Một tình yêu suông và ảo tưởng
“Mối tình đầu của tôi – nhờ cây đàn buông tiếng xa xôi – ai cũng hiểu chỉ một người không hiểu – nên có một gã khờ ngọng nghịu đứng làm thơ….” . Tôi không biết đánh đàn, không biết làm thơ, nhưng tôi hiểu và cô ấy cũng hiểu…
Tình đầu là mối tình đẹp nhất, còn giữ lại một chút gì hồn nhiên ngây thơ của một thời mực tím, và thật khó phai nhòa trong tâm trí con người. Mối tình đầu của tôi thật giản dị và ngây thơ đúng như tính cách của tôi lúc bấy giờ. Hình ảnh giản dị nhưng toát lên vẻ đẹp kiêu sa của cô ấy không biết từ bao giờ đã in trọn trong tâm trí tôi…
Thành phố cảng quê hương tôi vào cuối tháng năm – những ngày cuối cùng tôi học cấp hai – cái nắng nóng đầu mùa như nhiệt huyết mới được khơi dậy của tuổi trẻ. Chúng tôi miệt mài gắng sức học tập để thi vào cấp ba. Những lúc được giải lao, tôi thật vui sướng khi cô ấy sang bàn tôi, ngồi gần tôi. Một việc nhỏ nhoi vậy thôi, nhưng cũng đủ để tôi phải ngấp nghé mong đợi đến lần sau.
Tình cảm của tôi chỉ tôi biết, không ai biết, vì tôi không nói. Tình yêu của tôi lặng lẽ như con người của tôi vậy. Nhưng đó mới chỉ là bắt đầu. Tình yêu của tôi lúc đó có lẽ chỉ hơn tình bạn một chút, bởi trong cách suy nghĩ và hành động của tôi còn rất nhiều sự ngây thơ, trẻ con.
Thời gian trôi qua, và cuối cùng đã đến ngày chúng tôi rời ghế nhà trường cấp hai. Chúng tôi bịn rịn, không muốn xa nhau, những dòng lưu bút ghi lại những kỉ niệm êm đềm của các thành viên lớp 9a4 trong suốt bốn năm qua, tất cả đều dành cho nhau những lời chúc tốt đẹp nhất, may mắn nhất để vượt qua kì thi lên cấp ba sắp tới…
Những ngày tháng sáu, trời nắng như đổ lửa. Tôi miệt mài bên trang sách đến tận khuya, và khi gấp trang sách lại để đi ngủ, tôi lại nhớ về cô bạn gái xinh xắn đã gây ấn tượng và làm cho tôi phải nhớ nhung. “Không biết giờ này cô ấy còn thức như mình không” – Tôi thầm nghĩ. Tôi cứ nghĩ miên man như vậy cho đến lúc mí mắt nặng dần, và tôi chìm vào giấc ngủ…
Kì thi lên cấp ba đã đến, tôi mang hết kiến thức học được trong bốn năm và những gì vừa ôn tập được trong một tháng ra để so tài với các thí sinh khác. Cuối cùng sau một tháng nữa đợi chờ kết quả, tôi đã đỗ vào một ngôi trường lớn và có bề dày lịch sử cũng như truyền thống.
Ngày vào ghi tên nhập học, tôi thoáng nhìn thấy cô ấy, cô ấy cũng thi vào trường tôi và có một điểm số mà ít người đạt được. Đáng lẽ ra tôi nên chạy lại và hỏi thăm như đối với những người bạn khác, nhưng tôi thấy tim đập mạnh, tôi phân vân, và đôi chân cứ bước cho tới khi tôi đi qua cô ấy. Có thể đó là một sai lầm lớn nhất dẫn tới kết quả sau này của tôi. Vào học lớp mười, tuy không học cùng lớp với nhau, nhưng tôi và cô ấy học cùng nhau trong lớp học thêm tiếng Anh.
