Mua bán thận “núp bóng” hợp đồng tư vấn chăm sóc sức khỏe
Những năm gần đây, nhiều đối tượng môi giới mua bán thận đã bị cơ quan chức năng xử lý nghiêm, thế nhưng, do lợi nhuận cao, 1 quả thận khi mua có giá khoảng 350-400 triệu đồng thì khi qua tay môi giới đến người ghép có giá từ 1 tỷ đến 1,3 tỷ đồng.
Vì vậy, nhiều đối tượng ở khắp các miền đã bất chấp pháp luật tiếp tục dạt về Huế, lân la đến Khoa Thận Bệnh viện Trung ương Huế – nơi có số lượng lớn bệnh nhân ở các tỉnh, thành đang hằng ngày giành giật sự sống – để thực hiện việc mua bán thận một cách tinh vi.
Mua bán thận, em gái kéo anh trai vào tù
Lợi dụng nhu cầu được ghép thận của nhiều người trong xã hội hiện nay, các đối tượng phạm tội thực hiện việc môi giới, lừa đảo mua bán thận đang có dấu hiệu gia tăng. Từ đầu năm đến nay, tại Thừa Thiên Huế đã xét xử nhiều vụ án liên quan đến việc mua bán thận. Điều đáng nói, hầu hết bị cáo trong các vụ án là những người từng bán thận nên rất rõ quy trình…
Mới đây, ngày 13/8, một đường dây mua bán thận do hai anh em ruột điều hành được TAND tỉnh Thừa Thiên Huế đưa ra xét xử. Theo hồ sơ vụ án, do từng bán thận nên Nguyễn Thị Thu Hà (sinh năm 1986, trú huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) biết được quy trình, thủ tục làm hồ sơ ghép thận và nhu cầu mua thận của người bệnh. Vì vậy, khoảng tháng 4/2022, Hà đến Khoa Thận của Bệnh viện Trung ương Huế để tìm kiếm những người bệnh có nhu cầu ghép thận, sau đó đăng thông tin, tìm những người có nhu cầu bán thận để trả nợ, để giải quyết việc cá nhân.
Quá trình thực hiện, Hà và người mua thận thỏa thuận với nhau thông qua “Hợp đồng cung cấp dịch vụ tư vấn chăm sóc sức khỏe” với giá dao động từ 1 tỷ đến 1,2 tỷ đồng/quả thận tùy thời điểm.
Hai anh em Nguyễn Hữu Toàn và Nguyễn Thị Thu Hà tại tòa.
Theo cơ quan điều tra, Hà và các bên mua thận thỏa thuận thanh toán tiền thành 3 giai đoạn. Trong hợp đồng cung cấp dịch vụ tư vấn chăm sóc sức khỏe thể hiện: giai đoạn 1, Hà nhận từ 200-250 triệu đồng. Đây là khoản tiền đặt cọc, phục vụ việc xét nghiệm của người bệnh, người bán thận, chi phí mua thông tin của người bán thận. Giai đoạn 2, Hà nhận từ 200-250 triệu đồng, phục vụ việc khám của người bệnh, người bán thận và tiền hội đồng, chi phí ăn ở của người bán thận.
Giai đoạn 3, Hà nhận đủ số tiền còn lại sau khi ghép thận. Trong quá trình giao dịch với người mua, người bán thận, Hà sử dụng Zalo hoặc điện thoại trực tiếp, trao đổi thông tin. Việc giao, nhận tiền giữa Hà và những người mua, bán thận thường được thực hiện bằng hình thức chuyển khoản vào tài khoản Ngân hàng Vietcombank do Hà đứng tên, một số trường hợp thực hiện bằng việc đưa tiền trực tiếp.
Quá trình giao dịch mua bán thận, Hà đã thuê anh ruột là Nguyễn Hữu Toàn (sinh năm 1984) phụ giúp mình trong việc đưa người bệnh, người bán thận đi khám sức khỏe. Mặc dù biết việc Hà mua thận để bán lại cho người khác kiếm lời nhưng Toàn vẫn đồng ý giúp Hà đưa những người bệnh đi khám sức khỏe tại bệnh viện.
