Mua 66 tiêm kích F-16V của Mỹ, cán cân sức mạnh ở eo biển Đài Loan có thay đổi?
Cán cân sức mạnh ở eo biển Đài Loan dường như không thay đổi, song Trung Quốc vẫn phải cân nhắc kỹ trước khi tấn công Đài Loan bởi nhiều khả năng trong thời gian tới, Đài Bắc sẽ tiếp nhận thêm một phi đội F-16V.
Theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), đây là nhận định được giới chuyên gia quân sự đưa ra hôm 19/8 sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump phê chuẩn thương vụ bán 66 tiêm kích F-16V “Viper”do hãng Lockheed Martin sản xuất cho Đài Loan. Giá trị của thương vụ này là 8 tỷ USD. Tuy nhiên, thương vụ này vẫn đang chờ phê duyệt từ Thượng viện Mỹ.
Tiêm kích F-16V của không quân Đài Loan. (Ảnh: EPA-EFE)
Chuyên gia quân sự tại Macau, ông Antony Wong Dong cho rằng việc Mỹ bán mỗi chiếc F-16V với giá 120 triệu USD cho Đài Loan là quá đắt. Tuy nhiên, sở hữu F-16V sẽ giúp Đài Loan tăng khả năng đối phó trước mối đe dọa từ các cuộc không kích của lực lượng chiến đấu cơ chủ lực Trung Quốc.
“Giá bán của F-16V là rất đắt đỏ, nhưng ít nhất năng lực tấn công của tiêm kích này tương xứng với các chiến đấu cơ thế hệ thứ 3 của Trung Quốc như J-10C và cả J-16. Thậm chí, F-16V còn có thể phát hiện máy bay tàng hình hiện đại nhất của Trung Quốc là J-20 ở khoảng cách xa”, ông Wong nói.
Cũng theo ông Wong, “F-16V không thể đánh bại J-20 vì khoảng cách năng lực nhưng chắc chắn, việc Đài Loan sở hữu F-16V sẽ khiến Bắc Kinh phải cân nhắc lại cái giá phải trả khi tấn công Đài Bắc”.
Nếu thương vụ mua bán F-16V giữa Mỹ và Đài Loan diễn ra trót lọt, đây sẽ là động thái tăng cường năng lực quốc phòng đáng kể cho Đài Bắc.
Ông Chieh Chung, nhà nghiên cứu an ninh cấp cao tại Viện Chính sách ở Đài Bắc cho biết tiêm kích F-16V “Viper” được trang bị động cơ và bình nhiên liệu tối tân hơn so với các dòng F-16 khác. Nói cách khác, F-16V “Viper” mang theo được nhiều nhiên liệu hơn và di chuyển quãng đường xa hơn cũng như tiến lại gần Trung Quốc đại lục hơn.
Video đang HOT
Theo ông Chieh, những loại vũ khí và tính năng mới trang bị cho F-16V “Viper” có thể tăng khả năng tấn công không đối đất cho máy bay so với các thế hệ trước và biến F-16V “Viper” trở thành một đối thủ đáng gờm với quân đội Trung Quốc.
Song nhà bình luận quân sự tại Hong Kong, ông Song Zhongping lại cho rằng dù F-16V được trang bị thêm vũ khí và phạm vi hoạt động xa hơn, nhưng nó vẫn chưa thể là đối thủ của hệ thống chiến đấu toàn diện mà quân đội Trung Quốc đang nắm trong tay.
“Thương vụ mua bán F-16V của Mỹ – Đài Loan sẽ khiến Trung Quốc khó chịu, nhưng nó không thể làm thay đổi cán cân sức mạnh giữa Trung Quốc và Đài Loan. Đài Loan nằm quá gần Trung Quốc đại lục, do đó mọi động thái của chiến đấu cơ Đài Loan đều bị quân đội Trung Quốc theo dõi sát sao”, ông Song cho hay.
“Cán cân sức mạnh quân sự ở eo biển Đài Loan không chỉ quyết định thông qua sức mạnh của các máy bay quân sự mà còn cả một hệ thống chiến đấu toàn diện. Theo đó, Trung Quốc đã cho phát triển một hệ thống chiến đấu ba chiều gồm mặt đất, trên không và trên biển với sự tham gia của các chiến đấu cơ, tên lửa, chiến hạm, vệ tinh và nhiều thành phần khác. Trong khi đó, Đài Loan lại không có một số thành phần chiến đấu như của Trung Quốc”, ông Song nói thêm.
Ông Song cũng nhấn mạnh, Đài Loan vẫn chưa có chuỗi cung ứng công nghiệp quân sự nên buộc phải phụ thuộc vào nguồn cung từ Mỹ. Đây là lý do cản trở Đài Loan sở hữu những loại vũ khí hiện đại để tiến tới hoàn thiện toàn diện khả năng chiến đấu.
Thêm vào đó, ngoài khoản chi 8 tỷ USD để mua các chiến đấu cơ F-16V, Đài Loan còn phải chi thêm 330 triệu USD để nâng cấp 144 tiêm kích F-16A và F-16B lên ngang bằng tiêu chuẩn của F-16V.
