Một trường hợp tử vong do nhiễm cúm A/H5N1
Ngày 9-4, Sở Y tế Đồng Tháp thông tin chính thức có 1 trường hợp tử vong do nhiễm cúm A/ H5N1. Bệnh nhân là cháu Nguyễn Duy Hoàng Huy, sinh ngày 22-11-2009, trú tại cụm dân cư ấp 1, xã Tân Hội Trung, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp.
Siết chặt công tác kiểm dịch gia cầm để ngăn ngừa nguy cơ lây lan cúm
Cháu Huy khởi bệnh vào ngày 23-3-2013 với triệu chứng sốt, ho, nôn, gia đình có mua thuốc tự điều trị. Ngày 26-3, bệnh nhân đến Trạm y tế xã Tân Hội Trung khám với chẩn đoán là Nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính và được điều trị ngoại trú tại nhà. Ngày 27-3, bệnh nhân đến Trạm Y tế tái khám và được Trạm chuyển về bệnh viện đa khoa (BVĐK) huyện Cao lãnh điều trị nhưng người nhà đưa cháu đến khám bác sĩ tư và bệnh không giảm. Đến ngày 30-3, người nhà phải đưa cháu vào BVĐK huyện Cao Lãnh.
Sau đó bệnh nhân được chuyển đến BVĐK Đồng Tháp lúc 10h45 ngày 1-4, được chẩn đoán: Suy hô hấp/viêm phổi rất nặng. Sau thời gian điều trị, bệnh diễn tiến nặng dần. Chẩn đoán cuối cùng của BVĐK Đồng Tháp là: Suy hô hấp cấp nặng/Viêm phổi rất nặng – Nhiễm trùng huyết, tiên lượng tử vong. Người nhà xin bệnh nhân về lúc 10h ngày 4-4 và tử vong ngay sau đó khoảng 1 giờ. Bệnh nhân được chôn cất trong ngày tại nghĩa trang địa phương xã Tân Hội Trung (xa khu dân cư). Được biết gia đình bệnh nhân có mua gà về làm thịt ăn cả nhà ngày 25-3.
Ngày 5-4, Viện Pasteur thành phố Hồ Chí Minh thông báo kết quả xét nghiệm vi sinh học cho thấy bệnh nhân được xác định nhiễm cúm A/H5N1. Ngày 5 và 6-4, Sở Y tế phối hợp với Viện Pasteur tiến hành điều tra dịch tễ để xác định nguồn lây bệnh.
Ngay sau khi xảy ra trường hợp tử vong do nhiễm cúm A/H5N1, ngày 5-4, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch cúm gia cầm huyện Cao Lãnh họp khẩn cấp triển khai các biện pháp phòng chống dịch. Tiến hành lập danh sách theo dõi 8 thành viên trong gia đình ông Nguyễn Văn Phú (ông ngoại bệnh nhân) và lấy 7 mẫu ngoáy họng phát thuốc Tamiflu cho 4 người uống và được Trạm Y tế xã giám sát. Lập danh sách và theo dõi tình trạng sức khỏe của 10 người tiếp xúc (8 thành viên trong gia đình và 2 bác sĩ khám cho bệnh nhân) đồng thời giám sát, phát hiện các ca nghi ngờ khu vực dân cư Chợ ấp 1 xã Tân Hội Trung trong vòng 21 ngày.
Thông báo và tuyên truyền sâu rộng để nhân dân bình tĩnh, phối hợp tốt với các cơ quan chức năng để xử lý môi trường và tham gia phòng bệnh theo hướng dẫn của ngành y tế và thú y. Trung tâm Y tế huyện Cao Lãnh đã phối hợp với xã Tân Hội Trung tiến hành phun xịt Cloramin B 5% trong nhà bệnh nhân và các hộ xung quanh bán kính 300 mét, phun hóa chất tẩy uế môi trường xung quanh, đồng thời chuyển 1 trẻ em 14 tuổi (cậu của bệnh nhân ở chung nhà) có dấu hiệu viêm hô hấp cấp về BVĐK tỉnh để cách ly và theo dõi điều trị. Tiếp tục xử lý môi trường ở Trạm Y tế, trường THCS Tân Hội Trung (nơi cậu của bệnh nhân đang học) và nơi chôn bệnh nhân. Tiến hành kiểm soát chợ xã Tân Hội Trung, lấy 11 mẫu gia cầm gửi Cơ quan Thú Y vùng VII xét nghiệm đồng thời tiến hành tiêu hủy số gia cầm nguy cơ cao trong khu vực vùng dịch gồm 110 con gia cầm của 12 hộ và tiếp tục tiêu hủy số gia cầm còn sót lại bán kính 300 mét.
