Một triệu tin nhắn rác gửi mỗi ngày
Dù có nhiều quy định siết chặt quản lý, tình trạng tin rác quấy rầy thuê bao di động vẫn chưa cải thiện so với trước.
Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội Nguyễn Xuân Quang thừa nhận tình trạng tin rác quấy người dùng ngày càng tăng, nhiều tin nhắn còn có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Ông Quang ước tính trung bình mỗi ngày ở Việt Nam có khoảng một triệu tin nhắn rác , cao hơn con số do Thanh tra Bộ đưa ra cuối năm ngoái (10.000 tin mỗi giờ).
Tại cuộc họp triển khai Nghị định 77 về chống thư rác ngày 19/3, ông Nguyễn Hoàng Hải, Trưởng phòng Kinh doanh (Trung tâm phát triển dịch vụ VinaPhone) cho biết, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung (CP) thường dùng từ hình thức đơn giản đến công nghệ cao để phát tán tin nhắn rác.
Tin rác vẫn chưa có dấu hiệu suy giảm về số lượng và tần suất quấy rối thuê bao. Ảnh: Anh Quân
Thông thường CP sẽ gửi tin nhắn mời chào dịch vụ, đối với điện thoại thông minh có thêm cách cài phần mềm vào máy. Những chương trình này sẽ tự động nhắn tin tới đầu số dịch vụ để lấy tiền khách hàng. “Việc dùng phần mềm tự động nhắn tin như vậy thông thường khách hàng sẽ rất khó phát hiện”, ông Hải thừa nhận.
Video đang HOT
Ông Nguyễn Văn Hùng, Chánh thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông nhận xét, vấn nạn tin rác đã gây mất uy tín cho cơ quan quản lý Nhà nước vì không thực hiện tốt công tác của mình. Dù các đơn vị cung cấp đầu số đã có động thái cắt dứt điểm và siết quản lý CP, nhưng việc này vẫn chưa thực sự triệt để.
Về phía các nhà mạng, đại diện của VinaPhone, MobiFone và Viettel đều đồng tình với quan điểm xử lý mạnh tay các CP phát tán tin nhắn rác. Bản thân nhà mạng cho biết đã triển khai nhiều biện pháp nhằm hạn chế vấn đề này. Ông Nguyễn Hoàng Hải cho hay, VinaPhone đã xây dựng quy trình, hệ thống kỹ thuật để phát hiện CP phát tán tin nhắn rác với số lượng lớn. Trên cơ sở này, nhà mạng sẽ tiến hành dừng hoặc cắt đầu số với đối tác vi phạm.
“Khi phát hiện hình thức lừa đảo mới, VinaPhone đều nhắn tin đến các thuê bao, đăng tải trên website để cảnh báo khách hàng. Chúng tôi chấp nhận giảm doanh thu để xử lý vấn đề này”, ông Hải khẳng định. Đại diện của Viettel thì cho biết, sau khi triển khai hệ thống ngăn chặn, lượng tin nhắn rác đã giảm rất nhiều. Trước đây, trung bình mỗi tháng nhà mạng nhận được phản ánh của 8.000 thuê bao, song hiện nay còn khoảng 1.500.
Ông Nguyễn Ngọc Linh, Phó giám đốc Trung tâm dịch vụ giá trị gia tăng MobiFone cũng cam kết đấu tranh quyết liệt với tin nhắn rác và không ngần ngại việc giảm doanh thu. “MobiFone có hệ thống lọc tin nhắn rác theo ba chế độ theo dõi tần suất; theo dõi thuê bao gửi và theo dõi về mặt nội dung”, ông Linh nói. Ngày 13/3, MobiFone cho hay đã kiểm tra và khóa đầu số dịch vụ của 18 đối tác có liên quan tới tin nhắn rác, tin nhắn có nội dung phản cảm.
Ngoài ba nhà mạng lớn, một doanh nghiệp được cấp phép kinh doanh viễn thông khác là FPT cũng tuyên bố “nói không” với CP vi phạm và tin nhắn rác. Đơn vị này đang sở hữu 141 đầu số 1900xxxx (xếp sau VNPT và Viettel). Theo lãnh đạo Bộ, FPT vẫn “chưa nhận thức rõ trách nhiệm của mình” đối với vấn đề tin rác và quản lý CP. Đại diện doanh nghiệp này cho biết đã chủ động phối hợp với các nhà mạng để khóa thuê bao vi phạm, và sẵn sàng cắt hợp đồng với những CP bị phát hiện vi phạm.
Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội đã đề ra quy trình xử lý đối với các số điện thoại, đầu số nhắn tin sai quy định trên địa bàn. Theo đó, các phòng Văn hóa và Thông tin các quận, huyện, thị xã và Phòng Tiếp dân của Sở sẽ là nơi tiếp nhận phản ánh tin nhắn rác rồi gửi về Sở hàng tháng. Trên cơ sở đó, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội sẽ ban hành văn bản, yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông ngừng cung cấp dịch vụ đối với số điện thoại nhắn tin sai quy định, chấm dứt hợp đồng hợp tác kinh doanh và thu hồi đầu số với CP phát tán tin nhắn rác, lừa đảo.
