Mua dao, súng giết người được giao hàng tận nơi
Những loại mã tấu, dao, kiếm… không chỉ được bán công khai tại các khu chợ ở TPHCM mà ngay cả việc sở hữu một khẩu K59 cũng không khó với dân có tiền.
Mua hàng nóng trên đường Nguyễn Kiệm, Gò Vấp. Ảnh: T.N.
Thậm chí, nếu cần chỉ một cuộc điện thoại, “hàng nóng” sẽ được giao tận nhà. “Muốn là giang hồ phải có “bùa” (dao, kiếm, mã tấu) trong người. Có “bùa” thì không nhóm nào dám động vào mình. Muốn có bùa thì ra chợ Dân Sinh, quận 1 mà mua”- Hùng “còi”, một giang hồ mới nổi ở khu nghĩa địa Bình Hưng Hòa, quận Tân Phú mách nước cho tôi khi muốn tham gia vào nhóm của Hùng.
“Hàng” bán khắp nơi
Theo lời Hùng, sáng 15/12, tôi tìm đến chợ Dân Sinh trên đường Nguyễn Thái Bình, quận 1 hỏi mua dao bấm và mã tấu.
Tại cửa hàng Nam Chiến, tôi thận trọng hỏi dò người đàn ông khoảng 50 tuổi “ở đây bán dao bấm cũ không”.
Ông chủ cửa hàng lặng lẽ lấy trong hộp sắt cất kĩ trong đám đồ cũ ra đưa cho tôi 3 dao bấm còn khá mới rồi giới thiệu: “Hàng mới của Trung Quốc, còn lưỡi lê hay dao của ngụy (lính Việt Nam cộng hòa-PV) vừa hết hàng, tuần sau sẽ có”.
Lấy 3 con dao dài 20cm được bọc trong túi da đen, chủ cửa hàng nói “dao bấm đa năng rất sắc bén”. 3 con dao có nhiều tác dụng khác nhau, còn có cả đèn pin và quẹt lửa…, giá mỗi con 200 nghìn đồng.
Hoa “thọt” đang cầm khẩu K59 và ra giá. Ảnh: T.N
“Trước dao bấm được bán thoải mái nhưng giờ quản lý chợ cấm bán, bọn em bán trộm vì sợ mấy ổng biết bắt thu rồi phạt nữa, anh mua thì mua mau mau không mấy ông thấy”- cô gái tại cửa hàng Hoa Biên ở chợ Dân Sinh nói.
Tại chợ đồ cũ trên đường Nguyễn Kiệm, quận Gò Vấp, mặt hàng dao kiếm được bày bán tự do. “Dao bấm, mã tấu, kiếm… loại nào cũng có”- anh Toàn bán dạo ở chợ đồ cũ Nguyễn Kiệm mời chào.
Do không thích mấy loại dao nơi đây, tôi hỏi Toàn có nơi nào bán kiếm nữa không, người này cho biết: “Cái đó dễ thôi, huynh kiếm một thằng mài dao kéo nào đó, đặt nó làm rồi vài ngày lấy”.
Sau khi cho tôi số điện thoại một người tên Đức, chuyên mài dao kéo tại khu Bình Hưng Hòa, tôi gọi Đức hỏi về đặt hai thanh kiếm. “Cũng được. Chỗ quen biết thì tao lấy 600 ngàn một cặp, được thì tao làm”- người mài dao kéo tên Đức mặc cả.
Video đang HOT
Tôi đồng ý và chỉ 3 hôm sau ông Đức mang cặp phớ dài 50cm tới. Hùng còi cho tôi biết, tất cả dân lang thang ở đây đều đặt hàng của “lão” Đức. Giá cũng rẻ mà lại chỗ quen biết, lâu lâu có mài lại thì lão mài miễn phí cho.
Không chỉ dao, phớ dễ mua mà ngay cả kiếm Nhật, đả đao cũng mua dễ. Thấy “Hiệp sĩ chim lợn”- một nickname rao bán kiếm nhật trên mạng, tôi gọi điện hỏi mua, người này cho biết gian hàng của mình có 20 mặt hàng nhưng chủ yếu là kiếm Nhật các loại dài từ 80cm đến 1,2m.
