Mũ bảo hiểm đồng hành cùng con em đến trường
Bước vào năm học mới 2019 – 2020 tiếp tục có gần 02 triệu mũ bảo hiểm (MBH) được trao cho học sinh lớp 1 trên cả nước.
Đây là hành động cụ thể minh chứng cho nỗ lực của cả hệ thống chính trị và xã hội nhằm đảm bảo sự an toàn cho thế hệ tương lai của đất nước. Việc đội MBH cho trẻ em an toàn đến trường cần phải trở thành hành động yêu thương thay vì để đối phó với lực lượng chức năng.
Vững bước đến trường
Theo thống kê của Ủy ban ATGT Quốc gia, năm 2018 cả nước có gần 8.000 người tử vong do TNGT, trong đó có tới hơn 1.000 nạn nhân là trẻ em. Khảo sát trong giai đoạn vừa qua cho thấy, tỷ lệ người trưởng thành khi tham gia giao thông bằng xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện đội MBH đạt trên 90%, nhưng trẻ em chỉ mới đạt mức 52%.
Chương trình trao gần 02 triệu MBH cho học sinh lớp 1 được triển khai vào năm ngoái, nâng con số trẻ 6 tuổi đội MBH lên trên 60%. Trong khi đó, Chỉ thị số 04/2018 của Thủ tướng Chính phủ đặt ra mục tiêu vào năm 2020 phải đạt 80% trẻ em đội MBH khi tham gia giao thông. Bước vào năm học mới 2019 – 2020, Ủy ban ATGT Quốc gia tiếp tục phối hợp với Công ty Honda Việt Nam trao gần 02 triệu MBH phù hợp quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia cho học sinh bước vào lớp 1 trên cả nước.
Theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ, việc tăng cường giáo dục ATGT cho học sinh, sinh viên là hết sức cần thiết. Hiện cả nước có hơn 22 triệu học sinh, sinh viên, chiếm gần 1/4 dân số cả nước. Khi tham gia giao thông, nếu không đảm bảo an toàn, các em có thể là nạn nhân nhưng cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến TNGT.
“Bộ Giáo dục và Đào tạo cam kết sẽ chỉ đạo, hướng dẫn các sở giáo dục và đào tạo, các cơ sở giáo dục trong cả nước phối hợp với ban ATGT các tỉnh, thành phố thực hiện có hiệu quả chương trình phối hợp giáo dục ATGT tại tất cả các địa phương”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định.
Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ký kết với Ủy ban ATGT Quốc gia chương trình phối hợp “Tăng cường công tác giáo dục ATGT trong trường học giai đoạn 2019 – 2024″. Đây là định hướng quan trọng cho công tác giáo dục ATGT thời gian tới với các nội dung cụ thể và là cơ sở để các sơ sở giáo dục triển khai hoạt động trong tháng cao điểm ATGT cho học sinh đến trường.
Toàn dân cùng nỗ lực
Video đang HOT
Ngay sau ngày toàn dân đưa trẻ đến trường, sáng ngày 8/9 hàng nghìn người đã cùng tham gia tuần hành vận động toàn dân “Đội MBH cho trẻ em”. Đây là hoạt động có ý nghĩa lớn, thể hiện tình yêu thương và lời cam kết mạnh mẽ của toàn xã hội trong việc bảo vệ sự an toàn sinh mạng và sức khỏe cho thế hệ tương lai của đất nước, chung tay ngăn chặn và đẩy lùi những nỗi đau do TNGT.
Theo Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Trương Hòa Bình, thời gian qua dù tỷ lệ đội MBH cho trẻ em đã tăng từ 35% lên tới 52% nhưng còn không ít trẻ em không đội MBH khi ngồi trên xe máy vì nhiều bậc phụ huynh vẫn chưa ý thức, thậm chí còn cố tình không đội MBH cho con, em mình.
Phó Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị thực hiện tốt việc nâng cao hiệu quả công tác phối hợp tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về TTATGT, trật tự đô thị; kiên trì xây dựng văn hóa giao thông an toàn và môi trường thân thiện; đồng thời cung cấp kiến thức và kỹ năng lái xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện, nhất là cho học sinh, sinh viên, góp phần hạn chế, đẩy lùi tình trạng vi phạm pháp luật về TTATGT, giảm thiểu các vụ TNGT nói chung và TNGT liên quan đến học sinh, sinh viên nói riêng trong thời gian tới.
Đặc biệt, Phó Thủ tướng tiếp tục kêu gọi các bậc cha mẹ, người lớn hãy thực hiện nghiêm túc quy định về đội MBH, đó cũng là một hành xử văn hóa.
