Mùa đông chưa về, nhưng ‘gió rét’ từ kinh tế châu Á đã tới
Giảm phát châu Á diễn ra giữa lúc Nhật và châu Âu đang trên đà quay lại thời kỳ giảm phát, còn doanh nghiệp Mỹ thì báo cáo lợi nhuận yếu.
Giá cả thay đổi thường là dấu hiệu ban đầu cho thấy thế giới sắp “có biến”. Chẳng hạn như mối nghi ngờ đầu tiên mà người Anh cảm nhận được về cuộc xâm lăng châu Âu của người Mông Cổ vào thế kỷ XIII là việc giá cá tăng mạnh. Các tàu cá vùng Baltic trước đó đã ngừng ra khơi đánh bắt sau khi các thuyền viên của họ được lệnh phải chống ngoại xâm. Điều đó dẫn đến nguồn cung cấp cá nước Anh bị cắt giảm, khiến giá cá tăng cao.
Những biến động kinh tế từ phương Đông của ngày hôm nay thì hoàn toàn khác, nhưng chúng cũng báo hiệu những thay đổi không mấy tốt đẹp cho nền kinh tế toàn cầu. Nạn giảm phát, tức giá cả hàng hóa giảm mạnh trong một thời gian dài, đang càn quét qua các cường quốc kinh tế châu Á, khiến cho Nhật và châu Âu khốn đốn, trong khi gây nhiều trở ngại cho đà phục hồi của nền kinh tế Mỹ.
Mặc dù giá cả giảm nhìn chung có vẻ như là tín hiệu tốt cho người tiêu dùng, nhưng các nhà làm chính sách thì lại rất lo ngại vì chúng làm xói mòn lợi nhuận doanh nghiệp, buộc họ phải sa thải nhân công, khiến cho nhu cầu suy yếu.
Nỗi lo ngại càng lớn hơn vì tính chất phức tạp của vấn đề: giảm phát châu Á diễn ra trong bối cảnh Nhật và châu Âu đang trên đà quay trở lại thời kỳ giảm phát, trong khi Mỹ đang u sầu vì các báo cáo lợi nhuận yếu của doanh nghiệp.
“Có khả năng chúng ta đang đi đến giảm phát toàn cầu”, Alberto Callo, đứng đầu bộ phận nghiên cứu tín dụng vĩ mô châu Âu tại ngân hàng RBS, nhận xét. “Ở đâu cũng đều sử dụng đòn bẩy tài chính quá mức và thay vì giảm công suất, chúng ta lại đang tạo ra tình trạng thừa cung kéo dài trong ngành công nghiệp, khiến cho giá cả giảm. Trung Quốc là ví dụ lớn nhất”, ông nói thêm.
Nguy cơ thế giới chìm vào giảm phát cũng khiến ông Michael Power, chiến lược gia tại Investec, lo ngại. Theo ông, giảm phát hiện nay là kết quả của tình trạng mất cân đối giữa nguồn cung thừa từ châu Á và nhu cầu ảm đạm từ phương Tây.
Viễn cảnh tồi tệ nhất của giảm phát là giá cả giảm ở châu Á tiếp tục làm suy yếu lợi nhuận doanh nghiệp, khiến cho hàng loạt công nhân bị sa thải và từ đó làm cho nhu cầu lao dốc. Điều này sẽ khiến cho nhu cầu thế giới càng ảm đạm, kinh tế châu Âu và Nhật càng loạng choạng và Mỹ khó đạt được đà phục hồi vững chắc.
Giảm phát của châu Á không nằm ở giá tiêu dùng mà nằm ở giá sản xuất. Chỉ số giá sản xuất (PPI) đang ở mức trung bình thấp nhất trong 6 năm tại 10 nền kinh tế lớn nhất ở châu Á (ngoại trừ Nhật), theo Morgan Stanley. Trong số này, ngoại trừ Indonesia, các nền kinh tế như Hàn Quốc, Đài Loan và Singapore đã rơi vào vòng xoáy giảm phát trong khoảng 3 năm.
Video đang HOT
Trung Quốc đã có 42 tháng liên tiếp chứng kiến giá sản xuất giảm, khiến nó trở thành nền kinh tế lớn duy nhất ngoài Nhật vào thập niên 1990 cho thấy một xu hướng giảm phát kéo dài, theo Chetan Ahya, chuyên gia kinh tế trưởng về châu Á ở Morgan Stanley.