Ngoài ra còn đao, phớ lưỡi lê, roi điện… Người này dặn: “nếu mua cứ chọn mẫu mình sẽ đem đến tận nhà giao hàng“. Chọn được cặp kiếm Nhật loại 1,1m giá 4 triệu/ cặp và 1 thanh đả đao giá 1,8 triệu đồng tôi hẹn thì được người này thông báo sẽ giao mang tới nhà.
Đúng hẹn 3h chiều, người thanh niên mang 2 thanh kiếm và một thanh đao đến. “Nói là kiếm Nhật nhưng thực ra hàng tụi em nhập về đều từ Trung Quốc”- người giao hàng nói. Tuy nhiên, theo người này những loại kiếm này bán rất chạy không chỉ ở TPHCM mà cả Bình Dương và Đồng Nai.
Giao súng tận nhà
“Bỏ hơn 4 triệu ra mua hai thanh kiếm hả. Chú mày có vấn đề rồi, giá đó anh giới thiệu chú mày mua được 3 khẩu súng điện loại bắn ngất hay tậu được hẳn một khẩu K54 với 20 viên đạn”- Hưng, 46 tuổi, chuyên nhập khẩu hàng thời trang quần áo lót trên đường Âu Cơ, quận Tân Bình nói với tôi.
Hưng cho biết nếu cần súng K54 hay K59, anh ta sẽ giới thiệu đến một cô gái sống tại Lào nhưng thường xuyên về Sài Gòn.
“Hiệp sĩ chim lợn” giới thiệu thanh kiếm Nhật. Ảnh: L.N
Loại súng điện mà Hưng giới thiệu là loại súng bắn ngất, bắn được với cự ly chục mét, có viên đạn to như bao diêm. Khi bắn, đạn chạm vào người sẽ phóng ra một luồng điện và kết quả là người trúng đạn sẽ ngất ngay lập tức. Sau khi giới thiệu Hưng liền gọi điện cho ai đó hỏi còn hàng không, bên kia trả lời hết hàng rồi, tuần sau mới có.
“Thằng bán hàng này ở đường 3/2, quận 10. Hàng Trung Quốc thôi nhưng nó bán đắt như tôm tươi, anh hay lấy cho anh em bạn bè chỗ nó và anh cũng có 1 cây. Mỗi khẩu súng nó bán đều đi kèm với 3 viên đạn, một xạc điện, nhưng nếu muốn mua thêm đạn thì bỏ thêm 150 nghìn đồng/viên”-Hưng cho biết.
Tôi tỏ vẻ thất vọng và hỏi xin số của cô gái bên Lào mà Hưng giới thiệu để hỏi đặt hàng. Người phụ nữ mà Hưng giới thiệu tên Hoa, gọi là Hoa “thọt” quê Long An nhưng qua Lào sống làm việc 8 năm nay.
Hoa thường về Sài Gòn khi có ai đó đặt hàng súng, đồ kích dục… “Anh muốn lấy loại nào, K54 giá 5,5 triệu bao thêm 20 viên đạn, K59 đắt hơn giá 8,5 triệu cũng bao 20 viên đạn. Hàng của mình là hàng nhập từ Thái, nếu lấy 3 ngày nữa mình về sẽ mang về”- Hoa hẹn.
Đúng hẹn 3 hôm sau, Hoa đã mang khẩu K54 về cho tôi và hẹn tôi tại một căn nhà nhỏ trong con hẻm ở khu chợ Cầu, quận 12 xem hàng. Sau một hồi ngồi nói chuyện bình thường nghe ngóng có ai theo không, Hoa đưa tôi vào nhà vệ sinh coi hàng.
“Em không chuyên về mấy loại này, nhưng có ai nhờ thì lấy về thôi, hàng nhập từ Thái qua Lào chứ không dám đi qua Campuchia, đi qua đó bị tóm ngay”- Hoa cho biết.