Hồi tháng Bảy, Mỹ cũng đã thông qua thương vụ bán lô vũ khí trị giá 2,2 tỷ USD cho Đài Loan bao gồm 108 xe tăng M1A2T Abrams và 250 tên lửa đất đối không Stinger. Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định thương vụ bán vũ khí cho Đài Loan là nhằm “thúc đẩy nền hòa bình” trong khu vực.
Bắc Kinh đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ việc Washington bán vũ khí cho Đài Bắc. Lâu nay, Trung Quốc chỉ xem Đài Loan là một tỉnh ly khai và sẵn sàng dùng vũ lực để sáp nhập vào lãnh thổ đại lục.
Trong khi đó, dù không thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức, Mỹ vẫn hỗ trợ Đài Loan cải thiện năng lực quốc phòng.
Minh Thu (lược dịch)
Theo infonet
Trung Quốc điều chiến cơ tàng hình J-20 'giám sát Đài Loan'
Máy bay này cũng có thể được sử dụng để đối trọng với các hoạt động quân sự của Nhật Bản và Mỹ trong khu vực, các nhà phân tích nhận định.
Các nhà quan sát cho biết máy bay chiến đấu tàng hình Trung Quốc J-20 đã được triển khai cho Bộ Tư lệnh Quân khu phía Đông, cho thấy họ sẽ tập trung vào eo biển Đài Loan và các hoạt động quân sự giữa Nhật Bản và Mỹ.
Không quân Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đăng một bức ảnh lên tài khoản truyền thông xã hội trong tuần này cho thấy máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm được gắn số 62001, là một phần của đơn vị tiền tuyến. Truyền thông Trung Quốc đưa tin rằng máy bay chiến đấu tàng hình đã vào Bộ Tư lệnh Quân khu phía Đông, bao gồm Đài Loan.
(Ảnh: SCMP)
Collin Koh, nghiên cứu viên của Trường Nghiên cứu Quốc tế S Rajaratnam tại Đại học công nghệ Nanyang ở Singapore, cho biết chiếc máy bay này dường như có hai nhiệm vụ. "Đơn vị chuyển sang hoạt động trong Bộ Tư lệnh Quân khu phía Đông nhắm chính xác vào Đài Loan, và để thách thức các hoạt động quân sự Mỹ ở eo biển Đài Loan, bên cạnh đó là mối đe dọa đối với đường trung tuyến mà không quân Đài Loan tuần tra dọc theo.
Hình ảnh được tiết lộ khi Trung Quốc phát hành sách trắng quốc phòng, nêu rõ những rủi ro từ "lực lượng ly khai". Trong tài liệu, quân đội nước này cho biết họ phải đối mặt với những thách thức từ các lực lượng ủng hộ độc lập ở Đài Loan nhưng sẽ luôn đánh bại những người đấu tranh cho độc lập của hòn đảo. Họ cũng cho biết có những rủi ro từ phe ly khai ở các khu tự trị Tây Tạng và Tân Cương.
Một ngày sau khi sách trắng được phát hành, tàu chiến Mỹ đã đi qua eo biển Đài Loan.
J-20 dự kiến được đưa vào sản xuất hàng loạt trong năm nay. Nếu máy bay được tuyên bố sẵn sàng đi vào hoạt động, nó sẽ báo hiệu cho mối đe dọa lớn hơn ở Thái Bình Dương từ Trung Quốc, Tướng Charles Brown, chỉ huy Không quân Mỹ tại Thái Bình Dương, cho biết vào tháng 5.
Brown cho biết những nỗ lực của Mỹ để chống lại những phát triển đó bao gồm việc tăng cường triển khai các máy bay F-35 thế hệ tiếp theo và tiếp tục tràn ra các khu vực chiến lược như Biển Đông.
Trung Quốc có hơn 2.500 máy bay, bao gồm 1.700 máy bay chiến đấu, máy bay ném bom chiến lược, máy bay ném bom chiến thuật và máy bay chiến thuật và tấn công đa nhiệm vụ, đang phục vụ, cơ quan tình báo quốc phòng Mỹ cho biết.
Chuyên gia quân sự có trụ sở tại Macau, Antony Wong Dong cho biết, ngoài Đài Loan, máy bay chiến đấu J-20 cũng có thể được sử dụng để đối trọng với các hoạt động quân sự của Mỹ và Nhật Bản. Nhưng Wong nói thêm rằng quân đội Trung Quốc vẫn đang khám phá cách sử dụng máy bay tốt nhất. "Cần một vài năm để máy bay được triển khai đầy đủ và trưởng thành. Ngay bây giờ, nó vẫn còn trong giai đoạn thăm dò", ông nói.
(Nguồn: SCMP)
PHƯƠNG ANH
Theo VTC
Tàu chiến Mỹ đi qua eo biển Đài Loan, 'chọc giận' Trung Quốc? Quân đội Mỹ xác nhận tuần dương hạm đi qua eo biển Đài Loan, một động thái có thể "chọc giận" Trung Quốc trong bối cảnh quan hệ 2 bên đang căng thẳng. "Tàu USS Antietam đi qua eo biển Đài Loan thể hiện cam kết của Mỹ đối với một Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Hải quân Mỹ sẽ...