Một vụ án, bốn người kêu oan
Luật sư đưa ra nhiều luận điểm để chứng minh bị cáo không phạm tội cướp giật tài sản. Đại diện viện kiểm sát không tranh luận gì, chỉ dựa hoàn toàn vào cáo trạng, trong khi các bị cáo đều cho là bị ép cung. Đó là vụ án xảy ra tại Thừa Thiên – Huế đang được dư luận quan tâm.
Mẹ của bị cáo Việt khóc ngất sau khi phiên tòa kết thúc – Ảnh: V.H.
Theo lời kể của những người trong cuộc, hơn 22g ngày 17-6-2009, bà Lê Thị Hoa (ngụ ở thôn Thạch Căn, xã Phú Dương, Phú Vang, Thừa Thiên – Huế) đi bán vé số dạo chạy xe đạp về đến ngõ nhà mình thì có người đi xe máy áp sát, giật túi xách để trước giỏ, bên trong có hơn 1 triệu đồng cùng 250 tờ vé số. Nạn nhân quýnh quáng kêu: “Cướp! Cướp!”.
Nghe tiếng tri hô, hai người con trai của bà Hoa chạy ra, dùng xe máy truy đuổi kẻ cướp. Chạy đến tỉnh lộ 2, xe của họ va chạm với một xe máy không mở đèn được nghi là của tên cướp. Chiếc xe không mở đèn chao đảo, rơi lại chiếc dép da rồi tiếp tục phóng đi. Truy đuổi bất thành, bà Hoa đến công an xã trình báo.
12 ngày sau, Công an xã Phú Dương triệu tập Nguyễn Thành Huy (sinh năm 1991), Dương Quang Việt (1989) và Võ Đại Quốc Dũng (1991) lên trụ sở rồi tạm giữ vì cho rằng họ đã gây ra vụ cướp. Tháng 8-2009, Công an huyện Phú Vang đã khởi tố, bắt tạm giam Việt, Huy, Dũng, và Nguyễn Văn Hùng (1989) về tội cướp giật tài sản.
Mâu thuẫn chưa được làm rõ
Nước mắt người cha Đôi mắt đỏ hoe, ông Võ Tánh, cha của bị cáo Dũng, kể chuyện mình đem con nộp cho công an: “Hôm công an đưa thằng Dũng về nhà tìm đôi dép thì nó đã vùng chạy trốn. Tui đuổi theo. Vừa chạy nó vừa thề là không biết chi về vụ cướp, nhưng bị đánh đau quá nên phải nhận tội, giờ nó phải chạy trốn chứ quay về sợ bị đánh tiếp. Tui vừa chạy vừa khuyên con: nếu con trốn đi thì chẳng bao giờ còn gặp lại ba mạ nữa, con trốn đi rồi thì ba mạ cũng chết đi thôi, rồi ai giải oan cho con. Chạy hơn 2km nó mới đứng lại, ôm tui khóc nức nở. Nó nói: “Con bị oan, cứu con ba ơi”. Rồi tui đưa con về nộp cho công an và hứa sẽ kêu oan cho con, vậy mà…”. Từ khi con trai bị bắt, hai vợ chồng ông Tánh đi gõ cửa khắp nơi kêu oan cho con. “Giờ gạo phải chạy ăn từng bữa, không có tiền đóng sản lượng, mấy sào ruộng thuê người ta cũng thu lại rồi. Vợ chồng tui chắc phải bán nhà để đi Hà Nội kêu oan cho con…” – ông Tánh buồn rầu nói. Ông Nguyễn Văn Viên, cha của bị cáo Nguyễn Văn Hùng, lau nước mắt kể: “Mỗi lần đến thăm, thằng Hùng đều nói con bị bắt oan, ba mạ đi kêu oan giúp con với!”.
Cuối tháng 10-2010, TAND huyện Phú Vang xét xử sơ thẩm, cả bốn bị cáo đồng loạt kêu oan, khai rằng bị đánh đập, ép cung nên khai bừa. Tòa tuyên phạt Việt 4 năm tù, Hùng 3 năm 6 tháng tù, Huy 3 năm tù và Dũng 2 năm tù. Khi chủ tọa dứt lời tuyên án, cả bốn bị cáo gào khóc thảm thiết kêu oan. Hùng đã lao đầu vào bức tường trong phòng xử án tự tử để phản đối nhưng lực lượng bảo vệ kịp thời ngăn chặn.
Sau đó, bốn bị cáo đã kháng cáo kêu oan…
Tại phiên tòa phúc thẩm ngày 19-1-2011, các bị cáo Dũng, Hùng, Huy tiếp tục kêu oan, nói rằng bị cán bộ điều tra đánh đập, dọa nạt, ép phải khai theo ý của điều tra viên, do đó họ phải nhận tội đại, chờ ra tòa khai lại. Họ kể rành mạch tên các điều tra viên nói trên.