“Chị mang hàng này về không sợ bị bắt hả” – tôi hỏi. “Bắt thì ai cũng sợ nhưng khó bắt lắm, vì em có mấy khi về một mình đâu anh, lại không đi qua đường chính mà đi đường bí mật”- Hoa cười trả lời.
Sau một hồi coi hàng, tôi từ chối mua với lý do hàng bị kẹt nòng và không ưng ý, Hoa liền chửi tục rồi phán: “Ông mua bán kiểu này ai dám bán cho ông, không mua thì thôi, thiếu gì thằng đang cần hàng này, không lấy thì trả 100 ngàn tiền coi hàng đi cha”.
Qua một người giới thiệu, tôi gọi điện cho H., một trùm bán súng Airsoft colt. Hỏi mua hàng, H., giới thiệu: “Em mới nhập về mấy con súng Airsoft do Nhật sản xuất, sử dụng gas, tự động lên đạn có thể xài đạn nhựa, thủy tinh và bi sắt. Cầm chắc và nặng tay cảm giác như thật”.
Khi hỏi độ sát thương, H. khoe: “Nếu anh dùng đạn bi sắt thì cách 3-5m nã vào đầu cũng có thằng tiêu”.
Hỏi giá của loại súng này, Hùng bảo 3 triệu đồng/cây. Khi tôi liên hệ số điện thoại 01645422… giọng một thanh niên cho biết đang cần bán khẩu K59 cùng hộp tiếp đạn còn 5 viên. Người này nói đang ở Hà Nội và bán với giá 3 triệu đồng.
Theo xahoi
Áo giáp chống đạn: Mua chui, bán lủi nhưng không khó kiếm
Mặc dù quân trang, quân phục và các công cụ hỗ trợ của lực lượng Công an, Quân đội bị Nhà nước cấm lưu thông trên thị trường, nhưng những loại áo giáp chống đạn được coi là "hàng cấm", "hàng nóng" này vẫn được rao bán ngầm trên thị trường và "qua mặt" cơ quan chức năng...
Rao công khai, bán rụt rè
Đường Lê Duẩn được xem là "chợ cảnh phục" sôi động nhất của Hà Nội. Tại chợ, đồ cảnh phục và các công cụ hỗ trợ được bán công khai. Phải nói là không hiếm, không khó mua, chỉ cần "gãi đúng chỗ ngứa" của chủ cửa hàng thì bất cứ ai cũng có thể tậu được một bộ cảnh phục chỉnh tề.
Thấy tôi và anh bạn vừa tấp vào lề đường, hàng loạt lời mời chào tíu tít từ những người bán hàng tại "chợ cảnh phục". Bà L. (chủ một ki-ốt trên đường Lê Duẩn) đon đả: "Mua gì em, muốn mua thứ gì cũng có. Hàng xịn tôi cũng có...". Nghe bà chủ ki - ốt quảng cáo có hàng "xịn", tôi mắt tròn mắt dẹt, cứ ngỡ ở đây chỉ bán đồ nhái. Tôi hỏi: "Xịn thật không?". Thấy chúng tôi có vẻ hoài nghi, bà chủ ki-ốt nói nhỏ: "Các chú mua đi, đồ xịn, cứ yên tâm. Tôi mua sao bán vậy, chỉ kiếm ít công thôi chứ cũng không muốn giữ lâu". Bà L. còn bảo: "Hàng dạo này khan hiếm lắm các chú ạ!".
Tuy nhiên, khi chúng tôi nói rằng muốn mua áo giáp chống đạn, áo giáp chống dao đâm- công cụ hỗ trợ, bà L. khẽ lắc đầu: "ối dào, hàng đó chỉ có trên mạng hoặc các công ty được Nhà nước cấp phép thôi!"
Sau một hồi lân la tại các ki-ốt bán đồ cảnh phục, tôi đóng vai khách có nhu cầu mua áo giáp và được một chủ ki-ốt khác trên đường Lê Duẩn cho biết: "Những đồ khác (cảnh phục, dùi cui...) thì chị có đủ loại. Hàng đó thì chị không nhập".
Một loại áo giáp được rao bán trên mạng.