Chúng tôi đã thân thiết với nhau hơn, cùng nhau học hành, vui chơi, tôi cảm thấy vui sướng hơn bao giờ hết. Nhưng rồi những ngày đó không kéo dài, chỉ vì những lý do vô cùng trẻ con và những hiểu lầm không được cả hai giải thích cho nhau, cô ấy giận tôi, hai chúng tôi dần trở nên hai con người xa lạ, tuy tôi không muốn vậy. Thời gian cô ấy giận tôi lúc đầu chỉ vài ngày, sau đó là vài tháng, và cuối cùng thì kéo dài từ đó đến hết những ngày tôi học cấp ba.
Video đang HOT
Biết bao lần tôi đã cố gắng hẹn cô ấy nói chuyện, để được giải thích, để gạt bỏ những trở ngại đã khiến chúng tôi xa nhau. Có lẽ lý do chúng tôi xa nhau (chính xác là cô ấy xa tôi) là vì cô ấy biết tình cảm của tôi, nhưng lại không có tình cảm với tôi, và cũng do những sự cố chấp của tuổi trẻ ở cả hai người. Tôi nuôi hi vọng, không biết làm gì hơn nữa ngoài đứng nhìn cô ấy từ xa. Nhiều đêm tôi đã mơ thấy cô ấy với nụ cười lúc rạng rỡ như ánh ban mai, lúc dịu dàng và sâu sắc như một bản tình ca buồn. Phải nói rằng người đó đã là một tượng đài bất tử trong trái tim tôi…
Dòng thời gian trôi qua thật nhanh, mới ngày nào tôi miệt mài học để thi lên cấp ba, mới ngày nào tôi vào lớp mười với những bỡ ngỡ của trường lớp và bạn bè mới, thì giờ đây thời điểm tôi bước vào kì thi đại học chỉ còn tính bằng ngày. Tôi gạt hết mọi sự suy nghĩ khác ra khỏi đầu, tôi chỉ tập trung vào việc học, chỉ học và học, để được trúng tuyển vào ngôi trường mơ ước và ngành nghề yêu thích. Nhưng có lẽ do năng lực có hạn, tôi đã không thể làm điều đó, nhưng tôi vẫn đỗ đại học, tuy rằng đó là một ngôi trường khác và một ngành học khác mà tôi chưa từng nghĩ tới. Đến lúc này tôi bâng khuâng nhớ về cô ấy, người tôi đã trao trọn tình cảm đầu đời, và đã làm cho tình cảm đó của tôi rơi vào sự im lặng và lảng tránh.
Tôi thật sự thấy tiếc, nghĩ rằng không bao giờ còn có thế gặp lại cô ấy nữa. Nhưng có lẽ số phận tôi không như tôi dự tính, trong bất kì trường hợp nào cũng vậy. Rất tình cờ, tôi đã biết được tình hình của cô ấy bây giờ – đã đỗ vào một trường đại học lớn của Hà Nội, (tôi cũng đỗ một trường đại học ở Hà Nội), và biết được số điện thoại của cô ấy. Tôi lưỡng lự,và rồi quyết định.
Tôi nhấc chiếc di động và viết những dòng tin nhắn đầu tiên. Không ngoài những gì tôi nghĩ, khoảng cách giữa chúng tôi đã quá lớn, lớn đến mức không còn gì có thể hàn gắn lại được nữa rồi. Chúng tôi không nhắn tin với nhau quá lâu, đủ để cô ấy nói những gì cô ấy chưa nói, và những gì tôi chưa bao giờ được nghe cô ấy nói. Và thật buồn, tin nhắn cuối cùng, cô ấy đã yêu cầu tôi sau này đừng làm phiền cô ấy nữa.
Tôi rất buồn và hối hận vì những gì đã qua, những sai lầm tôi gặp phải, giá hồi đó tôi không cố chấp đến vậy, giá như tôi thẳng thắn và dũng cảm hơn, liệu mối quan hệ giữa chúng tôi có như thế này. Tôi đã trách cô ấy lảng tránh tôi, nhưng thật ra chính tôi cũng đã không dám đối diện với những gì tôi nghĩ. Tôi nuôi hi vọng trong ba năm, nhưng tôi đã sai, tôi chỉ biết hi vọng mà không biết hành động gì cả.
