Mua bán bất động sản: Ban đầu khai bán 500 triệu, sau đó khai lại giá 10 tỉ đồng
Nói về việc chống thất thu thuế mua bán bất động sản, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết có trường hợp ban đầu kê khai việc mua bán chỉ 500 triệu nhưng sau khi được giải thích đã kê khai lại lên 10 tỉ đồng, gấp 20 lần.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc giải trình, làm rõ một số nội dung các đại biểu Quốc hội quan tâm – Ảnh: QUOCHOI.VN
Sáng 2-6, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế, xã hội. Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã có phần giải trình 3 nhóm vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm, trong đó nổi bật là vấn đề thu thuế bất động sản, thị trường chứng khoán và giá.
Về việc thu thuế bất động sản, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết theo quy định hiện nay, người nộp thuế phải khai thuế trên hợp đồng đúng với giá mua bán hai bên thỏa thuận, nếu thấp hơn sẽ tính theo bảng giá đất tại thời điểm nộp thuế.
Tuy nhiên, thời gian qua có tình trạng người dân khi mua bán đã trốn thuế và trục lợi. Bộ Tài chính đã chỉ đạo các cơ quan thuế phải kiểm soát việc mua bán bất động sản đúng giá trị thỏa thuận, chống thất thu thuế.
Qua đó, trong 5 tháng đầu năm 2022 đã thu được 16.200 tỉ đồng, vượt thu so với cùng kỳ năm ngoái 6.600 tỉ đồng.
“Có những trường hợp ban đầu kê khai việc mua bán chỉ 500 triệu, nhưng sau khi được giải thích đã kê khai lại lên 10 tỉ đồng, gấp 20 lần. Cũng có trường hợp khai lại giá mua bán gấp 60 lần, còn bình quân là gấp 6 lần”, ông Phớc cho hay.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, vấn đề kiểm soát giá mua bán, chống thất thu thuế là việc cần thực hiện và đúng quy định. Bộ cũng chỉ đạo cơ quan thuế nghiêm cấm cán bộ thu thuế nhũng nhiễu, gây phiền hà cho dân.
Video đang HOT
“Nếu các cấp, các ngành giám sát thấy cơ quan thuế có nhũng nhiễu, lót tay, trục lợi, hối lộ thì sẽ xử lý nghiêm. Sắp tới, chúng tôi cũng đề nghị các địa phương xây dựng hệ số điều chỉnh, dữ liệu mua bán bất động sản để minh bạch hơn, chống thất thu thuế từ mua bán bất động sản”, ông Phớc cho biết.
Việc chúng ta kiểm soát như hiện nay là phòng ngừa để không xảy ra các vụ án hình sự về thuế, ví dụ đối với người bán nhà trốn thuế thông qua kê khai hai hợp đồng có thể sẽ bị xử lý tội trốn thuế. Việc làm như thế này hoàn toàn đúng pháp luật.BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH HỒ ĐỨC PHỚC
Về thị trường chứng khoán, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho hay thị trường chứng khoán gồm có thị trường cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp và phái sinh. Ông Phớc nhận định vừa qua thị trường chứng khoán rất tốt và là kênh gọi vốn, đầu tư trung dài hạn.
Ông ví dụ thị trường cổ phiếu năm 2021 đạt 7.774.000 tỉ, chiếm 92% GDP, tăng so với năm 2020 là 46,7%, bình quân giao dịch trên 26.000 tỉ. Hay thị trường trái phiếu, ngoài trái phiếu Chính phủ có trái phiếu doanh nghiệp trong năm 2021 đạt 13.740.00 tỉ đồng, 15% GDP.
“Có thể thấy tỉ lệ % thị trường trái phiếu doanh nghiệp/GDP của nước ta còn thấp so với nhiều nước trong khu vực, ví dụ Trung Quốc 35,6%, Nhật Bản hơn 17%. Do vậy, chúng ta vẫn có tiềm năng rất tốt để huy động vốn trên thị trường trái phiếu của doanh nghiệp”, ông Phớc nói.
