Mốt yêu gái ‘ảo’ của đàn ông Nhật Bản
“Động vật ăn cỏ” là một khái niệm mới xuất hiện trong xã hội Nhật Bản, nhằm ám chỉ những chàng trai có lối sống thụ động, đơn độc và chỉ quan tâm tới các mối quan hệ với những cô gái trong trò chơi điện tử, truyện tranh và hoạt hình.
Đặt chiếc máy tính bảng xuống bàn, Nurikan chậm rãi nở một nụ cười rồi nhẹ nhàng ngồi xuống, lấy ra một chiếc bánh gato và bắt đầu bài hát “Chúc mừng sinh nhật”.
Ở phía đối diện, Rinko cũng mỉm cười hạnh phúc và vui vẻ vỗ tay tán thưởng. Hôm nay là ngày sinh nhật 15 tuổi của cô. Và hai người này sẽ là một cặp đôi hoàn hảo nếu Rinko không phải một nhân vật hoạt hình, hoàn toàn “ảo” và vô tri vô giác.
Từ bỏ những mối quan hệ thực ngoài đời, nhiều anh chàng tìm kiếm niềm đam mê trong các nhật vật hoạt họa.
Câu chuyện của Nurikan xảy ra ở Akihabara, khu vực dành riêng cho văn hóa truyện tranh và hoạt hình ở Tokyo, một trong những đô thị lớn nhất thế giới đồng thời là nhà của hơn 35 triệu dân. Tuy nhiên, sau 50 năm nữa, dân số Nhật Bản được dự đoán sẽ giảm chỉ còn bằng 1/3 so với hiện tại, nếu chính phủ nước này không thể làm gì để gia tăng tỷ lệ sinh. Và một trong những lý do khiến tình trạng này ngày càng trở nên nghiêm trọng là bởi sự xuất hiện của những người đàn ông như Nurikan, vốn yêu thích các cô gái “ảo” hơn phụ nữ và các mối quan hệ thực sự.
Quận Akihabara là thiên đường cho các “otaku”, thuật ngữ mà người Nhật sử dụng để ám chỉ những con nghiện truyện tranh, phim hoạt hình và trò chơi điện tử. Trưởng thành trong một xã hội biến động, đầy áp lực và đình trệ về kinh tế, những người này đã chọn cho mình một cuộc sống cô độc và đắm chìm trong thế giới tưởng tượng của riêng họ.
Theo Kunio Kitamara, một thành viên của Hiệp hội Kế hoạch hóa Gia đình Nhật Bản, rất nhiều nam giới trẻ tuổi của nước này đang bị xếp vào dạng “động vật ăn cỏ”, bởi lối sống thụ động và không hề có ham muốn tình dục. Họ cũng không có ý định lập gia đình, đi làm và trở thành một người đàn ông của công việc.
Trở lại với Nurikan, người đang say đắm bên “cô bạn gái” Rinko, anh cho biết “đây là mối quan hệ mà tôi muốn có từ thời học trung học”. Rinko là một nhân vật trong trò chơi điện tử Love Plus, Nó khiến Nurikan, người thực chất đã 38 tuổi, cảm giác như anh vẫn là một cậu học trò ở tuổi 15.
Những mô hình như thế này được bày bán rất nhiều ở khu Akihabara, nhằm đáp ứng nhu cầu của các otaku. Ảnh: AP
Kế bên Nurikan, Yuge, 39 tuổi, cũng đang có một cuộc hẹn của riêng anh với Ne-ne, một cô nàng có xuất xứ tương tự với Rinko.
“Cô ấy đánh thức tôi mỗi sáng, rồi chúng tôi cùng đến trường với nhau”, Yuge chỉ vào chiếc máy tính bảng và nói. “Chúng tôi hẹn nhau ở cổng trường sau mỗi giờ học, rồi cùng nhau về nhà. Tôi đóng vai một cậu học sinh 17 tuổi trong trò chơi này.”
Video đang HOT
Yuge cho biết anh thường đặt Ne-ne, hay nói đúng hơn là chiếc máy tính bảng, trong giỏ xe đạp, và “đưa cô ấy đi khắp nơi”.
“Tôi sẽ tiếp tục mối quan hệ này lâu nhất có thể”, Yuge nói trong một cuộc phỏng vấn với BBC.
Mặc dù luôn muốn có được một người cô bạn gái thật sự, nhưng Yuge vẫn cho biết anh hứng thú với Ne-ne hơn một mối quan hệ thực sự.