Video đang HOT
Từ năm 2022 đến năm 2023, Hà và Toàn đã mua bán thận thành công nhiều trường hợp. Đơn cử, anh Võ Thanh Tr. (sinh năm 1978, trú tại huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh) liên lạc và thỏa thuận với Hà về việc mua 1 quả thận với giá 1,1 tỷ đồng. Sau khi thỏa thuận với anh Tr, thông qua một người không rõ nhân thân, Hà tìm được người bán thận là anh Nguyễn Khắc V (sinh năm 1991, trú tại phường Tân Thành, TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên) có các chỉ số trùng khớp với anh Tr và thỏa thuận giá bán thận là 370 triệu đồng.
Trong quá trình làm các thủ tục, tiến hành khám và các xét nghiệm tại bệnh viện, Hà giao Toàn đưa anh Tr đi làm các thủ tục khám, xét nghiệm tại bệnh viện và được Hà trả công. Tháng 2/2023, Bệnh viện Trung ương Huế đã tiến hành phẫu thuật và ghép thận thành công đối với trường hợp của Võ Thanh Tr. và Nguyễn Khắc V.
Huỳnh Thanh Bá 2 lần mua bán thận không thành nhưng vẫn chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng của người bệnh.
Tương tự, tháng 9/2022, chị Nguyễn Thị Thúy L. (sinh năm 2000, trú tại phường Đống Đa, TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) liên lạc và thỏa thuận với Hà mua 1 quả thận với giá 1 tỷ đồng. Sau khi thỏa thuận với chị L, thông qua một đối tượng không rõ nhân thân lai lịch cụ thể, Hà tìm được người bán thận là anh Trần Ngọc T. (sinh năm 1987, trú tại Hoa Du Pleiku, tỉnh Gia Lai) có các chỉ số trùng khớp với chị L và thỏa thuận giá bán thận là 390 triệu đồng.
Tháng 5/2023, Bệnh viện Trung ương Huế đã tiến hành phẫu thuật và ghép thận thành công đối với trường hợp của Nguyễn Thị Thúy L và Trần Ngọc T. Tương tự, Hà và Toàn khai nhận đã mua bán và ghép thận thành công cho ông Nguyễn Văn Kh. (sinh năm 1962, cư trú tại tổ dân phố Dục Quang, thị trấn Bích Động, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang). Ông Kh mua thận với giá 1,3 tỷ đồng và Nguyễn Thế V (sinh năm 1981, trú tại xã Nhơn Khánh, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định) là người bán thận với giá 430 triệu đồng…
Bên cạnh những trường hợp Hà môi giới ghép thận thành công thì có trường hợp đang trong quá trình làm các thủ tục xét nghiệm chờ ghép thì đã tử vong. Cụ thể, chị Huỳnh Thị D. (sinh năm 1987, trú tại phường An Xuân, TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam) liên lạc và thỏa thuận với Hà về việc mua 1 quả thận để ghép cho chồng mình là anh Vương Thúc Nh (sinh năm 1980) với giá 1,2 tỷ đồng. Sau khi ký hợp đồng, chị D đã nhiều lần đưa tiền cho Hà, tổng cộng là 578 triệu đồng. Quá trình thực hiện, vì nhiều lý do khác nhau nên thời gian kéo dài và đã thay đổi tổng cộng 5 người bán thận. Trong quá trình Toàn dẫn anh Nh. đi làm các thủ tục, tiến hành khám và làm các xét nghiệm tại bệnh viện thì ngày 11/12/2023, anh Nh tử vong…
Theo hội đồng xét xử, hành vi liên hệ mua thận của người này rồi bán lại cho người khác để thu lợi của Nguyễn Thị Thu Hà và Nguyễn Hữu Toàn đã phạm vào tội “Mua bán bộ phận cơ thể người” thuộc trường hợp “Vì mục đích thương mại”, “Đối với từ 2 người đến 5 người”, “Phạm tội 2 lần trở lên”, “Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31 đến 60%” quy định tại các điểm b, d, đ, e khoản 2, Điều 154, Bộ luật Hình sự. Qua xem xét toàn bộ tính chất vụ án, TAND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa tuyên phạt Nguyễn Thị Thu Hà 7 năm 3 tháng tù và Nguyễn Hữu Toàn 7 năm tù về tội “Mua bán bộ phận cơ thể người”.
