Một trời ký ức và tiếng vọng hào hùng gọi về theo 3 chữ “Đất phương Nam”
Đã 21 năm từ lần đầu phát sóng, những cô cậu bé đồng hành cùng An, Cò đã thành người lớn, có gia đình. Thế nhưng những cảm xúc và giá trị nhân văn mà bộ phim “Đất phương Nam” mang lại vẫn luôn tỏa sáng bất kể thời gian.
Giữa loạt tin tức, hình ảnh gây chấn động dư luận khi Trường Giang cầu hôn Nhã Phương, hay khi cả nước vỡ òa vì đội tuyển U23 đã xuất sắc tiến vào bán kết giải bóng đá châu Á, một khán giả điện ảnh như tôi lại lưu tâm hơn đến thông tin Đất phương Nam được chuyển thể thành phim điện ảnh. Không vui mừng sao được khi mà một bộ phim gần như là huyền thoại của ngành phim ảnh nước nhà, là thói quen suốt bao nhiêu năm của khán giả trước chiếc tivi sắp được sống lại trong một hình hài mới. Khoan bàn đến chuyện chất lượng ở đây, riêng việc người ta chú ý đến Đất phương Nam đã là một niềm hân hoan quá đỗi với những người yêu mến bộ phim này rồi.
Nếu hỏi thành công lớn nhất của Đất phương Nam là gì? Thì có lẽ câu trả lời là: “Một bộ phim được mọi thế hệ khán giả yêu mến.” Thật vậy, mỗi một khán giả đều sẽ tìm thấy cho mình một điều rất riêng ở bộ phim khiến họ bị lay động và thổn thức theo từng khung hình.
Bao nhiêu năm rồi, ánh mắt ngây thơ của chú bé An vẫn khiến gười xem thấy nhói trong lòng
Chất của đất và người phương Nam
“Chất” ở đây không chỉ là những cảnh tắm sông, trèo cây, hay những phiên chợ nổi hiện lên trên phim. Mà đó còn là sự đa dạng về nhân vật và nét đặc trưng riêng của họ. Dẫu cho đã trải qua 11 năm với nhiều tiến bộ, điện ảnh Việt vẫn chưa có bộ phim nào có sự đa dạng về nhân vật như Đất phương Nam.
Cùng thời với Đất phương nam, chúng ta có những bộ phim như Một thời ngang dọc, Những đứa con thành phố chủ yếu kể về cuộc đấu tranh giữa người dân và chế độ thực dân Pháp. Hay loạt phim dựa trên tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh như Con nhà nghèo, Nợ đời xoay quanh lối sống, tình cách của những người thuộc tầng lớp thị dân tiểu tư sản. Còn trong Đất phương Nam, các tuyến nhân vật được mở rộng ra theo từng bước chân phiêu lưu của chú bé An ( Hùng Thuận).
Nhạc phim “Đất phương Nam”
Đó là thầy giáo Bảy (NSƯT Thanh Điền) đại diện cho những người trí thức và bất phẫn trước thời cuộc. Là những chiến sĩ cách mạng sát cánh cùng cha của An. Hay những người nông dân hiền lành bị dồn đến cùng cực như gia đình cô Út Trọng… Để có thể khắc họa chân thực và chính xác nhất, các nhà sản xuất đã tham khảo thêm những nhà văn chuyên viết về miền Nam như nhà văn Sơn Nam. Chi tiết thầy Bảy giả trang làm ông đạo, diễn ma thuật để thu hút dân đi theo làm khởi nghĩa chính là một trong số đó.
Những câu hịch, những lời sấm dụ của ông đạo được nhà văn Sơn Nam tham gia hoàn thành, giúp cho người xem hiểu về văn phong và thế giới quan của người Nam Bộ xưa. Hay như cảnh đầu tiên, khi bé An hỏi thầy giáo rằng : “Tại sao người Việt Nam cũng có anh hùng, nhưng lại không được học về họ?” cũng là một sự phản ánh nền giáo dục tẩy não của người Pháp lên thuộc địa Việt Nam thời bấy giờ. Tất cả những chi tiết tưởng nhỏ mà không nhỏ ấy đã cùng với diễn xuất tài tình của dàn diễn viên, khiến người xem bị chinh phục và cuốn vào cuộc phiêu lưu của chú bé An.