Tòa hỏi các bị cáo có bằng chứng gì để nói mình bị cán bộ điều tra đánh đập, ép cung? Các bị cáo trả lời rằng bị nhốt trong phòng giam nên không thể có bằng chứng gì được. Khi nghe tòa hỏi sao các bị cáo không khai báo những việc đó với viện kiểm sát (VKS), các bị cáo đều ngớ người.
Họ nói không biết VKS là ai, mà không ai nói cho họ biết phải báo việc đó với VKS.
Video đang HOT
Hai luật sư bào chữa khẳng định bốn bị cáo không phạm tội cướp giật tài sản. Theo luật sư Trà My, tối 17-6-2009, bốn thanh niên này qua chơi nhà chị Nguyễn Thị Liền (ở xã Phú An), đến 22g30 mới trở về. Trên đường về, xe của Dũng chở Việt bị ngã, xe máy bị gãy chốt bánh sau, không thể tiếp tục chạy được.
Trước tòa, chị Liền xác nhận bốn thanh niên này rời nhà chị đúng 22g30. Trong khi đó, cáo trạng lại ghi rõ vụ cướp giật tài sản xảy ra khoảng 22g50. Luật sư Trà My khẳng định vào thời điểm này, bốn thanh niên đang chạy xe từ xã Phú An về cầu Phú Khê, do đó không thể đủ thời gian để thực hiện vụ cướp giật.
Luật sư Phương Nam chỉ ra những mâu thuẫn: “Nạn nhân khai chỉ nhìn thấy một xe, một người thực hiện vụ cướp nhưng vì sao hồ sơ vụ án lại thành hai xe, bốn người? Chiếc xe mà đại diện VKS cho là phương tiện để gây án thì đã hỏng, không chạy được? Chiếc dép da rơi lại hiện trường vụ va chạm là manh mối truy tìm kẻ cướp, nhưng cơ quan điều tra cất vào kho vì không tìm ra chủ nhân. VKS chỉ dựa vào lời khai bất nhất của các bị cáo để buộc tội là không thuyết phục, trong khi tại tòa họ đều nói bị ép cung nên khai bừa”.
Phiên tòa không tranh luận
Hai luật sư nhiều lần đề nghị đại diện VKS tranh luận để làm rõ vụ án, nhằm bảo đảm quyền lợi của bị cáo. Và nếu vị đại diện VKS không phản bác được thì đề nghị tòa xét xử trắng án hoặc hủy bản án sơ thẩm. Hội đồng xét xử cũng đề nghị đại diện VKS phải có tranh luận. Tuy nhiên, đại diện VKS Lê Đức Khanh không tranh luận mà cho rằng mọi việc đã được kết luận trong cáo trạng và đề nghị xử theo cáo trạng.
Tòa tuyên y án sơ thẩm, bốn thanh niên bị áp giải ra xe bít bùng về trại giam nhưng vẫn ngoái đầu lại khóc tức tưởi, nhắn nhủ: Ba mẹ ơi, hãy kêu oan cho con! Phiên tòa kết thúc, hàng trăm người vẫn còn vây quanh trụ sở TAND tỉnh Thừa Thiên – Huế bàn tán…
VINH HÀ
Phó viện trưởng Viện KSND tỉnh Thừa Thiên – Huế:
Lẽ ra kiểm sát viên nên tranh luận
Chiều 23-2, ông Trần Đại Quang, phó viện trưởng Viện KSND tỉnh Thừa Thiên – Huế, đã có cuộc trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ về những điểm chưa rõ trong vụ án.
* Thưa ông, tại sao kiểm sát viên – đại diện VKS thực hành quyền công tố tại phiên phúc thẩm – đã không đối đáp lại với những luận chứng của hai luật sư bào chữa?
- Kiểm sát viên này cho rằng tất cả đều đã có trong kết luận nên không tranh luận lại, tranh luận thêm mất thời gian. Đây là cách hành xử của từng kiểm sát viên được giao nhiệm vụ phụ trách công tố. Theo tôi, đáng ra kiểm sát viên nên tranh luận để làm rõ những luận cứ buộc tội, lúc đó sự việc sẽ rõ ràng hơn.
* Nạn nhân khai chỉ nhìn thấy một xe, một người thực hiện vụ cướp nhưng vì sao hồ sơ vụ án lại biến thành hai xe, bốn người?