“Ở trường trung học, bạn có thể gặp gỡ bất cứ ai mà không cần quan tâm tới chuyện kết hôn”, anh nói. “Còn với những cô bạn gái thật, bạn luôn phải nghĩ tới chuyện lập gia đình. Thế nên tôi thích hẹn hò với một cô gái 3D hơn người thật.”
Còn Nurikan, người đã có gia đình, thì không muốn bị vợ phát hiện ra chuyện này và ép anh phải lựa chọn bất cứ ai trong số hai người họ.
Theo nhà bình luận xã hội Roland Kelts, rất nhiều thanh niên Nhật Bản, đặc biệt là nam giới, đang cảm thấy mất niềm tin vào cuộc sống và tương lai. Họ bất lực trước những kỳ vọng của cha mẹ và không muốn ràng buộc bản thân vào những mối quan hệ lâu dài.
“Khác với những nước như Trung Quốc hoặc Việt Nam, nơi những đứa trẻ giàu có thường tới câu lạc bộ đêm, nhảy nhót quên mình và quan hệ tình dục xả láng, không ai ở Nhật Bản lại hành động theo cách ấy.”
“Họ phải gồng mình lên để áp ứng những yêu cầu của cha mẹ và xã hội, và điều đó khiến họ cảm thấy bế tắc.”
Một chiếc áo phông quảng cáo phong cách của các Otaku: “Yêu hoạt hình, truyện tranh, games, không yêu bạn gái”.
Theo VNE
Người Nhật cự tuyệt sex vì sợ hãi hôn nhân
Vận trên người bộ trang phục ngắn cũn cỡn và lộ cả đồ lót, Ai Aoyama, 52 tuổi, tự nhận mình là một Nữ hoàng Tình yêu, với nhiệm vụ chữa trị căn bệnh mà giới truyền thông Nhật Bản gọi là "hội chứng độc thân".
Nữ hoàng Tình yêu Ai Aoyama trong tạo dáng bên cạnh một khách hàng. Ảnh: Guardian
Căn hộ ba tầng chật hẹp tại một khu phố nhỏ ở thủ đô Tokyo lâu nay đã được bà Aoyama, một phụ nữ đặc biệt am hiểu về sex, biến thành "trung tâm điều trị" dành riêng cho các bệnh nhân mắc chứng bệnh sợ hãi tình yêu và hôn nhân. Ôm trên tay con chó Bắc Kinh mang tên nữ minh tinh nổi tiếng, Marilyn Monroe, bà vui vẻ giới thiệu với các khách hàng "căn phòng khám" độc đáo của mình: một phòng ngủ chẳng có gì ngoài hai tấm nệm mỏng.
"Ở đây rất yên tĩnh", Aoyama nói, cho biết bà luôn bắt đầu công việc bằng cách thuyết phục các khách hàng "ngừng cảm thấy tội lỗi trước ham muốn tình dục của bản thân".
Đó là một cách bóng bẩy để giải thích tình trạng mất hứng thú với tình yêu của hàng triệu thanh niên Nhật Bản, những người thậm chí còn không hẹn hò và không hề có ham muốn về thể xác với bạn khác giới. Về phía chính phủ, "hội chứng độc thân" đang vẽ ra một viễn cảnh không mấy tốt đẹp với tương lai của nước này. Nhật Bản hiện đứng đầu trong nhóm các quốc gia có tỷ lệ sinh thấp nhất trên thế giới. Dân số của nước này được dự đoán sẽ chỉ còn bằng 1/3 mức hiện tại là 126 triệu người, vào năm 2060. Với tư cách là một Nữ hoàng Tình yêu, Aoyama tin rằng, bà có nhiệm vụ phải dẫn dắt "cuộc đấu tranh nhằm tìm lại ham muốn thể xác" của người dân Nhật Bản.
Theo một khảo sát được thực hiện hồi năm 2011, 61% nam giới và 49% phụ nữ độc thân trong độ tuổi từ 18 tới 34 tại Nhật Bản không có bất cứ một mối quan hệ lãng mạn nào, tăng gần 10% so với 5 năm trước đó. Một cuộc khảo sát khác cho thấy, một phần ba số thanh niên dưới 30 tuổi chưa từng hẹn hò với bạn khác giới.
Tình trạng này khiến một người vốn luôn nặng lòng với chuyện yêu đương như bà Aoyama cảm thấy rất bất bình. "Một số người chỉ thích tình một đêm, trong khi số khác lại chỉ mong một cuộc sống độc thân. Rất ít người chịu hướng tới một mối quan hệ bình thường, kết hôn, rồi sinh con đẻ cái."
