“Mùa hoa anh đào”: Vì cuộc đời rất ngắn…
Bộ phim Mùa hoa anh đào (tên tiếng Đức Kirschblüten – Hanami) của đạo diễn Đức Doris Dörrie có hai nhân vật chính là hai người già, phim cũng không hề có kịch tính mà diễn biến rất nhẹ nhàng. Mặc dù vậy, suốt bộ phim, có lẽ người xem sẽ không cầm được nước mắt vì những tình cảm được thể hiện qua nhiều chi tiết bình dị mà xúc động.
Trudi và Rudi là một cặp vợ chồng già 60 tuổi. Họ có ba người con, hai đứa lớn làm việc ở Berlin, còn đứa út sống ở Tokyo. Bà già (Trudi) rất khao khát được trở thành một nghệ sĩ múa Butoh Nhật Bản dù chưa một lần được đặt chân tới đất nước mặt trời mọc, còn cụ ông thì rất ghét nghệ thuật này và cả đời bắt bà phải ở nhà làm nội trợ.
Cụ bà Trudi rất say mê nghệ thuật múa Butoh
Suốt cuộc đời, cụ bà Trudi ao ước được tới Tokyo để ngắm núi Phú Sĩ và tham gia lễ hội hoa anh đào, nhưng cuộc sống cứ trôi đi lặng lẽ, ngày này qua tháng khác, cho tới khi cả hai đã già, Trudi được bác sĩ cho biết rằng chồng mình bị ung thư, không còn sống được bao lâu nữa.
Cụ bà giấu không cho chồng biết tin này mà thuyết phục chồng đi thăm con cái. Cả hai tới Berlin thăm con, nhưng hai đứa lớn quá bận đến nỗi không có thời gian chăm sóc hai cụ. Quá buồn và thất vọng, hai ông bà ra biển Baltic, và ở đây, khi bình minh, biển rất lặng, chính cụ bà Trudi chứ không phải ông chồng đã mãi mãi không tỉnh lại nữa.
Video đang HOT
Sau đám tang vợ, cụ ông Rudi một mình sang Tokyo thăm con trai út. Ông lang thang tìm hiểu về nghệ thuật múa Butoh – ước mơ cả đời của vợ để giải mã những điều bí ẩn trong trái tim người mà ông yêu thương.
Múa Butoh ra đời ở Nhật Bản sau Thế chiến thứ 2, có lẽ vì hậu quả nặng nề của hai quả bom nguyên tử, người Nhật bị ám ảnh bởi sự chết chóc và hủy diệt nên đã dấy lên một làn sóng văn hóa rất đặc biệt – trong đó có Butoh. Những nghệ sĩ múa Butoh thường ăn mặc rất kỳ dị và có các động tác múa quằn quại, đau khổ. Ông cụ Rudi đã hiểu được ước mơ của vợ, thấm thía vô cùng vì thấy gần bà hơn khi bà đã đi rất xa. Đây là một thông điệp rất nhân văn nhưng cũng rất đau đớn của bộ phim.
Trong những ngày cuối cùng của cuộc đời, Rudi đã thực hiện trọn vẹn những gì vợ ông chưa làm được: chiêm ngưỡng núi Phú Sĩ, ngắm hoa anh đào, say mê múa Butoh… Có lẽ hoa anh đào và núi Phú Sĩ là hai hình ảnh đặc biệt ấn tượng để thể hiện vẻ mong manh của cuộc đời này.
Vào một buổi bình minh, cụ ông Rudi đã trang điểm như một nghệ sĩ múa Butoh, mặc bộ kimomo của vợ và múa điệu Butoh rồi nằm xuống mãi mãi, bên cạnh dòng nước phản chiếu hình ảnh núi Phú Sĩ.
Cụ ông nằm xuống khi đã hiểu trọn vẹn những điều bí ẩn trong trái tim vợ mình
Bộ phim nhẹ nhàng kể lại một câu chuyện quen thuộc. Có lẽ rất nhiều lần trong cuộc đời, ai đó đã từng một lần gác lại ước mơ và mong muốn, vì nghĩ rằng còn nhiều thời gian. Thực ra, cuộc đời không rộng rãi đến vậy. Hãy còn nhiều thời gian – đó là một câu nói dối, không ai còn nhiều thời gian cả.
Chỉ đến khi người mẹ không còn nữa, những đứa con trong Mùa hoa anh đào mới nhận ra sự vô tâm, thờ ơ của họ, cụ ông mới nhận ra sự ích kỷ của mình khi giữ vợ ở nhà: “Bố đã lấy mất của mẹ một điều quan trọng nhất”… Tất cả đều hối hận nhưng đã muộn.
Qua câu chuyện của hai người già, bộ phim có lẽ đang nhắn nhủ một điều rất trẻ: lắng nghe, yêu thương và để những người thân của chúng ta được sống với đam mê của họ. Vì cuộc đời rất ngắn.
Theo TTVN
Một tình yêu rất lạ trong "Cánh cung"
Bộ phim kể về một ông già đánh cá sống ẩn dật trên một chiếc thuyền tồi tàn, lênh đênh dọc theo bờ biển. Ông lão đã nhận nuôi một cô bé từ khi còn nhỏ, và "bảo vệ" cô cách ly khỏi thế giới bên ngoài.
