Motor show: Vớt doanh số cuối năm
Triển lãm ô tô năm nay được xem là nỗ lực “chào hàng” sau một năm thị trường xe nhập khẩu trầm lắng.
Triển lãm ô tô năm 2018 ( Vietnam Motor Show 2018) ghi dấu sự trở lại “góp gạo thổi cơm chung” của các thành viên thuộc Hiệp hội các nhà nhập khẩu ô tô chính hãng Việt Nam (VIVA) sau 3 năm tách riêng khỏi Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam ( VAMA).
Trong khu vực triển lãm, gian hàng của Toyota và Mercedes là lớn nhất, nằm ngay giữa, bao xung quanh là các hãng khác. Cũng đáng tiếc khi thiếu vắng tên của những nhà sản xuất nội địa lớn như Thaco, Kia, Hyundai và cả thương hiệu mới VinFast. Ở phân khúc hạng sang, các thương hiệu mang tính biểu diễn như Lamborghini, Bentley và Aston Martin cũng vắng mặt.
Dù vậy, các hãng xe tham gia vẫn đưa về những mẫu xe hàng đầu và mới nhất của mình. Điều này cũng khiến dễ nhầm tưởng rằng đây là cuộc chơi của xe nhập khẩu. Công ty sở hữu thị phần lớn nhất Toyota chỉ giới thiệu những mẫu xe phổ thông nhiều năm, bên cạnh việc giới thiệu mẫu xe concept chạy bằng điện nhỏ gọn có 2 chỗ ngồi.Trong khi Toyota “nghèo” về sản phẩm thì thương hiệu hạng sang của Toyota là Lexus đưa đến 4 mẫu xe, khá ít ỏi nhưng lại ra mắt mẫu sedan hạng sang Lexus ES300h, trang bị động cơ hybrid thế hệ thứ 4 tiên tiến nhất.
Dòng sản phẩm SUV đầu bảng của Hãng cũng được đưa về giới thiệu. Chẳng hạn Subaru mang đến mẫu Forester 2018, dòng xe SUV trang bị thuộc loại cao cấp, được lắp ráp tại Thái Lan và nhập khẩu. Người chơi mới gia nhập thị trường gần đây là Volvo cũng không kém cạnh, đưa về chiếc XC90 Excellent, dòng SUV cao cấp từng đạt hơn 240 giải thưởng toàn cầu. Volkswagen cũng thử nghiệm Touareg, được tạm nhập tái xuất để nghiên cứu thị hiếu người Việt. Tương tự, thương hiệu Jaguar đưa về E-pace, dòng SUV cỡ nhỏ.
Mẫu xe hạng sang quen thuộc là Audi cũng mang về một mẫu Q8 mới, vừa mới ra mắt ở triển lãm Audi Brand Experience Singapore 2018 chỉ cách đây vài tuần.
Video đang HOT
Các thương hiệu khác cũng đua nhau giới thiệu các sản phẩm mới, như chiếc Quattroporte GTS có động cơ do Ferrari sản xuất, được Hãng Maserati quảng cáo là mẫu xe “di sản” xe đua huyền thoại, thiết kế đặc trưng của Ý.
Ford Việt Nam mang lại luồng gió mới cho những khách hàng thích offroad. Cùng dòng với mẫu Ranger, nhưng Raptor là mẫu xe hoàn toàn khác với thiết kế và trang bị dành riêng cho hoạt động offroad chuyên nghiệp.
Triển lãm năm nay được xem là nỗ lực “chào hàng” sau một năm thị trường xe nhập khẩu trầm lắng. Trước đó, theo Nghị định 116, xe nhập khẩu phải có thêm những ràng buộc về nhiều tiêu chí khác nhau, khiến các nhà sản xuất, phân phối không đủ thời gian để hoàn thiện giấy tờ theo yêu cầu. Hoạt động kinh doanh xe nhập khẩu từ các nước phát triển như Nhật hay thị trường châu Âu gần như đình trệ. Hiện tượng khan hàng xảy ra khiến đại lý tranh thủ nâng giá bán, hoặc ép mua phụ kiện.