Tôi yêu cô ấy, nhưng một tình yêu suông và ảo tưởng không bao giờ thành hiện thực. Giá có người chỉ bảo cho tôi nên làm gì. Nhưng ai cũng mong muốn mình thành công, mà điều đó thành hiện thực khi không thực sự cố gắng, thì cuộc đời này sẽ chỉ toàn một màu hồng. Tôi yêu cô ấy, tôi chỉ còn biết làm một việc duy nhất, việc làm đầu tiên, cũng là việc làm cuối cùng: không bao giờ liên lạc với cô ấy nữa…
Hà Nội những ngày cuối năm, thời tiết đã trở lạnh. Những cơn gió tràn về với cơn mưa phùn rả rích làm cho đất trời ảm đạm, tâm trạng của con người như cũng bị ảnh hưởng nhiều. Tôi thong thả đi bộ trên phố. Mưa rơi…!… Nghĩ về chuyện cũ đã qua, về mối tình đầu, tôi thoáng buồn. Những hạt mưa làm nhòa đi ánh đèn điện trên phố vắng, làm tôi cảm xúc của tôi càng thêm nặng nề. Vậy là đã qua, tất cả trở nên xa xăm, trôi vào dĩ vãng. Tôi lặng lẽ rẽ vào con hẻm, nơi có căn phòng nhỏ tôi thuê trọ để học đại học…
Tạm biệt mối tình đầu…!
Theo Eva
"Em ơi đợi anh về..."
Chuyện này có vẻ "xưa" quá, nói ra bây giờ không biết các chị em có bĩu môi, nguýt háy không, nhưng quả thật, đối với cánh đàn ông, có một chốn bình yên cuối đường về mưa gió là một điều tuyệt vời. Nghĩ lại, sao ngày xưa phụ nữ chờ chồng được đến thế, đến hóa thành đá vọng phu, mà bây giờ vợ chỉ chờ chồng có một tí, chồng mới về muộn bữa cơm mà đã thấy mặt mày nặng như đá, rồi thì tra hỏi, trách móc nỉ non không thể chịu nổi...
Anh đã về, dù... muộn hơn lời hứa
Bao nhiêu lần chồng về nhà đúng giờ, đúng bữa, hình như các bà vợ đều quên sạch. Nhưng một hai lần về trễ, thể nào cũng bị các chị các bà nhớ đến... thiên thu. Những lý do về muộn của cánh đàn ông thường chẳng mấy khi được phụ nữ tin. Lời chưa nói đã thành lời nói dối, nên nhiều ông chọn cách "im lặng là vàng". Về muộn vì đường sá. Về muộn vì bên bàn nhậu hôm nay thằng bạn vô mấy chai lừng xừng rồi bỗng kể một câu chuyện buồn hơn nước mắt, cả đám ngồi yên, tên nào cũng thấy bỏ về giờ đó thật bất nhã. Về muộn vì cuộc trao đổi hợp đồng không suôn sẻ như dự kiến. Về muộn vì tới giờ chót bỗng sinh thêm một đối tác mới, cần phải thắt chặt thêm quan hệ chút... Lý do gì đối với các bà các chị cũng chẳng có ký lô nào. Cái màn tra hỏi, khóc lóc, hờn dỗi, mặt nặng mày nhẹ vẫn là chung cuộc.
Sao không nhìn vào kết quả cuối cùng, có tính tích cực rất cao: anh đã về, dù có... muộn hơn lời hứa chút ít. Đâu phải mọi thứ trên đời chỉ còn giá trị khi đúng giờ răm rắp. Đã chờ đợi, xin chờ đợi đến cùng, chờ đợi để yêu thương, để chăm sóc - đúng như dự định ban đầu của các bà vợ đừng chờ để mà đay nghiến, cấu nhéo. Cái công lao đợi chờ ấy, chỉ cần mềm mại đi một chút thôi, là đã có thể "cho đời chút ơn", khiến người ta suy nghĩ, khiến người ta nhớ, thương.
