Mù Cang Chải – Điểm đến “Bản sắc – An toàn – Thân thiện”
Trong 6 tháng đầu năm 2023 số lượt du khách đến với Mù Cang Chải tiếp tục tăng mạnh và đạt trên 126.000 lượt, doanh thu 125,5 tỷ đồng, tăng 61,3% so với cùng kỳ năm trước.
Ngành du lịch tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội của huyện.
Ruộng bậc thang Mù Cang Chải mùa nước đổ.
Với sự tăng trưởng mạnh mẽ của lượt khách du lịch và doanh thu trong 6 tháng đầu năm 2023, đã khẳng định vai trò quan trọng của ngành du lịch trong phát triển kinh tế – xã hội của huyện Mù Cang Chải. Thực hiện Đề án xây dựng huyện Mù Cang Chải trở thành huyện du lịch, cùng với các chính sách, chương trình phát triển đa dạng, Mù Cang Chải thật sự đã thu hút khách du lịch bằng nhiều loại hình du lịch.
Trong đó, huyện đã phát triển các loại hình du lịch: lịch sử, văn hóa, sinh thái, nghỉ dưỡng, tâm linh, lễ hội và du lịch cộng đồng, kết hợp với các sản phẩm du lịch theo mùa liên kết với dịch vụ nông nghiệp và làng nghề.
Đồng thời, huyện cũng đã nỗ lực bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, gắn với việc bảo tồn, phát triển 39 di sản văn hóa vật thể và 142 di sản văn hóa phi vật thể, bao gồm cả danh lam thắng cảnh ruộng bậc thang – một di tích quốc gia đặc biệt.
Video đang HOT
Cùng đó, trong thời gian vừa qua, huyện đã vinh dự có 7 nghệ nhân được trao danh hiệu nghệ nhân trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Đặc biệt, việc tổ chức các hoạt động tuyên truyền, quảng bá du lịch trên phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội cùng việc ứng dụng chuyển đổi số trong quảng bá, phát triển du lịch đã đóng góp tích cực vào sự phát triển của huyện.
Các hoạt động văn hóa, du lịch ngày càng được tổ chức bài bản, chuyên nghiệp, mở rộng về quy mô, đa dạng về hình thức như: Ngày hội Hoa sơn tra; các hoạt động du lịch “mùa nước đổ”; Lễ hội khám phá Danh thắng Quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang; Festival khèn Mông; Festival dù lượn; Lễ hội Hoa tớ dày; Hội đánh quay người Mông; chợ phiên vùng cao; hoạt động văn nghệ bản sắc vào tối thứ 7, Chủ nhật hàng tuần trong thời gian diễn ra các hoạt động du lịch, lễ hội…
Đặc biệt, năm 2023 là năm đầu tiên huyện tổ chức thành công Ngày hội Hoa sơn tra, làm cơ sở phát triển mùa hoa sơn tra sản phẩm du lịch độc đáo miền sơn cước.
Theo đó, nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch, huyện Mù Cang Chải đã phối hợp với huyện Mường La, tỉnh Sơn La tổ chức Ngày hội Hoa sơn tra nhằm hiện thực hóa các nội dung liên kết, hợp tác trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp, du lịch gắn với bảo tồn văn hóa dân tộc theo biên bản ghi nhớ giữa Huyện ủy các huyện: Mường La, Bắc Yên, tỉnh Sơn La và huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn, tỉnh Yên Bái. Sau khi tổ chức Ngày hội Hoa sơn tra, du khách đã biết nhiều hơn về các xã: Nậm Có, Lao Chải, Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải, góp phần từng bước thực hiện mục tiêu đưa huyện Mù Cang Chải trở thành huyện du lịch, là điểm đến “Bản sắc – An toàn – Thân thiện”.
Lượng du khách đến với huyện Mù Cang Chải tăng mạnh qua các năm, trung bình đạt 251.667 lượt người/năm, vượt 25,8% so với mục tiêu Nghị quyết. Trong đó, năm 2022, lượng khách du lịch đến với huyện đạt 350.000 lượt người, đạt 175% mục tiêu nghị quyết, tăng 75% so với năm 2020, doanh thu từ du lịch đạt 270 tỷ đồng. Với những thành tựu đã đạt được, Mù Cang Chải tiếp tục phấn đấu xây dựng thành một điểm đến du lịch “Bản sắc – An toàn – Thân thiện” và ghi danh là một huyện du lịch nổi tiếng không chỉ ở Việt Nam mà còn trong khu vực và thế giới.
Bản Mường Bích Trụ, điểm đến giàu bản sắc văn hóa ở Hòa Bình
Đến với bản Bích Trụ, xã Hòa Bình, thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình du khách sẽ cảm nhận được về một bản Mường nơi lòng hồ non nước hữu tình, lòng người hiếu khách và giàu bản sắc văn hóa dân tộc.