Ngày 7-4, Chi cục Thú y tỉnh có kết quả xét nghiệm dương tính với cúm A/H5N1 trên gia cầm ở khu vực nhà người bán gà cho gia đình bệnh nhân làm thịt ăn tại ấp 6 – xã Tân Hội Trung và đã tiến hành tiêu hủy ngay số gia cầm, tiêu độc, sát trùng khu vực dịch bệnh. Ngày 8-4, Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh thông báo tất cả các mẫu người tiếp xúc được điều tra đều có kết quả âm tính với H5N1.
Theo ANTD
Nguy cơ lớn
Thông tin về 6 trường hợp tử vong vì virus cúm gia cầm H7N9 ở Trung Quốc không thể không khiến người ta phải giật mình, lo lắng. Dù nước ta chưa phát hiện trường hợp nào nhiễm loại virus cúm gia cầm mới này, nhưng khi mà gia cầm nhập lậu từ biên giới phía Bắc còn chưa được loại trừ thì không có gì bảo đảm chủng virus nguy hiểm này không theo chân gà lậu vào nội địa tác oai tác quái.
Mức độ nguy hiểm của virus cúm gia cầm H7N9 cực kỳ nguy hiểm. Cơ chế lây lan virus H7N9 chủ yếu là từ chất thải của gia cầm ra môi trường và từ môi trường lây lan sang người. Đặc biệt với những người trực tiếp giết mổ, chế biến gia cầm, nguy cơ lây nhiễm rất lớn. Bằng chứng là tất cả 14 người mắc cúm A/H7N9 tại Trung Quốc đều làm công việc liên quan đến giết mổ gia cầm, có các biểu hiện ho, chóng mặt, sốt, khó thở...
Theo ghi nhận tại nơi khởi phát dịch tại Trung Quốc thì có tới 6 trong số 14 ca mắc cúm H7N9 tử vong, trường hợp còn lại vẫn trong tình trạng nguy kịch. Tỉ lệ tử vong cùng mức độ nguy hiểm của loại virus cúm gia cầm này làm liên tưởng tới dịch cúm A/H5N1 từng hoành hành ở nước ta.
Vì thế không thể không lo lắng về những hiểm họa từ gà nhập lậu Trung Quốc. Trên diễn đàn Quốc hội cuối năm ngoái, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân từng chỉ ra 5 tác hại của gà nhập lậu phải kiên quyết xử lý, trong đó có việc mang virus cúm lây sang gà nội địa. Việc nhập lậu này đã được hạn chế đáng kể, nhưng chưa thể khẳng định đã hoàn thành mục tiêu "ngăn chặn cơ bản" gà nhập lậu.
Theo Cục Chăn nuôi, Bộ NN-PTNT ngày 3-4 cho biết mỗi ngày vẫn có từ 3 đến 5 tấn gà thải, loại nhập lậu về chợ gia cầm đầu mối Hà Vĩ lớn nhất Hà Nội. Trong đó, có lần cơ quan chức năng bắt được cả xe tải chở hàng tấn gà nhập lậu từ Trung Quốc về Việt Nam.
Trước thông tin xuất hiện chủng virus cúm gia cầm mới H7N9 ở Trung Quốc, Bộ Y tế đã yêu cầu các sở y tế đẩy mạnh triển khai tốt công tác kiểm dịch y tế biên giới, giám sát chặt chẽ đối với người nhập cảnh, xử lý y tế kịp thời đối với các trường hợp nghi mắc bệnh, đặc biệt chú ý khách nhập cảnh từ vùng có ca bệnh. Tăng cường giám sát, kiểm tra nhập khẩu gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới, ngăn ngừa nhập lậu gia cầm không được kiểm dịch xâm nhập vào Việt Nam cũng là điều cần phải làm quyết liệt.
Từ dịch cúm A/H5N1 đến mối họa cúm H7N9 đang lơ lửng lúc này. Phòng chống gia cầm nhập lậu ở thời điểm này, vì thế, phải quyết liệt như phòng chống một mối nguy họa lớn nhất. Nguy cơ lây lan virus cúm H7N9 từ Trung Quốc vào Việt Nam là rất lớn. Và những người Việt Nam buôn lậu gia cầm từ Trung Quốc hãy nghĩ đến đồng loại của mình, trong đó có cả những người thân của mình
Theo ANTD
Virus cúm A/H5N1đã biến đổi Mới đây, Bộ NN&PTNT cảnh báo về loại virus H5N1 mới xuất hiện có sự khác biệt với những virus 2.3.2.1 (cả nhóm A, B) gây bệnh ở nước ta năm 2011. Nhóm virus này có khả năng khiến dịch cúm gia cầm tiếp tục lan rộng trong thời gian tới là rất cao. Tuy nhiên, trao đổi với báo chí, PGS.TS Nguyễn...