Cô gái nhỏ được bảo vệ trong một thế giới đặc biệt
Vào thời điểm xảy ra câu chuyện trong bộ phim, cô gái nhỏ đã 16 tuổi. Trong bộ phim, tình thế nước đôi của mối quan hệ gần như loạn luân xảy ra giữa một ông già và cô gái nhỏ - ông đã nuôi nấng đứa trẻ như con mình, và nhen nhóm ham muốn khi đứa trẻ lớn lên thành thiếu nữ. Ông già đã yêu cô bé từ lúc nào không biết, ông yêu cô một cách thầm kín, chăm sóc cô và tự chuẩn bị hôn lễ cho mình khi cô đủ 17 tuổi
Thế giới trong The bow là một thế giới bình yên, nhạy cảm và nguyên thủy, gần như hoàn toàn tách biệt với bên ngoài. Biển cả chính là một tấm phông nền tinh khiết cho những nhân vật sống cuộc đời lặng lẽ. Mặc dù thoát khỏi ồn ào của xã hội bình thường, nhưng cũng giống như trong những bộ phim khác của Kim Ki Duk, nội tâm nhân vật vẫn vô cùng mãnh liệt, và đạo diễn luôn đặt họ vào những biến cố bất thường, những thử thách khốc liệt.
Thế giới mênh mông và tĩnh lặng của ông già - cô gái nhỏ trở nên sống động vào mỗi Chủ nhật, khi có những người từ đất liền tới thuê thuyền của họ để câu cá. Trong những Chủ nhật này, một người đàn ông trẻ từ thành phố - một sinh viên, đẹp trai xuất hiện đã đe dọa giấc mơ về đám cưới của ông già. Chàng trai trẻ với rất nhiều điều mới mẻ từ thế giới bên ngoài đã hấp dẫn cô gái, khiến cô, lần đầu tiên muốn thoát khỏi thế giới của ông già.
Mối quan hệ giữa ba nhân vật có kết thúc rất đặc biệt
Xuyên suốt trong câu chuyện kỳ lạ này là một nhân vật cũng đặc biệt không kém - một cây cung. Cây cung là vũ khí đầy sức mạnh, giúp ông già bảo vệ được cô gái nhỏ và thế giới của mình khỏi những người xa lạ từ bên ngoài. Cây cung là công cụ để ông dự đoán tương lai theo một cách cũng rất kỳ lạ. Cây cung đồng thời lại là một cây đàn, là sợi tơ mềm mại vỗ về tâm hồn ông.
Cây cung vừa cương vừa nhu, vừa đầy uy lực, vừa bảo thủ, vừa bay bổng, giống như bản chất của con người. Sự xuất hiện của nhân vật đặc biệt này khiến cho bộ phim có một chiều sâu khác, một sự lay động của tâm thức phương Đông.
Cây cung xuất hiện vừa là một vũ khí...
... vừa là một cây đàn
Trong phim, có lẽ chính cây cung là "nhân vật" được "nói" nhiều nhất. Các nhân vật khác trong phim hầu như đều câm lặng. Ông già, cô gái nhỏ hay chàng trai trẻ đều không nói nhiều. Có lẽ tự bản thân các tình tiết trong phim cũng đã thổ lộ được mọi điều.
Đạo diễn Kim Ki Duk giải thích rằng: "Điều đó chứng tỏ giao tiếp có thể được biểu đạt bằng nhiều cách khác nhau chứ không chỉ bằng lời nói. Càng sống lâu thì người ta sẽ càng ít nói, vì nói là nhược điểm lớn nhất của con người. Khóc và cười mới là những cách giao tiếp ý nghĩa nhất. Hơn nữa, tôi ít sử dụng ngôn ngữ vì sợ một bản dịch không chính xác có thể làm hỏng cả bộ phim".
Đạo diễn kỳ lạ Kim Ki Duk từng nhận được rất nhiều giải thưởng
Chính bản thân Kim cũng chia sẻ: "Phim của tôi luôn kể về những thân phận con người bởi tôi tin rằng ngôn ngữ có thể bất đồng nhưng số phận và đau thương là điều mà mọi người trên toàn thế giới đều có thể hiểu và đồng cảm, bất chấp cả ngôn ngữ".
Sau khi làm lễ thành hôn với cô gái trẻ, ông già đã tự vẫn. Có lẽ việc kết hôn với cô gái không đơn giản mang ý nghĩa xác thịt, mà là biểu trưng của ước mơ. Khi con người đã đạt được ước mơ của đời mình, cuộc sống có lẽ không còn ý nghĩa nữa. Cái chết lúc này cũng chỉ nhẹ như lông hồng mà thôi.
Theo TTVN
10 điều khiến tôi yêu "Phẩm chất quý ông" Có 10 lý do rất giản đơn khiến tôi yêu mến bộ phim này. 1. Một phiên bản nam của Sex And The City đầy sinh động Trước khi xem Phẩm chất quý ông, tôi không nghĩ rằng một bộ phim về cuộc sống đời thường của các đấng mày râu, hơn thế nữa lại là các quý ông đã ở độ tuổi...