Người đứng đầu Bộ Tài chính cho hay một số vụ việc sai phạm vừa qua là do vi phạm các quy định Luật chứng khoán và một số nghị định liên quan như thao túng chứng khoán, lừa dối khách hàng, giả mạo hồ sơ, tài liệu… Những vụ việc này đang được xử lý nghiêm.
Bộ Tài chính đã yêu cầu Ủy ban chứng khoán và các các cơ quan kiểm tra vấn đề phát hành trái phiếu riêng lẻ và các công ty kiểm toán độc lập đã kiểm toán báo cáo tài chính của các công ty phát hành, từ đó phát hiện một số vi phạm. Dù vậy, ông Phớc vẫn bày tỏ tin tưởng thị trường chứng khoán sẽ là kênh huy động vốn trung và dài hạn hiệu quả.
“Sắp tới chúng tôi sẽ trình Chính phủ sửa đổi nghị định 153 để thực hiện minh bạch tốt hơn, vận hành tốt hơn và bịt một số lỗ hổng. Đặc biệt phải sửa luật bởi hiện nay luật không khống chế điều kiện, mục đích phát hành hoặc bất cập trong việc quy định về vốn, chỉ tiêu nợ trên vốn sở hữu”, ông Phớc nói.
Đôn đốc, gỡ vướng đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công
Sáng 18/5, Tổ công tác số 6 của Thủ tướng Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc làm tổ trưởng đã có buổi làm việc với 5 tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Yên, Bình Phước, Bình Thuận, Khánh Hòa để đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, Tổ trưởng Tổ kiểm tra số 6 kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Phạm Hậu/TTXVN
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã giao Tổ trưởng tổ công tác số 6 thực hiện kiểm tra giải ngân đầu tư công của 4 tháng đầu năm 2022 tập trung vào 5 tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Yên, Bình Phước, Bình Thuận, Khánh Hoà.
Báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy, số vốn đầu tư công Chính phủ giao cho 5 tỉnh là gần 26.700 tỷ đồng và hiện nay mới giải ngân được hơn 5.071 tỷ đồng đạt 19% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao năm 2022; trong đó, tỉnh Bình Thuận có số giải ngân cao nhất đạt 28,5%, tỉnh Khánh Hòa thấp nhất trong 5 tỉnh, đạt 14,5%.
Bộ trưởng cho rằng, đã gần hết nửa năm, nhưng tỷ lệ giải ngân tại các địa phương này rất thấp, chưa kể nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia vừa phân bổ, nguồn vốn ngân sách nhà nước và gói kích cầu. Các tỉnh cần báo cáo những khó khăn, vướng mắc, những lực cản và giải pháp khắc phục cũng như các kiến nghị nhằm tháo gỡ những nút thắt này. Sau cuộc họp, Bộ Tài chính sẽ tổng hợp để báo cáo Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ các khó khăn, thúc đẩy giải ngân.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đề nghị, các tỉnh lưu ý đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công và coi đây là động lực để tăng trưởng. Từ đó, góp phần giải quyết việc làm và tăng thu ngân sách. Đặc biệt, trong bối cảnh Việt Nam vừa trải qua dịch bệnh nặng nề, đang phục hồi thì giải pháp về tăng cường đầu tư công là giải pháp trọng tâm.
Tại cuộc họp các địa phương đã nêu ra một số lý do khiến tiến độ giải ngân chậm như trong quý I/2022 dịch bệnh vẫn ảnh hưởng đến tiến độ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, ảnh hưởng tiến độ thực hiện các dự án; giá nguyên vật liệu xây dựng tăng cao trong thời gian qua khiến các doanh nghiệp, nhà thầu thi công cầm chừng hoặc tạm dừng thi công, dự án phải điều chỉnh chủ trương, điều chỉnh tổng mức đầu tư.
