Mùa hoa tím trên non
Trổ hoa muộn hơn bằng lăng phố, những cây bằng lăng rừng chỉ khoe sắc khi có cơn mưa ùa về tắm mát chốn non cao.
Khi ấy, núi rừng như thay áo mới với vẻ đẹp nên thơ, ngập tràn sắc tím của loài hoa hoang dại mà rực rỡ.
Vẻ đẹp hùng vĩ của mùa hoa bằng lăng rừng trên non cao
Những ngày qua, không khó để thấy nhiều bức ảnh, video về mùa hoa bằng lăng rừng. Không như họ hàng ở chốn phố phường, bằng lăng rừng trổ bông khá muộn, thường vào cuối tháng 4, đầu tháng 5 (âm lịch). Vào mùa nắng nóng gay gắt, chúng co mình, ấp ủ sức sống để chờ mưa. Mưa xuống, đánh thức sự mát lành trong mạch đá non cao để những cây bằng lăng rừng cũng “thức giấc”, mang đến cho đời mùa hoa rực rỡ.
Vốn không còn xa lạ với những nẻo đường Bảy Núi, không ít lần tôi ngắm mùa bằng lăng rừng với vẻ thích thú, say mê. Dù có là người thực tế, bạn vẫn sẽ phải công nhận vẻ đẹp của hoa bằng lăng rừng. Không ẩn mình bên sự náo nhiệt của phố phường để mang chút chân quê cho lòng người dịu lại, bằng lăng rừng có vẻ đẹp hùng vĩ đến choáng ngợp.
Tuy nhiên, vẻ đẹp hùng vĩ ấy được ấp ủ một cách nhẹ nhàng, không báo trước. Bất chợt một ngày, bạn vô cùng thích thú khi chứng kiến sắc tím mộng mơ ngập tràn trên triền núi cao cao, đập vào thị giác con người những mảng màu độc đáo của thiên nhiên.
Với người dân Bảy Núi, mùa bằng lăng rừng là minh chứng cho sức sống mãnh liệt đến kỳ lạ của thiên nhiên. Những cư dân sống trên núi Cấm (xã An Hảo, TX. Tịnh Biên) rất yêu quý mùa hoa bằng lăng rừng của quê hương mình. Để những khi nói về nó, họ không giấu nỗi vẻ tự hào về loài hoa hoang dại mỗi năm chỉ rực rỡ một mùa, nhưng để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng du khách.
Anh Tạ Thanh Phong, người dân định cư trên núi Cấm, chia sẻ: “Mùa bằng lăng rừng dù đến muộn, nhưng lại trở thành một phần của núi Cấm. Thường khi, khách đến đây trong mùa mưa đều xuýt xoa với vẻ đẹp của chúng, khi trải nghiệm lên núi bằng xe “honda đầu”.
Ở cung đường lên núi, bằng lăng rừng trổ bông tím rực đẹp như tranh. Ngay cả tôi, thường ngày lên xuống không biết bao nhiêu bận, vẫn rất thích nhìn những cây bằng lăng đầy bông giữa màu xanh ngút ngàn của núi Cấm trong mùa mưa”.
Anh Phong cũng cho hay, cánh nhiếp ảnh cứ đợi đến mùa mưa là lên núi Cấm sáng tác ảnh về mùa bằng lăng rừng. Có người chọn góc ảnh đẹp từ triền núi, có người dùng flycam để cho ra những góc ảnh hùng vĩ về mùa bằng lăng rừng. Bản thân anh, dù không chuyên chơi ảnh nhưng cũng dùng điện thoại thông minh chụp vài tấm ảnh đăng mạng xã hội, như một cách mang vẻ đẹp quê mình giới thiệu đến du khách gần xa.