Tuy nhiên, đến quý IV tình hình thay đổi đáng kể khi nhiều hãng bắt đầu dồn dập đưa xe về. Cùng các mẫu xe mới, đây là cơ hội để các hãng “vớt” doanh số cuối năm. “Triển lãm xe là sân chơi chơi tốt cho khách hàng thêm lựa chọn và các hãng có cơ hội tiếp cận khách hàng”, bà Nguyễn Thị Hồng Lê, Trưởng phòng Tiếp thị, Công ty Đại Á (thương hiệu Jaguar và Land Rover), nhận định. Đại diện của Jaguar cho biết thị trường chững lại đáng kể trong 6 tháng đầu năm, nhưng hiện có những dấu hiệu khả quan và đang tăng tốc trở lại. “6 tháng cuối năm thủ tục gần như được giải quyết, số lượng xe giao cho khách hàng khá nhiều và kỳ vọng doanh số đưa ra hồi đầu năm sẽ đạt được”, bà Lê nói.
Trong khi đó, ông Laurent Genet, Tổng Giám đốc Công ty Ô tô Á châu (phân phối Audi), cho biết trong 9 tháng đầu năm, doanh số Audi tăng trưởng đến 30%, thị trường xe sang vẫn ổn định. Tuy nhiên, theo đại diện Audi, nguyên nhân là vì thương hiệu xe này được chọn để phục vụ hội nghị APEC được tổ chức năm ngoái ở Việt Nam.
Dù vậy, theo ông Laurent Genet, thị trường năm sau sẽ hồi phục trở lại. Hiện nay các hãng xe đến từ châu Âu đang đặt nhiều kỳ vọng vào tiến trình đàm phán Hiệp định thương mại tự do giữa việt Nam và châu Âu, sẽ giúp các hãng xe giảm thủ tục đăng ký khi nhập xe về. “Nếu giải quyết được vấn đề đăng kiểm, thị trường sẽ phát triển hơn”, ông nói.
Đại diện Ford Việt Nam cũng đánh giá rằng trong 9 tháng đầu năm thị trường có sự giảm sút rõ rệt. Tuy nhiên, từ quý IV trở đi, có khá nhiều dòng xe mới về khiến thị trường sôi động hơn. “Việc nhiều mẫu xe nhập kịp về Việt Nam sau Nghị định 116 là điều đáng mừng, người tiêu dùng có thêm sự lựa chọn. Sự khởi sắc này sẽ tiếp tục được duy trì trong năm 2019″, ông Phạm Văn Dũng, Tổng Giám đốc Ford Việt Nam, nhận định. Ông chia sẻ, chiến lược của Ford Việt Nam vẫn là cân bằng giữa dòng xe nhập khẩu và sản xuất trong nước.
Triển lãm ô tô năm nay được xem là nỗ lực “chào hàng” sau một năm thị trường xe nhập khẩu trầm lắng.
Dũng Nguyễn
Theo nhip cau dau tu
Ford và cuộc chơi toàn xe gầm cao tại Việt Nam
Thế mạnh của Ford về SUV và bán tải được thể hiện rõ trong Vietnam Motor Show 2018, nơi hãng không trưng bày chiếc sedan nào.
Ford không trưng bày sedan tại Triển lãm ôtô Việt Nam 2018 (24-28/10, SECC, Sài Gòn). Hãng này mang tới Ranger Raptor, Ranger, Everest, Explorer, EcoSport và Focus bản hatchback. Hãng xe Mỹ tập trung vào xe gầm cao, nhập khẩu, ngầm thể hiện cho hướng đi trong tương lai.
