Một xã ở Sài Gòn có tới hơn 100.000 dân
Ngoài Cần Giờ, 4 huyện ngoại thành của TP.HCM đang phải chịu áp lực không nhỏ do tăng dân số cơ học quá nhanh, tốc độ đô thị hóa “chóng mặt”. Kéo theo đó là những hệ lụy về môi trường, chất lượng cuộc sống người dân…
Một xã hơn 100.000 dân
Trong một cuộc thị sát thực tế chuẩn bị cho buổi làm việc giữa Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng về tình hình kinh tế- xã hội, xây dựng chính quyền… với huyện Bình Chánh, lãnh đạo huyện này cho biết, dân số tại địa phương quá đông, chủ yếu do di cư từ các nơi khác đến. Trong hơn 10 năm qua, mỗi năm, Bình Chánh tăng thêm khoảng 30.000 người.
Vì vậy, dân số hiện nay của huyện lên đến 630.000 người, trong đó, 2 xã Vĩnh Lộc A và Vĩnh Lộc B mỗi xã có trên 100.000 người. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường, quản lý xây dựng, rác thải và quá trình xây dựng NTM. Hệ lụy do áp lực dân số cũng là một trong những lý do khiến 2 xã này mới đạt 18/19 tiêu chí.
Dù phải chịu áp lực lớn về dân số nhưng trên địa bàn huyện Bình Chánh vẫn có những dự án giải phóng mặt bằng chậm làm ảnh hưởng đến việc ổn định cuộc sống người dân.
ảnh: Hứa Phương
Theo ông Biện Ngọc Toàn- Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Lộc A, việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội thời gian qua đạt được những kết quả nhất định, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên. Tuy nhiên, có một vấn đề chưa đạt, đó là môi trường. Hiện xã Vĩnh Lộc A có hàng trăm hộ dân chăn nuôi gia súc xen lẫn trong khu dân cư, hay như các cơ sở sản xuất còn gây ô nhiễm môi trường.
Video đang HOT
Ông Nguyễn Thanh Việt- Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Lộc B, cho biết rác thải tràn lan trong xã do một số người dân thiếu ý thức, lợi dụng những khoảng đất trống, lúc vắng người thì lén đổ rác thải trái phép.
Bí thư Huyện ủy Bình Chánh Nguyễn Văn Phụng thông tin thêm, riêng 2 xã Vĩnh Lộc A và Vĩnh Lộc B chiếm gần 50% dân số huyện, lại có 160 vựa thu gom ve chai nên việc đảm bảo môi trường ở đây không dễ dàng. Môi trường là tiêu chí yếu nhất khi xem xét, không chỉ từ rác thải sinh hoạt mà còn từ nơi sản xuất, chăn nuôi.
“Áp lực về mật độ dân cư và việc đô thị hóa nhanh khiến Bình Chánh bị tụt hậu so với 4 huyện khác khi xây dựng NTM, công tác quản lý cũng gặp nhiều vướng mắc” – ông Phụng nói thêm.
Cần cơ chế quản lý mới
TP.HCM có 5 huyện ngoại thành với khoảng 1,5 triệu dân, tương đương dân số một tỉnh trung bình trong cả nước.
Từng là cựu Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh, ông Trần Trọng Tuấn – Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, nhìn nhận những bất cập về trật tự, mỹ quan đô thị và quá trình xây dựng NTM ở các địa phương này có nguyên nhân do tốc độ đô thị hóa “chóng mặt”. Hiện Vĩnh Lộc A và Vĩnh Lộc B, mỗi xã có số dân gấp 3 lần so với 1 xã nông thôn ở miền Bắc, trong khi tăng dân số cơ học mỗi năm khoảng 30%.
“Nguyên nhân của mọi nguyên nhân là mâu thuẫn giữa cơ chế quản lý cấp xã trong khi thực tế quy mô dân số của địa bàn quá đông, phát triển đô thị quá nóng. Một mâu thuẫn khác nữa là việc quản lý đất nông nghiệp và đất đô thị hóa” – ông Tuấn nói, và cho rằng phải điều chỉnh hợp lý mới đảm bảo phát triển bền vững.
Ông Bùi Xuân Cường – Giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho rằng, nếu xét theo những tiêu chí NTM thì những tuyến đường trên địa bàn 2 xã đều đạt. Tuy nhiên, so với mật độ dân số hiện tại, những tuyến đường này đang bị quá tải, gây tắc đường, thiếu mỹ quan đô thị… “Việc quản lý, đầu tư các tuyến đường nội bộ ở xã giao cho huyện. Nhưng có thể nói “chiếc áo” này đã quá chật” – ông Cường nói.
