Mua bán tải Nhật, chọn Mazda BT-50 hay Toyota Hilux?
Mazda BT-50 chiếm ưu thế về giá bán và tiện nghi. Trong khi đó, Toyota Hilux có nhiều trang bị an toàn và khả năng vận hành tốt hơn đối thủ.
Sau khi Mazda BT-50 2021 được ra mắt cuối tháng 8, tất cả mẫu xe trong nhóm bán tải tại Việt Nam đều đã bước sang đời hoặc thế hệ mới.
Dù Ford Ranger vẫn là cái tên thống trị phân khúc, sự thay đổi về kiểu dáng và cấu hình sản phẩm đã giúp Toyota Hilux hay Mitsubishi Triton thu về kết quả kinh doanh tích cực hơn thời gian vừa qua.
Với Mazda BT-50, thế hệ thứ 3 của mẫu bán tải Nhật Bản chứng kiến sự thay đổi lớn khi chuyển sang sử dụng chung nền tảng với Isuzu D-Max 2021, cùng với đó là thiết kế hoàn toàn mới và trang bị tiện nghi, an toàn được cải thiện.
Lật đổ vị trí dẫn đầu của Ford Ranger không hề dễ dàng. Thay vào đó, cạnh tranh thị phần cùng những mẫu xe “đồng hương” là mục tiêu phù hợp hơn với BT-50.
So với Toyota Hilux – dòng bán tải bán chạy thứ 2 phân khúc – Mazda BT-50 có lợi thế lớn về giá bán. Phiên bản BT-50 Premium 4×4 cao nhất có giá 849 triệu đồng, thấp hơn đáng kể mức giá 913 triệu đồng của Hilux Adventure 4×4. Trong khi đó, tiện nghi trên BT-50 không thua kém đối thủ.
Vậy phiên bản Mazda BT-50 Premium 4×4 và Hilux Adventure 4×4 có gì hơn kém nhau?
Mazda BT-50 mềm mại, Toyota Hilux cứng cáp
Mẫu Toyota Hilux hiện hành tại Việt Nam là bản nâng cấp giữa vòng đời của thế hệ Hilux thứ 8, ra mắt toàn cầu năm 2015. Về cơ bản, thiết kế tổng thể của Hilux 2020 không khác biệt quá nhiều đời trước.
Song, những thay đổi về tạo hình mặt ca-lăng và cản trước giúp Hilux trở nên cứng cáp, hiện đại hơn, thay vì kiểu dáng có phần đơn giản và “lành” của đời trước. Với riêng phiên bản Adventure 4×4 cao nhất, bộ phụ kiện đi kèm cũng giúp mẫu xe này hấp dẫn hơn về mặt thị giác.
Ở thế hệ trước, thiết kế Mazda BT-50 mang kiểu dáng có phần mềm mại, nữ tính, BT-50 cũ không phù hợp thị hiếu chọn bán tải của người Việt – vốn thường ưu ái những mẫu xe hầm hố, mang phong cách thành thị.
Bước sang thế hệ mới, Mazda BT-50 đã có thiết kế hiện đại, bắt mắt hơn khi được áp dụng ngôn ngữ Kodo từng làm nên thành công cho nhiều dòng sản phẩm Mazda tại Việt Nam.
Góp phần chính trong tạo hình ngoại thất của Mazda BT-50 đời 2021 vẫn là những đường cong xuất hiện trên cụm đèn pha, nắp ca-pô, cản trước hay vòm bánh. Xét tổng thể, BT-50 mới mang hơi hướm bán tải chạy phố, tương tự Hyundai Santa Cruz mới ra mắt.
Trong khi đó, đặt cạnh Toyota Hilux Adventure 4×4, ngoại thất Mazda BT-50 Premium 4×4 có phần kém hầm hố và “hiền” hơn.
Video đang HOT
Danh sách trang bị ngoại thất trên 2 phiên bản cao nhất của Hilux và BT-50 gần như tương đồng. Hai xe đều có đèn pha LED tự động, đèn sương mù LED, đèn hậu LED đi kèm bóng halogen và la-zăng 18 inch.
Nội thất Mazda BT-50 bắt mắt hơn Toyota Hilux
Tổng thể thiết kế nội thất và bố cục táp-lô của Mazda BT-50 mới mang nhiều điểm tương đồng với Isuzu D-Max 2021.
Tuy nhiên, BT-50 có nhiều chi tiết với tạo hình vuông vắn như cửa gió điều hòa, cụm nút chỉnh điều hòa hay hộc đựng găng, trong khi D-Max chủ yếu sử dụng các đường nét sắc nhọn.
Điều này giúp cabin Mazda BT-50 tạo cảm giác cao cấp, lịch sự hơn. Có thể thấy thế mạnh về nội thất hoàn thiện chỉn chu đã được Mazda áp dụng trên BT-50 mới.