Nhìn chung, giá sản xuất Trung Quốc giảm tổng cộng 10,8% so với mức đỉnh gần đây vào năm 2011. Tốc độ giảm giá cũng là một lý do khiến các chuyên gia phải lên tiếng báo động. Tháng 8 năm ngoái, chỉ số giá sản xuất đối với hàng hóa chỉ giảm 1,1%, nhưng tháng 8 năm nay mức giảm này đã là 12,8%.
Chỉ số giá sản xuất tại hầu hết các nền kinh tế châu Á đều sụt giảm
Các công ty công nghiệp Trung Quốc đã chứng kiến lợi nhuận giảm 8,8% trong tháng 8 so với cùng kỳ năm ngoái, mức giảm mạnh nhất kể từ khi được theo dõi vào năm 2011. Xu hướng này cũng diễn ra tại các nơi khác ở châu Á với doanh số bán và lợi nhuận của các công ty niêm yết hàng đầu khu vực đều sụt giảm trong quý II năm nay, theo Morgan Stanley.
Một số trường hợp suy giảm lợi nhuận rất đáng chú ý. Longmay, một doanh nghiệp than đá lớn của Trung Quốc, chẳng hạn, mới đây cho biết đang sa thải 100.000 nhân viên. Theo Wang Zhikui, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Longmay, Tập đoàn đã bị thua lỗ nặng nề trong 8 tháng đầu năm nay, đang đóng cửa các mỏ khai thác than đá và bán đi tài sản để trang trải nợ nần.
Caterpillar, nhà sản xuất thiết bị công nghiệp nặng Mỹ, tạo ra 60% lợi nhuận trước thuế bên ngoài nước Mỹ, hầu hết ở các thị trường mới nổi. Nhưng nó đã phải đóng cửa 20 cơ sở sản xuất kể từ năm 2012 và cắt giảm 31.000 việc làm. Tháng 9 vừa qua, Caterpillar tuyên bố rằng năm 2016 có thể đánh dấu năm thứ 4 liên tiếp doanh số bán bị giảm – điều chưa từng có tiền lệ đối với tập đoàn này.
Một công ty sản xuất thiết bị khác là China National Erzhong Group đã không có khả năng trả lãi vào tháng 9 vừa qua sau khi một tòa án địa phương chấp nhận yêu cầu tái cấu trúc từ một trong những chủ nợ của nó.
Những trường hợp như vậy đang dự báo một viễn cảnh ảm đạm sắp tới. Năm nay đã xảy ra một số vụ vỡ nợ trái phiếu ngoại tệ của các doanh nghiệp thị trường mới nổi. Cụ thể là 16 vụ trong 8 tháng đầu năm, cao hơn cả tổng số vụ của năm 2014, theo Standard & Poor’s. Mức giảm lợi nhuận trên khắp châu Á đặc biệt nghiêm trọng khi nợ doanh nghiệp quá lớn đang làm gia tăng rủi ro về một “cuộc suy thoái bảng cân đối kế toán”. Theo đó, mức lãi trả nợ quá cao buộc các doanh nghiệp phải lo tiết kiệm thay vì chi tiêu hay đầu tư, từ đó khiến cho tăng trưởng chậm lại.
Andrew Polk, chuyên gia kinh tế cấp cao tại Conference Board ở Bắc Kinh, chứng kiến một cuộc suy thoái như vậy đang diễn ra tại Trung Quốc, đặc biệt là ở các nhà sản xuất quy mô nhỏ.
Viện Tài chính Quốc tế (IIF) cho biết nợ tại các doanh nghiệp không thuộc lĩnh vực tài chính đã tăng gấp 5 lần trong thập niên qua, trong đó châu Á, đặc biệt là Trung Quốc, chiếm phần lớn số này. Tính tổng cộng, theo ước tính của IIF, mức nợ đã lên tới 23.700 tỉ USD, tương đương 90% tổng GDP của các thị trường mới nổi.
“Tốc độ gia tăng nợ rất đáng kinh ngạc. Tất cả các nghiên cứu đều cho thấy tốc độ gia tăng nợ đóng vai trò chủ chốt trong chất lượng của món nợ đó và trong cuộc khủng hoảng xảy ra sau đó. Gánh nặng trả lãi đang đè lên vai các doanh nghiệp đi vay”, Hung Tran, Giám đốc Điều hành IIF, nhận xét.
