Mùa đi vớt lúa
Nghe đài báo mấy hôm mưa lớn, mẹ lại gọi điện vào cho biết: “Bựa ni mưa to quá, lúa lại bị ngập hết rồi con ạ” khiến Ân trào nước mắt.
Lớn rồi đi làm ở xa, mùa mưa này không còn ai cùng mẹ và các em đi vớt lúa như công việc mà bao năm qua Ân vẫn làm. Sinh ra ở vùng đất miền Trung đầy nắng, gió, bão bùng, tuổi thơ anh gắn liền với những lần chạy nước lũ. Hầu như năm nào cũng vậy, cứ mùa mưa tháng 7, tháng 8 là nước lại ngập vào làng, những nhà cao thì nước chỉ qua đầu hè, còn nhà thấp nước tràn vào có khi ngập gần hết giường. Ngày còn nhỏ, mỗi mùa nước ngập bố mẹ phải cõng hai anh em sang trú tạm ở nhà bác Tư đầu làng rồi mới gọi nhau ra đồng xem lúa.
Tháng 4, nước về bởi những cơn mưa to bất chợt đầu hạ không đủ sức làm ngập vào nhà nhưng “quật đổ” hết cả ruộng lúa. Năm nào vào thời điểm này, sau cơn mưa là cả làng lại í ới gọi nhau đi vớt lúa bởi tất cả đều bị đổ rạp. Hai anh Ân ban đầu còn sợ sệt nhưng sau dần theo chân người lớn đi làm cũng thành quen, có khi còn tỏ ra thích thú bởi là dịp để lũ trẻ con trong làng đùa nghịch bì bõm trong nước. Người lớn lội đến gần ước hết cạp quần, dắt bên hông bó rơm to được cắt gọn kĩ càng rồi lần từng đọn lúa buộc dựng lên. Với những ruộng lúa đã ngả chín gặt được, bao giờ bố mẹ cũng mang theo chiếc thuyền nhỏ rồi cắt gọn để vào đó tránh lúa lên mộng không ăn được.
Video đang HOT
Ân nhớ đôi bàn tay lấm lem của thằng em An lần lần vớt lên từng đọn lúa rồi buộc túm gọn lại để anh đi sau chỉ việc cắt bỏ vào thuyền. Cứ thế cùng bố mẹ làm, hai anh em Ân có khi đi đến lúc trời tối mịt mới về. Khi ấy mệt nhoài, Ân chỉ còn biết lăn ra ngủ còn bố mẹ lại tỉ mẩn bỏ ra đừng bó lúa hong cho khô để không bị ẩm.
Năm nay, đầu hạ trời mưa như trút nước, Ân lại mường tượng ra trước mặt là cánh đồng ngập trắng rồi liền sau đó là những tiếng thở dài, những ánh mắt hau háu thèm khát trời hửng để lại ùa ra đồng vớt lúa. Với người dân quê anh,không nỗi lo nào bằng mỗi mùa đi vớt lúa bởi nếu làm không nhanh, lúa ẩm mọc mầm phải bỏ đi không dùng được. Ân nhớ cả giọt nước mắt của mẹ khi đứng trước cả ruộng lúa ngập trong nước bởi mẹ lo các con phải đói.
Lớn lên rồi, không còn theo mẹ đi vớt lúa mỗi vụ nước về nữa nhưng lần nào nghe dự báo thời tiết mưa lớn, trong lòng anh lại thấy rưng rưng, khóe mắt cay cay nhớ mẹ. Ở quê, mùa này mẹ lại bắt đầu đi vớt lúa và anh hiểu lí do vì sao lưng mẹ ngày một còng rạp xuống. Cậu em đang đi học ở xa, bất giác nó gọi điện cho anh thông báo: “Bựa ni quê mình trời lại mưa to quá anh ạ!” càng khiến trái tim An thêm se thắt.
Theo Dantri
Giấc mơ ngoại thành
Nửa đêm về sáng, chị giật mình tỉnh giấc. Ánh chớp lóe lên cùng tiếng sấm nổ ì ùng phía chân trời dội qua khung cửa sổ. Đêm qua trời oi bức, chị mở cửa cho thoáng rồi ngủ quên lúc nào không hay.
