Một vòng các món cuốn ở Sài Gòn
Với điểm chung là nhiều rau, thanh đạm, cá lóc nướng trui, bò bía, gỏi cuốn, thịt luộc cuốn bánh tráng… là món ăn vặt được nhiều người yêu thích.
Cá lóc nướng trui
Trong tất cả các món cuốn có mặt tại Sài Gòn, cá lóc nướng trui là thương hiệu độc quyền của người dân Nam bộ nói chung và người Sài Gòn nói riêng. Món ăn này gắn với lịch sử khai hoang của vùng đất này.
Cách chế biến món ăn cực kỳ đơn giản, cá lóc bắt được (hay mua về) còn sống nguyên (để nguyên vi vẩy, mang ruột…), xiên qua một cây nhọn, đưa vào giữa lửa rơm hay các loại lá cháy bùng, thui đến khi vảy cháy đen là cá cũng vừa chín tới. Bóc lớp vỏ đen bên ngoài sẽ thấy hiện ra phần thịt cá trắng ngần thơm phức.
Món này dùng với nước mắm me có vị chua ngọt, cay nồng của trái ớt hiểm vừa mới hái trên cây. Rau sống thì có đủ các loại như dấp cá, húng cây, húng lủi, tía tô, đọt dừng, đọt sộp, đọt cóc, đọt xoài, rau ngổ, giá , hẹ, dưa leo, khế chua, chuối chát, và xoài non bầm nhuyễn. Đừng quên những miếng báng tráng mỏng để “gói ghém” các nguyên liệu với nhau tạo nên món ăn trọn vẹn.
Địa chỉ: Quán Nghĩa Phát, 20 Lữ Gia, P.15, Q. 5. TP. HCM (Quán nhậu).
Bò bía
Một xe đẩy, một chảo đầy củ sắn thái sợi, rổ rau thơm, đĩa lạp xưởng, tô ruốc khô là tất cả gia tài của một hàng bò bía. Gọn, đơn giản như thế nên bò bía theo chân người bán rảo quanh đường lớn, hẻm nhỏ của Sài Gòn. Với bò bía, người bán cũng không cần “luyện giọng” rao hàng như những món khác, chỉ là đẩy đến đâu, khách muốn ăn thì gọi lại mua vài cuốn, hay chục cuốn mang vào nhà thường thức. Nguyên liệu chính là củ sắn thái sợi, nên bò bía lâu no đến nỗi ăn cả chục cuốn bạn vẫn thấy thòm thèm. Đi kèm món cuốn này là nước tương với vị béo của hành phi, thơm giòn của đậu phộng.
Địa chỉ: Khu ẩm thực trước cổng trường đại học Sư Phạm. Giá 1.500 đồng/cuốn.
Gỏi cuốn
Gỏi cuốn hay còn được gọi là nem cuốn. Khác với bò bía chu du khắp các con hẻm của Sài Gòn trên xe đẩy, gỏi cuốn thường “ngoan ngoãn” nằm trong tủ kính nhỏ ở đầu những con hẻm hay gần các hàng quán khác. Và dù đều được cuốn bằng bàn tay khéo léo của người bán, song bò bía chỉ được cuốn khi khách yêu cầu nên khi thưởng thức còn nguyên độ ấm nóng, còn gỏi cuốn lại thường được cuốn hàng loạt chưng sẵn trong tủ. Khách đến gọi món chỉ cần bày ra đĩa, múc thêm chén nước dùng là có thể dọn ngay.
Video đang HOT
Về nguyên liệu, gỏi cuốn “sang” hơn bò bía vì có sự hiện diện của con tôm tươi hấp chín bóc vỏ, miếng tai heo luộc và những cọng bún nhỏ trắng phau. Thế nên gỏi cuốn rất mau no. Đó cũng là lý do hiếm có thực khách nào “chiến đấu” đến cuốn thứ 5.
Gỏi cuốn có hai loại nước chấm là mắm nêm pha chua ngọt và tương hột. Mỗi loại nước chấm mang đến một hương vị khác nhau tuỳ theo khẩu vị của người dùng.
Địa chỉ tham khảo: Khu ẩm thực cổng trường đại học Sư Phạm TP. HCM; Con hẻm bên cạnh siêu thị Sài Gòn đường 3.2.; gian hàng ẩm thực trong các chợ...
Bánh xèo
Bánh xèo Nam Bộ.
