Mua 80.000 tài khoản Facebook để dội bom tin nhắn lừa đảo
Từ hàng chục nghìn tài khoản Facebook trộm cắp, nhóm lừa đảo thực hiện chiến dịch dội bom tin nhắn “khuyến mại 500% giá trị thẻ cào” đến hàng nghìn người.
Nguyễn Tùng Dương. Ảnh:T.H.
Nhóm thanh niên lừa đảo khuyến mãi nạp thẻ cào điện thoại để chiếm đoạt tài sản gồm Nguyễn Tùng Dương (19 tuổi, ở Sóc Sơn, Hà Nội) và 3 nghi phạm đều ở độ tuổi dưới 30. Họ vừa bị Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội khởi tố về tội Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.
Dịp Tết 2016, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an TP Hà Nội phát hiện Dương và nhóm đồng phạm lập 6 trang web để lừa đảo bằng việc tung ra thông tin khuyến mãi nạp thẻ cào điện thoại.
Để nhiều người biết đến tin nhắn spam này, Dương bỏ tiền mua 80.000 tài khoản Facebook do hacker chiếm đoạt. Sau đó, 4 thanh niên trên thực hiện chiến dịch dội bom tin nhắn vào danh sách bạn bè của các tài khoản Facebook bị đánh cắp.
Tùy thời điểm, nhóm này soạn tin nhắn lừa đảo có nội dung phù hợp để giăng bẫy người dùng Facebook. Như dịp 30/4, Dương và đồng bọn tung ra tin nhắn: “Nhân dịp 30/4/2015, tất cả 3 nhà mạng đều đồng loạt tổ chức chương trình khuyến mại nạp thẻ dành cho các nhân viên đang làm trong 3 nhà mạng thông qua hệ thống website thanh toán trực tuyến. Khi nạp thẻ trên hệ thống sẽ được khuyến mại nhân 10 lần thẻ nạp…”
Video đang HOT
Tin nhắn từ website lừa đảo.
Trong tin nhắn gửi đi, nhóm lừa đảo tự nhận là Bộ Viễn thông Việt Nam triển khai tặng 500% giá trị thẻ nạp, hướng dẫn chủ tài khoản Facebook cách truy cập vào website lừa đảo và kêu gọi họ giới thiệu cho người thân.
Cảnh sát xác định, Dương lập 8 tài khoản trên một hệ thống cổng thanh toán , tích hợp vào các website lừa đảo thẻ cào. Khi người dùng Facebook nạp thẻ, tiền ảo tự động nạp vào các tài khoản trên. Sau đó Dương tìm cách đổi tiền ảo sang tiền thật.
Đến nay cơ quan công an xác định, Nguyễn Tùng Dương cùng đồng bọn đã chiếm đoạt 463 triệu đồng, trong đó đã rút được 312 triệu đồng tiền mặt.
Không có khuyến mại thẻ cào 500%
Chỉ huy Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao thông tin mọi tin nhắn khuyến mãi nạp thẻ cào điện thoại khủng hay tin nhắn trúng thưởng xe máy, tiền mặt trên Facebook đều là chiêu trò lừa đảo. Theo quy định, khuyến mãi nạp thẻ cào điện thoại của các nhà mạng hiện nay đều không quá 50% giá trị thẻ nạp. Không có chuyện, mạng viễn thông khuyến mại gấp 10, 20 lần hay 500% giá trị thẻ cào.
Cảnh sát khuyến cáo người dân nên gọi trực tiếp tới tổng đài để xác minh thông tin khuyến mãi. Thông thường chương trình khuyến mãi được nhà mạng thông báo qua tin nhắn tới thuê bao người dùng. Tuyệt đối không nạp mã số thẻ cào vào các website thông báo khuyến mãi.
Theo Zing News
9x lập Facebook rao bán bằng đại học giả lĩnh án
Trong thời gian ngắn, đối tượng Đạt nhiều lần thúc ép anh Cường chuyển tiền vào tài khoản và hứa hẹn sau một tuần sẽ có kết quả. Đến hẹn, Đạt tiếp tục viện lý do để đòi thêm tiền.
Bị cáo Trần Tấn Đạt
TAND TP Hà Nội vừa tuyên phạt bị cáo Trần Tấn Đạt (SN 1992, ở xã Nghĩa Thành, huyện Châu Đốc, Bà Rịa - Vũng Tàu) mức án 36 tháng tù nhưng cho hưởng án treo về tội Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số để chiếm đoạt tài sản.
Theo cáo buộc, bị cáo Đạt không có nghề nghiệp. Đầu năm 2014, nam thanh niên lập trang fanpage "Làm bằng đại học", gia nhập nhiều group, diễn đàn trên mạng internet để đăng thông tin bán các loại bằng tốt nghiệp đại học, cao đẳng, chứng chỉ giả. Đạt rao bán các loại bằng, chứng chỉ với giá tiền từ 1 - 30 triệu đồng.
Những thông tin cá nhân được đăng lên do Đạt tự nghĩ ra. Đối tượng cũng tạo lập nhiều email, số điện thoại và tài khoản của nhiều ngân hàng đứng tên những người khác nhau.
Người có nhu cầu làm bằng giả sẽ tìm kiếm thông tin và chủ động liên lạc với Đạt để thỏa thuận. Khi đó, Đạt yêu cầu khách hàng gửi thông tin cá nhân kèo ảnh màu vào địa chỉ email, sau đó đặt cọc 30% số tiền chuyển vào tài khoản do anh ta cung cấp. Nhận được tiền, đối tượng lập tức cắt đứt mọi liên lạc.
Cơ quan điều tra làm rõ, đầu năm 2015, do có nhu cầu tìm kiếm việc làm, chị Hiền gọi theo số điện thoại trên mạng internet cho Đạt để hỏi việc làm Bằng tốt nghiệp tại chức Đại học Luật. Đồng ý với mức giá 20 triệu đồng, chị Hiền gửi trước 6 triệu đồng. Vài ngày sau, Đạt đề nghị chuyển thêm 13 triệu đồng để lấy bằng. Chiếm đoạt được số tiền trên, Đạt sử dụng tiêu xài cá nhân hết.
Cùng thời gian đó, Trần Tấn Đạt lừa đảo chiếm đoạt 35 triệu đồng của anh Cường (sinh viên năm cuối trường Đại học Ngân hàng TP HCM).
Vì muốn đi làm sớm, anh Cường tìm người làm bằng giả. Trong thời gian ngắn, đối tượng nhiều lần thúc ép anh Cường chuyển tiền vào tài khoản và hứa hẹn sau một tuần sẽ có kết quả. Tuy nhiên đến hẹn, Đạt tiếp tục yêu cầu chuyển thêm tiền để nộp tiền học phí. Nghi ngờ nên anh Cường tìm cách đòi lại tiền.
5 tháng sau khi thực hiện hành vi phạm pháp, Đạt bị công an bắt giữ.
Đối với các tài khoản ngân hàng, bị cáo khai nhận sử dụng CMND mua với giá 100.000 đồng để tạo lập.
Đỗ Mến
Theo_Tin Nhanh Chứng Khoán
Tội phạm công nghệ cao năm 2015: Lắm thủ đoạn mới, nhiều người sập bẫy Năm 2015, Phòng Cảnh sát Phòng chống tội phạm sử dụng Công nghệ cao (PC50) Công an TP Hà Nội đã đấu tranh xử lý hàng trăm vụ việc liên quan đến an ninh mạng và tội phạm công nghệ cao. Hàng loạt những chiêu thức, thủ đoạn như gọi điện thoại giả danh; kết bạn qua mạng xã hội rồi lừa đảo,...