Một tuần tệ hại của Hillary Clinton
Bà Clinton vừa trải qua một tuần lễ tồi tệ với nhiều thông tin bất lợi khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ chỉ còn hơn một tuần nữa sẽ diễn ra.
Bà Hillary Clinton gặp gỡ cử tri trong chuyến vận động tranh cử ở Pompano Beach, bang Florida, hôm 30/10. Ảnh: AFP
Bị vùi dập bởi những cáo buộc tấn công tình dục và một loạt vết thương tự gây ra, ứng viên tổng thống Mỹ đảng Cộng hòa Donald Trump đang loạng choạng trên đường đua vào Nhà Trắng. Khi Trump sa sút, đối thủ đảng Dân chủ Hillary Clinton lại thăng tiến nhanh. Vấn đề lúc này dường như không phải liệu Clinton có đắc cử hay không mà là bà sẽ chiến thắng ở mức cách biệt như thế nào khi cuộc vận động tranh cử của bà đang tiến sâu vào cả các bang có truyền thống ủng hộ đảng Cộng hòa như Arizona, Georgia hay Texas, theo Washington Post.
Bỗng nhiên, một tuần đầy xui xẻo ập đến với bà. Mọi chuyện bắt đầu vào hôm 24/10 với tin phí đóng bảo hiểm sẽ tăng trung bình 25% vào năm 2017 đối với những người dân tham gia một số kế hoạch bảo hiểm phổ thông có trong chương trình trao đổi bảo hiểm liên bang như một phần của đạo luật Obamacare (Đạo luật chăm sóc sức khỏe hợp túi tiền).
Đối với nhiều người thuộc phe Cộng hòa, tin này là minh chứng cho thấy những gì họ từng dự báo về Obamacare đang dần trở thành hiện thực. Phí đóng bảo hiểm cao, người dân có ít sự lựa chọn công ty bảo hiểm, đồng thời nhiều công ty bảo hiểm lớn, ví dụ như Aetna, đang rút ra khỏi chương trình trao đổi bảo hiểm liên bang.
Với bà Clinton, người đang vận động tranh cử đặt mục tiêu tiếp tục thúc đẩy di sản của Tổng thống Mỹ Barack Obama, đây rõ ràng là một tin không vui.
Tiếp đó, hôm 27/10, 12 ngày trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, tổ chức WikiLeaks công bố bản ghi nhớ do Doug Band, một người thân tín của cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton, viết. Trong bản ghi, Band vạch ra kế hoạch tận dụng sự nổi tiếng của Bill Clinton để thu hút các khoản tài trợ cho Quỹ từ thiện Clinton do ông sáng lập. Đây không phải hành động bất hợp pháp song có vẻ lại là một thông tin bất lợi khác cho bà Clinton bởi vợ chồng Clinton từ lâu quả quyết rằng hoạt động chính trị của họ luôn tách bạch với công việc bên trong quỹ.
.Hillary Clinton (phải) và người trợ lý Huma Abedin. Ảnh: AP
Một ngày sau, bà Clinton tiếp tục đón nhận tin xấu nhất tuần. Giám đốc Cục điều tra Liên bang Mỹ (FBI) James Comey thông báo phát hiện mới về các email bị rò rỉ có thể liên quan đến cuộc điều tra việc bà Clinton sử dụng máy chủ cá nhân cho việc công khi còn đảm nhận cương vị ngoại trưởng Mỹ.
Video đang HOT
Những email nói trên được tìm thấy trong máy tính xách tay của cựu nghị sĩ Anthony Weiner, người đang bị điều tra với cáo buộc chat sex qua mạng với trẻ vị thành niên. Huma Abedin, người vợ đã ly thân của Weiner, đồng thời là trợ lý lâu năm của Clinton, cũng dùng chung chiếc máy tính này.
Trong lúc khám xét máy tính xách tay của ông Weiner, các nhà điều tra phát hiện một số thư điện tử qua lại giữa bà Abedin và bà Clinton. FBI đang làm rõ liệu chúng có chứa thông tin mật hay không và liên quan như thế nào đến cuộc điều tra máy chủ cá nhân của bà Clinton vốn đã khép lại.