Một dàn diễn viên làm nên huyền thoại
NSƯT Mạnh Dũng có hình ảnh gắn liền với ông Ba bắt rắn trong Đất phương Nam
Thực vậy, trong thời đại mà điện ảnh chỉ dành riêng cho những diễn viên đã qua trường lớp, diễn xuất của dàn diễn viên Đất phương nam đã đem đến sức hút tối đa, tạo nên được sự đồng cảm của người xem. Ngoài Hùng Thuận (vai An) và Phùng Ngọc (vai Cò) làm trung tâm của bộ phim, những nghệ sỹ ưu tú như Mai Thanh Dung (vai Tư Ù), Mạc Can (vai bác Ba Phi) hay Lê Bình (vai Tư Tại, cha của Cò) đã góp phần làm nên một tổng thể vững chãi để xây dựng nên câu chuyện.
Những diễn viên trẻ năm đó tham gia Đất phương Nam như Kiều Oanh, Kinh Quốc, Cát Phượng v.v… đều đã trở thành những tên tuổi lớn trong làng điện ảnh, kịch nghệ của Việt Nam hiện tại. Có thể thấy dàn diễn viên năm đó được lựa chọn không phải vì nét đẹp lung linh, hay lượng fan hùng hậu giúp đảm bảo doanh số mà họ được chọn vì thực sự có khả năng họa nên cái thần của nhân vật.
Vai diễn Tư Mắm của Cát Phượng khiến cả nước chú ý đến cô
Mới tập trước, người xem còn cười rần rần vì những câu đùa của bác Ba Phi, thì tập sau, đôi mắt họ đã đỏ hoe khi thấy cả nhà cô Út Trọng bị giết, xác thì bị bọn giặc Pháp đem lên tàu mang đi. Và rồi ngay trong tập sau, những đứa trẻ lại cùng nhau hô hào ủng hộ chú Võ Tòng đi giết giặc trả thù cho cả nhà cô Út Trọng. Dẫu biết là chú không thể thắng nổi một binh đoàn giặc Pháp trang bị tận răng, nhưng máu huyết của những đứa trẻ cứ thế mà sôi sục lên, mắt chúng cứ nhòe đi khi chú ôm con chó Vàng chết dưới những tán cây trong rừng U Minh.
Lê Quang trong vai Tư Võ Tòng, thần tượng của trẻ con một thời
Chẳng cần phải kĩ xảo hoành tráng, chẳng cần phải nói những lời sáo rỗng, chú Võ Tòng với đôi mắt cương nghị, bộ râu xồm xoàm trở thành anh hùng trong lòng bọn trẻ, thành một chuẩn mực của cái mà người miền Nam gọi là “anh hùng hảo hớn”.
Và những giá trị cho đời sau
Là một khán giả đời đầu 9x lớn lên cùng Đất phương Nam, những ngày còn bé, tôi thích bộ phim này còn vì một lý do khác. Đó là vì suốt mấy năm còn nhỏ, các đài truyền hình đã thay nhau chiếu đến phát ngán bộ phim Tây Du Ký của Trung Quốc. Thế nên khi lớn hơn một chút, tôi cảm thấy thật vui mừng khi Đất phương Nam được sản xuất.
Còn có bài học văn hóa, lịch sử nào về Nam bộ thú vị hơn bộ phim này cơ chứ? Sau này có con, tôi sẽ giới thiệu cho chúng xem bộ phim này, rồi nói cho chúng nghe rằng “Bác Ba Phi là một nhân vật có thật, còn có sách sưu tầm truyện kể của bác nữa.” Hay “Chuyện của gia đình cô Út Trọng là dựa trên sự kiện lịch sử tại đồng Nọc Nạng.” Cứ thế, tình yêu quê hương, yêu con người Nam Bộ sẽ được hun đúc trong trái tim thế hệ sau, qua một mồi lửa có tên Đất phương Nam.