Cảnh cãi vã lời qua tiếng lại khi ông chồng vừa mới về đến nhà không phải hiếm. Kỳ lạ là bà vợ nào cũng thấy, cũng hiểu cảnh đó không nên diễn ra, nhưng nó lại vẫn cứ diễn ra ngoài ý muốn. Giữa một kẻ đã không còn nghe nổi một lời nào, và một dòng thác từ ngữ, tuôn ra ào ào từ kẻ kia, hẳn không thể có một kết thúc nào tốt đẹp. Hãy chấp nhận sự trở về của anh, bởi suy cho cùng, ngôi nhà là của chung. Anh trở về với ngôi nhà của chúng mình, như một biểu hiện của lòng yêu thương gắn bó với gia đình mình. Nếu em tỉnh táo hơn một chút, em có thể thấy: anh có quyền trở về, bởi vì đó cũng là ngôi nhà của anh. "Quyền về nhà" là một quyền mà em không thể xâm phạm bằng những lời gai góc như kiểu "Giỏi thì đi luôn đi!", "Sao không đi luôn cho rồi, về đây làm gì!"...
Ảnh: P.Huy
Khi vợ ra tay làm... luật
Xã hội được điều hành bởi luật pháp, mỗi gia đình cũng có những quy tắc cần được tôn trọng. Luật pháp dựa trên lòng dân, những quy tắc của vợ chồng đặt ra cũng phải hướng đến sự thoải mái, yêu thương và làm thăng hoa đời sống gia đình. Song, thực tế không phải lúc nào cũng vậy. Nhiều chị em đã tự mình đặt ra "luật" bất kể khả năng thực thi của chồng, và rồi chính họ tự làm khổ mình vì chồng thường xuyên phạm luật.
Thủy lấy chồng làm lập trình viên. Anh chàng của cô có thể lập trình rất chính xác cho những phần mềm mà anh và nhóm cộng sự cùng phát triển, nhưng trong đời sống riêng, anh là người thường xuyên trễ hẹn với vợ. Giật mình rời mắt khỏi màn hình công ty là đã 9g, 10g tối. Dăm ba bữa chỉ được có một lần về nhà sớm, lắm lúc chàng rời mắt khỏi "em" laptop cũng đã hơn 1giờ sáng! Thủy nổi tiếng kiên nhẫn với chồng, nhưng sau khi cô sinh đứa con đầu lòng, áp lực của gia đình và công việc khiến cô nhiều lúc phát điên. Tối hậu thư: chậm nhất 6g chiều anh phải có mặt ở nhà, phụ cô chăm sóc con và cơm nước. Tất nhiên là anh chàng chẳng mấy khi về đúng giờ này, khiến "bản tình ca muộn màng" của Thủy phát sinh thêm một điệp khúc mới: đã quy định rồi, sao ngày nào anh cũng về trễ hết trơn vậy?...
Cái tin vợ chồng Tiến, My chia tay không làm những người quen biết ngạc nhiên, bởi tình hình căng thẳng hằng ngày đã cho thấy họ không thể sống chung dưới một mái nhà. My cổ điển trong cách sống, tỉ mỉ, cẩn thận nuôi con nhỏ, từ giờ giấc cho con bú đến giờ ăn bột, giờ uống nước cam... đều được cô lên lịch chi tiết trên tấm bảng con treo đầu giường bé. Trong khi Tiến thì ngược lại, sống thoải mái và hết lòng vì bạn. Nửa đêm, chỉ cần một cú điện thoại là Tiến vớ lấy áo: "Bạn anh ở Hà Nội mới vào". Nhiều hôm My ôm con ngồi chờ chồng đến sáng. Sợ nước mắt và những lời trách móc của vợ, Tiến không về mà đi thẳng đến cơ quan làm việc luôn. My ôm con về nhà mẹ, Tiến được thể đi chơi thả giàn. Một lần quá giận, cô đến thẳng bàn nhậu, hỏi chồng: "Bây giờ anh có về nhà không, nói một tiếng cuối cùng cho mẹ con tôi biết?". Trước mặt bạn bè, dĩ nhiên là Tiến nói không. My cầm ly bia trên bàn hất luôn vào mặt Tiến, quay lưng về nhà bồng con đi thẳng. Hơn tháng sau, họ chính thức ly dị.