Mua bán thận không thành nhưng vẫn nhận tiền
Cuối tháng 6/2024, TAND tỉnh Thừa Thiên Huế đã mở phiên xét xử sơ thẩm đối với Huỳnh Thanh Bá (SN 1990, trú xã Phú An, huyện Đắk Pơ, tỉnh Gia Lai) về tội “Mua bán bộ phận cơ thể người”. Theo hồ sơ vụ án, năm 2019, Bá đã hiến 1 quả thận cho chị Phan Thị Đ. (trú tỉnh Quảng Ngãi) tại Bệnh viện Trung ương Huế. Sau khi hiến thận, Bá được chị Đ bồi dưỡng số tiền 250 triệu đồng. Từ đó, Bá nảy sinh ý định môi giới, mua bán thận để kiếm lời.
Để thực hiện ý định, từ tháng 3/2020, Bá tham gia nhóm Facebook “Hội hiến thận” với biệt danh “Chàng Khờ” nhằm tìm kiếm những người có nhu cầu mua và bán thận. Trong khoảng thời gian từ tháng 4/2021 đến tháng 7/2022, tại Bệnh viện Trung ương Huế, Bá đã 2 lần thực hiện hành vi mua thận từ người có nhu cầu bán rồi bán lại cho người cần ghép để kiếm lời.
Điều đáng nói, dù cả 2 lần mua bán thận này đều không thành công do người bán không đảm bảo sức khỏe và mắc các bệnh nền nhưng Bá vẫn nhiều lần nhận tiền từ người mua thận để hưởng lợi. Cụ thể, Bá đã thỏa thuận mua 1 quả thận của anh Lương Quốc D. với giá 400 triệu đồng và bán lại cho chị Trần Thị H. với giá 1,1 tỷ đồng; thỏa thuận mua 1 quả thận của anh Lưu Hồng Đ. với giá 400 triệu đồng và bán lại cho anh Phan Tấn L. với giá 1 tỷ đồng. Bá đã nhận của chị H số tiền hơn 309 triệu đồng và nhận của anh L số tiền 500 triệu đồng… TAND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa tuyên phạt Huỳnh Thanh Bá 7 năm tù.
Bên cạnh các vụ án mua bán thận đã và đang được cơ quan điều tra đưa ra xét xử, thụ lý thì vẫn còn những người bệnh vẫn đang ngày ngày ôm theo bệnh án, hồ sơ “kêu cứu” cơ quan chức năng. Ông P.P.H (SN 1986, trú xã Tân Phúc, huyện Nông Cống, Thanh Hóa) – bệnh nhân đang bị suy thận nặng – vừa tố cáo với cơ quan chức năng về việc ông T.V.H (SN 1983, trú tỉnh Thanh Hóa, tạm trú tỉnh Thừa Thiên Huế) lừa 500 triệu đồng khi ông P.P.H nhờ mua thận để ghép. Ông P.P.H kể lại, năm 2022, ông bị bệnh thận và vào Bệnh viện Trung ương Huế để điều trị.
Tại đây, ông được một người đàn ông đi hiến thận cho số điện thoại của ông T.V.H để liên lạc mua thận ghép. Sau khi gặp gỡ, ông T.V.H. hứa sẽ tìm người hiến thận cho ông P.P.H với toàn bộ chi phí là 1,05 tỷ đồng. Sau khi hai bên đồng ý thì đã đã lập hợp đồng “Tư vấn, hướng dẫn, khám và chữa bệnh”. Trong hợp đồng nêu rõ, thời gian thực hiện từ ngày 5/1/2023. Địa điểm thực hiện, theo sự phân phối của Bệnh viện Trung ương Huế. Hợp đồng ghi rõ, trường hợp nếu phía ông P.P.H có trục trặc khi giải quyết công việc thì mọi chi phí sẽ do ông T.V.H phải hoàn lại toàn bộ số tiền đã nhận…”.