21 năm đã trôi qua, và tôi tin rằng dù là bao nhiêu năm nữa, những trái tim Việt Nam sẽ lại thổn thức mỗi khi nghe câu hát “Nhắn ai đi về, miền đất phương Nam” vang lên đâu đó trên truyền hình. Thành thử khi biết tin Đất phương Nam được chuyển thể thành phiên bản điện ảnh, tôi không thể nào không phấn khích.
Cảm giác thật kì lạ làm sao, không phải so đo bản điện ảnh sẽ hơn hay thua với bản truyền hình, mà bởi đối với những đứa trẻ năm nào đến đúng khung giờ chiếu phim cũng cố gắng chạy cho thật nhanh về nhà, thì chữ “đất phương Nam” đã là một tiếng gọi thân thuộc, là cái thanh âm chứa đựng rất nhiều kì ức ngày còn bé, là tiếng vọng hùng hồn của dân tộc. Cho nên, tôi tin rằng dù lần này tác phẩm được đưa lên phiên bản điện ảnh có khác biệt đến đâu, thêm bớt điều gì, thì đó sẽ lại là một kí ức đẹp đẽ khác mà không chỉ một khán giả kì cựu của Đất Phương Nam, mà còn dành cho những người trẻ của thế hệ mới được tiếp nhận.
Theo Trí Thức Trẻ
Diễn viên nhí nào có thể vượt qua cái bóng của An và Cò trong 'Đất phương Nam' bản điện ảnh?
Hai vai diễn An và Cò thành công trong tác phẩm "Đất phương Nam" bản truyền hình không chỉ trở thành cái bóng khó vượt qua của hai diễn viên Hùng Thuận, Phùng Ngọc, mà còn tạo áp lực cho dự án điện ảnh "Đất rừng phương Nam" do đạo diễn Nguyễn Quang Dũng cầm trịch.
Đất phương Nam là bộ phim truyền hình Việt Nam chuyển thể từ tiểu thuyết Đất rừng phương Nam của nhà văn Đoàn Giỏi, do Hãng phim Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh (TFS) thực hiện sản xuất năm 1997. Được xem là một trong những phim chuyển thể thành công, sau hơn 10 năm ra đời, Đất phương Nam vẫn để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng khán giả và liên tục phát sóng trên các kênh truyền hình địa phương.
Lấy bối cảnh Nam Bộ thời kỳ Pháp thuộc, Đất phương Nam xoay quanh những số phận con người dân quê bình dị trong thời cuộc loạn lạc, dưới ách nô lệ của thế lực thù địch và cường hào, địa chủ. Mượn hình ảnh nhân dân và phận người bé nhỏ, phim tái hiện lại một thời kì lịch sử nước nhà. Mới đây, dự án điện ảnh Đất rừng phương Nam được một fanpage đăng tải gây xôn xao mạng xã hội. Theo đó, tác phẩm do đạo diễn Nguyễn Quang Dũng cầm trịch.
Để làm nhiệm vụ tái hiện một thời kì lịch sử đau thương nhưng hào hùng của dân tộc, Đất rừng phương Nam chú trọng khâu xây dựng và phát triển nhân vật. Trong đó, ở phiên bản truyền hình, trọng trách ấy được giao cho diễn viên nhí Hùng Thuận - vai cậu bé An và Phùng Ngọc đảm nhận vai Cò.