Clinton và ban vận động tranh cử phản đối dữ dội động thái mới của ông Comey. Họ cho rằng ông đã hành động vượt quá quyền hạn, đặc biệt ở thời điểm sắp đến ngày bầu cử tổng thống.
Vẫn chưa rõ 1.000 email mới bị rò rỉ trong máy tính xách tay của Weiner có trùng lặp với các email của Clinton mà FBI đã kiểm tra trước đó hay không. Tuy nhiên, với bà Clinton, những tổn hại đến từ thông tin này, ít nhất vào thời điểm hiện tại, đã bắt đầu xuất hiện.
Các cuộc bàn luận liên quan tới cuộc đua vào Nhà Trắng giờ đây chỉ tập trung vào những email của Clinton. Điều đó cũng có nghĩa các bê bối mà Trump tạo ra không còn là tâm điểm chú ý của dư luận. Đây có lẽ là cơ hội tốt nhất và duy nhất để nhà tài phiệt New York lật ngược thế cờ vào phút chót, chuyên gia nhận định.
Bình luận viên Chris Cillizza từ Washington Post đánh giá Clinton vẫn có khả năng chiến thắng nhưng những gì xảy ra trong 7 ngày vừa qua hoàn toàn không phải cách mà bà muốn kết thúc cuộc vận động tranh cử.
Hồng Vân
Theo VNE
Kết quả thăm dò có thể phản ánh sai lệch tương quan Clinton - Trump
Do đặc điểm xã hội và tâm lý cử tri, kết quả các cuộc thăm dò dư luận có thể không phản ánh thực lực giữa hai ứng viên trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm nay.
Ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Hillary Clinton. Ảnh: AP
Kết quả nhiều cuộc thăm dò ý kiến gần đây cho thấy ứng cử viên đảng Dân chủ Hillary Clinton đang dẫn trước đối thủ Donald Trump của đảng Cộng hòa với cách biệt khá sít sao. Tuy nhiên, trên thực tế, các con số khảo sát này có thể không phản ánh đúng tỷ lệ ủng hộ của cử tri dành cho hai ứng viên, theoReuters.
Cliff Zukin, giáo sư chính trị thuộc Đại học Rutgers, New Jersey nhận định rằng, trước hết, số lượng cử tri đi bầu trong những kỳ bầu cử gần đây là khoảng 60%, nhưng với thực tế là cả bà Clinton và ông Trump không mấy được ưa thích như năm nay, tỷ lệ này có thể sẽ thấp hơn 52%, và rất khó để đoán được nhóm cử tri nào sẽ ở nhà.
"Rất khó để dự đoán đúng số lượng và thành phần cử tri sẽ đi bỏ phiếu tại mỗi kỳ bầu cử. Với kỳ bầu cử năm nay, điều này càng khó khăn hơn bao giờ hết", giáo sư Zukin khẳng định.
Thứ hai, theo các nhà xã hội học, kết quả những cuộc thăm dò dư luận có thể làm suy giảm khả năng giành chiến thắng của ứng viên đang chiếm ưu thế, bằng cách khiến cho những người ủng hộ tự tin hơn vào kết quả và do đó, ít đi bỏ phiếu hơn.
Nếu điều này khiến số lượng cử tri ủng hộ ông Trump đi bỏ phiếu nhiều hơn so với những người ủng hộ bà Clinton thì kết quả cuộc bầu cử ngày 8/11 tới đây chắc chắn sẽ có nhiều bất ngờ.
"Nếu các cuộc thăm dò dư luận cho thấy bà Clinton đang dẫn trước chỉ hai điểm, thì con số này chỉ nằm trong mức sai số, có thể cho phép ông Trump lật ngược thế cờ và giành chiến thắng. Tuy nhiên, trong trường hợp nhiều cuộc thăm dò có uy tín đều cho thấy bà Clinton đang chiếm ưu thế khá cách biệt, thì kết quả đó có thể tin tưởng", Douglas Schwartz, giám đốc cơ quan thăm dò dư luận thuộc Đại học Quinnipiac nhận định.