Quả thật, với góc ảnh flycam, người ta sẽ không khỏi xuýt xoa với vẻ đẹp hùng vĩ, nên thơ của mùa bằng lăng rừng. Trong bức tranh đó, những cây bằng lăng rừng như hàng trăm đóa hoa giắt vào triền núi, để sắc tím nhẹ nhàng, đằm thắm nổi bật lên giữa màu xanh mênh mông. Bởi thế, không khó để giải thích việc những bức ảnh, video clip về mùa bằng lăng rừng nhận được vô số lượt xem, lượt thích trên các phương tiện thông tin và nền tảng mạng xã hội.
Không chỉ đẹp với những khung cảnh rộng, hoa bằng lăng rừng cũng chinh phục lòng người nếu họ được quan sát ở gần. Khác với bằng lăng phố, khi mỗi mùa hoa là sự hòa quyện giữa sắc xanh của lá và màu tím của hoa, bằng lăng rừng trổ bông kín cả cây, khiến người ta cứ nghĩ rằng chúng không có lá. Có lẽ, do điều kiện sinh sống trên non cao, chúng đã quen với sự khắc nghiệt của thiên nhiên, nên sẽ dồn sức sống cho mùa hoa đẹp nhất trong năm.
Nhìn gần, bằng lăng rừng có nhiều sắc hoa khác nhau trên cùng một cây. Sắc độ hoa trải dài từ tím đậm, tím nhạt, hồng nhẹ rồi đến trắng. Người hiểu biết về loài cây này còn nói rằng chúng có thêm sắc đỏ, nhưng hiếm gặp. Với bằng lăng rừng, kích cỡ hoa khá lớn và mang vẻ đẹp mộc mạc nhưng cuốn hút. Bởi thế, người lần đầu mới gặp, sẽ khó rời mắt khỏi cây bằng lăng rừng trong mùa hoa rực rỡ. Người nhìn quen, vẫn vô cùng thích thú bởi vẻ đẹp từ thiên nhiên ban tặng.
Từ TP. Cần Thơ, bạn Nguyễn Mạnh Hoàng đã cất công lên vùng Bảy Núi chỉ để săn ảnh bằng lăng rừng. Mạnh Hoàng hồ hởi: “Tôi thấy mọi người đăng ảnh bằng lăng rừng đẹp quá, nên mới lặn lội lên đây. Đến rồi mới biết, mùa mưa ở vùng Bảy Núi cũng rất đẹp, cây cối xanh tươi, hoa nở tím rừng.
Tôi dự định ở lại đây 2 – 3 ngày, để vừa săn ảnh, vừa trải nghiệm mùa mây núi Cấm. Đây là trải nghiệm khác biệt của tôi về vùng Bảy Núi, vì mọi năm mình hay đến đây trong dịp Tết Nguyên đán nên không cảm nhận đầy đủ vẻ đẹp núi rừng, nhất là những cây bằng lăng hùng vĩ điểm xuyết vào khung cảnh mênh mông”.
Video đang HOT
Cũng như Mạnh Hoàng, tôi rất thích mùa bằng lăng rừng trổ hoa rực rỡ trên non. Có thu vào tầm mắt khung cảnh thực tế đó, mới hiểu được sự cuốn hút của loài hoa hoang dại này để trân quý hơn vẻ đẹp của quê hương An Giang, với những mảng màu đặc sắc từ văn hóa, con người cho đến thiên nhiên hùng vĩ.
Bốn ngày một mình vi vu khắp xứ Huế mộng mơ
Huế là điểm đến chọn lý tưởng cho những ai muốn trải nghiệm cảm giác du lịch một mình, bởi người dân thân thiện, chi phí phải chăng, ẩm thực hấp dẫn.
Lịch trình khám phá Huế thương 4 ngày 3 đêm dưới đây sẽ giúp du khách có trải nghiệm trọn vẹn ở mảnh đất cố đô.
Di chuyển
Từ Hà Nội hoặc TPHCM, du khách có thể đến Huế bằng máy bay, ôtô, xe khách... Nếu đi một mình, lựa chọn di chuyển bằng tàu hỏa sẽ mang tới trải nghiệm mới mẻ và thú vị.
Khi di chuyển tại Huế, du khách có thể di chuyển bằng ôtô, xe ôm, xích lô hoặc thuê xe máy, xe đạp để tự mình khám phá Huế.