Theo vietbao
Tin rác 'ngấp nghé' trở lại sau Tết
Các hình thức lừa và tin rác không quá mới, nhưng đang có dấu hiệu bùng phát trở lại sau khoảng một tháng trầm lắng do các biện pháp quản lý được siết chặt.
Trong và sau Tết, nhiều thuê bao di động tiếp tục nhận được tin nhắn rác gửi từ các số lạ, với nội dung mời chào dịch vụ, tải game, bói toán, sex... Bên cạnh đó, hình thức nhắn tin dụ dỗ người dùng gọi điện vào đầu số giá trị gia tăng như 19004547 hay 19006915 để "câu" cước.
Anh Linh (ở Giải Phóng, Hà Nội) cho hay ngày mùng 1 Tết nhận được tin nhắn với nội dung thông báo anh nhận được lời chúc mừng năm mới từ người thân, và yêu cầu gọi đến đầu số 19006915 để nghe. Tuy nhiên, "khi gọi vào đó chỉ nghe nhạc chờ, mãi không có thông tin hay ai bắt máy nên tôi ngắt cuộc gọi, đến khi kiểm tra tài khoản mới hay bị mất tiền", anh nói.
Đủ các kiểu tin rác "dội bom" người dùng trong và sau Tết. Ảnh: Anh Quân
Không chỉ lời chúc, thuê bao di động cũng dễ dàng nhận được tin nhắn từ các số lạ mời nghe nhạc hay "tâm sự giải sầu", tất cả đều dẫn đến các số giá trị gia tăng 1900xxxx nhất định.
Bên cạnh hình thức câu cước này, tin nhắn rác thời gian gần đây cũng "tăng cường" các nội dung sex, bói toán và chào bán sim hay dịch vụ. Chủ một thuê bao cho biết, chỉ trong ngày mùng 2 Tết, anh nhận được tới 5 tin nội dung sex đến từ các số điện thoại khác nhau. "Cứ được một lúc là điện thoại lại kêu, nhắm những lúc đang tiếp khách thấy phiền phức vô cùng", anh chia sẻ.
Việc các thuê bao di động liên tục nhận tin nhắn rác không còn là điều xa lạ, nhưng kể từ khi Nghị định 77 về chống thư rác được ban hành và có hiệu lực từ ngày 1/1/2013, tình trạng này đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, thời điểm quanh dịp Tết vẫn là lúc bùng phát mạnh nhất và tin rác đang có dấu hiệu trở lại, dù không "rầm rộ" như trước đây.
Ông Vũ Quốc Khánh, Giám đốc Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT, đơn vị quản lý tổng đài 456 chuyên tiếp nhận phản ánh về tin rác) cho biết, lượng tin rác trong dịp Tết Quý Tỵ giảm đáng kể so với ngày thường. Nhưng xuất hiện kiểu nhắn tin dụ người dùng gọi đến số 1900xxxx để tính cước. "Chúng tôi sẽ phối hợp với Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông để tiến hành xử lý", đại diện VNCERT nói.
Chuyện tin rác có trách nhiệm không hề nhỏ của các nhà mạng. Hiện nay, các đơn vị cung cấp dịch vụ viễn thông đều cam kết và đang cố gắng hạn chế các trò lừa đảo và quấy rầy qua tin nhắn. Các chuyên gia viễn thông cho rằng, ngọn ngành của tin rác chính là việc quản lý lỏng lẻo thuê bao và sim trả trước. Thông tư 14 về quản lý thuê bao trả trước đi vào hiệu lực từ những ngày đầu của năm 2013, nhưng vẫn cần thời gian để phát huy hiệu quả bởi lượng sim số có sẵn tài khoản vẫn còn khá nhiều trên thị trường.
Vinaphone cho hay đang tăng cường các biện pháp quản lý để hạn chế tin quảng cáo, tin nhắn rác. Mobifone cũng khẳng định sẽ không bỏ qua việc lợi dụng dịch vụ của nhà mạng để gửi tin nhắn rác. Trong khi đó, Viettel tuyên bố áp dụng hệ thống kiểm soát mới, buộc các đơn vị sở hữu đầu số phải đăng ký trước nội dung dịch vụ và phải đợi xét duyệt trước khi được phép gửi.
"Các tin lừa đảo, mê tín... sẽ không được duyệt. Đơn vị nào vi phạm sẽ bị phạt hành chính, và vượt quá 3 lỗi trong 6 tháng thì thanh lý hợp đồng và cắt đầu số", đại diện Viettel nói. Lãnh đạo nhà mạng cũng tiết lộ, từ đầu năm nay, đơn vị đã chặn khoảng 100.000 tin rác, trung bình mỗi ngày quét chặn khoảng 3.000 tin. "Việc chặn, cắt thuê bao thì khó khăn hơn bởi cần làm rõ thuê bao có thuộc dạng spam hay không, bên cạnh việc tiếp nhận khiếu nạn của người dùng", ông cho biết.
Theo VNE
Phát hiện nhiều văn hóa phẩm xuyên tạc Ngày 17/3, Chi cục Hải quan Chuyển phát nhanh (Cục Hải quanTPHCM) cho biết, đã phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông thành phố kiểm tra, phát hiện nhiều lô hàng quà biếu nhập khẩu có chứavăn hóaphẩm mang nội dung phản động. Các lô hàng trên có nguồn gốc từ các nước như Mỹ, Úc, Đức được gửi về cho...