Từ thành phố Hòa Bình, chỉ mất 20 phút đi thuyền hoặc đi đường bộ để đến bản Bích Trụ. Cách Thủy điện Hòa Bình hơn 3 km, Bích Trụ được chia làm hai cụm dân cư chính nhưng nhìn tổng thể các hộ chủ yếu sinh sống men theo lòng hồ Hòa Bình. Ấn tượng đầu tiên khi đến đây là bản Mường này vẫn giữ nếp nhà sàn truyền thống. Trong đó chủ yếu là những ngôi nhà sàn được xây dựng khang trang, thoáng mát.
Những ngôi nhà sàn được xây dựng khang trang, thoáng mát.
Được biết, để bảo vệ rừng, từ lâu dân bản không còn dựng nhà sàn gỗ. Tuy nhiên, phong tục của cha ông để lại, các hộ chuyển sang xây nhà theo phong cách nhà sàn, vừa chắc chắn, vừa thoáng mát. Không chỉ lưu giữ những nếp nhà sàn, nhiều phong tục, tập quán vẫn được gìn giữ, lưu truyền, làm nên nét cuốn hút độc đáo riêng có ở Bích Trụ.
Nằm trong vùng "vén dân" khi xây dựng công trình thủy điện Hòa Bình, bản Bích Trụ gần như mất toàn bộ đất canh tác và trở thành một bản vùng lòng hồ. Biến khó khăn thành lợi thế, người dân Bích Trụ đã phát triển mạnh nghề nuôi trồng, đánh bắt thủy sản, đồng thời chú trọng bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, gìn giữ văn hóa truyền thống để phát triển du lịch, nghỉ dưỡng. Hiện nay, 53 hộ dân trong xóm đã phát triển 167 lồng cá các loại và 4 hộ kết hợp nuôi trồng thủy sản với phát triển du lịch cộng đồng.
Người dân Bích Trụ rất tự hào với bản làng của mình và luôn có ý thức bảo vệ, giữ gìn cảnh quan thiên nhiên. Chính vì vậy, bản Mường xinh đẹp này đang là điểm đến lý tưởng nằm trên cung đường khám phá, trải nghiệm thiên nhiên, văn hóa du lịch vùng lòng hồ.
Bản Mường xinh đẹp này đang là điểm đến lý tưởng của du khách
Hiện nay, cùng với nghề nuôi trồng thủy sản đã gắn bó từ lâu đời, nhiều hộ dân tại Bích Trụ bắt đầu phát triển mô hình du lịch, nghỉ dưỡng. Đến đây, du khách có thể tham gia nhiều hoạt động trải nghiệm hấp dẫn như đi bộ, đạp xe khám phá bản làng, leo núi, chèo bè mảng, đánh bắt cá tôm, câu cá trên hồ, hay thưởng thức các món ăn do bà con tự chăn nuôi, chế biến hoàn toàn theo phong cách ẩm thực dân tộc Mường.
Với những lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, xã Hòa Bình đã xây dựng Bích Trụ trở thành điểm du lịch cộng đồng tại vùng lòng hồ. Xã đã hỗ trợ các hộ đầu tư xây dựng cảnh quan, các sản phẩm du lịch độc đáo và kết nối du lịch với các bản vùng lòng hồ của huyện Đà Bắc để tạo ra các tuyến du lịch hấp dẫn vùng lòng hồ cho du khách.
Người dân Bích Trụ luôn có ý thức bảo vệ, giữ gìn cảnh quan thiên nhiên nên du khách đến đây rất hài lòng.
Chị Lương Thanh Bích, khách du lịch đến từ Hà Nội cho biết: "Thật thú vị khi được về đây trải nghiệm không gian văn hóa của xã Bích Trụ. Nhóm chúng tôi đã đến đây hai ngày mà chưa trải nghiệm được một phần sản phẩm du lịch nơi đây. Có nhiều hoạt động rất thú vị như chèo bè mảng, đánh bắt cá tôm, câu cá trên hồ, leo núi. Về ẩm thực thì có đồ rừng rất ngon, nấu cách riêng của người dân nơi đây nên thật thú vị. Cùng với đó, chúng tôi được ở trong những khu du lịch cộng đồng với nếp nhà sàn đơn sơ nhưng ấm cúng và sạch sẽ".
Trong khi đó, anh nguyễn Văn Hòa, khách du lịch từ Quảng Ninh chia sẻ: "Bích Trụ là nơi rất đẹp, khí hậu trong lành. Mọi người đến đây có cảm giác được tận hưởng chuyến du lịch thực sự bởi cảnh sắc nơi đây rất đẹp, con người thân thiện, các dịch vụ cũng khá tốt".
Con đường hạnh phúc Hà Giang: 'Bản sắc' của núi rừng Đông Bắc 1. Đôi nét về Con đường hạnh phúc Hà Giang Đường hạnh phúc là con đường chạy từ Hà Giang qua cao nguyên đá Đồng Văn và đình Mã Pì Lèng rồi đến Mèo Vạc. Sở dĩ có tên là Hạnh phúc vì những ý nghĩa mà nó mang lại. Trước đây, đường chỉ là dải mòn gập gềnh dành cho người đi...