Ngày 1: Chợ Đông Ba - Cung An Định - Xích lô đi dạo sông Hương - Nghe Ca Huế
Sau một giấc ngủ trên hành trình từ Hà Nội hoặc TPHCM đến Huế, du khách tới homestay cất đồ rồi bắt đầu hành trình khám phá cố đô.
Đầu tiên, để lấp đầy chiếc bụng trống, chợ Đông Ba sẽ là điểm đến lý tưởng. Đây là thiên đường ẩm thực xứ Huế được nhiều người truyền tai nhau với nhiều đặc sản cho du khách thoải mái lựa chọn.
Tiệm bánh canh Nam Phổ ở chợ Đông Ba.
Tiếp, hãy ghé thăm cung An Định nằm ngay bên bờ sông An Cựu, số 179B Phan Đình Phùng, phường Đệ Bát, thành phố Huế, cách chợ Đông Ba gần 3km. Sở hữu lối kiến trúc giao thoa Á - Âu lạ mắt, cung An Định Huế đã được tổ chức UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.
Kể từ khi xuất hiện trong MV "Không thể cùng nhau suốt kiếp" của nữ ca sĩ Hòa Minzy, cung An Định đã trở thành điểm đến được nhiều bạn trẻ lựa chọn khi đến Huế.
Cung An Định là địa điểm hút giới trẻ đến check in ở Huế.
Kế đến là thưởng thức ly cà phê muối, một trong những món đặc sản nức tiếng của mảnh đất cố đô. Tiếp tục bắt xích lô đi dạo quanh sông Hương, thăm thú các làng nghề, ngôi nhà thơ ấu của Bác Hồ, ngắm phố phường... để tận hưởng bầu không khí yên bình nơi đây.
Vào buổi tối, du khách có thể mua vé nghe ca Huế trên sông Hương, ngồi trên thuyền ngắm toàn cảnh thành phố về đêm, khép lại một ngày nhẹ nhàng và trọn vẹn.
Ngày 2: Lăng Khải Định - Làng Hương Xuân Thủy - Lăng Minh Mạng - Lăng Tự Đức - Tổ Đình Từ Hiếu - Phố đi bộ
Hãy bắt đầu ngày thứ hai thật sớm để tránh nắng, vì các điểm tham quan khá xa trung tâm thành phố. Điểm đến đầu tiên là lăng Khải Định, nằm trên núi Châu Chữ, xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế. Đây cũng là công trình xây dựng cuối cùng của triều Nguyễn.
Lúc còn sống, vua Khải Định đã cử người sang Pháp, Trung Hoa, Nhật Bản mua vô số vật liệu phong phú để xây dựng và trang trí cho lăng tẩm của mình. Do đó, mặc dù lăng Khải Định không có diện tích bề thế, nhưng lại sở hữu lối kiến trúc vô cùng độc đáo, pha trộn tinh hoa của nhiều nền văn hóa.
Lăng Khải Định có tông màu chủ đạo là màu xám, gây ấn tượng với lối kiến trúc trúc nguy nga. Ảnh: Thái Hoàng
Nằm ngay gần lăng Khải Định là làng hương Thủy Xuân, địa điểm check in được nhiều bạn trẻ ưa thích. Tới đây, dù đứng ở bất kỳ góc nào cũng có thể chụp được vô số bức ảnh lung linh.
Tiếp tục hành trình, hãy di chuyển tới lăng Minh Mạng, nằm trên ngọn núi Cẩm Kê, xã Hương Thọ, thị xã Hương Trà. Gây ấn tượng với lối kiến trúc uy nghiêm, đậm giá trị truyền thống, không gian khoáng đạt, rộng khoảng 18ha gồm nhiều công trình khác nhau, lăng Minh Mạng được xem là một trong những "biểu tượng du lịch" của cố đô Huế.