Khi các bà vợ ra tay... làm luật, khả năng là các bộ luật thường khắt khe nhiều hơn mức cần thiết. Lách luật không được, các ông bèn chọn cách sống... trên luật, hoặc lơ luôn, coi như luật đặt ra cho ai chứ không phải cho mình. Buồn bã, tức giận, thất vọng vì càng ra luật tình trạng phạm luật càng tăng, chính các bà các chị đã tự tăng thêm stress cho mình mà không biết.
Sức mạnh của sự chờ đợi
Em vẫn chờ đợi anh, dù có chuyện gì xảy ra, dù có ai nói gì đi nữa, dù thời gian trôi qua, dù anh trở về không còn nguyên vẹn... Sự chờ đợi ấy có vẻ như chỉ xảy ra trong những câu chuyện tình dang dở, trong những huyền thoại của... ngày xưa.
Có người vợ nào khẳng định với chồng, xây dựng cho chồng một niềm tin mạnh mẽ, rằng mình vẫn đợi, dù bất cứ chuyện gì xảy ra?
Đợi chờ cũng là một sức mạnh đáng kể. Hãy đợi người đàn ông của gia đình trở về nhà, bởi chính sự chờ đợi của người đàn bà là một phần quan trọng trong sức sống của ngôi nhà đó. Khi mệt mỏi, thậm chí khi có lỡ bước sa chân ở đâu đó, nếu biết vẫn còn có người chờ đợi, người ta vẫn còn lối để quay về. Hơn cả sự chờ đợi giản đơn, đó còn là niềm tin, là sự xác tín về tính bền vững của gia đình. Nếu người vợ nói lời chờ đợi và thực sự đợi chờ, gia đình sẽ trở thành một mục tiêu sinh động, ấm áp, mà tất cả những đấng mày râu đều muốn quay về.
Nói đó là con đường về, bởi cuối đường có ngôi nhà, có ánh lửa, có tình yêu và sự tha thứ của em. Còn nếu không có những bóng dáng ấy cuối con đường, sẽ không còn "đường về" nữa, mà đó là một lối đi đến một nơi khác, xa lạ. Ý nghĩ cuối con đường không còn ai chờ đợi mình là một ý nghĩ kinh khủng, có thể đẩy con người ta vào những nẻo xa vời, lầm đường lạc lối. Nếu có sự chờ đợi, sẽ có sự trở về, với điều kiện đó là đợi chờ thực sự, chứ không phải đợi chờ để đay nghiến, chì chiết lẫn nhau. Nếu đặt một câu hỏi với các bà vợ: không đợi chồng, chị sẽ làm gì khác? Câu trả lời đôi khi khá bất ngờ: cũng chẳng biết làm gì khác hơn ngoài... đợi. Vậy mà vẫn có người chuẩn bị hàng lô hàng lốc những lời trách móc, nặng nhẹ, chỉ chờ chồng về đến cửa là ào ào thác đổ, bất kể bao nhiêu phần trăm trong đó vô được tai này ra ở tai kia.
Em ơi, đợi anh về... Nhiều khi niềm mong ước tha thiết đó bật lên trong tâm trí anh. Những khi hơi lỡ đà, những khi hơi quá đáng, sự chờ đợi dịu dàng và kiên nhẫn của em sẽ khiến ngôi nhà của chúng ta trở thành mục tiêu duy nhất, sẽ gột rửa khỏi anh những bụi bặm lỗi lầm
Theo PNO
Gửi em - người con gái anh dành trọn cả trái tim Em thân yêu! Tình yêu là vị thuốc, có thể thuốc độc, cũng có thể là thuốc bổ cho tinh thần... tùy vào cách cảm nhận của mỗi người nhận được. Một khi mình dành trọn tình yêu cho ai đó có thể làm cho người ta vui, nhưng cũng có thể làm cho người khác khó xử, phải không em nhỉ? Anh...