Theo Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng, cần phải tính toán lại về quy hoạch, không thể cứ để các xã này lo giữ đất làm nông nghiệp thuần túy. Nếu có làm nông nghiệp thì cũng phải là nông nghiệp công nghệ cao. Riêng về vấn đề chuyển huyện thành quận, ông Thăng cho rằng nếu đủ tiêu chí thì huyện đề xuất các cơ quan có thẩm quyền và thành phố để thông qua Hội đồng nhân dân.
“Quan trọng ở đây là tạo ra bộ máy phù hợp để quản lý. Tiếp tục rà soát các tiêu chí cho đạt để thiết lập quản lý hiệu quả” – Bí thư Thành ủy TP.HCM chỉ đạo. /.
Theo Danviet
Những con đường mang tên: "Nông thôn mới"
Phát triển giao thông nông thôn (GTNT) nhằm góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của mỗi địa phương, tạo thêm nhiều cơ hội cho nhân dân giao thương, tìm đầu ra cho sản phẩm nông lâm nghiệp...
Với mục tiêu đó, trong những năm qua tỉnh ta đã huy động mạnh mẽ các nguồn lực làm đường GTNT. Hàng nghìn km đường giao thông các loại được đầu tư nâng cấp và làm mới. Phong trào làm đường GTNT được người dân trên địa bàn các huyện hưởng ứng nhiệt tình, đặc biệt là việc hiến đất mở rộng đường. Những con đường đất lầy lội ngày nào đang dần được thay thế bằng những tuyến đường nhựa, đường bê tông, tạo tiền đề vững chắc để xây dựng NTM tại mỗi địa phương...
Làm đường giao thông nông thôn tại xã Đông Thành, huyện Thanh Ba.
Đi trên những con đường bê tông phẳng lì, nghe những câu chuyện về phong trào làm GTNT của xã Lương Nha, huyện Thanh Sơn, chúng tôi thực sự ngỡ ngàng bởi phần lớn đất để mở rộng các trục đường từ liên xã đến ngõ xóm đều do chính người dân các xóm trong xã tự nguyện hiến đất. Từ một góc bờ ao, đất thổ cư đến tường rào, cây cối, thậm chí là một góc công trình phụ, chuồng trại chăn nuôi... bà con đều sẵn sàng tháo dỡ để làm đường. Đồng chí Đinh Công Hường - Chủ tịch UBND xã Lương Nha cho biết: "Ngày trước, khi đi vào các khu dân cư đường sá gặp nhiều khó khăn, đường đất lô nhô, mùa mưa xe trơn trượt bánh, nhưng giờ đã khác rồi. Các thôn, xóm đều có đường bê tông vào đến từng ngõ, không còn cảnh lầy lội nữa. Với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, đến nay gần 100% đường giao thông liên thôn, liên xóm ở xã Lương Nha đã được rải nhựa hoặc bê tông hóa, bà con nông dân phấn khởi lắm".
Xóm Đồi là khu dân cư có số hộ hiến đất nhiều, khi biết địa phương có chủ trương mở con đường liên xóm, khu dân cư đã nhiều lần tổ chức họp, phân tích cho bà con thấy rõ được lợi ích khi con đường mới được mở. Lúc đầu, một số hộ dân còn chưa đồng tình ủng hộ vì họ mất nhiều đất mà lại không được đền bù. Nhưng sau nhiều lần họp bàn, tất cả các hộ trong thôn đều đã đồng thuận hiến đất, có những gia đình đã hiến cả trăm mét vuông mà không đòi hỏi gì. Đưa tay về phía con đường bê tông vừa mới hoàn thiện ông Mai Thế Nhàn - Trưởng khu xóm Đồi xã Lương Nha cho biết: "Ngày trước, con đường này là đường đất, những ngày mưa, bùn lầy dính đầy bánh xe khiến cho việc đi lại của bà con trong xóm rất chật vật. Hưởng ứng chương trình xây dựng NTM của xã, được sự hỗ trợ xi măng, nhân dân trong xóm chúng tôi đã tự nguyện hiến đất góp tiền làm đường, các cháu đi học không lo trời mưa bùn bắn bẩn quần áo, còn những người nông dân chở xe lúa nặng nhưng vẫn chạy bon bon".
