Mua – bán logo xe ‘vua’: Có đến chín người đưa hối lộ gần chục tỷ đồng nhưng không có người nhận
Chuyện cực kỳ vô lý lại lần nữa được xới lên nhân vụ án logo xe “vua” sắp được TAND Cấp cao tại TP.HCM xét xử phúc thẩm.
Đó là có đến chín người đưa hối lộ gần chục tỷ đồng kèm theo các thông tin chi tiết về thời gian, số lần, tên người nhận tiền… và một người môi giới hối lộ nhưng tuyệt nhiên không có người nhận hối lộ!
Tháng 10/2018, sau nhiều lần đưa vụ án ra xét xử và quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung, án sơ thẩm của TAND TP.HCM đã tuyên xử 9/10 bị cáo từ một năm sáu tháng đến 14 năm tù về tội đưa hối lộ. Bị cáo thứ 10 vốn là CSGT thì bị tám năm tù về tội môi giới hối lộ. Các mức án này cao hơn rất nhiều so với đề nghị của VKS tại phiên xử và hiện có sáu bị cáo kháng cáo.
Tội trạng của 10 bị cáo được tòa cấp sơ thẩm xác định như sau: Từ tháng 1/2014 đến tháng 8/2015, các bị cáo câu kết với một số tài xế, chủ xe tải thường lưu thông trên những tuyến đường thuộc tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và TP.HCM góp tiền đưa cho thanh tra giao thông (TTGT), CSGT. Mục đích hối lộ là để họ không bị xử phạt khi vi phạm luật giao thông.
Các bị cáo tại phiên xử sơ thẩm, cựu CSGT Nguyễn Cảnh Chân là người cúi đầu. Ảnh: HY
Căn cứ vào lời khai của các bị cáo về tên người nhận tiền, đã có 62 cán bộ CSGT và 18 cán bộ TTGT của ba tỉnh, TP trên bị CQĐT triệu tập. Tuy nhiên, phần lớn họ đều phủ nhận. Chỉ có duy nhất một CSGT thuộc Đội 1, Phòng CSGT Công an tỉnh Đồng Nai chịu nhận đã môi giới cho một bị cáo đưa hối lộ 12 lần…
Tính ra, đối với hành vi đưa hối lộ, môi giới hối lộ, dù không có bằng chứng giao nhận tiền nhưng các cơ quan pháp luật vẫn đấu tranh và chuyển hóa thành công các dấu hiệu thành chứng cứ để xử tội. Còn đối với hành vi nhận hối lộ, với lý do không ai thừa nhận có việc nhận tiền, các cơ quan tố tụng đã cam chịu thất bại.
Về lý thuyết pháp lý, hai tội đưa hối lộ, môi giới hối lộ không cần kết quả. Người đưa, môi giới không cần chứng minh đã đưa tiền cho ai, chỉ cần họ có ý thức chủ quan là dùng tiền đưa hối lộ để đạt được các lợi ích riêng thì tội phạm được coi là đã hoàn thành.
Video đang HOT
Hẳn là các nguyên tắc đó đã được nhiều cơ quan cầm cân công lý viện dẫn để cho ra các kết quả cắt khúc. Thế nhưng theo lẽ thường phàm có đưa phải có nhận, cứ làm khác hoài sao chấp nhận được.
Dưng không các bị cáo dễ dàng xác định được tên tuổi, đơn vị làm việc của các TTGT, CSGT khi cho nhận dạng. Dưng không mà điện thoại của các bị cáo có sự liên hệ với các số điện thoại của các TTGT, CSGT… Ắt phải từ những mối quan hệ mà việc xác định bằng các nghiệp vụ điều tra có thể không nhanh được nhưng quan trọng là các cơ quan công an có thật sự muốn đi đến cùng sự thật hay không.
Gần đây nhất, trong vụ án liên quan đến việc buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh ở Công ty CP VN Pharma, mâu thuẫn về việc đưa-nhận hối lộ cũng được lặp lại. vụ án này có một bị cáo bị xử phạt năm năm tù về tội đưa hối lộ, hai bị cáo khác bị hơn một năm tù cùng về tội môi giới hối lộ. Chỉ có hai loại tội đó thôi, vì tuy các bị cáo khai rõ về các cán bộ đã nhận cả chục tỉ để giúp chạy án nhưng không ai (dại dột) gật đầu liền.