Nợ doanh nghiệp tại các thị trường mới nổi châu Á tăng mạnh
Gánh nặng này cùng với vòng xoáy giảm phát, vốn làm giảm lợi nhuận/vốn đầu tư của doanh nghiệp, đã dẫn đến làn sóng rút ròng ra khỏi các thị trường mới nổi mà IIF ước tính có thể sẽ lên tới 540 tỉ USD năm nay. Theo đánh giá của giới chuyên gia, dù là các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài hay các nhà đầu tư danh mục (đầu tư vào cổ phiếu, trái phiếu…) thì họ đều không còn xem thị trường mới nổi, trong đó có châu Á, là một điểm đến hấp dẫn để rót tiền vào lúc này.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế tháng 9 vừa qua cũng đưa ra khuyến cáo, các doanh nghiệp nặng nợ sẽ càng lâm nguy nếu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và các ngân hàng trung ương khác siết chặt chính sách tiền tệ. FED dự kiến sẽ nâng lãi suất Mỹ vào cuối năm nay hoặc vào đầu năm 2016.
“Các thị trường mới nổi nên chuẩn bị cho làn sóng gia tăng các vụ vỡ nợ doanh nghiệp”, IMF khuyến cáo trong báo cáo mang tên Ổn định Tài chính Toàn cầu mới đây.
Theo Nhịp cầu đầu tư
Nguy cơ giảm phát đeo bám Trung Quốc
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Trung Quốc tăng chậm, trong khi chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) của nước này tiếp tục giảm, cho thấy nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới đang bị nguy cơ giảm phát đeo bám.
Một chợ thực phẩm ở Trung Quốc.
Hãng tin Bloomberg nhận định, khả năng giảm phát cho thấy Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) có dư địa để nới lỏng chính sách tiền tệ mạnh hơn nhằm hỗ trợ nền kinh tế đang giảm tốc.
Theo số liệu do Tổng cục Thống kê Trung Quốc công bố sáng 14/10, CPI của Trung Quốc tăng 1,6% trong tháng 9 so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn so với mức tăng 2% trong tháng 8 và mức dự báo tăng 1,8% của giới phân tích.
PPI của Trung Quốc giảm 5,9% trong tháng 9, đánh dấu tháng giảm thứ 43 liên tiếp, chuỗi tháng giảm dài nhất từ trước đến nay.
Với mức lạm phát tiêu dùng cách xa mục tiêu 3% mà Chính phủ Trung Quốc đề ra cho cả năm, Ngân hàng Trung ương nước này (PBoC) hoàn toàn có thể đẩy mạnh hoạt động cho vay của các ngân hàng thương mại sau khi đã hạ lãi suất 5 lần kể từ tháng 11 năm ngoái.
"Rõ ràng áp lực giá cả đang nghiêng về mặt giảm phát", chuyên gia kinh tế trưởng Xu Gao của công ty chứng khoán Everbright Securities ở Bắc Kinh nhận xét. "Với giá tiêu dùng tăng yếu, PBoC sẽ tiếp tục nới lỏng tín dụng".
Cũng theo ông Xu, nguyên nhân chính khiến CPI của Trung Quốc tăng yếu là giá thịt lợn và giá rau giảm.
Trong tháng 9, lạm phát giá thực phẩm của Trung Quốc là 2,7%, so với mức 3,7% trong tháng 8. Giá của các nhóm hàng ngoài thực phẩm tăng 1%. Giá hàng hóa tiêu dùng tăng 1,4%, còn giá dịch vụ tăng 2,1%.
Thời gian này, nhu cầu yếu đang gây sức ép giảm giá trên phạm vi toàn cầu. Theo số liệu công bố hôm qua, trong tháng 9, lạm phát của Anh đã rơi xuống ngưỡng âm lần thứ hai kể từ năm 1960.
Tại Mỹ, trong suốt 3 năm qua, lạm phát chưa khi nào vượt quá mục tiêu 2% mà Cục Dự trữ Liên bang nước này (FED) đề ra.
Giá cả đầu vào của các nhà máy ở Trung Quốc đã giảm 6,8% trong tháng 9 so với cùng kỳ năm ngoái, phản ánh sự đi xuống của giá hàng hóa cơ bản. Chỉ số giá nhà sản xuất của nhóm khai mỏ giảm 21,2%, của nhóm nguyên vật liệu thô giảm 11,4%.
Theo VnEconomy
Kinh tế Trung Quốc sẽ rơi vào 'vết xe đổ' Nhật Bản năm 1990? Ngay sau khi Cơ quan thống kê Trung Quốc đưa ra bảng báo cáo tăng trưởng GDP quý 2 của nước này là 7%, sản lượng công nghiệp là 6,8%, chỉ số bán lẻ đạt mức 10,6% thì thị trường chứng khoán Trung Quốc, vốn liên tục đi xuống trong nhiều ngày qua, cũng không thể khởi sắc hơn. Sau thời gian tăng...