Mua đất rừng của dân để bảo tồn loài voọc chà vá chân xám
Trước tình trạng đàn voọc chà vá chân xám có nguy cơ tuyệt chủng, tỉnh Quảng Nam lên phương án mua đất rừng của người dân để mở rộng sinh cảnh sống và trồng các loại cây bản địa để mở rộng vùng sống cho đàn voọc.
Ngày 9/8, ông Lê Trí Thanh – Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam cùng đoàn công tác của tỉnh đã có chuyến đi thực địa tại khu vực sống của đàn voọc chà vá chân xám ở núi Hòn Dồ ( xã Tam Mỹ Tây, huyện Núi Thành, Quảng Nam).
Ông Lê Trí Thanh thị sát khu vực sống của đàn voọc
Sau hơn 1 giờ đồng hồ băng rừng, đoàn công tác tới khu vực núi Hòn Dồ, nơi đàn voọc chà vá chân xám đang sinh sống. Theo ghi nhận thực tế ở khu vực này có 3 cá thể voọc đang kiếm ăn trên những ngọn cây.
Theo lực lượng kiểm lâm địa phương, quần thể voọc chà vá chân xám tại khu vực núi Hòn Dồ có khoảng 20 cá thể với ít nhất 2 đàn voọc. Chúng sống trong tổng diện tích rừng tự nhiên khoảng hơn 10ha, đây là một khu rừng rất nhỏ để có thể duy trì đàn voọc.
Sau khi đi thị sát, ông Lê Trí Thanh đã có buổi làm việc với các đơn vị chức năng để nghe những giải pháp bảo vệ đàn voọc. Theo ông Thanh, đàn voọc chà vá chân xám sống ở khu vực núi Hòn Dồ trong phạm vi quá nhỏ, được bao quanh và bị chia cắt bởi các rừng keo, nương rẫy của người dân nên việc phát triển, sinh trưởng của đàn voọc bị chia cắt, ảnh hưởng đến môi trường sống.
Voọc chà vá chân xám ở khu vực Hòn Dồ có khoảng 20 cá thể
Video đang HOT
Ông Lê Trí Thanh cho rằng, muốn bảo vệ và phát triển đàn voọc cần tuyên truyền cho người dân hiểu về sự nguy cấp của loại linh trưởng này. Ngoài ra, cần tăng cường các đội, nhóm bảo vệ đàn voọc để không còn tình trạng săn bắn của người dân ở vùng khác đến.
“Đàn voọc bị chia cắt môi trường sống bởi rừng sản xuất của người dân nên tỉnh lên phương án mua rừng sản xuất của người dân bao quanh khu vực núi Hòn Dồ để đảm bảo quần thể sống của đàn voọc rộng hơn. Bên cạnh đó, tỉnh cũng trồng lại rừng, vừa giúp việc di chuyển và đảm bảo thức ăn cho đàn voọc”, ông Thanh nói.
Voọc chà vá chân xám nằm trong danh sách các loài cực kỳ nguy cấp trong sách đỏ của IUCN và là một trong 25 loài linh trưởng bị đe dọa nhất thế giới.
Voọc chà vá chân xám có tên khoa học là Pygathrix cinerea, đây loài đặc hữu của Việt Nam, phân bổ ở khu vực trung Trường Sơn, trên địa bàn năm tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Kon Tum và Gia Lai.
Năm 2016, Tổ chức Động thực vật hoang dã quốc tế Fauna & Flora International đã công bố việc phát hiện quần thể 500 cá thể chà vá chân xám và nâng tổng số lượng loài này lên 1.000 cá thể.
C.Bính
Theo Dantri
Giao địa phương quản lý rừng để hạn chế lâm tặc?
Sau hàng loạt vụ phá rừng gây xôn xao dư luận cả nước gần đây, ngày 10/4, tỉnh Quảng Nam đã có buổi làm việc với Sở NN-PTNT, Chi cục Kiểm lâm tỉnh cùng lãnh đạo huyện Nam Giang, Phước Sơn để thực hiện cải tổ bộ máy quản lý, bảo vệ rừng từ cấp cơ sở.
Theo lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, việc quản lý, bảo vệ rừng sẽ phân cấp mạnh về địa phương cấp huyện, quy rõ trách nhiệm của Chủ tịch UBND huyện về việc quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn.
Ông Lê Trí Thanh thị sát tại khu rừng phòng hộ Sông Kông (huyện Đông Giang) bị hạ sát
Ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam cho biết, tại cuộc họp đã thống nhất giao Sở NN-PTNT tỉnh xây dựng đề án kiện toàn, tổ chức lại bộ máy kiểm lâm, Ban quản lý rừng. Trước mắt, sẽ áp dụng thí điểm tại huyện Nam Giang từ tháng 5/2018 để rút kinh nghiệm, triển khai trên địa bàn toàn tỉnh từ đầu năm 2019.