Ngoài bánh xèo Nam bộ được đổ bằng chảo với bán kính lớn, ẩm thực Sài Gòn cũng chào đón “người anh em” bánh xèo miền Trung bé xinh và bánh khoái Huế béo ngậy. Một cái bánh xèo ngon phải đạt chuẩn của lớp vỏ bánh mỏng, giòn tang và có màu vàng ươm. Đồng thời phải vừa béo ngậy vừa thanh thanh những cọng giá bên trong nhân.
Dù là bánh xèo của miền nào, đi kèm luôn là đĩa rau xanh mướt với các loại rau quen thuộc như xà lách, các loại rau thơm, ngoài ra phải có sự hiện diện của cải bẹ xanh cay nồng, lá lốt cay thoảng, miếng bánh tráng mỏng thanh thanh.
Nước mắm chua ngọt là nhân tố quyết định khả năng thành bại của món bánh xèo. Vì điều đó, mỗi hàng lại có một bí quyết pha chế nước chấm riêng. Nhưng nhìn chung là một tỷ lệ nào đó giữa mắm, nước dừa, dấm, chanh, đường, ớt, tỏi…
Địa chỉ tham khảo: Bánh xèo Ăn là Ghiền, bánh xèo Mười Xiềm, Chung cư Ngô Gia Tự…
Nem nướng
Nem nướng Long An với ba loại nước chấm.
Nem nướng Ninh Hoà.
Ngoài nem nướng Thủ Đức, Sài gòn cũng “hiện diện” nhiều thương hiệu nem khác như nem Long An béo mềm, nem Nha Trang đậm đà, nem Ninh Hoà béo ngọt… Tuy khác nhau về hương vị, nguồn gốc nguyên liệu, nhưng nem nướng của các thương hiệu trên đều giống nhau ở khâu chế biến, rau dọn kèm, nước chấm là tương nếp hoa vàng hay tương hột. Và tất cả đều tạo thành món cuốn nhiều rau thanh đạm thích hợp cho những lúc muốn giảm bớt chất béo hay đổi vị cho bữa ăn.
Người ăn nem nướng sành sỏi là phải làm sao kết hợp được miếng nem nướng nóng hổi, miếng bánh hỏi (người Nam), nem chiên giòn (người Trung) với rau thơm, xà lách, dưa chua, bún… thành một cuốn gọn gàng, thon đẹp mắt. Có như vậy, khi thưởng thức mới cảm nhận được tất cả cái ngon, cái tinh tuý của món ăn.
Thịt luộc cuốn bánh tráng
Một đại diện nổi bật cho món ăn này là thương hiệu thịt luộc cuốn bánh tráng Trảng Bàng (Tây Ninh). Đây là món cuốn làm hài lòng hầu như tất cả những thực khách của mọi miền tại Sài Gòn. Có được điều này ngoài những lát thịt đùi mềm ngọt, còn phải kể đến loại bánh tráng được người thợ tại lò tỉ mẩn tráng, nướng, phơi sương cùng hàng loạt loại rau lạ như đọt bần, lá cóc… mỗi sáng, người dân xuôi chèo trên sông tìm kiếm. Ngoài những điều trên chính là cảm giác thú vị, gắn kết khi nếu đi một nhóm 4, 5 người sẽ vang lên những tiếng “chí choé” xí phần rau, phần thịt hay chia nhau chén nước mắm.
Huỳnh Hằng
Ảnh: Quốc Thanh, An Huỳnh
Theo Bưu Điện Việt Nam
8 món ăn vặt khoái khẩu của giới trẻ Sài thành
Giữa Sài Gòn nhộn nhịp không thiếu các quán vỉa hè, gánh hàng rong với những món ăn vặt bình dị, gần gũi như bò bía, gỏi cuốn, bột chiên...
Món gỏi cuốn được bắt gặp ở bất cứ đâu trên khắp phố phường Sài Gòn. Chỉ một lát bánh tráng mỏng làm lớp ngoài, bên trong cuộn vài con tôm luộc bóc vỏ tươi đỏ, thịt lợn nạc, bún, rau thơm, vài cọng hẹ sống và một chén tương nước chấm, gỏi cuốn trở thành món quà vặt được nhiều người ưa thích.
Bánh tráng (bánh đa) nướng ở Sài Gòn được biến đổi ít nhiều cho hợp khẩu vị: lớp bánh tráng mỏng hơn, dùng bơ thay cho mắm ruốc... Không quá cầu kỳ về nguyên liệu, chỉ cần vài quả trứng cút (hoặc trứng gà), nhân thịt, hành phi..., món nướng thơm giòn này trở thành lựa chọn của khá nhiều bạn trẻ, nhất là vào những chiều trời đổ mưa đột ngột.