Trong khi đó, nội thất Toyota Hilux 2020 gần như không thay đổi so với đời trước. Trên thực tế, thiết kế cabin này đã được áp dụng từ đời xe đầu tiên của thế hệ Hilux hiện tại.
Đặt cạnh Mazda BT-50, táp-lô của Toyota Hilux có bố cục thiếu cân đối hơn. Cách phối màu nội thất, kết hợp các loại vật liệu trang trí và tạo hình các nút bấm chỉnh chức năng của BT-50 cũng đa dạng hơn mẫu bán tải đồng hương.
Danh sách tiện nghi của Mazda BT-50 Premium 4×4 và Toyota Hilux Adventure 4×4 không chênh lệch nhiều. Hai xe đều có ghế da, ghế lái chỉnh điện 8 hướng, cửa gió hàng ghế sau, màn hình giải trí 8 inch (Hilux) hoặc 9 inch (BT-50) hỗ trợ Apple CarPlay/Android Auto và điều khiển hành trình (Cruise control).
Mazda BT-50 được trang bị điều hòa tự động 2 vùng, tính năng khởi động xe từ xa, kết nối Apple CarPlay không dây và 8 loa âm thanh vòm. Trong khi đó, Toyota Hilux có điều hòa tự động một vùng, kiểm soát hành trình thích ứng và 9 loa JBL.
Động cơ Toyota Hilux mạnh hơn
Bước sang thế hệ mới, Mazda BT-50 sử dụng chung động cơ diesel 1.9L với Isuzu D-Max, đi kèm hộp số tự động 6 cấp trên phiên bản Premium 4×4. Với công suất 148 mã lực, mô-men xoắn 350 Nm, đây là mức hiệu năng thấp nhất phân khúc.
So với BT-50, động cơ diesel 2.8L (201 mã lực, 500 Nm) đi kèm hộp số 6 AT trang bị trên Hilux Adventure 4×4 cho sức mạnh lớn hơn đáng kể. Bên cạnh đó, khoảng sáng gầm 286 mm của Hilux cũng tốt hơn mức 229 mm trên BT-50.
Mặt khác, xét về khả năng vận hành, chở đồ bền bỉ, ổn định và giá trị thanh khoản cũng như yếu tố thương hiệu tại Việt Nam, Toyota Hilux đều có lợi thế trước Mazda BT-50.
Các tính năng an toàn chung trên 2 xe gồm hỗ trợ đổ đèo/khởi hành ngang dốc, cảnh báo điểm mù, cảm biến trước/sau, camera lùi và 7 túi khí. Mazda BT-50 có thêm cảnh báo phương tiện cắt ngang phía sau, còn Hilux được trang bị cảnh báo chệnh làn/va chạm trước.
So với mặt bằng chung phân khúc, trang bị an toàn của BT-50 Premium 4×4 và Hilux Adventure 4×4 thuộc dạng đầy đủ, tuy nhiên vẫn còn thua kém Ford Ranger một số tính năng trợ lái.
Kết luận
Với thiết kế trẻ trung, nội thất lịch sự, động cơ có hiệu năng vừa phải và giá thấp nhất phân khúc, Mazda BT-50 là lựa chọn phù hợp người dùng tìm kiếm một mẫu bán tải chạy phố nhiều tiện nghi, tiết kiệm chi phí ban đầu.
Trong khi đó, với người dùng cần mẫu xe đáp ứng tốt các giá trị cốt lõi của dòng bán tải như vận hành bền bỉ, tiết kiệm và ưa thích kiểu dáng cứng cáp, khỏe khoắn, Toyota Hilux là phương án đáng cân nhắc.
Xe bán tải tháng 5: Ford Ranger, Mitsubishi Triton rủ nhau trượt dốc
Lượng tiêu thụ xe bán tải sụt giảm mạnh trong tháng 5, trong đó Ford Ranger, Mitsubishi Triton đón nhận doanh số đáng thất vọng so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo báo cáo bán hàng của VAMA (Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam), nhóm xe bán tải bán được 1.618 xe, chiếm 6,32% thị phần.
So với tháng 4, lượng xe bán tải tiêu thụ trong tháng 5 đã sụt giảm tới 28,3% (tương đương giảm 639 xe). So với cùng kỳ năm ngoái, phân khúc này giảm 25,1% (tương đương giảm 543 xe).
Bán tải tháng 5: Ford Ranger và Mitsubishi Triton có lượng bán sụt giảm so với tháng 5/2020
Trong 5 mẫu xe đại diện cho phân khúc bán tải ở Việt Nam, Ford Ranger vẫn dẫn đầu với 794 xe. Ở vị trí số 2 là sự đổi ngôi giữa Toyota Hilux và Mitsubishi Triton. Với hai mẫu xe Mazda BT-50 và Isuzu D-Max, tháng 5 lại là thành công so với cùng kỳ năm ngoái dù kết quả vẫn bét bảng.