Cựu CSGT Nguyễn Cảnh Chân là người duy nhất bị đưa ra xét xử trong số 80 CSGT và Thanh tra giao thông liên quan đến vụ án. Chân bị tòa sơ thẩm phạt 8 năm tù về tội môi giới hối lộ và không kháng cáo. Ảnh: HỮU ĐĂNG
Riêng trong vụ gian lận điểm thi ở Sơn La thì vô lý trên lại được thay thế bằng điều ngược lại. Cùng có những cái lắc đầu lia lịa nhưng khác với các vụ có người đưa mà không có người nhận, vụ án này có người nhận mà không có người đưa.
Cho là ngoài lời khai của người nhận thì không có tài liệu, chứng cứ nào khác để chứng minh có việc đưa, VKS tỉnh quyết định không truy cứu tội nào cả (nhận hối lộ và môi giới hối lộ). Càng “ơi trời” hơn, cả tỷ đồng nhận hối lộ do các bị can giao nộp đã được VKS tỉnh quy kết là do vụ lợi mà có (một cáo buộc không đâu ra đâu về nguồn gốc của số tiền và nội dung vụ lợi).
Nào giờ mọi người vẫn nhìn thấy trong rất nhiều vụ án thì CQĐT của ta không dở, pháp luật của ta không quá hở để có thể liên tiếp gây ra những khó hiểu, khó tin. Vậy nên với nhóm tội hối lộ thuộc loại tội tham nhũng, các CQĐT sẽ gắng sức tháo gỡ vướng mắc để từng vụ đều có lời giải đáp triệt để, rõ ràng. Khi đó, các cơ quan chấp pháp mới bảo đảm được sự công bằng với mọi người phạm tội, gồm có người đưa hối lộ, môi giới hối lộ và cả người nhận hối lộ.
Và quan trọng hơn, sự quyết tâm lôi ra ánh sáng từ người đưa đến người môi giới và người nhận hối lộ của cơ quan tố tụng mới làm dân tin rằng chống tham nhũng không có vùng xám, vùng cấm hay vùng… bỏ ngỏ nào!
Nguồn: plo.vn
Vụ 'logo xe vua' : Cựu CSGT Công an Đồng Nai ngừng 'kêu oan'
Cựu CSGT Nguyễn Cảnh Chân - nguyên cán bộ Đội 1, Phòng CSGT Công an tỉnh Đồng Nai bị tòa tuyên án tù trong vụ 'logo xe vua' đã chấp nhận thụ án 8 năm.
Cựu CSGT NGuyễn Cảnh Chân. Ảnh: Tân Châu
Hôm nay (28/5), TAND cấp cao tại TPHCM mở phiên xử phúc thẩm vụ 'logo xe vua' mà Tiền Phong từng có các loạt bài phản ánh.
Trước đó, vào tháng 10 năm 2018, TAND TPHCM trong phiên xử sơ thẩm, tuyên phạt Nguyễn Cảnh Chân 8 năm tù; Nguyễn Văn Thới (42 tuổi) 14 năm tù; Trần Quốc Thái (47 tuổi) 10 năm tù; Lê Thị Cẩm Vân (36 tuổi) 9 năm tù). Các bị cáo còn lại lãnh từ 1 năm 6 tháng tới 4 năm tù về các tội "Đưa hối lộ" và "Môi giới hối lộ".
Các bị cáo trong vụ 'logo xe vua' - cấp sơ thẩm tuyên phạm tội đưa, môi giới nhưng không làm rõ được ai nhận hối lộ. Ảnh: Tân Châu
Theo bản án sơ thẩm, từ tháng 1/2014-8/2015, các bị can Thới, Vân và các đồng phạm đã cấu kết với một số tài xế, chủ xe tải thường lưu thông trên các tuyến đường thuộc các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và TPHCM góp tiền đưa hối lộ cho TTGT, CSGT để không bị xử phạt.
Các bị cáo Thới, Thái tổ chức in logo có số "68" và chữ "Garage Thành Đô"; Vân in logo chữ "xe chở hàng" bán cho chủ xe, tài xế giá từ 2,5-3 triệu đồng/logo dán làm mật hiệu nhận biết khi bị TTGT, CSGT kiểm tra. Mỗi tháng, Thới lập danh sách các xe mua logo bằng cách ghi biển số các xe vào giấy để theo dõi.
Bị cáo Thới và Thái đã bán được khoảng 15.000 lượt logo, thu lời bất chính gần 23 tỷ đồng và một phần số tiền này được dùng để đưa hối lộ. Thới đưa hối lội 79 lần với tổng số tiền gần 5 tỷ đồng, lần đưa nhiều nhất là 150 triệu đồng.