Đến với vai diễn An trong Đất phương Nam một cách tình cờ, Hùng Thuận trở thành một trong số ít những gương mặt nhí sáng giá thời điểm ấy. Diễn viên nhí 12 tuổi khi đó hóa thân tròn trịa thành cậu bé lạc mẹ, lưu lạc tha phương tìm cha, phận đời đáng thương, khổ cực khiến khán giả khóc, cười cùng nhân vật. Không cần quá gồng để diễn xuất, Hùng Thuận thể hiện lối diễn trong sáng, tự nhiên. Những hình ảnh nhân vật chính khóc vì nhớ mẹ trong đêm, hay hồn nhiên ăn chiếc bánh vứt đi vẫn còn sức ám ảnh người xem đến tận bây giờ...
Giống như Hùng Thuận, nam diễn viên Phùng Ngọc trong vai thằng Cò cũng gây ấn tượng với đông đảo người xem. Cò thông minh, lém lỉnh, giỏi bắn ná và là người đồng hành cùng bé An trên con đường tìm cha. Hình ảnh An và Cò ở Đất phương Nam gây ám ảnh đến nỗi nhiều năm về sau, Hùng Thuận và Phùng Ngọc vẫn không thoát khỏi cái bóng quá lớn này. Nam diễn viên đảm nhận vai An từng chia sẻ rằng nhân vật trở thành một phần cuộc sống và gây không ít ảnh hưởng đến anh.
Hai vai diễn An và Cò thành công trong tác phẩm Đất phương Nam bản truyền hình không chỉ trở thành cái bóng khó vượt qua của hai diễn viên Hùng Thuận, Phùng Ngọc, mà còn tạo áp lực cho dự án điện ảnh Đất rừng phương Nam do đạo diễn Nguyễn Quang Dũng cầm trịch. Việc chọn lựa và phát triển diễn viên nhí đủ khả năng hóa thân tròn vai là một câu hỏi khó đối với nhà làm phim.
Một trong những ứng viên sáng giá cho vai diễn ở Đất rừng phương Nam phiên bản điện ảnh có thể kể đến là Duy Anh, diễn viên nhí sinh năm 2009, từng góp mặt trong các tác phẩm như Nhân tình lạc lối, Bảo mẫu siêu nhí, game show Siêu hài nhí - 9 con của 10 khó, và đặc biệt là bộ phim điện ảnh do đạo diễn Vũ Ngọc Đãng thực hiện có tên Khi con là nhà.
Trên cái nền là làng quê Nam Bộ yên ả, thanh bình, Khi con là nhà kể về cuộc sống thăng trầm, đầy biến động của hai cha con Quang (Lương Mạnh Hải) - một ông bố đơn thân, "gà trống nuôi con" và Bi (bé Duy Anh) - cậu con trai mới lên sáu. Cùng bố chạy trốn lệnh truy nã, bé Bi chịu nhiều khổ cực, thiệt thòi, rong ruổi từ làng quê nghèo lên nơi thành thị xa hoa, đội nắng mưa qua bao gầm cầu hay ngõ nhỏ chật hẹp,... Thậm chí, hai cha con lạc mất nhau, khiến Bi hớt hải chạy tìm bố.
Vai diễn do bé Duy Anh đảm nhận trở thành linh hồn tác phẩm, không chỉ bởi nét diễn xuất trong sáng, thơ ngây, mà còn nhờ những hình ảnh khốn khổ, lem luốc của em. Từ đó, Khi con là nhà khắc họa rõ nét phận đời nhỏ bé, khốn cùng và tôn lên giá trị tình người, tình ruột thịt. Chính vì thế, người xem cho rằng Duy Anh hoàn toàn có thể một lần nữa chiếm trọn trái tim khán giả nếu được chọn cho vai diễn cậu bé tìm cha An, hay thằng Cò lém lỉnh ở Đất rừng phương Nam.