“Mỗi người dân khi tham gia giao thông đội MBH cho chính mình và con, em mình. Hãy thể hiện nét đẹp xây dựng văn hóa giao thông cho thế hệ tương lai của đất nước. Học sinh là lớp công dân đặc biệt, là tương lai của đất nước, tích cực học tập, xây dựng giá trị văn hóa giao thông an toàn làm hành trang đi đến tương lai. Trẻ em, học sinh luôn đội MBH cho mình và đề nghị ông bà, cha mẹ cũng đội MBH. Chỉ ngồi trên xe khi đội MBH, đi xe ô tô nhớ thắt dây an toàn,” Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình kêu gọi.
Xử lý nghiêm vi phạm, đảm bảo an toàn cho mùa tựu trường
Ông Nguyễn Đức Chung – Chủ tịch UBND TP. Hà Nội nhìn nhận, việc đội MBH cho trẻ em phải xuất phát từ ý thức của các bậc phụ huynh và là hành động yêu thương, thay vì chỉ để đối phó với các lực lượng chức năng.
Bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền, thời gian tới lực lượng chức năng của TP. Hà Nội sẽ tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm giao thông, đặc biệt là việc chấp hành đội MBH đối với học sinh vi phạm; phối hợp chặt chẽ với gia đình, nhà trường trong việc quản lý, giáo dục để tránh tái phạm; đổi mới, đưa bộ tài liệu “Giáo dục ATGT cho học sinh Hà Nội” vào giảng dạy đại trà tại tất cả các trường học, cấp học trên địa bàn Thành phố; phụ huynh học sinh nêu gương cho con, em đội MBH khi tham gia giao thông…
Trước tình hình TTATGT diễn biến phức tạp khi bước vào mùa tựu trường, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban ATGT Quốc gia đã yêu cầu chủ tịch UBND kiêm trưởng ban ATGT tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm chỉ đạo các sở, ngành, đoàn thể và chính quyền địa phương thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm cụ thể nhằm giảm thiểu tối đa các nguy cơ uy hiếp đến an toàn cho học sinh khi tham gia giao thông, trong đó có việc phải tăng cường các biện pháp bảo đảm TTATGT tại khu vực cổng trường học. Đồng thời, các lực lượng chức năng cần tăng cường tuần tra trên các tuyến đường gần trường học nhằm tuyên truyền, nhắc nhở học sinh, phụ huynh học sinh chấp hành quy định về ATGT; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm TTATGT liên quan đến trẻ em, tập trung xử lý hành vi người lớn chở trẻ em đi mô tô, xe máy, xe đạp điện không đội MBH theo quy định
V. THÀNH – T. DƯƠNG
Theo tapchigiaothong
Cần siết chặt quy định sử dụng điện thoại khi lái xe
Theo dự thảo của Bộ Công an trong đề nghị xây dựng Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, hành vi sử dụng điện thoại di động khi điều khiển ô tô đang di chuyển sẽ bị cấm. Đề xuất này được xem là phù hợp với thực tiễn và xu thế trên thế giới.
Hình minh họa.
Nguy cơ tai nạn cao
Vừa điều khiển phương tiện giao thông vừa nghe điện thoại, nhắn tin là hình ảnh dễ dàng bắt gặp trên các tuyến đường hàng ngày. Theo phân tích của cơ quan chức năng, số vụ tai nạn giao thông (TNGT) do sử dụng điện thoại khi tham gia giao thông không ít hơn với số vụ tai nạn do người lái xe sử dụng rượu bia.
Dùng điện thoại khi tham gia giao thông sẽ gây phân tâm, hạn chế khả năng quan sát, khiến người điều khiển phương tiện giao thông mất tập trung; khả năng điều khiển, kiểm soát vận tốc khi gặp tình huống bất ngờ sẽ lúng túng, không xử lý kịp thời gây tai nạn là tất yếu.
Thực tế đã có người vì mải mê nghe điện thoại mà qua đường thiếu quan sát, chuyển hướng không báo hiệu, đèn đỏ quên dừng lại... gây bất bình cho những phương tiện cùng lưu thông, thậm chí xảy ra tai nạn. Không những vậy, đây còn là hành vi thiếu ý thức, thiếu văn hóa khi tham gia giao thông, góp phần tạo điều kiện cho tội phạm cướp giật hoạt động.
Theo thống kê từ Tổ chức Y tế Thế giới, mỗi năm có hơn 1,25 triệu người thiệt mạng và từ 20- 50 triệu người khác bị thương do TNGT. Những người thường xuyên sử dụng điện thoại có nguy cơ gặp tai nạn cao gấp 4 lần so với những người tập trung điều khiển phương tiện tham gia giao thông.