Ngoài ra, Thới còn nhờ một người em họ 12 lần chuyển cho cán bộ thuộc Đội 1, Phòng CSGT - Công an tỉnh Đồng Nai tổng số tiền 1,2 tỷ đồng để đưa cho một số cán bộ CSGT khác. Thới và Thái đưa cho các đội, trạm 1,3 tỷ đồng. Thái có 39 lần đưa hối lộ với tổng số tiền 2,2 tỷ đồng và hưởng lợi 360 triệu đồng. Số tiền còn lại hơn 17,8 tỷ đồng Thới đã sử dụng nộp phạt cho các xe đã mua logo nhưng vẫn bị lập biên bản, trả tiền thuê xe ôm báo tin và bản thân hưởng lợi 1,3 tỷ đồng...
Cựu CSGT Nguyễn Cảnh Chân, bản án cũng xác định, khoảng tháng 6/2014, Thới nhờ Nguyễn Cảnh Chân giúp để các đội của phòng CSGT CA tỉnh Đồng Nai không xử phạt lỗi chở hàng quá tải đối với các xe gắn logo do Thới bán. Chân nói cho ông Võ Thanh Sơn (đội trưởng Đội 1, phòng CSGT CA tỉnh Đồng Nai) và được ông Sơn đồng ý.
Ông Nguyễn Cảnh Chân thông báo với Thới, nếu xe nào bị kiểm tra, cứ nói xe của anh Sơn và gọi điện thoại cho Chân biết địa điểm, biển số xe bị kiểm tra để Chân gọi cho ông Sơn giải quyết.Sau đó, Thới nhờ vợ chuyển vào tài khoản của vợ ông Chân 7 lần, với tổng số tiền gần 600 triệu đồng.
Tổng cộng ông Chân đã trung gian môi giới cho Thới đưa hối lộ 12 lần, lần ít nhất 60 triệu đồng, lần nhiều nhất 120 triệu đồng.Ông Thới chuyển cho Chân gần 1,3 tỷ đồng, Chân chuyển giúp Thới gần 1 tỷ còn 300 triệu đồng Chân sử dụng cá nhân. Thới cũng khai đã đưa hối lộ 79 lần với số tiền gần 5 tỷ đồng cho nhiều cán bộ TTGT, CSGT Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM, lần đưa ít nhất 9 triệu đồng, nhiều nhất 105 triệu đồng.Vân có 16 lần đưa hối lộ, mỗi lần đưa ít nhất 3 triệu đồng, nhiều nhất 150 triệu đồng.
Sau án sơ thẩm, 6 bị cáo kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Đáng lưu ý là dù suốt quá trình điều tra, cựu CSGT Nguyễn Cảnh Chân kêu oan và tại tòa đã khai đưa hàng trăm triệu đồng cho 'sếp' nhưng cũng chấp nhận án 8 tù và không kháng cáo.
Tại phiên tòa phúc thẩm sáng nay, HĐXX trong phần làm thủ tục phiên tòa, nhận thấy có bị cáo (đang tại ngoai) vắng mặt vì bệnh. Bị cáo này cũng có đơn xin hoãn phiên tòa. HĐXX cấp phúc thẩm chấp nhận hoãn tòa, thời gian mở lại phiên xử tòa sẽ thông báo sau.
Tại phiên xử sơ thẩm, cựu CSGT Nguyễn Cảnh Chân cũng khai tại tòa là có đưa hối lộ cho người liên quan. Lý do cấp sơ thẩm tuyên 'không có ai nhận hối lộ' vì tòa nhận thấy trong vụ án có việc đưa hối lộ, qua lời khai của các bị cáo. Ngoài lời khai thì không có thêm chứng cứ gì, khuôn khổ phiên tòa, HĐXX chỉ xét xử hồ sơ, chứng cứ có trong vụ án, vì vậy tòa không xem xét hành vi các TTGT, CSGT bị "tố" nhận tiền này và hồ sơ vụ án thể hiện các bị cáo khai có 79 CSGT, TTGT nhận tiền hối lộ.
TÂN CHÂU
Theo VTC
Xét xử đường dây mua bán 'logo xe vua': Kiến nghị điều tra những người nhận tiền 3 luật sư tham gia bào chữa vừa có văn bản gửi cơ quan tố tụng tại TPHCM đề nghị hủy bản án sơ thẩm, điều tra làm rõ người nhận số tiền đưa hối lộ trong vụ án. Có đưa, môi giới hối lộ nhưng không biết đưa cho ai Trong đơn kiến nghị, các luật sư (LS) Nguyễn Thị Huyền Trang,...