Tuyến đường liên xã Minh Tiến - Tiêu Sơn, huyện Đoan Hùng có chiều dài gần 2km, tổng vốn đầu tư là 3,7 tỷ đồng khi triển khai thi công tuyến đường hơn 50 hộ dân hai bên ven đường đã không ngần ngại hiến trên 2,3ha đất để mở rộng, làm con đường nhựa, giúp nhân dân đi lại được thuận lợi. Ông Vũ Đình Tâm - Chủ tịch UBND xã Minh Tiến cho biết: "Do được sự đồng thuận cao của người dân, nên công tác giải phóng mặt bằng phục vụ thi công rất thuận lợi. Giải phóng mặt bằng đến đâu là các hộ dân ven đường đều tự nguyện hiến đất mà không đòi hỏi bồi thường. Tuy nhiên để nhân dân đồng thuận, chúng tôi xác định là mọi việc làm đều phải phù hợp với ý muốn, nguyện vọng và lợi ích của nhân dân. Có như vậy phong trào hiến đất ở các khu dân cư mới nhận được sự hưởng ứng của tất cả người dân". Cùng cán bộ xã Minh Tiến, chúng tôi đến con đường liên thôn giữa khu 5 và khu 6 của xã nơi mà diện tích đất của bà con nhân dân địa phương hiến nhiều nhất để làm đường.
Ông Vũ Mạnh Trường - Trưởng khu 5, đồng thời là gia đình đã hiến trên 100m2 đất làm đường cho biết: "Khi triển khai làm con đường liên thôn này, chúng tôi đã thống nhất các hộ có đất giáp mặt đường tự nguyện hiến đất mở rộng đường. Ý Đảng hợp lòng dân, nên chỉ sau một thời gian ngắn vận động cán bộ, đảng viên, hội viên các tổ chức, đoàn thể ở khu đã gương mẫu hiến gần 1.000m2 đất". Với phong trào làm đường giao thông mạnh mẽ, đến nay toàn xã Minh Tiến đã cứng hóa được trên 21km đường giao thông liên thôn, 1,1km đường nội đồng với tổng kinh phí đầu tư trên 20 tỷ đồng. Những con đường mới được làm cũng đồng nghĩa với việc bà con nông dân có cơ hội giao thương, tìm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp, đời sống của nhân dân địa phương được nâng lên, tạo tiền đề vững chắc để Minh Tiến hướng tới xã NTM.
Ông Nguyễn Trung Kiên - Phó Chủ tịch UBND huyện Đoan Hùng cho biết: "Sau 5 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM, trên địa bàn huyện Đoan Hùng đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, trong đó nổi bật nhất phải kể đến phong trào làm đường GTNT. Mặc dù kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng từ khi UBND tỉnh có cơ chế hỗ trợ xi măng xây dựng kết cấu hạ tầng NTM, toàn huyện đã dấy lên phong trào toàn dân chung sức, đồng lòng cùng Nhà nước hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đem lại diện mạo mới cho nông thôn".
Điều đáng ghi nhận trong quá trình xây dựng đường GTNT trong tỉnh là người dân đã đồng thuận hiến đất mà không hề toan tính thiệt hơn. Thậm chí, rất nhiều nông dân đều là những hộ nghèo, thu nhập thấp... nhưng họ vẫn sẵn sàng hiến đất vì những lợi ích cộng đồng. Những con đường trước đây chỉ 1 - 2m giờ đã được mở rộng 7 - 8m. Trong xây dựng NTM, việc xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng chiếm một khoảng thời gian và khối lượng công việc lớn. Trong khi quỹ đất ngày càng bị thu hẹp, việc người dân tình nguyện hiến đất phục vụ lợi ích công cộng càng có ý nghĩa lớn; càng khẳng định sức dân và sự đồng thuận, đoàn kết khi được đón nhận những chủ trương hợp lý, hợp tình. Mô hình hiến đất làm đường của các xã nói trên đang được nhân ra diện rộng. Đường mới từ sức dân sẽ góp phần tạo điều kiện thuận lợi giúp nhân dân đẩy mạnh giao lưu hàng hóa, phát triển kinh tế và cũng là tiền đề cho phong trào làm GTNT của tỉnh phát triển mạnh những năm tiếp theo.
Từ khi phát động phong trào làm đường giao thông đến nay, đời sống của bà con ở vùng nông thôn ngày càng được cải thiện. Đường làng ngõ xóm rộng rãi, xe lớn, xe nhỏ đi lại dễ dàng đã tạo nhiều thuận lợi và không ngừng thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, CN-TTCN. Bên cạnh thuận lợi mà GTNT đem lại, đã tạo điều kiện cho các địa phương hoàn thiện việc rà soát quy hoạch sản xuất nông nghiệp và hệ thống thủy lợi nội đồng, đẩy mạnh cơ giới hóa sản xuất, chuyển đổi cơ cấu giống, mùa vụ.
Theo Huy Công (Báo Phú Thọ)
Vượt "chướng ngại vật" trong xây dựng nông thôn mới ở Phụ Khánh Sau khi triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (XDNTM) với nhiều cố gắng, đến nay, diện mạo nông thôn ở xã miền núi Phụ Khánh, huyện Hạ Hoà đang có nhiều đổi thay, kinh tế - xã hội có chuyển biến tích cực, đời sống người dân từng bước được cải thiện. Tuy nhiên, để hoàn...