Mùa cá cháo
Vùng biển huyện Nghi Xuân, Lộc Hà, đang vào mùa cá cháo, nhiều ngư dân đánh bắt được 20-50 kg mỗi ngày, thu tiền triệu.
Cá cháo (còn gọi là cá khoai) thân mềm, sống cách bờ 3-10 hải lý, ở độ sâu 20-60 m. Trước kia, cá chỉ đánh bắt về làm thức ăn cho gia súc, gia cầm. 10 năm gần đây, loài này được thị trường ưa chuộng, thương lái thu mua nhập cho nhà hàng, khách sạn, quán ăn.
Giữa tháng 1, tại vùng biển giáp ranh giữa xã Cương Gián (huyện Nghi Xuân) và xã Thịnh Lộc (huyện Lộc Hà), hàng chục tàu thuyền gỗ công suất 6-24 CV từ ngoài khơi cập bờ với khoang đầy ắp cá cháo.
Ngư dân sau đó vận chuyển ngư cự cùng xô và chậu nhựa đựng cá cháo đưa lên bờ gỡ lưới lấy cá ra, sau đó bày bán dọc hai bên đường ven biển đoạn qua xã Cương Gián (Nghi Xuân) và Thịnh Lộc (Lộc Hà).
Từng nhóm ngư dân tập trung gỡ các cháo mắc lưới bỏ vào rổ, xô nhựa.
Khi rổ và xô nhựa đầy, họ đổ cá vào chậu nhôm rồi dội nước rửa sạch.
Lưới bắt cá là lưới loại hai, mắt lưới 2-4 cm.
“Hôm nào may mắn bủa lưới trúng luồng cá lớn, có thể thu về gần 100 kg trong một buổi. Hai tháng qua, trung bình mỗi hôm tôi ra khơi khoảng 4-5 tiếng, một thuyền gồm ba lao động bắt được 20-50 kg cá cháo”, anh Lê Doãn Thành, 34 tuổi, trú xã Thịnh Lộc, huyện Lộc Hà, cho biết.
“Đây là loại hải sản khó bảo quản, nên khi gỡ lưới và phân loại phải cẩn thận, nhẹ nhàng, nếu không cá sẽ bị nát không thể dùng hoặc bị ép giá”, bà Nguyễn Thị Ngọc, 65 tuổi, trú huyện Nghi Xuân, nói.
Cá cháo bán 70.000-100.000 đồng mỗi kg. Nhiều người đi đường khi lái xe qua đây thường dừng xuống tranh nhau trả giá để mua cá.
Ông Nguyễn Văn Thịnh, 52 tuổi, trú huyện Lộc Hà, sau 3 phút trả giá đã mua được 3 kg cá cháo với giá 70.000 đồng một kg. Ông đem túi nylon đựng cá, treo trên xe máy để đưa về cho vợ làm ruột, rửa sạch nấu ăn.
Cá cháo có thể chế biến nhiều món như nấu canh rau cải với ớt cay, kho rau răm, làm lẩu…
Tranh thủ lúc chồng gỡ cá mắc lưới, bà Nguyễn Thị Hồng, 50 tuổi, ở huyện Nghi Xuân tính tiền lời từ việc bán cá chao sau một ngày làm việc.
Theo bà Hồng, dịp này trung bình mỗi lần ra khơi, một tàu thu gần 2 triệu đồng sau khi trừ hết các chi phí như nhân công, nhiên liệu, khấu hao ngư cụ. Một số gia đình đông người sắm 2-3 thuyền, ra khơi một ngày hai lần, hôm nào may mắn trúng đậm cá cháo có thể thu lời hàng chục triệu đồng.
Chiều muộn, ngư dân cuốn lưới lại, sau đó vận chuyển lên thuyền để chuẩn bị cho buổi ra khơi mới.
Ngư dân Hà Tĩnh thu hoạch và bán cá cháo. Video: Hùng Lê
Cần sớm nâng cấp đê chắn lũ sông Én tại Lộc Hà
Khoảng hơn 500m đoạn đê đất chắn lũ đoạn qua thôn Bắc Kinh, xã Ích Hậu, huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) đang bị sạt lở, xuống cấp rất nghiêm trọng, cần sớm được đầu tư nâng cấp.
Mặt đê ngăn lũ sông Én đoạn qua thôn Bắc Kinh có những nơi chỉ còn khoảng 50 cm.