Căn phòng nhỏ cạnh khoảng vườn be bé ngập trong tiếng mưa trút mỗi lúc một nhanh trên mấy tàu lá chuối.vCả chục năm rồi chị mới lại được sống trong cảm giác này. Những ngày từng ở phố, chị sống giữa căn hộ tập thể xinh xinh, bé như hộp diêm, gần như kín cửa suốt ngày. Mùa đông kín mít đã đành, mùa hè cũng lại dò dẫm bịt từng khe hở để bật máy lạnh. Ngày cũng như đêm, chẳng mấy khi chị phân biệt được giờ giấc nếu ở trong nhà mà không nhìn đồng hồ. Từ ngày chuyển về ngoại thành sống, chị bỗng thích thú như tìm lại được một mảnh ký ức bị bỏ quên.
Tiếng sấm nổ làm thằng nhỏ giật mình. Nó quờ quạng chân tay, giọng ngái ngủ tìm mẹ. Giữa hai đợt mưa tuôn xối xả, thằng nhỏ chợt nhận ra tiếng chú chó con vừa rời ổ mẹ đang ăng ẳng như thở than vì ướt lạnh. Nhất định nó sẽ tự biết tìm chỗ trú thôi, bản năng sinh tồn của loài vật lúc nào cũng mạnh, chị nhủ thầm.
Chị và con thiếp đi từ lúc nào chẳng biết, rồi choàng tỉnh bởi mùi hoa cau lẫn với hương ngọc lan thoảng nhẹ mơn man khắp phòng. Ngôi nhà nhỏ mùa này lúc nào cũng tràn ngập những hương thơm ấy. Chúng thường dậy lên lúc sáng sớm và buổi chiều tối, khi mọi âm thanh và mùi vị ồn ã của một ngày tạm lắng, dành chỗ cho thanh thản, bình yên. Hồi mới chuyển về đây, chị cứ tưởng mình đang lãng mạn hóa cuộc sống, hóa ra không phải. Những hương thơm luôn đánh thức chị mỗi sáng. Nó tẩm ướp lòng chị thật dịu dàng, ngay cả những lúc nhọc mệt và chông chênh nhất.
Khu làng ngoại thành của chị bây giờ đã được ghi trong đơn vị hành chính là phường, nhưng trên thực tế, nó vẫn giữ được những nét lớn của một cái làng xưa cũ. Bước ra khỏi ngõ vẫn có khu vườn với mảnh đất nhỏ trồng rau ăn và bụi tre vừa làm hàng rào vừa dùng để phân tách ranh giới nhà nọ nhà kia. Đi xa hơn nữa là những khoảnh ruộng lúa chiêm đang độ thu hoạch. Người nông dân bây giờ không còn vác cày theo trâu ra đồng nữa. Xe máy chạy bon bon, họ ra đồng cùng điện thoại với đủ thứ máy móc đã sẵn sàng ngoài đó. Những buổi chiều, chị dắt con ra bãi đê sông Hồng chơi. Thằng bé náo nức được sải chân dọc theo các triền đê thoai thoải đầy nắng, gió. Có lẽ, nó sẽ là một trong số ít những trẻ em thời nay còn được chơi chọi cỏ gà, trò giải trí phổ thông nhất với đám trẻ con cách nay đã vài thập kỷ.
Nhịp sống ngoại thành bù đắp cho chị thật nhiều xúc cảm. Tránh xa cái ồn ã buộc phải nhập vào của cuộc mưu sinh, chị vẫn tìm được cho mình góc bình yên, thanh thản bên ngoài phố xá. Và trong những giấc mơ ngoại thành, chị tìm lại được mảnh ký ức gần gũi của tâm hồn, tìm lại những tháng năm từng nuôi nấng tuổi thơ, tìm lại chính mình để vẫn là mình giữa nhịp sống hối hả đầy nhọc nhằn trong ngày mới.
Theo Dantri
23 năm sống khốn khổ cùng "nước đỏ" "Nước đỏ" là cách nói vắn tắt quen thuộc của nhân dân hai xóm Quang Hưng và Bản Còn thuộc xã Châu Quang, huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) để nói vê thứ nước bùn đỏ quạch được các tổ hợp khai thác khoáng sản thải ra trên đầu nguồn. Khai thác khoáng sản ở đầu nguồn khe Nậm Tôn tạo ra nước đỏ...