Theo tìm hiểu của PV, những công cụ hỗ trợ, đồ dùng của lực lượng Công an, Quân đội - "hàng nóng", phần lớn các chủ hàng đều không bày bán công khai mà cất giấu trong kho. Việc mua bán áo giáp chống đạn, chống dao đâm được rao công khai trên mạng nhưng lại được "mua chui, bán lủi".
Anh Nguyễn Thế Phong- chủ doanh nghiệp vệ sỹ tại Hà Nội cho biết, công ty anh phải nhập công cụ hỗ trợ theo ký kết với doanh nghiệp có giấy phép kinh doanh, mọi tiêu chuẩn do Phòng Quản lý hành chính trật tự xã hội (PC64) phê duyệt.
Theo kinh nghiệm của anh Phong, phần lớn những mặt hàng được rao bán trên mạng, trên thị trường đều là hàng nhái, hàng rởm. Nhiều dân buôn sang vùng giáp biên Trung Quốc hay lên chợ phiên thị trấn Pò Chài (Lào Cai) đánh hàng công cụ hỗ trợ về bán, nhưng hàng ở đấy 100% là hàng nhái.
Anh Phong bảo rằng, các cơ quan chức năng Trung Quốc làm gắt nên những mặt hàng công cụ hỗ trợ, áo giáp gần đây không còn được bán công khai nữa. Anh này cũng cho biết, theo kênh thông tin mà anh nắm được, các loại công cụ hỗ trợ hiện nay được đưa qua đường tiểu ngạch từ Campuchia vào Việt Nam.
Cũng theo anh Phong, với kinh nghiệm 10 năm trong nghề vệ sĩ, anh tìm hiểu rất kỹ về các mặt hàng công cụ hỗ trợ. Mặt hàng quân trang, quân phục của lực lượng Công an, Quân đội, công cụ hỗ trợ... là hàng cấm bán ra thị trường. Trang phục của công an, công cụ hỗ trợ phải do một đơn vị chuyên sản xuất, có ký hiệu cụ thể còn những hàng bán trên thị trường là hàng nhái. Điều quan trọng là các cơ quan chức năng phải kiểm tra xem mức độ làm nhái đến đâu, từ màu sắc, kiểu dáng và các công cụ hỗ trợ được sản xuất bằng vật liệu gì mới xử lý nghiêm các đơn vị, cá nhân vi phạm.
Dân buôn lập kho để tích trữ hàng cấm
Trao đổi với PV, thượng tá Đỗ Văn Hồng- PC47 (Công an tỉnh Hà Nam) cho biết, trang phục cho lực lượng công an nhân dân (hay nhiều người còn gọi là cảnh phục) và các công cụ hỗ trợ của lực lượng công an do ngành quản lý và sản xuất là hàng cấm lưu thông trên thị trường. Áo giáp chống đạn thuộc danh mục công cụ hỗ trợ.
Tuy nhiên, trên thị trường đã xuất hiện hàng nhái, hàng giả trông giống về kiểu dáng và màu sắc của hàng "xịn" nhưng chắc chắn không phải do cơ sở sản xuất của ngành cung cấp. Vì trang phục của công an là hàng cấm, không bán ra ngoài thị trường. Về công cụ hỗ trợ, có những đơn vị, tổ chức ngoài lực lượng công an được dùng nhưng đều phải có giấy phép.
Thượng tá Nguyễn Văn Hồng cũng cho biết, áo giáp chống đạn là "hàng nóng" và được trang bị theo đúng quy định của Bộ Công an. Cả phòng PC47 cũng chỉ được sắm số ít áo giáp, mà chủ yếu là áo sản xuất trong nước. Trong khi đó, các đối tượng phạm tội lại trang bị áo giáp chống đạn và vũ khí hiện đại. Mới đây, Phòng PC47 đã triệt phá một vụ án và thu giữ được 2 chiếc áo giáp chống đạn của Mỹ (giá 1.000- 1.500 USD/chiếc).
Lực lượng chức năng kiểm tra và thu giữ tang vật vi phạm trên phố Lê Duẩn.