Theo ông P.P,H, mặc dù hợp đồng đã thể hiện rõ ràng nhưng gần 2 năm nay, ông vẫn chưa được ghép thận. “Tôi đã chuyển cho ông T.V.H 2 lần, với tổng số tiền 500 triệu đồng để lo chi phí ghép thận. Vào đầu năm 2023, ông T.V.H từng đưa người vào hiến thận cho tôi nhưng sau đó người này đổi ý. Từ đó đến nay, tôi vẫn chưa được ghép thận, trong khi bệnh tình ngày càng nặng. Tôi đã nhiều lần liên lạc với ông T.V.H xin lấy lại số tiền 500 triệu để trang trải nợ nần vay trước đó nhưng không có kết quả”, ông P.P.H giọng nghèn nghẹn.
Hợp đồng mua bán thận được các đối tượng môi giới thực hiện.
Theo cơ quan chức năng, quá trình triệt phá các đường dây mua bán thận trên địa bàn, qua làm việc, những người mua thận khai nhận rằng, trước khi ghép thận, dù phải đưa số tiền lớn cho môi giới nhưng họ yên tâm vì có hợp đồng đầy đủ, rõ ràng.
Một số người mua thận cho rằng, cứ tưởng hợp đồng này là đầy đủ tính pháp lý nên chấp nhận đưa số tiền hàng trăm triệu đến cả tỷ đồng theo yêu cầu của môi giới.
Theo cơ quan điều tra, các đối tượng môi giới mua bán thận “núp bóng” bằng các hợp đồng như: Chăm sóc sức khỏe; Tư vấn, hướng dẫn khám và chữa bệnh… nhằm tạo niềm tin cho người mua thận. Tuy nhiên, hợp đồng này là sự thỏa thuận giữa hai bên, không có giá trị về mặt pháp lý. Vì vậy, những người có nhu cầu ghép thận phải hết sức cảnh giác, tránh trường hợp tiền mất tật mang.
Cơ quan công an cũng khuyến cáo, những người có nhu cầu nhận thận, hiến thận cần đến cơ sở y tế tìm hiểu thông tin, đăng ký nhận mô, bộ phận hiến tặng, chờ cơ hội được ghép nội tạng; tuyệt đối không tự ý làm quen, đặc biệt là thông qua các trang mạng xã hội, qua dịch vụ và các đối tượng không phải là cán bộ, y tá, bác sĩ thuộc các bệnh viện chuyên khoa thận.
Cẩn thận với những chiêu trò môi giới mua bán thận trên mạng Internet
Lợi dụng một số hội nhóm hỗ trợ hiến thận nhân đạo trên mạng xã hội, không ít đối tượng môi giới đã đăng thông tin công khai để tìm người mua thận, bán thận nhằm trục lợi.
Điều đáng nói, thời gian qua, có rất nhiều bệnh nhân ở các tỉnh, thành về Thừa Thiên Huế để điều trị thận, ghép thận. Lợi dụng tình trạng này, nhiều đối tượng môi giới lân la nhằm móc nối giữa người mua với người bán để hưởng chênh lệch hàng trăm triệu đồng/quả thận...
Qua tìm hiểu của PV Báo CAND, trên một số trang mạng xã hội hiện có rất nhiều hội nhóm liên quan đến hiến ghép thận. Tại một trang fanpage Facebook hỗ trợ hiến thận tại Huế với hơn 4K thành viên tham gia đang hoạt động, có nhiều tài khoản công khai đăng thông tin với nội dung tìm người hiến thận. Chẳng hạn tài khoản H.L đăng tin: "Mình vẫn nhận anh chị em nào muốn HT (hiến thận - PV) để làm lại từ đầu hay muốn lập nghiệp mà chưa có vốn thì liên hệ cho mình tư vấn ạ". Hay tài khoản V.M.N đăng thông tin: "Cùng đường cần hiến thận, nữ cần tư vấn". Còn tài khoản L.M.M đăng: "Bạn nào đang bế tắc không có tiền xoay xở muốn HT (hiến thận- PV) để trả nợ lo cho gia đình thì liên hệ mình tư vấn hay"...
Đối tượng Trần Việt Thành khai nhận hành vi phạm tội tại cơ quan điều tra.