1. Ford Ranger: 794 xe
Ford Ranger vẫn tiếp tục đứng đầu mảng xe bán tải và duy trì trong danh sách xe bán chạy trong tháng 5 khi bán được 794 xe, dù giảm tới 46,7% so với tháng 4 (bán 1.491 xe). Cộng dồn từ đầu năm đến nay, chiếc bán tải của hãng xe Mỹ này đã bán 6.158 xe, tăng 73,2% so với cùng kỳ năm ngoái (bán 3.556 xe).
Ford Ranger bản nâng cấp 2021
Ford Ranger hiện được nhập khẩu nguyên chiếc từ Thái Lan. Phiên bản nâng cấp 2021 đã được ra mắt tại Việt Nam vào cuối năm 2020 với tất cả 7 phiên bản, mức giá dao động từ 616 triệu đến 1,198 tỷ đồng.
2. Toyota Hilux: 356 xe
Trong tháng 5, nỗ lực của Toyota Hilux đã được đền đáp khi bán được 356 xe, tăng 26,7% so với tháng 4 (bán 281 xe). Qua đó giúp Hilux lấy lại vị trí số 2 từ tay Mitsubishi Triton.
Đồng thời so với cùng kỳ năm ngoái, Toyota Hilux đã bán nhiều hơn tới 90,4% (tương đương 169 xe). Cộng dồn 5 tháng, Toyota Hilux bán được 1.440 xe, tăng 67% so với cùng kỳ năm ngoái (bán 862 xe).
Toyota Hilux
Như vậy, so với các đối thủ trong phân khúc bán tải, Toyota Hilux đang có đà tiến khá tốt, tăng trưởng dương. Cũng như các đối thủ tại Việt Nam, Toyota Hilux được nhập khẩu từ Thái Lan và bán 4 phiên bản, giá bán dao động từ 622 đến 878 triệu đồng.
3. Mitsubishi Triton: 329 xe
So với tháng 4, trong tháng 5 Mitsubishi Triton có sự tăng trưởng nhẹ khi bán được 329 xe (tăng 7,2%) nhưng không đủ để giữ vị trí số 2 bởi đối thủ Toyota Hilux đã bứt tốc tốt hơn. Lũy kế từ đầu năm, Mitsubishi Triton đã bán được 1.087 xe, tăng 32% so với cùng kỳ năm ngoái (bán 823 xe).
Mitsubishi Triton
Hiện tại, Mitsubishi Triton 2021 đang được nhập khẩu nguyên chiếc từ Thái Lan với 7 phiên bản, giá bán dao động từ 555 đến 865 triệu đồng.
4. Mazda BT-50: 103 xe
Giữ vị trí số 4 tiếp tục là cái tên quen thuộc Mazda BT-50. Trong tháng 5, lượng tiêu thụ của mẫu xe này là 103 xe, giảm 30,4% so với tháng 4 (bán 148 xe), nhưng tăng 2 chiếc so với tháng 5/2020. Công dồn 5 tháng, Mazda BT-50 bán được 568 xe, tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái (bán 526 xe).
Mazda BT-50
Hiện tại Mazda BT-50 có 4 phiên bản bán ở Việt Nam với giá bán dao động từ 569 đến 749 triệu đồng. Xe được nhập khẩu nguyên chiếc từ Thái Lan.
5. Isuzu D-max: 36 xe
Trong tháng 5, Isuzu D-max đã gặt hái thành công hơn khi bán được 36 xe, tăng 6 chiếc so với tháng 4. Con số quá nhỏ bé so với các đối thủ nhưng vẫn đáng được ghi nhận bởi mẫu xe này thường xuyên nằm trong Top xe ế tháng này qua tháng khác.
Isuzu D-Max thế hệ mới
Isuzu D-Max thế hệ mới được giới thiệu tới người tiêu dùng Việt Nam với 3 phiên bản thay vì 4 bản như trước từ tháng 4. Giá dao động từ 630-850 triệu đồng.
Bán tải tháng 8: Mazda BT-50 trỗi dậy, Isuzu D-Max mất tích Doanh số xe bán tải trong tháng 8/2021 sụt giảm chung theo thị trường, nhưng vẫn ổn định hơn so với các phân khúc khác. Ngoài Ford Ranger và Toyota Hilux giữ vững ngôi nhất nhì, nhóm còn lại là sự cạnh tranh giữa Mazda BT-50 và Mitsubishi Triton. Thị trường xe bán tải ở Việt Nam trong tháng 8 theo số liệu...