Bên cạnh đó là nguyên nhân giải phóng mặt bằng; vướng về đơn giá, hệ số điều chỉnh giá đất, phương án đền bù...; các dự án mới khởi công đang triển khai thủ tục lập, thẩm định và phê duyệt thiết kế, dự toán, tổ chức đấu thầu xây lắp chưa giải ngân được vốn...
Bà Trần Tuệ Hiền, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước cho biết, đến thời điểm hiện tại, tỉnh này đã thực hiện phân bổ 100% kế hoạch vốn đồng thời cũng đã giải ngân đạt 20% kế hoạch.
Theo bà Trần Tuệ Hiền, nguyên nhân khiến việc giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh gặp khó khăn là do giải phóng mặt bằng chậm; thời gian thực hiện phê duyệt các bản vẽ thiết kế thi công mất nhiều thời gian. Hơn nữa còn có những nguyên nhân khách quan như việc tăng giá nguyên vật liệu, mùa mưa đến sớm nên đã ảnh hưởng tới tiến độ thi công.
Đưa ra các giải pháp khắc phục, một số bộ, ngành tại cuộc làm việc đã có những phương án hết sức cụ thể. Đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, chậm giải phóng mặt bằng không phải do chế độ mà do tổ chức thực hiện. Khi thực hiện, các địa phương phải theo hình thức cuốn chiếu, đây là vấn đề thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh chỉ đạo.
Về kéo dài vốn ngân sách từ 2021 sang 2022, theo đại diện đến từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản đồng ý cho phép, trong tuần này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thông báo các địa phương danh mục và mức vốn kéo dài.
Các tỉnh cũng đã kiến nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc một số vấn đề như đề nghị kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân vốn ngân sách trung ương trong nước đã được giao kế hoạch năm 2021 sang năm 2022.
Cùng đó, sớm thông báo kế hoạch vốn trung hạn 2021-2025 và kế hoạch năm 2022 cho các Chương trình mục tiêu quốc gia để kịp thời chuẩn bị thủ tục, giải ngân kế hoạch vốn được giao và sớm có thông tư hướng dẫn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia.
Theo Bộ trưởng, dự báo tới đây, sẽ còn nhiều khó khăn nên cần tập trung tháo gỡ các vướng mắc, gỡ khó cho doanh nghiệp để công trình đẩy nhanh tiến độ, đưa nhanh vào sử dụng, phát huy hiệu quả, thúc đẩy tăng trưởng, chống lạm phát.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đề nghị các địa phương phải tập trung phân bổ hết số vốn được giao; tháo gỡ giải phóng mặt bằng; UBND tỉnh cần yêu cầu liên sở Xây dựng - Tài chính công bố giá kịp thời, sát thực tế giá nguyên vật liệu; đôn đốc thi công nhanh, nghiệm thu nhanh, bố trí vốn đủ để thanh toán; điều chỉnh vốn cho các dự án tiến độ nhanh, phát huy hiệu quả theo thẩm quyền; thường xuyên kiểm tra công tác giải ngân, giải phóng mặt bằng, đôn đốc thực hiện các dự án đầu tư.
Quang cảnh cuộc họp. Ảnh: Phạm Hậu/TTXVN
Về chính sách pháp luật, Bộ Tài chính phối hợp với các bộ, ngành, báo cáo Chính phủ, Quốc hội để sửa luật, nếu cần thiết có thể báo cáo Quốc hội ban hành nghị quyết.
Người dân TP.Thủ Đức 'kêu trời' vì khó đóng thuế chuyển nhượng bất động sản Nhiều tháng qua, người dân ở khu vực TP.Thủ Đức (TP.HCM) liên tục kêu trời vì khó khăn trong việc nộp thuế chuyển nhượng bất động sản. Hồ sơ bị "ngâm" Chị Thanh Hòa nhà ở phường Hiệp Bình Phước, TP.Thủ Đức, cho biết chị bán 2 miếng đất ở quận Thủ Đức cũ và đã nộp hồ sơ tính thuế từ trước...