Quang cảnh Lăng Minh Mạng nhìn từ trên cao. Ảnh: Nguễn Huy Đức
Một điểm đến khác du khách nên ghé thăm là lăng Tự Đức, thuộc thôn Thượng Ba, phường Thủy Xuân, cách trung tâm thành phố Huế khoảng 6km. Công trình này mang nét kiến trúc thanh thoát, uyển chuyển, đầy chất thơ.
Trên đường quay trở lại thành phố Huế, du khách tiện đường ghé qua cả Tổ Đình Từ Hiếu. Đây là nơi an dưỡng của Thiền sư Thích Nhất Hạnh trong những năm cuối đời.
Sau một ngày sống chậm khám phá các lăng tẩm, buổi tối, du khách có thể một mình dạo chơi ở phố đi bộ, cảm nhận một Huế rất khác, đầy sôi động và náo nhiệt, không quên thưởng thức nhiều món ăn ngon.
Ngày 3: Rừng Rú Chá - Biển Thuận An - Đầm Chuồn
Các điểm tham quan trong ngày thứ ba cũng khá xa thành phố Huế, du khách hãy ăn sáng đầy đủ trước khi bắt đầu.
Di chuyển hơn 15 km từ trung tâm thành phố là đến được rừng nguyên sinh Rú Chá, một trong những địa điểm mới đang thu hút nhiều khách du lịch khi đến Huế. Tọa lạc tại làng Thuận Hòa, xã Hương Phong, thị xã Hương Trà, Rú Chá là một khu rừng ngập mặn nguyên sinh quý hiếm nằm trong hệ đầm phá Tam Giang.
Sở hữu cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, những con kênh rạch chằng chịt, ẩn hiện dưới rừng cây Rú Chá, du khách đến đây sẽ được trải nghiệm không gian hoang sơ, mang nét đẹp huyền bí.
Rú Chá mênh mang nhìn từ trên cao. Ảnh: Lê Hoàng
Điểm dừng chân thứ hai trong ngày là biển Thuận An nổi tiếng với vẻ đẹp hoang sơ, trữ tình, thuộc thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang, thành phố Huế. Sở hữu bờ cát trắng mịn, nước biển trong xanh, đường bờ biển chạy dài, đến biển Thuận An để tắm biển, hay chỉ đơn giản là tận hưởng những cơn gió mát lạnh, thưởng thức hải sản tươi ngon thực sự là trải nghiệm đáng giá.
Đầu giờ chiều, khi quay trở lại, hãy dành thời gian tới cây cầu Thuận An cũ, thu toàn cảnh đầm phá Tam Giang trước mặt vào trong tầm mắt. Cầu Thuận An cũ nay đã không được sử dụng, đoạn giữa ở cầu đã bị tháo bỏ để tàu thuyền qua lại. Người dân thường đi tập thể dục trên cây cầu này.
Hoàng hôn buông trên phá Tam Giang rộng mênh mông. Ảnh: Phúc Đạt
Từ cầu Thuận An đi thêm gần 3km sẽ tới được đầm Chuồn, thuộc hệ thống đầm phá Tam Giang rộng lớn. Một vài năm gần đây, đầm Chuồn đã trở thành điểm đến yêu thích của các bạn trẻ đam mê khám phá. Hãy căn thời gian đến đầm Chuồn từ 16h đến 17h nếu muốn ngắm hoàng hôn.
Không chỉ sở hữu khung cảnh lãng mạn mỗi sớm bình minh hay khi hoàng hôn buông, nơi đây còn là thiên đường ẩm thực đốn tim nhiều du khách. Nhất định phải thưởng thức món đặc sản bánh xèo cá Kình tại đây. Nếu ăn tại các nhà hàng trên đầm Chuồn, du khách sẽ được đi thuyền miễn phí hoặc chỉ mất 100.000 đồng ngồi thuyền.
Về lại thành phố thì trời đã tối, đi bộ trên cầu gỗ lim, ngắm cầu Trường Tiền lung linh sắc màu để khép lại ngày thứ 3 ở Huế.