Không hiếm người trở thành "tín đồ" của món bột chiên bởi hương vị vừa lạ vừa quen hòa quyện giữa bột sắn, bột gạo và trứng. Một dĩa bột chiên gồm các viên bột vuông vắn được chiên phồng lên, trộn đều với trứng tráng, hành lá và rắc đu đủ, củ sắn xắt sợi lên trên. Tại Sài Gòn có nhiều quán bán bột chiên gia truyền như ở đường Võ Văn Tần (quận 3), chợ Phạm Thế Hiển (quận 8)...
Bún xào được chế biến khác nhau tùy theo chỗ, nhưng phổ biến nhất vẫn là món bún chay ăn với giá, cải, mộc nhĩ cùng đậu khuôn, chả giòn. Món ăn này nhẹ bụng nên được nhiều người ưa chuộng, chọn để điểm tâm. Vị thơm ngon của bún xào chủ yếu được quyết định bởi sợi bún: sợi nhỏ, bùi, dai mà không quá khô. Món bún xào có thể dễ dàng được tìm thấy ở các gánh hàng rong trên mọi nẻo đường của Sài Gòn.
Nhiều người yêu thích món chuối nếp nướng vì vị ngọt thanh của chuối chín xen lẫn bùi béo của gạo nếp và nước cốt dừa. Cách làm chè chuối nướng nếp khá đơn giản: chuối được cuốn với cơm nếp, bọc lá chuối bên ngoài và bắc lên vỉ than nướng; sau đó cắt thành từng khoảnh ra dĩa, chan thêm nước cốt dừa và bột lọc. Chuối nếp nướng được bán ở các hàng quán lâu đời tại đường Nguyễn Văn Thủ (quận 1), đường Tô Hiến Thành (quận 10),... có khá đông bạn trẻ tìm đến thưởng thức.
Súp cua là một trong những món điểm tâm bình dân được nhiều người ưa chuộng tại Sài Gòn. Với nguyên liệu chính là thịt cua, nấm rơm, trứng cút và bột măng, cộng thêm các loại gia vị như hành ngò, tiêu bột..., người ăn lần đầu dễ có cảm giác lạ miệng bởi vị của súp, nhưng sau đó sẽ nhanh chóng "ghiền" món ăn nhiều chất bổ này. Sài Gòn sau mỗi chiều mưa, những quán súp cua ở khắp các ngõ hẻm lại tấp nập người ghé đến...
Bánh tráng trộn là một trong số những món bình dân có nguyên liệu chế biến đơn giản nhất. Chỉ với bánh tráng cắt vụn, tép khô, mực tẩm xé sợi, trứng cút, nhưng khi trộn đều với nước tương và rau răm, món ăn lại mang một hương vị khá thơm ngon, ăn hoài không chán. Mặc dù không được đánh giá cao về dinh dưỡng, bánh tráng trộn đến nay vẫn luôn nằm trong top lựa chọn các món ăn vặt của giới trẻ Sài Gòn.
Thường bị nhầm lẫn với gỏi cuốn, bò bía lại có cách chế biến cầu kỳ hơn đôi chút. Vốn là món ăn của người Hoa, theo năm tháng, bò bía Sài Gòn dần có nhiều biến đổi, nhưng xoay quanh vẫn là 5 loại nguyên liệu chính: lạp xưởng, tép khô, trứng vịt, củ sắn cắt sợi, xà lách và được cuộn bên ngoài bằng một lớp bánh tráng mỏng, chấm với nước tương đặc chế. Với giá chừng 2.000 đồng một cuốn, bò bía không chỉ là một trong những đặc sản được người ở Sài Gòn ưa chuộng, mà còn là món ăn "hút hồn" nhiều khách thập phương.
Theo VNE
40 món ngon nhất Việt Nam do CNN bình chọn Trong danh sách này không thể thiếu phở, chả cá, bánh xèo, rau muống và nem, những món ăn đậm đà bản sắc của người Việt. Món ăn Việt Nam không nổi bật nhờ sự phức tạp, rất nhiều món ăn phổ biến có thể được chế biến từ vỉa hè cho đến các nhà hàng sang trọng. Tuy nhiên, chính sự đơn...