Từ năm 2009 đến nay, các cơ quan chức năng đã phát hiện và thu giữ nhiều kho hàng liên quan đến các công cụ hỗ trợ, đặc biệt áo giáp chống đạn, dùi cui... Mới đây, Đội Quản lý Thị trường quận Tân Phú và Đội cảnh sát điều tra về tội phạm kinh tế và chức vụ - Công an quận Tân Phú (TP.HCM) đã tiến hành kiểm tra hành chính đột xuất 2 kho hàng tại phường Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú.
Kết quả: Tại một kho hàng vắng chủ lực lượng chức năng đã phát hiện 1 máy phá sóng điện thoại và một số quân trang phục vụ cho ngành công an và quân đội. Lực lượng kiểm tra cũng phát hiện một kho hàng khác tàng trữ trái phép số lượng lớn quân trang phục vụ cho ngành công an và quân đội và một số công cụ hỗ trợ: áo giáp chống đạn K54, K59, nón kêpi, dùi cui, lá chắn có chữ police để chống bạo động, nón của cảnh sát cơ động, cảnh sát 113, giày ủng trang bị cho công tác chiến đấu, các miếng dán dạ quang in chữ CSGT (cảnh sát giao thông), CSTT (cảnh sát trật tự) và một số tăng bạt rằn ri và mô hình dụng cụ khác. Theo qui định của pháp luật thì đây là những mặt hàng đặc biệt, chỉ những đơn vị có giấy phép mới được phép sản xuất, kinh doanh mặt hàng này.
Theo tìm hiểu của PV, những mặt hàng cảnh phục, công cụ hỗ trợ do cảnh sát kinh tế kiểm tra, giám sát. Nếu phát hiện những mặt hàng được bày bán, rao bán thì phải thu hồi, tiêu huỷ và xử phạt theo đúng quy định về hàng nhái, hàng giả.
Xung quanh việc công khai rao bán cảnh phục và công cụ hỗ trợ trên mạng, luật sư Nguyễn Hồng Lĩnh, Giám đốc Công ty TNHH Luật An Biên, cho biết: "Nghị định 59/2006/CP của Chính phủ quy định quân trang, trang phục, công cụ hỗ trợ... thuộc lực lượng Công an và Quân đội là mặt hàng Nhà nước cấm lưu thông trên thị trường. Tuy nhiên, nhiều cửa hàng vẫn công khai bán, rao bán trên mạng tức là "phớt lờ" pháp luật. Theo quy định chỉ có lực lượng Quân đội nhân dân dân Dân quân tự vệ Ban, Đội bảo vệ chuyên trách của một số cơ quan, tổ chức nhà nước Ban bảo vệ dân phố hoặc tổ chức bảo vệ an ninh trật tự ở xã phường... mới được mua, sử dụng công cụ hỗ trợ. Tuy nhiên, để được mua các công cụ hỗ trợ, các đơn vị này phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt (xin giấy phép, đăng ký sử dụng, mua ở đơn vị quy định...). Luật đã cấm thì đương nhiên những người mua, bán cảnh phục, công cụ hỗ trợ là vi phạm luật và phải bị xử lý.
Sử dụng áo giáp chống đạn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự Điều 36, Pháp lệnh Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quy định về xử lý vi phạm: Trường hợp có căn cứ để cho rằng trong người hoặc trên phương tiện đang giấu, cất giữ vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trái phép thì các lực lượng chức năng đang thi hành công vụ phải kiểm tra, kiểm soát, thu giữ, tạm giữ người, phương tiện để xử lý theo quy định của pháp luật. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm các quy định của Pháp lệnh này và các quy định khác của pháp luật có liên quan về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường cá nhân vi phạm còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Theo Nguoiduatin
Chợ 'hàng nóng' ở TP HCM Những loại mã tấu, dao, kiếm... không chỉ được bán công khai tại chợ ở TP HCM mà ngay cả việc sở hữu khẩu K59 cũng không khó với dân có tiền. Nếu cần chỉ một cuộc điện thoại, "hàng nóng" sẽ được giao tận nhà. "Muốn là giang hồ phải có bùa (dao, kiếm, mã tấu) trong người. Có bùa thì không...