Áp lực truyền thống
Theo quan niệm của phần đông người dân Nhật Bản, một gia đình chuẩn mực bắt buộc phải bao gồm hai yếu tố: một ông chồng làm công ăn lương và một bà vợ nội trợ 24/7. Và điều này gần như đang đi ngược lại mong muốn của phần đông công dân Nhật Bản.
"Rất nhiều người đang cảm thấy bế tắc", Aoyama nói về hội chứng sợ kết hôn của các khách hàng.
Những lời cảnh báo của chính phủ về tình trạng già hóa dân số ở tốc độ chóng mặt dường như không có tác dụng. Lượng trẻ em được sinh ra vào năm 2012 ít hơn bất cứ thời điểm nào trước đó, và lần đầu tiên trong lịch sử Nhật Bản, doanh số tã quần dành cho người lớn đã vượt quá số lượng tã dành cho em bé. Theo ông Kunio Kitamura, người đứng đầu Hiệp hội Kế hoạch hóa Gia đình Nhật Bản, cuộc khủng hoảng nhân khẩu học đã nghiêm trọng tới mức Nhật Bản đang phải đối mặt với "nguy cơ tuyệt chủng".
Những thay đổi trong xã hội Nhật Bản đã khiến thanh niên nước này tin rằng, việc lập gia đình và sinh con là không cần thiết. 20 năm đình trệ kinh tế, cùng những mất mát trước hàng loạt các thảm họa tự nhiên, làm người ta không còn niềm tin vào cuộc sống và các mối quan hệ lâu dài.
Nhiều thanh niên Nhật Bản giờ không còn cảm thấy hứng thú với chuyện yêu đương. Ảnh:Guardian
Cuộc khủng hoảng niềm tin
"Cả phụ nữ và nam giới đều nói với tôi rằng, họ không còn hứng thú với tình yêu. Họ không tin vào sức mạnh của nó", Aoyama nói. "Một mối quan hệ nghiêm túc đã trở thành thứ quá xa xỉ."
Hôn nhân, thay vì là đích đến của mọi đôi uyên ương, lại đang dần trở thành địa ngục trong mắt nhiều thanh niên Nhật Bản. Trong khi đàn ông ngày càng giảm khả năng thích ứng với công việc, thì phụ nước này lại không ngừng thêm tự chủ và tham vọng. Tuy nhiên, thái độ bảo thủ của người dân Nhật Bản thì vẫn chưa bao giờ biến mất, dù là trong nhà hay ngoài đường. Công việc văn phòng đầy áp lực khiến phụ nữ Nhật Bản gần như không thể dung hòa được hai yếu tố: gia đình và sự nghiệp, trong khi chi phí để nuôi dạy một đứa trẻ cao đến mức nếu bố hoặc mẹ nghỉ việc thì không thể đủ tiền cho con.
Aoyama cho biết tình dục, đặc biệt là ở những thành phố lớn, đang ngày càng bị công nghệ hóa. Vì thiếu mục tiêu chung dài hạn, nên rất nhiều người đang chuyển sang thỏa mãn ham muốn nhất thời bằng thứ mà bà gọi là "tình yêu mì ăn liền", thông qua phim khiêu dâm, người tình ảo hoặc nhân vật hoạt hình, thay vì một mối quan hệ bình thường giữa người với người.
Một số khách hàng của Aoyama còn nằm trong nhóm người "đơn độc tới mức cực đoan". Họ được gọi chung là các "hikikomori", tức "ẩn sĩ", sống thu mình trong một thế giới ảo, nơi chỉ có các nhân vật hoạt hình, và chỉ tiếp xúc với xã hội thông qua những chiếc màn hình sáng lóa của máy vi tính và điện thoại. "Một số người không thể có nổi một mối quan hệ bình thường với người khác giới. Phần lớn trong số họ là đàn ông, nhưng nhiều phụ nữ cũng không phải ngoại lệ."
Aoyama nhắc tới một thanh niên mới ngoài 30, chưa từng quan hệ tình dục và không hề cảm thấy ham muốn về thể xác, trừ khi được chiêm ngưỡng các nhân vật hoạt hình trong một trò chơi điện tử. "Tôi dùng các bài tập yoga và thuật thôi miên để giúp anh ta thư giãn và hiểu được cách một cơ thể thực sự hoạt động." Đôi khi, để tạo hiệu quả tốt đa, Aoyama còn khỏa thân trước mặt khách hàng nam, để kích thích ham muốn của họ. Tất nhiên bà cũng thu thêm một khoản phí cho dịch vụ đặc biệt này.