Tại Việt Nam, mặc dù, gần như tất cả những người tham gia giao thông đều nhận thức được việc sử dụng điện thoại khi lái xe đều rất nguy hiểm. Tuy nhiên, tình trạng người tham gia giao thông sử dụng điện thoại vẫn diễn ra phổ biến do nhiều nguyên nhân, trong đó một phần là do mức xử phạt còn thấp, số người vi phạm bị xử phạt chưa đáng kể.
Luật hóa cấm sử dụng điện thoại khi lái ô tô
Hiện nay, hoạt động giao thông đường bộ chiếm tỷ lệ trên 90% các loại hình tham gia giao thông và loại hình vận tải ở nước ta.
Trong khi đó, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 mặc dù đã đã phát huy nhiều hiệu quả, tuy nhiên cũng tồn tại rất nhiều bất cập như: chưa có các quy định để quản lý, kiểm soát sự gia tăng của phương tiện, nhất là yêu cầu kiểm soát bảo đảm sự phù hợp, tương xứng với tốc độ phát triển về cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ; từ đó đã dẫn đến hệ quả là mất trật tự, an toàn giao thông trên các tuyến giao thông đường bộ và ùn tắc giao thông đã diễn ra nghiêm trọng tại các đô thị lớn.
Luật Giao thông đường bộ hiện hành chỉ có quy định cấm người điều khiển xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy không được sử dụng điện thoại di động, còn người điều khiển ô tô không có quy định rõ ràng.
Tuy nhiên, Công ước Vienna về giao thông đường bộ mà Việt Nam đã tham gia thì có quy định bắt buộc luật quốc gia phải quy định người điều khiển mọi loại phương tiện không được phép sử dụng điện thoại di động khi phương tiện đang di chuyển. Theo dự thảo của Bộ Công an trong đề nghị xây dựng Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, thì hành vi sử dụng điện thoại di động khi điều khiển ô tô đang di chuyển sẽ bị cấm.
Trước khi Bộ Công an có đề xuất này, nhiều cá nhân, lãnh đạo các đơn vị trong công tác quản lý giao thông cũng đã từng có kiến nghị, đề xuất cần phải nâng cao mức xử phạt hoặc cấm hành vi sử dụng điện thoại khi điều khiển ô tô bởi họ cho rằng mức xử phạt hành vi này là quá nhẹ. Cụ thể, theo Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định: "Cấm người đang điều khiển mô tô, xe gắn máy có hành vi sử dụng điện thoại di động".
Còn tại Nghị định 56/2016/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ có hiệu lực từ 1/1/2017 cũng quy định: "Xử phạt 600.000 - 800.000 đồng đối với hành vi vi phạm điều khiển ô tô và các loại tương tự xe ô tô dùng tay sử dụng điện thoại di động khi đang điều khiển xe chạy trên đường".
Đánh giá về mức xử phạt vi phạm hiện nay, ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng: "Thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ TNGT liên quan đến hành vi này. Do đó, tới đây cần nâng mức xử phạt đối với hành vi này. Đối với lái xe ô tô vi phạm có thể xử phạt ở mức từ 4-5 triệu đồng; với mô tô, xe máy khoảng 2-3 triệu đồng".
TS Vũ Anh Tuấn - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu GTVT Việt Đức đề xuất, với điện thoại rảnh tay (kết nối Bluetooth), thì luật nên cho phép sử dụng khi điều khiển phương tiện giao thông: "Có thể cho phép sử dụng các công nghệ kết nối như Bluetooth giúp người lái xe có thể liên lạc qua điện thoại, nhưng hoàn toàn rảnh tay để có thể tập trung lái xe an toàn, kèm theo đó là các hướng dẫn, khuyến cáo chặt chẽ và cụ thể khi sử dụng loại điện thoại rảnh tay trong khi điều khiển phương tiện", ông Tuấn nói. Bên cạnh các ý kiến từ nhà quản lý, các chuyên gia, người dân cũng đồng tình với đề xuất của Bộ Công an trong việc cấm sử dụng điện thoại khi điều khiển.
Sinh Nguyễn
Theo PLVN
Hơn 900 học sinh được hướng dẫn kỹ năng đi xe đạp điện an toàn, đội mũ bảo hiểm đúng cách Hướng dẫn kỹ năng đi xe đạp điện an toàn, đội mũ bảo hiểm đúng cách.... là những nội dung trọng tâm buổi tuyên truyền. Sáng 27/9, tại Trường THPT Nghi Lộc 5, Ban An toàn giao thông tỉnh phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Phòng CSGT Công an tỉnh tổ chức Chương trình tuyên truyền pháp luật về trật...