Theo đề án này thì việc quản lý, bảo vệ rừng sẽ phân cấp mạnh về địa phương cấp huyện, quy rõ trách nhiệm của Chủ tịch UBND huyện về việc quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn.
Điểm đáng chú ý là sắp xếp, tách Hạt Kiểm lâm thuộc Ban quản lý rừng giao về cho địa phương quản lý; như hiện nay Giám đốc Ban quản lý rừng kiêm luôn Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm của Ban quản lý rừng.
Bên cạnh đó, mỗi huyện sẽ có một Hạt kiểm lâm chịu trách nhiệm toàn diện thực thi pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn huyện và nằm trong hệ thống ngành dọc, chịu sự quản lý của Chi cục Kiểm lâm tỉnh. Các Ban quản lý rừng sẽ thuộc UBND huyện quản lý và là một đơn vị sự nghiệp về quản lý, chăm sóc, bảo vệ rừng.
Rừng lim xanh ở huyện Nam Giang bị lâm tặc hạ sát
Thực tế hiện nay, tỉnh Quảng Nam có 170 xã, song chỉ có 70 cán bộ kiểm lâm phụ trách xã. Trong thời gian tới, tỉnh Quảng Nam sẽ tăng cường ít nhất một xã có một kiểm lâm địa bàn, một số xã có rừng nhiều có thể có 2-3 kiểm lâm địa bàn. Số kiểm lâm địa bàn này chịu sự quản lý, chỉ huy trực tiếp của Chủ tịch UBND xã.
Theo ông Lê Trí Thanh, việc giao khoán rừng sẽ được triển khai đến cộng đồng thôn. Từ thôn sẽ thành lập các Đội quản lý rừng, tuyển chọn những thanh niên đủ sức khỏe, đủ điều kiện theo quy định để thực hiện tuần tra, bảo vệ rừng và được hưởng chế độ cao.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam cũng đã giao Chi cục Kiểm lâm tỉnh rà soát, thống kê số kiểm lâm già yếu để có sự chuyển đổi phù hợp. Đối với các kiểm lâm lớn tuổi thì chuyển về địa bàn đồng bằng, còn kiểm lâm sức khỏe yếu sẽ khuyến khích nghỉ hưu sớm theo chế độ hiện hành.
Ông Lê Trí Thanh nhấn mạnh: "Tỉnh Quảng Nam đã và đang thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt nhằm chấn chỉnh lại đội ngũ quản lý, bảo vệ rừng từ cấp cơ sở. Qua đó, mong rằng sẽ kiểm soát được tình trạng phá rừng tự nhiên như hiện nay".
Được biết, trước đây tiền chi trả dịch vụ rừng do các nhà máy thủy điện đóng góp nộp vào Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng của tỉnh, sau đó chuyển về các ban quản lý rừng để cấp tới người dân. Quy trình này được thay đổi lại, UBND các huyện miền núi sẽ ứng kinh phí để cấp về các xã, thực hiện chi trả tiền dịch vụ rừng cho những đội quản lý, bảo vệ rừng. Khi Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng nhận tiền từ các nhà máy thủy điện sẽ cấp lại cho UBND các huyện miền núi.
UBND tỉnh Quảng Nam cũng cho rằng, mặc dù thực tế Chính phủ yêu cầu đóng cửa rừng tự nhiên nhưng người dân miền núi vẫn có nhu cầu lấy gỗ để xây mới hoặc sửa chữa nhà. Nếu cấm tuyệt đối việc khai thác gỗ rừng tự nhiên là rất khó, không phù hợp với thực tiễn, đẩy người dân địa phương thành những người đi phá rừng, thành đối tượng phải bị xử lý hình sự.
Vì vậy, tỉnh Quảng Nam kiến nghị Chính phủ cần có giải pháp tháo gỡ thực tế này, để chính quyền địa phương có sơ sở kiểm soát chặt chẽ việc khai thác gỗ tự nhiên của người dân bản địa ở miền núi để làm nhà.
C.Bính
Theo Dantri
Vụ tàn phá rừng phòng hộ: Nhiều lực lượng mà không giữ được rừng! Sau khi thị sát khu vực phá rừng phòng hộ, Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam chua xót: "Cứ mỗi lần nhìn cây rừng như thế này ngã xuống, tôi có cảm giác như máu mình đổ xuống". Ông than, có nhiều lực lượng cùng tham gia mà không giữ được rừng. Sáng 30/3, ông Lê Trí Thanh - Phó Chủ tịch tỉnh...