M.U chống khủng bố & tránh nuôi ong tay áo
Song song với nhiệm vụ đấu lại các đối thủ tại Premier League và Europa League, Man United còn phải đau đầu lo công tác đảm bảo an ninh. Phải mạnh tay lo chống nguy cơ bị khủng bố đã đành, Quỷ đỏ còn phải tự rút bài học về chuyện “nuôi ong tay áo”.
Kẻ cắp là người nhà
Cùng ngày, các fan M.U nhận 2 thông tin vui buồn lẫn lộn. Tin vui là Quỷ đỏ leo lên vị thế đội bóng có doanh thu cao nhất thế giới. Tin buồn là 7 nhân viên của M.U phải hầu tòa vì bị tố ăn cắp tiền của đội nhà.
Tờ The Sun tiết lộ tổng số tiền mà 7 nghi phạm này ăn cắp vào khoảng 5.000 bảng. Đám “kẻ cắp người nhà” này được cho là lấy trực tiếp tiền mặt trong quá trình bán hàng trong các ki ốt bán đồ ăn nhanh ở sân Old Trafford. Trong các trận sân nhà của M.U hoặc những sự kiện thể thao diễn ra trên sân Old Trafford, sau khi thu tiền từ việc bán hotdog hay burger, thay vì bỏ vào ngăn kéo như quy định, họ lại nhét luôn vào túi của mình.
Thấy bảo sau khi nhận được mật tin về vấn nạn “nuôi ong tay áo” ở bộ phận bán hàng của đội nhà, bộ phận an ninh của M.U đã trang bị thêm các camera gần những ki ốt bán đồ ăn nhanh trong sân Old Trafford. Bảy nhân viên bán hàng của M.U đã bị camera an ninh ghi lại hành vi mờ ám.
Công tác an ninh ở sân Old Trafford đang được siết chặt hơn bao giờ hết
Họ phải ra hầu tòa vào hôm qua. Trước tòa, 2 nhân viên Mwila Bwanga (20 tuổi) và Olamide Oyawoye (21 tuổi) đã thừa nhận hành vi ăn cắp của mình. Năm nhân viên khác gồm Anthony Agabaje (21 tuổi), Fliavio Andrade (22), Lugman Arogundada (22), Mustafa Belkhair (20) và Justino Edmilson (22) vẫn ngoan cố chối bay chối biến mọi cáo buộc. Cả 5 nghi phạm này tạm thời được tại ngoại và sẽ phải ra hầu tòa tiếp vào tháng 3 tới.
Việc có tới 7 nhân viên M.U phải ra hầu tòa vì bị tố ăn cắp tiền của đội nhà tiếp tục cho thấy công tác tuyển dụng của Quỷ đỏ có vấn đề. Hồi tháng 7/2014, M.U thuê anh chàng Riyaz Patel phụ trách bộ phận an ninh cho mình. Vẫn tờ The Sun tiết lộ Patel từng… thụt két 26.000 bảng trong thời gian làm nhân viên trong một bưu điện do anh trai mình điều hành. Ngoài ra, Patel còn từng bị phạt 100 giờ lao động công ích và phải bồi thường 11.500 bảng sau khi gây ra một vụ trộm khác.
Hai nhân viên Bwanga và Oyawoye đã thừa nhận ăn cắp tiền của M.U
Tháng 8/2014, nhân viên an ninh Geoffrey Brophy của M.U phải lĩnh án tù 9 tháng, sau khi không thể chối cãi hành vi ăn trộm áo đấu và đồ lưu niệm của Quỷ đỏ. M.U đúng là không thiếu kinh nghiệm về những “bàn phản lưới” do nhân viên của mình gây ra.
Thuê chuyên gia chống khủng bố
Hiện ngoài nhiệm vụ rà soát đội ngũ nhân viên của mình, BLĐ Quỷ đỏ còn phải tăng cường công tác an ninh trước nguy cơ khủng bố leo thang trên thế giới nói chung và trong thế giới thể thao nói riêng. Các tờ báo Anh đồng loạt cho biết M.U vừa trở thành đội bóng đầu tiên trên thế giới có giám đốc chuyên trách mảng chống khủng bố.
Năm 2014, M.U từng thuê người có tiền án (khoanh tròn trong ảnh) phụ trách an ninh cho mình
Trọng trách này được Quỷ đỏ giao cho một cựu thanh tra khét tiếng trong lực lượng cảnh sát Manchester. BLĐ M.U nhận thấy cần phải có bộ phận chuyên trách mảng chống khủng bố cho đội nhà sau thảm họa khủng bố tại Paris hồi tháng 11/2015, vụ trận M.U – Bournemouth hồi tháng 5/2016 phải hoãn vì báo động bom giả và vụ 2 CĐV qua mặt bộ phận an ninh, ngủ lại một đêm ở sân Old Trafford trước khi “xem chùa” trận M.U – Arsenal hồi tháng 11/2016.
Tất cả các cửa sổ ở Old Trafford đều đã được trang bị kính chống đạn. Từng khán giả, từng chiếc xe đến Old Trafford đều được kiểm tra, soi xét kỹ lưỡng. Để xứng danh đội bóng nhiều fan nhất thế giới, có doanh thu cao nhất thế giới, M.U cũng phải đảm bảo công tác an ninh tốt nhất thế giới.
Các sao lo phòng trộm cướp Trong khi đội nhà lo chống “thù trong, giặc ngoài”, bản thân những ngôi sao M.U cũng phải bảo nhau lo tăng cường công tác an ninh ở tư dinh của mình. Họ tự nâng cao ý thức cảnh giác sau vụ nhà Rooney bị trộm hụt vào tháng 8 năm ngoái.
Theo Bongdaplus