Trong nhóm vừa kể, các bài viết cần tìm người hiến thận được đăng tải liên tục. Theo chia sẻ của một người từng bán thận, trước tiên muốn bán thì cần phải làm xét nghiệm nhóm máu, siêu âm tổng quát ổ bụng, kiểm tra chức năng gan, thận. Sau khi có kết quả xét nghiệm, người hiến thận phải gửi cho các đối tượng môi giới kiểm tra. Khi đạt yêu cầu, các đối tượng sẽ liên hệ lại để thực hiện giao dịch. Người môi giới thường ra giá cho người bán thận với khoảng 350 - 450 triệu đồng/quả thận. Tuy nhiên, khi đặt vấn đề với người mua thì 1 quả thận sẽ được đẩy lên giá dao động từ 800 triệu đồng đến 1,3 tỷ đồng.
Trước thực trạng các đối tượng môi giới mua bán thận ngang nhiên hoạt động, thời gian qua, Công an Thừa Thiên Huế đã triệt phá nhiều đường dây mua bán thận trên địa bàn. Điển hình và gần đây nhất, vào cuối năm 2023, từ quá trình trinh sát trên không gian mạng, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao phát hiện Trần Tuấn Anh (SN 1992, trú tỉnh Hà Nam) và Trần Việt Thành (SN 1996, trú tỉnh Bắc Cạn) tham gia đường dây tổ chức mua bán thận. Tuấn Anh nắm được tỷ lệ người mắc bệnh thận, hư thận ngày càng cao và nhu cầu ghép thận rất lớn. Bệnh viện Trung ương (BV T.Ư) Huế là một trong số ít tỉnh, thành thực hiện thành công nhiều ca ghép thận, trong khi đó chi phí lại thấp hơn so với việc ghép thận ở các tỉnh, thành lớn. Vì vậy, nhiều bệnh nhân, người nhà sinh sống ở miền Trung - Tây Nguyên, kể cả một số người bệnh ở khu vực phía Bắc, phía Nam cũng đến Huế để tìm hiểu ghép thận.
Theo cơ quan điều tra, từ năm 2018, Tuấn Anh đến Khoa Thận BV T.Ư Huế để tìm kiếm bệnh nhân có nhu cầu ghép thận rồi để lại số điện thoại và rao giá bán 1 quả thận từ 800 triệu đến 1,3 tỷ đồng. Qua xác minh, từ năm 2018 đến nay, Tuấn Anh đã tổ chức 8 ca ghép thận tại BV T.Ư Huế, trong đó có 4 ca thành công. Ngoài ra, Công an còn phát hiện thêm 2 đối tượng là Nguyễn Thị Thu Hà (SN 1986, trú tại tỉnh Quảng Bình) và Nguyễn Văn Ninh (SN 1998, trú tại huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng) đưa những trường hợp bán thận về nuôi tập trung tại một nhà trọ ở Thừa Thiên Huế để làm các xét nghiệm, thủ tục, giấy tờ. Mỗi ca ghép thận có giá từ 900 triệu đồng đến 1,3 tỷ đồng. Trong số tiền này, người hiến nhận được 450 triệu đồng. Công an xác định từ năm 2020 đến nay, Hà đã môi giới cho khoảng 18 trường hợp, trong đó có 3 ca phẫu thuật, ghép thận thành công. Riêng đối tượng Ninh môi giới thành công 5 ca ghép thận. Công an đã khởi tố 4 bị can gồm: Trần Tuấn Anh, Trần Việt Thành, Nguyễn Thị Thu Hà, Nguyễn Văn Ninh về tội "Mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người".
Bên cạnh một số bệnh nhân mua thận thành công để ghép thì rất nhiều người bệnh đã bỏ ra số tiền hàng trăm triệu đồng để mua thận nhưng đến "phút chót" không thành công để rồi tiền mất tật mang. Cuối tháng 2 vừa qua, TAND tỉnh Thừa Thiên Huế xét xử Nguyễn Thanh Tú (SN 1982, trú TP Vũng Tàu, Bà Rịa - Vũng Tàu) và Nguyễn Văn Nghĩa (SN 1990, trú huyện Mỏ Cày Nam, Bến Tre), Phạm Lê Tuấn Anh (trú TP Huế, Thừa Thiên Huế) về tội "Mua, bán bộ phận cơ thể người".