Đây là công trình xung yếu, nối từ đê Tả Nghèn đến trạm bơm Phù Ích - Bắc Kinh của xã Ích Hậu, có tác dụng ngăn lũ từ sông Én tràn làng mạc và đồng ruộng của thôn Bắc Kinh cũng như các vùng lân cận.
Theo phản ánh của người dân nơi đây thì đoạn đê này đã có từ rất lâu nhưng đã nhiều năm không được nâng cấp, lần gia cố tạm gần đây nhất cũng đã 6 năm và nay bị sạt lở nghiêm trọng.
Cán bộ thôn Bắc Kinh đi kiểm tra những điểm dễ bị tác động, rò rỉ trong đợt lụt vừa rồi...
Thực tế cũng cho thấy, đoạn đê đất dài khoảng 500m này đã bị xuống cấp, nhiều đoạn bị nước khoét sâu khiến thân đê chỉ còn khoảng hơn 1m, bề rộng mặt đê chỉ còn 50 cm và bùn đất nhão nhoét.
Đoạn cao nhất của thân đê so với mặt ruộng chỉ chừng 60 cm, đoạn thấp nhất chỉ 20 - 30 cm. Nếu bình thường, đê cao hơn mực nước phía ngoài sông Én khoảng 1,3m nhưng tại thời điểm này chỉ cao hơn khoảng 70 cm.
Bí thư kiêm Trưởng thôn Bắc Kinh Lê Viết Chiến mô tả mực nước lũ tràn qua đê của đợt lụt cách đây 20 ngày.
Theo ông Lê Thanh Toán (thôn Bắc Kinh): "Khi xẩy ra mưa lớn, toàn bộ nước từ vùng phía Đông Nam núi Hồng Lĩnh đổ về lưu vực này của sông Én. Lượng nước khổng lồ từ các xã Hồng Lộc, Tân Lộc, Phúc Lộc, Thiên Lộc, Ích Hậu, Tùng Lộc... dồn về khiến lòng sông chảy không kịp, biến nơi đây thành túi đựng nước và gây ra tình trạng lũ lụt, nước tràn qua đê, nhất là trong các đợt thiên tai lớn như vừa rồi".
Đường sá bị nước lụt tràn qua đê làm hư hỏng...
Ông Lê Viết Chiến - Bí thư kiêm Trưởng thôn Bắc Kinh cho biết: "Thôn nằm giữa sông Én với sông Nghèn nên khi nước từ sông Én tràn qua đoạn đê này thì chúng tôi nằm giữa dòng chảy của nước lũ. Trong trận lụt năm 2010, toàn bộ thôn phải di dời, mọi hoạt động đều bị tê liệt, thiệt hại rất lớn. Còn trong hai trận lụt vừa rồi, nước cũng đã tràn qua đê, 70/141 nhà, hàng chục ha đất sản xuất, nhiều công trình và tuyến đường đã bị ngập, hư hỏng".
Cũng theo ông Chiến, để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho người dân, thôn đã nhiều lần có ý kiến, kiến nghị lên cấp trên về việc đầu tư nâng cấp đê nhưng chưa có giải pháp thực hiện.
Các công trình phục vụ sản xuất, đi lại khác cũng bị hư hỏng...
Trao đổi về vấn đề này, ông Đặng Quang Bách - Bí thư Đảng ủy xã Ích Hậu cho biết: "Tình trạng đê ngăn lũ xuống cấp, không đảm bảo an toàn đã được bà con nhân dân, cử tri phản ánh nhiều lần. Tuy nhiên, việc nâng cấp, sửa chữa nằm ngoài khả năng của xã. Chúng tôi cũng đang triển khai các thủ tục cần thiết để đề nghị cấp trên xem xét bố trí nguồn lực".
Hà Tĩnh: Hoàn thành sớm các "bước đệm" chuẩn bị cho Đại hội phụ nữ cấp cơ sở Theo Hội LHPN tỉnh Hà Tĩnh, dự kiến đến tháng 2/2021, 100% Chi hội phụ nữ trong toàn tỉnh sẽ hoàn thành hội nghị tổng kết nhiệm kỳ 2016-2020. Đây là bước đệm quan trọng để Hội LHPN tỉnh triển khai Đại hội phụ nữ cấp xã, bắt đầu từ quý I và hoàn thành trong quý II/2021. Mua áo ấm tặng người...