'Hôn nhân là mồ chôn hạnh phúc'
Sự bất mãn với hôn nhân và tình yêu không phải là "đặc sản" của riêng Nhật Bản. Tuy nhiên, những áp lực trong cuộc sống hiện đại khiến thanh niên nước này tin rằng, cuộc sống độc thân mang lại nhiều lợi ích hơn. Điều này xảy ra ở cả hai giới, nhưng đặc biệt đúng với phụ nữ, những người luôn tin rằng "hôn nhân là mồ chôn của hạnh phúc". Với họ, hôn nhân còn là nấm mồ chôn cả sự nghiệp mà họ đã vất vả gây dựng được.
Eri Tomita, 32 tuổi, là một hình mẫu điển hình của phụ nữ Nhật Bản: xinh đẹp, giỏi giang và độc thân. Sở hữu hai tấm bằng đại học cùng vốn tiếng Pháp thông thạo, Tomita từng nhận được một lời cầu hôn từ ba năm trước. "Nhưng tôi đã từ chối anh ấy, bởi nhận ra trong mắt tôi, công việc luôn quan trọng hơn tình yêu. Từ đó tôi bắt đầu mất hứng thú với chuyện hẹn hò."
Theo Tomita, phụ nữ Nhật Bản sẽ đánh mất cơ hội thăng tiến trong sự nghiệp ngay sau kết hôn. "Các ông chủ không muốn những nữ nhân viên của họ có thai", cô cho biết, nói thêm rằng việc có con sẽ khiến họ lãng phí rất nhiều thời gian. "Bạn sẽ phải nghỉ việc, rồi kết thúc cuộc đời trong xó bếp mà không có lấy một xu dính túi. Đó không phải là tương lai dành cho những phụ nữ như tôi."
Nhận định của Tomita không phải là không có cơ sở. Khoảng 70% phụ nữ Nhật Bản phải nghỉ việc sau khi mang thai đứa con đầu tiên. Tình trạng này nghiêm trọng tới mức Diễn đàn Kinh tế Thế giới phải xếp Nhật Bản vào nhóm những quốc gia tệ nhất trong vấn đề bình đẳng giới ở công sở. Những phụ nữ đã có gia đình thậm chí còn bị gọi là "oniyome", nghĩa là "mụ vợ quái ác" nếu vẫn tiếp tục duy trì sự nghiệp sau khi sinh con.
"Tôi đang sống một cuộc sống trong mơ: đi chơi với bạn bè, những người cũng đang có sự nghiệp thành công như tôi, ăn uống tại các nhà hàng kiểu Pháp và Italia, mua những bộ váy áo thời thượng và đi du lịch mỗi năm. Tôi yêu tự do của mình."
Để thỏa mãn ham muốn tình dục, Tomita, cũng như nhiều phụ nữ độc thân khác, đôi lúc cũng trải qua các cuộc tình một đêm với những người đàn ông cô gặp ở quán bar. Cô không muốn bị ràng buộc vào các mối quan hệ quá nghiêm túc, bởi nó thật "mendokusai".
"Mendokusai" trong tiếng Nhật có nghĩa là "quá phiền phức". Đó là từ mà cả hai giới đều sử dụng khi nói về nỗi ám ảnh yêu đương của họ. Trong mắt những người này, một mối quan hệ lãng mạn cũng đồng nghĩa với những gánh nặng, từ các khoản tình phí cao ngất ngưởng cho tới những niềm hy vọng mơ hồ về tương lai. Viện Dân số và An sinh Xã hội Nhật Bản cho biết, có tới 90% phụ nữ trẻ ở nước này tin rằng, thà ở vậy "còn hơn phải chịu đựng thứ mà họ tin rằng sẽ đến sau mỗi cuộc hôn nhân". Những thứ đó, như Tomita đã nói, là một tương lai bị phụ thuộc gần như 100% vào người chồng.
Theo VNE
GTA Online - siêu bão đang bắt đầu càn quét toàn thế giới Tham vọng độc chiếm ngôi vương trên cả lĩnh vực game offline lẫn online của Rockstar đang cùng lúc được thực hiện với thương hiệu Grand Theft Auto. Cánh cổng bước vào thế giới GTA Online đã chính thức được khai mở và dưới đây là những thông tin chi tiết được hãng phát triển chia sẻ để giúp người chơi hiểu rõ...