Theo hồ sơ vụ án, Tú và Nghĩa từng là bệnh nhân được hiến, ghép thận nên cả hai đều am hiểu về quy trình hiến, ghép thận. Đồng thời, thông các mối quan hệ xã hội, Tú và Nghĩa biết được hoạt động môi giới mua bán thận dưới hình thức hiến tặng thận đang diễn ra trên thực tế và quá trình trao đổi thông tin, tặng cho, mua bán đang diễn ra trên không gian mạng nhằm giúp cho các bên có nhu cầu mua bán thận tiếp cận để thỏa thuận. Chỉ trong thời gian ngắn, Tú và Nghĩa đã thực hiện môi giới mua bán thận cho nhiều trường hợp. Đơn cử, thông qua mạng xã hội, Nghĩa và Tú đã tìm được Nguyễn Đình Th (SN 1990, trú tại xã Bình Tú, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) - người đồng ý bán thận cho anh Phan H. (SN 1988, trú phường Hương Hồ, TP Huế) đang bị suy thận giai đoạn cuối đang điều trị tại BVT.Ư Huế. Nghĩa chốt giá với Th 1 quả thận có giá 360 triệu đồng. Sau đó, báo với anh H là quả thận có giá 800 triệu đồng. Anh H đồng ý và đưa trước số tiền 330 triệu đồng cho Nghĩa và Tú. Tuy nhiên, khi gia đình Th biết chuyện nên không đồng ý. Do không được ghép thận, H liên hệ với Tú và Nghĩa để xin lấy lại tiền thì chỉ được trả lại 35 triệu đồng nên H đã trình báo cơ quan Công an.
Tương tự, chị Lê Thị Lan H. (SN 1971, trú huyện Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh) cần mua thận để ghép nên liên hệ với Tú. Thông qua mạng xã hội, Tú biết được Nguyễn Anh Th. (SN 1991, trú TP Thuận An, tỉnh Bình Dương) có nhu cầu bán và thỏa thuận mua 1 quả thận với số tiền 450 triệu đồng. Sau đó, Tú báo với chị H, giá 1 quả thận là 950 triệu đồng và việc khám, xét nghiệm diễn ra tại BVT.Ư Huế. Chị H và chồng chuyển trước cho Tú 500 triệu đồng. Sau đó, sự việc bị Công an phát hiện nên việc ghép thận giữa Th và chị H chưa thực hiện được. Tại phiên tòa xét xử sơ thẩm do TAND TP Huế (Thừa Thiên Huế) vừa tổ chức, Tú và Nghĩa vẫn chưa trả lại số tiền hơn 1 tỷ đồng đã nhận của các bị hại mua thận... TAND TP Huế đã tuyên phạt Tú 7 năm tù và Nghĩa 5 năm tù về tội "Mua, bán bộ phận cơ thể người". Riêng Phạm Lê Tuấn Anh không vì mục đích tư lợi cá nhân mà chỉ xuất phát từ sự đồng cảm với người bệnh, Tòa tuyên phạt Tuấn Anh 2 năm tù cùng tội danh nói trên nhưng cho hưởng án treo.
Theo cơ quan Công an, tội phạm lợi dụng nhu cầu được ghép thận của nhiều người trong xã hội để thực hiện việc môi giới, lừa đảo đang có dấu hiệu gia tăng. Vì vậy, người dân có nhu cầu nhận thận, hiến thận cần đến các cơ sở y tế tìm hiểu thông tin, đăng ký nhận mô, bộ phận hiến tặng, chờ cơ hội được ghép nội tạng; tuyệt đối không tự ý làm quen, đặc biệt là thông qua các trang mạng xã hội, qua dịch vụ và các đối tượng không phải là cán bộ, y tá, bác sĩ thuộc các bệnh viện chuyên khoa thận. Bên cạnh sự vào cuộc của các cơ quan Công an, các cơ quan chức năng cũng cần tăng cường tuyên truyền Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác để người dân nắm được đầy đủ. Đồng thời, khuyến khích, động viên người dân tham gia hiến, tặng mô với ý nghĩa nhân đạo cho những người mắc bệnh có cơ hội phục hồi sức khỏe.
Vết trượt dài của những kẻ từng hiến, ghép thận Một người từng là bệnh nhân được ghép thận, một người đi hiến thận... Trong quá trình thực hiện việc hiến, ghép thận, Nguyễn Thanh Tú (sinh năm 1982, trú TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) và Nguyễn Văn Nghĩa (sinh năm 1990, trú huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre) đã nắm rõ thủ tục, quy trình hiến, ghép...