Bên cạnh Duy Anh, Trọng Khang cũng là gương mặt nhí nổi bật, có thể góp mặt trong Đất rừng phương Nam, em từng tham gia nhiều bộ phim truyền hình như Góc khuất, Ký ức tuổi thơ, Thế giới diệu kỳ, Hòn đá thần kỳ, Tâm hồn trẻ thơ, Bác Ba Phi kén dâu, Đi qua mùa mưa, Lấp lánh mưa bay,...hay phim điện ảnh như Hello Cô Ba, Cô dâu đại chiến 2 và đặc biệt là tác phẩm gây tiếng vang lớn Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh.
Trong Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Trọng Khang với lối diễn tự nhiên, nhận nhiều yêu mến từ khán giả khi thể hiện nhân vật Tường - cậu em trai đáng yêu, lém lỉnh và hết mực thương yêu anh trai. Đưa thành công nhân vật từ trang văn Nguyễn Nhật Ánh ra ngoài đời thực, diễn viên nhí góp phần tạo nên sức hút của Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, phim thắng giải Bông sen Vàng tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ IXX.
Ngoài ra, cậu bé bước ra từ cuộc thi Bước nhảy hoàn vũ nhí - Minh Khang, với vẻ ngoài lém lỉnh, đáng yêu, được không ít người hâm mộ kì vọng cho vai diễn bé Cò nghịch ngợm ở Đất rừng phương Nam. Minh Khang lần đầu "chạm ngõ" điện ảnh khi hóa thân thành Thư lúc nhỏ trong Cô gái đến từ hôm qua.
Kể câu chuyện hiện tại song song cùng quá khứ, Cô gái đến từ hôm qua có thêm điểm cộng nhờ những phân cảnh trong sáng, tươi mới, đậm màu sắc tuổi thơ do Minh Khang và bé Hà My thể hiện. Không ít khán giả nhận định sự nghiệp diễn xuất của Minh Khang có nhiều tiềm năng phát triển trong tương lai.
Từng tham gia bộ phim lấy đề tài tình phụ tử Ở đây có nắng, diễn viên nhí Gia Bảo cũng là một gương mặt không hề xa lạ với khán giả. Trước đó, em xuất hiện trong Để Hội tính, Tốc độ và đường cong, Vòng eo 56 và hàng loạt phim truyền hình. Đặc biệt, hóa thân thành Cu Bin - Ở đây có nắng, Gia Bảo thể hiện sự trưởng thành về diễn xuất nhờ vai diễn khá nặng về tâm lý.
Bên cạnh những diễn viên nhí quen thuộc đối với khán giả, không ít khả năng đạo diễn Đất rừng phương Nam sẽ tìm kiếm và khai thác các gương mặt hoàn toàn mới. Nhớ lại tác phẩm điện ảnh được đánh giá cao trên phương diện nghệ thuật - Cha cõng con, Đỗ Trọng Tấn - người đảm nhận vai diễn bé Cá lém lỉnh, ngoan ngoãn - là diễn viên không chuyên, được Lương Đình Dũng tuyển chọn từ làng trẻ SOS Việt Trì.
Trên cái nền thôn quê bình dị, hình ảnh bé Cá với khuôn mặt ngây ngô, giọng nói ngọng nghịu, nhưng đôi mắt sáng lấp lánh khi nghe chuyện đem đến cảm giác chân thực cho khán giả, khiến nhân vật như ở ngay trong những câu chuyện đời thường. Chính vì vậy, không ít người xem cho rằng cách làm này có thể trở thành sức hút của Đất rừng phương Nam, như Hùng Thuận, Phùng Ngọc từng tạo ấn tượng ở Đất phương Nam bản truyền hình ngày nào...
Theo Saostar
Huyền thoại "Đất phương Nam" sẽ có phiên bản điện ảnh, do đạo diễn Dũng "khùng" sản xuất Thông tin về phim điện ảnh có tên "Đất rừng phương Nam" đang khiến những người hâm mộ điện ảnh quan tâm, đặc biệt là khán giả yêu mến phim truyền hình "Đất phương Nam". Mới đây, thông tin về một phim điện ảnh có tên Đất rừng phương Nam vừa được đăng tải khiến một số người trong nghề xôn xao. Vì...