Một yếu tố khác tác động tới kết quả các cuộc thăm dò dư luận là sự phổ biến của điện thoại di động. Theo số liệu của ủy ban Truyền thông Liên bang năm 2016, số lượng người Mỹ chỉ sử dụng điện thoại di động mà không dùng điện thoại cố định đã tăng gấp đôi so với năm 2010, chiếm 50% dân số nước này.
Điều này khiến các cơ quan thăm dò gặp nhiều khó khăn và tốn kém hơn trong việc đảm bảo tính ngẫu nhiên, một điều kiện bắt buộc đối với tất cả cuộc thăm dò. Bởi luật pháp Mỹ cấm việc tiến hành phỏng vấn tự động qua điện thoại di động và thực tế không có danh bạ toàn quốc cho loại điện thoại này.
Ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump. Ảnh: Reuters
Trung tâm nghiên cứu Pew ước tính, việc khảo sát qua điện thoại di động tốn kém hơn qua điện thoại cố định từ 30-50%. Điều này khiến cho nhiều cuộc thăm dò bị thu hẹp quy mô hơn trước rất nhiều và có thể dẫn đến những sai số lớn.
Ngoài ra, nhiều người được khảo sát qua điện thoại thường có xu hướng từ chối đưa ra ý kiến. Một cơ quan thăm dò dư luận mới đây cho biết chỉ kết nối được với khoảng 10% số người mà họ cố gắng liên lạc, thấp hơn nhiều con số 80% so với một vài thập kỷ trước.
Tuy nhiên, giám đốc phụ trách nghiên cứu thăm dò Courtney Kennedy của Pew cho rằng, xét về mặt dữ liệu, chất lượng mới là điều quan trọng nhất. Nhiều người chấp thuận tham gia khảo sát là những người trẻ và có quan điểm khác nhau.
Cuối cùng, đối với những cuộc thăm dò trực tuyến như Reuters/Ipsos, các hãng thăm dò có thể tiếp cận được với nhiều người hơn, với chi phí thấp hơn. Tuy nhiên, đa số người tham gia loại hình thăm dò này đều là tự nguyện, do đó không thể đảm bảo tính ngẫu nhiên bắt buộc.
Để khắc phục những chỉ số sai lệch trong loại hình thăm dò trực tuyến, các hãng thăm dò thường phải thêm bớt số liệu và nhiều khi lựa chọn cả những nhóm người không đáp ứng các tiêu chuẩn để trở thành cử tri.
Ví dụ, nếu tỷ lệ cử tri nam tham gia trả lời thăm dò thấp hơn tỷ lệ nam giới trong cơ cấu dân số Mỹ, nhà tổ chức thăm dò buộc phải điều chỉnh số liệu, hoặc cố gắng tìm thêm người tham gia thăm dò.
Theo bình luận viên Scott Malone, các cuộc thăm dò đều có khả năng mang lại kết quả sai lệch. Điều này được chứng minh qua các sự kiện quốc tế gần đây, điển hình như trường hợp trưng cầu dân ý về thỏa thuận hòa bình tại Colombia trong tháng 10.
Các cuộc thăm dò dư luận trước bỏ phiếu đều cho rằng số cử tri bỏ phiếu ủng hộ thỏa thuận sẽ chiếm tỷ lệ áp đảo. Tuy nhiên, sau khi hầu hết số phiếu đã được kiểm, giới chức nước này cho biết có tới 50,2% cử tri phản đối và chỉ có 49,8% ủng hộ.
"Việc đưa ra dự đoán lúc này rất khó khăn bởi Trump đã thu hút được nhiều cử tri ủng hộ, những người luôn bỏ phiếu thất thường hoặc có thể sẽ không tham gia bỏ phiếu", Scott Malone nhận định.
Nguyễn Hoàng
Theo VNE
Chuyên gia Mỹ: 'Công bố điều tra thêm email của Hillary Clinton là bất công' Chuyên gia cho rằng việc Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) công bố điều tra thêm các email của Hillary Clinton là "không công bằng", nhưng khó "hạ gục" được bà trong cuộc đua vào Nhà Trắng. Hillary Clinton. Ảnh: Reuters "Việc Giám đốc FBI Comey tuyên bố công khai điều tra email mới là không công bằng, vì nó có thể...