Cầu Trường Tiền lung linh vào buổi tối. Ảnh: Tăng Thùy Dung
Ngày 4: Đại Nội - Chùa Thiên Mụ - Văn Thánh Huế - Chợ Bến Ngự
Lần đầu tới Huế thì không thể không tới Đại Nội, hoàng thành Huế xưa. Đi một mình, bạn có nhiều thời gian để tìm hiểu kĩ các di tích lịch sử, công trình kiến trúc cung điện trong Đại Nội. Thuê hướng dẫn viên để có một trải nghiệm trọn vẹn hơn là gợi ý không tồi.
Ai đến Huế lần đầu cũng nhất định ghé thăm Đại Nội.
Cùng trục đường tới Đại Nội, đi thêm hơn 4km sẽ đến được ngôi chùa cổ mang tên Thiên Mụ, nằm trên đồi Hà Khê. Ngôi chùa cổ này dù được trùng tu nhiều lần những vẫn giữ nguyên nét cổ kính, rêu phong nhuốm màu thời gian. Với lối kiến trúc tuyệt đẹp, chùa Thiên Mụ được rất nhiều du khách lui tới chiêm bái, vãn cảnh.
Thiên Mụ là ngôi chùa linh thiêng nổi tiếng mảnh đất Cố đô.
Đi sâu vào bên trong chùa Thiên Mụ, có một rừng thông xanh mướt.
Tiếp theo hãy tới Văn Thánh Huế, trường đại học đầu tiên được xây dựng trên mảnh đất cố đô, cách chùa chưa tới 1km. Văn Thánh Huế còn có nhiều tên gọi khác là Văn Miếu Huế, Văn Thánh Miếu Huế, Văn Miếu Huế, Thánh Miếu, Tiên Sư Miếu... thờ Khổng Tử.
Kết thúc ngày thứ 4 ở Huế bằng một chuyến food tour chợ Bến Ngự là một gợi ý đáng thử trước khi tạm biệt xứ Huế mộng mơ.
Ăn uống
Huế nổi tiếng là thiên đường ẩm thực với số món ăn ngon, nên hãy dành thật nhiều thời gian để thưởng thức hết đặc sản của mảnh đất này. Các món chay, cơm hến Cồn Hến, chè Hẻm, bánh canh Nam Phổ, bánh canh cá lóc, cafe muối, bánh xèo cá kình, bánh bèo, bánh bột lọc, trứng vịt lộn um bầu... là những món ăn du khách nhất định nên thử. Một phần ăn không quá 35.000 đồng.
Cơm hến gây thương nhớ của xứ Huế. Ảnh: Tường Minh
Chi phí
Tổng chi phí cho chuyến đi Huế 3 ngày 2 đêm độc hành khoảng hơn 5 triệu. Trong đó vé tàu giường nằm khứ hồi Hà Nội - Huế 1.450.000 đồng, phòng khách sạn 1 triệu đồng/3 đêm, combo vé 3 lăng và Đại Nội 530.000 đồng, vé ca Huế sông hương 100.000 đồng, đi thuyền ở đầm Chuồn 200.000/thuyền, vé cung An Định 50.000 đồng...
Để tiết kiệm hơn, du khách có thể đi xe khách, vé khứ hồi giá khoảng 600.000 - 700.000 đồng; thuê xe máy...
Khi độc hành, để có ảnh đẹp, du khách nên mang theo tripod để tự chụp. Đừng quên chuẩn bị những trang phục, mũ nón, phụ kiện xinh xắn để lên hình càng lung linh. Tuy nhiên khi đến các địa điểm linh thiêng, bạn cần mặc kín đáo.
Đến với Huế mộng mơ, vẻ đẹp 'chẳng nơi nào có được' Có một nơi lý tưởng để du khách được thư giãn và tìm lại sự bình an trong tâm hồn. Nơi này còn có những nét đẹp truyền thống cùng không khí yên bình. Địa điểm này chính là Cố đô Huế mộng mơ với nhiều danh lam thắng cảnh, di tích cổ kính, ẩm thực phong phú cùng tình người ấm áp......