Ông Phạm Văn Dũng, Tổng giám đốc cho biết các xe lắp ráp cỡ nhỏ như Fiesta, Focus có doanh số tăng trưởng. Tuy vậy, so với các đối thủ cùng phân khúc trong VAMA, các sản phẩm này chiếm thị phần rất nhỏ. Hết tháng 9, Focus (cả sedan và hatchback) bán 1.379 chiếc, chỉ cao hơn Cruze (988 chiếc) và ít hơn nhiều so với Altis, Civic và hai mẫu xe bán chạy nhất phân khúc là Cerato và Mazda3 (gần 10.000 xe).
Thực tế các chuyên gia trong ngành đánh giá, Focus hay Fiesta là những chiếc xe tốt nhưng doanh số thấp lại phụ thuộc nhiều yếu tố. Ví như xe Focus chạy rất đầm nhưng cũng vì thế xác nặng, nội thất cho cảm giác chật hơn những xe khác. Văn hóa lái xe của người Việt không thường xuyên chạy nhanh trên cao tốc như ở Âu, Mỹ, bởi vậy Focus ít được chuộng, chưa kể tới các yếu tố khác như thiết kế, trang bị.
Ranger Raptor 2019 ra mắt tại triển lãm ôtô Việt Nam 2018. Ảnh: Nguyễn Linh.
Ngược lại, ở phân khúc xe gầm cao, Ford lại tỏ ra "mát tay". Ranger, EcoSport vẫn đứng đầu phân khúc, trong khi Explorer chưa có đối thủ trong tầm tiền. Truyền thống làm xe tải giúp hãng này hiểu khách hàng và nắm thế mạnh.
Sự chênh lệch giữa doanh số xe gầm cao và xe nhỏ, thấp (sedan, hatchback) tại Mỹ cũng tương tự Việt Nam. Tờ USA Today hồi tháng 4 đưa tin, Ford đang thực hiện kế hoạch ưu tiên dòng xe cỡ lớn, với việc khai tử Fiesta, Fusion và Taurus cùng dòng van C-Max tại Mỹ. Bên cạnh đó, Focus sedan và hatchbak cũng sẽ không còn mà biến thành crossover.
Một hãng xe Mỹ khác trên thị trường Việt là Chevrolet cũng không mấy thành công với Cruze. Sau khi bán hệ thống phân phối và nhà máy cho VinFast, hãng cũng đã ngừng lắp ráp và bán Cruze. Dòng sedan Mỹ chỉ còn lại Focus cho khách lựa chọn.
Trước mục tiêu ưu đãi lắp ráp, hạn chế xe nhập khẩu, các dòng gầm cao của Ford hay các hãng khác sẽ gặp nhiều khó khăn. 8 tháng 2018, hãng đã không thể nhập xe Ranger, Everest, Explorer về bán, doanh số trông chờ vào EcoSport lắp ráp trong nước.
Tới đây, nếu đề xuất miễn phí thuế TTĐB cho phần giá trị tạo ra trong nước được phê duyệt, xe nhập khẩu càng khó cạnh tranh với xe lắp ráp. Lúc ấy, theo các chuyên gia, khoảng giá của xe bán tải như Ranger sẽ bị ảnh hưởng lớn từ các dòng crossover tương ứng. Nếu xe bán tải sớm chịu phí trước bạ như xe con thì khó khăn càng chồng chất.
Nếu không thể cạnh tranh, không loại trừ khả năng các hãng như Ford phải nghĩ tới tình huống lắp ráp xe bán tải. Nhưng để lắp ráp lại không dễ, việc này phụ thuộc vào dung lượng thị trường, ý kiến của hãng mẹ bởi hiện nay Thái Lan đang là trung tâm lắp ráp xe bán tải cho cả thế giới.
Theo VNE
Các mẫu xe độc đáo khuấy đảo Vietnam Motor Show 2018 Cùng khám phá những mẫu xe, những công nghệ nổi bật nhất tại Vietnam Motor Show 2018 - triển lãm có khoảng 120 mẫu xe đến từ 15 thương hiệu hàng đầu thế giới. Hình Ảnh dưới đây được cắt ra từ video: Theo VTC1