- Do lúc đó nạn nhân hoảng hồn nên khai không chính xác. Việc xác định một xe hay hai xe, một người hay bốn người thực hiện hành vi cướp giật là trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng.
* Trước tòa, các luật sư đã chứng minh “quỹ thời gian” các bị cáo không đủ thực hiện được hành vi phạm tội, đồng thời có nhân chứng để xác định các bị cáo có bằng chứng ngoại phạm?
- Qua thực nghiệm điều tra chúng tôi có thể kết luận khoảng thời gian đó đủ để các bị cáo thực hiện hành vi cướp giật tài sản. Nhân chứng có thể nhớ không chính xác, có khi ra trước tòa họ khai không chính xác nên mình phải lọc ra những lời khai đó, lời khai nào phù hợp thì mới được chấp nhận.
* Chiếc dép da rơi tại hiện trường là cơ sở để truy tìm thủ phạm thì cơ quan điều tra không lấy làm vật chứng?
- Do điều tra, giám định không chứng minh được chiếc dép đó là của các bị cáo nên không đưa vào làm vật chứng.
* Có những lời khai khác nhau giữa các bị cáo và nạn nhân, tại sao không cho đối chất?
- Khi tất cả các bị cáo đều phản cung thì việc đối chất không còn ý nghĩa nữa, vậy nên không cho đối chất.
* Ông thấy sao khi cả bốn bị cáo ra trước tòa đều phản cung, một mực kêu oan và cho rằng họ đã bị ép cung, bức cung?
- Hằng ngày, hằng tuần, kiểm sát viên có đến kiểm tra chỗ giam giữ nhưng không nghe bị can, bị cáo phản ảnh những điều đó. Vậy nên việc bị cáo phản cung, kêu oan là quyền của bị cáo; còn việc các bị cáo bị ép cung, bức cung thì không có bằng chứng.
Theo Tuổi Trẻ
Bất ngờ trong phiên xử "đại gia" Quảng Ninh
Bị cáo Nguyễn Tiến Phương được mệnh danh giàu nhất giới giang hồ Quảng Ninh.
Ngày 24-8, tại phiên tòa xét xử Nguyễn Tiến Phương, một đại gia có tiếng trong giới giang hồ Quảng Ninh, đã xảy ra bất ngờ khi người nhà bị hại xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo!
Trong phần xét hỏi tại phiên tòa, Phương đã liên tục phủ nhận việc chỉ đạo đàn em đánh, bắn 2 nạn nhân. Phương cũng không thừa nhận việc cùng đàn em đến gặp nhóm người Trung Quốc như cáo trạng truy tố.
Bị cáo chỉ thừa nhận đưa số tiền 20 vạn NDT cho Tuất tại bến đò bên Trung Quốc rồi quay về Việt Nam ngay và hoàn toàn không biết việc nhóm đàn em nối kết với người Trung Quốc để xử 2 nạn nhân này như cáo trạng nêu.
Phương còn cho rằng mình bị oan và toàn bộ truy tố của Viện KSND tỉnh Quảng Ninh chưa "đúng người, đúng tội". Ngoài ra, Phương còn khẳng định bản thân bị mớm cung, bức cung tại Cơ quan điều tra.
Cũng với điệp khúc quanh co, chối tội như anh trai mình, Chung còn khẳng định mình vào can ngăn và đưa 2 nạn nhân đi cấp cứu. Tuy nhiên, Hội đồng xét xử lập luận: "Bị cáo có lòng tốt đưa người bị nạn đi cấp cứu thì khiến người ta bị chết, có người còn chưa tìm thấy xác..." Đến đây, Chung im lặng.
Trả lời Hội đồng xét xử người nhà của 2 bị hại đều khẳng định đã nhận được những khoản tiền bồi thường và thái độ tích cực từ phía gia đình các bị cáo.
Không chỉ vậy, người nhà nạn nhân Lê Văn Điệp còn xin cho các bị cáo được hưởng mức án thấp nhất, và "hứa" dù Hội đồng xét xử có phán quyết như thế nào thì cũng không kháng cáo.
Tuy nhiên, người nhà nạn nhân Điệp đã đề nghị Hội đồng xét xử làm rõ mâu thuẫn giữa Phương với Vinh "trắng" và làm rõ ai là người đứng đằng sau toàn bộ vụ việc này.
Một bất ngờ nữa, lời khai của các nhân chứng tại Tòa đã khá "ngược" với lời khai ban đầu tại Cơ quan điều tra. Nhân chứng Nguyễn Văn Bốn đã xác nhận trước Tòa là nhìn thấy mấy người đấm đá hai anh Điệp và Trí, còn Chung chạy vào can ngăn và hô to: "Chúng mày không được đánh nhau!"...
Theo Dân Việt