguồn nước sinh hoạt cho bà con và cải thiện đáng kể tình trạng khan hiếm nước. Nhờ vậy, người dân bớt vất vả khi phải vận chuyển nước vào mùa khô, từ đó sinh hoạt của phum, sóc có nhiều tiến bộ hơn trước.
Thời tiết càng biến đổi, người dân càng khó khăn trong sinh hoạt, sản xuất vào mùa khô. Tuy nhiên, những năm gần đây, nhà nước đã quan tâm đầu tư xây dựng, nâng cấp các hồ chứa nước, các công trình thủy lợi… đã tạo điều kiện cho người dân 2 huyện Tri Tôn và Tịnh Biên phát triển sản xuất, nâng cao nguồn thu nhập. Thời gian tới, các địa phương này sẽ tiếp tục đầu tư, xây dựng thêm các hồ chứa nước mới để phục vụ nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của người dân.
ĐỨC TOÀN
Theo AGO
TP.HCM: Chính sách hỗ trợ mạnh, nông dân "bay cao"
Đánh giá về kết quả 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) của TP.HCM, Thứ trưởng Thường trực Bộ NNPTNT Lê Quốc Doanh nhấn mạnh, một trong những điểm mạnh mà thành phố đã thực hiện trong 10 năm qua là chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị...
Theo ông Doanh, những chính sách này được triển khai đã mang lại hiệu quả với một đồng vốn ngân sách hỗ trợ lãi vay, đã huy động được 21 đồng vốn xã hội, trong đó huy động từ tổ chức tín dụng là 13 đồng, huy động trong dân là 8 đồng.
Nông dân nâng cao thu nhập
Nhờ tận dụng chính sách hỗ trợ vốn ưu đãi nông dân TP.HCM đã phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập. Ảnh: T.P
Văn phòng Điều phối NTM TP.HCM cho biết, chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị của thành phố được đông đảo người dân tham gia thực hiện có hiệu quả. Lũy tiến từ năm 2010 đến nay cho thấy 5 huyện: Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè và Cần Giờ đã phê duyệt 25.740 lượt tổ chức, hộ dân, cá nhân vay vốn có hỗ trợ lãi vay để phát triển sản xuất nông nghiệp với tổng vốn vay gần 7.751 tỷ đồng.
Bình quân vốn đầu tư/phương án năm 2010 là 321 triệu đồng đã nâng lên 1,51 tỷ đồng năm 2019. Tổng kinh phí giải ngân hỗ trợ lãi vay từ ngân sách đối với các phương án được duyệt tại 5 huyện hơn 604 tỷ đồng.
Việc triển khai thực hiện chính sách đã góp phần giải quyết, tạo việc làm làm cho hơn 60.300 lao động. Đồng thời xuất hiện nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp đô thị có hiệu quả kinh tế cao.
Đánh giá chung kết quả thực hiện các tiêu chí về kinh tế và tổ chức sản xuất, Bí thư Huyện ủy Bình Chánh Nguyễn Văn Phụng nhận định, tình hình phát triển kinh tế trên địa bàn gặp nhiều thuận lợi.
Người dân được hỗ trợ tạo điều kiện đầu tư mở rộng phát triển sản xuất, góp phần nâng cao thu nhập trên địa bàn. Các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, như: Mô hình trồng hoa lan, hoa xương rồng, rau thủy canh, hoa kiểng, bon sai... Thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện năm 2019 hơn 67 triệu đồng/người/năm.
Trong khi đó, Chủ tịch UBND huyện Củ Chi Nguyễn Hữu Hoài Phú cho biết, đến nay sau 10 năm xây dựng NTM, trên địa bàn huyện Củ Chi đã có nhiều thay đổi tích cực, đó là do huyện đẩy mạnh các chính sách khuyến khích phát triển, chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp.
Cụ thể, giá trị sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2009 - 2019 tăng bình quân 8,24%/năm. Nông sản trên địa bàn huyện có quy mô lớn về số lượng với tổng đàn heo trên 139.000 con; tổng đàn bò khoảng 100.000 con, trong đó khoảng 60.000 con bò sữa; 598ha hoa kiểng (trong đó 167ha hoa lan); 1.642ha canh tác rau các loại; 260ha nuôi trồng thủy sản (trong đó có 18ha nuôi cá cảnh và 20ha sản xuất cá giống).
Ông Phạm Điền Trang (Bình Chánh, TP.HCM) đang chăm sóc cá kiểng.
Sản lượng nông sản cung cấp hàng năm khoảng 208.000 tấn rau; 8.000 tấn thủy sản các loại; 110.000 tấn sữa bò tươi và 35.000 tấn thịt các loại; 22,4 triệu cành lan mỗi năm. Doanh thu bình quân trên 1ha đất nông nghiệp năm 2018 đạt 500 triệu đồng/ha/năm... Thu nhập bình quân đầu người năm 2019 hơn 60 triệu đồng/người/năm.
Đồng bộ chính sách hỗ trợ
Ban chỉ đạo của Thành ủy thành phố về Chương trình xây dựng NTM cho biết, cùng với nhiều chính sách khác, chính sách hỗ trợ lãi vay đầu tư sản xuất nông nghiệp thời gian qua đã góp phần nâng cao tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp thành phố. Xác định rõ vai trò, tầm quan trọng của kinh tế tập thể, mà nòng cốt là các HTX, thành phố đã có các chính sách hỗ trợ phát triển như: Đầu tư cơ sở vật chất, hỗ trợ thu hút cán bộ có trình độ về làm việc tại HTX, hỗ trợ vốn tín dụng cho HTX...
Thông qua việc triển khai các chương trình, đề án trọng điểm về phát triển nông nghiệp, trong đó ưu tiên lựa chọn đối tượng tham gia là các HTX nông nghiệp và thành viên HTX để hỗ trợ ứng dụng, đổi mới nâng cao trình độ khoa học công nghệ, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm cho HTX.
Ngoài ra, thông qua công tác tuyên truyền, tư vấn vận động thành lập HTX, đã từng bước tăng số lượng HTX. Tính đến tháng 9/2019, trên địa bàn 56 xã xây dựng NTM đã có 76 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp với 1.370 thành viên, bình quân 18 thành viên/HTX.
Theo ông Thái Quốc Dân - Phó Chánh văn phòng điều phối NTM TP.HCM, thành phố đã triển khai đồng bộ, hiệu quả các chính sách, chương trình hỗ trợ giảm nghèo, giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo từng bước vươn lên trong cuộc sống, biết vận dụng, nắm bắt các cơ hội từ chính sách, giải pháp hỗ trợ của chương trình vào thực tiễn cuộc sống một cách hiệu quả hơn. Đây là yếu tố quyết định trong việc giảm nghèo bền vững tại địa phương.
Theo Danviet
Hàng ngàn ha đất sản xuất nguy cơ bỏ vụ Giữa mùa mưa nhưng cả thủy điện lẫn hồ thủy lợi đều khô khát, thiếu nước, nguy cơ bỏ vụ hàng ngàn héc ta đất sản xuất. Nhiều hồ thủy lợi ở Quảng Nam thiếu nước, nguy cơ bỏ hàng ngàn héc ta đất sản xuất vụ hè thu. (Trong ảnh Hồ thủy lợi PHú Ninh Ảnh: Hoài Văn Trao đổi với PV...