Một thoáng Sa Pa
Đến với TX. Sa Pa (tỉnh Lào Cai) cũng có nghĩa là bạn đã đến với nơi gặp gỡ của đất trời.
Quả thật, vùng đất này hội tụ đầy đủ vẻ đẹp của thiên nhiên, phảng phất chút mộng mơ của châu Âu, khiến lòng người say đắm.
Từ TP. Lào Cai, chúng tôi băng qua cung đường đèo hùng vĩ khoảng 30km lên đến TX. Sa Pa. Quả thật, chỉ riêng cung đường lên đến phố núi cũng đủ khiến người ta thích thú với thiên nhiên hùng vĩ, đủ các mảng màu siêu thực. Đưa tầm mắt bao quát thiên nhiên, bạn sẽ thấy mình nhỏ bé với đất trời Tây Bắc.
Tháng 7, những ô ruộng bậc thang hãy còn xanh màu mạ. Thấp thoáng trên triền núi, khói bếp nhà ai tỏa lên sưởi ấm tầm mắt khách phương xa. Sa Pa mùa này không có hoa ban, hoa gạo mùa xuân, nhưng vẫn khiến người phương Nam vô cùng thích thú.
Một góc phố núi Sa Pa
Đến Sa Pa, bạn sẽ không thấy bóng dáng những rặng thông ngút ngàn như Đà Lạt, nhưng nơi đây có rất nhiều cây sa mộc, một loại cây thuộc họ thông. Trong buổi sáng tinh mơ, tán cây sa mộc như chiếc lược chải vào mây, tô điểm cho vẻ đẹp của thị xã vùng cao. Đến Sa Pa, tôi cảm nhận được ngay cái lạnh của vùng cao nguyên.
Theo lời người dân địa phương, hôm chúng tôi đến, nền nhiệt tại Sa Pa đang trên, dưới 22 0C. Đây chính là điểm thu hút rất đông du khách đến đây vào mùa hè, trốn cái nóng của miền xuôi.
Sa Pa buổi chiều thật đẹp. Phố núi bình lặng đến không ngờ sau cơn mưa bất chợt đi qua. Những dãy nhà phảng phất kiến trúc Châu Âu nằm san sát nhau, soi bóng xuống mặt hồ trong veo. Đứng giữa Sa Pa, cứ ngỡ đang đứng giữa thị trấn nào đó của “lục địa già”. Thi thoảng, bạn còn bắt gặp những đoàn khách nước ngoài thư thả dạo bước, khiến cho cái cảm giác ấy càng thật hơn.
Đêm đến, Sa Pa ngập trong ánh đèn, những con phố trở nên lung linh, khác hẳn vẻ bình yên sau buổi chiều mưa. Nhiệt độ về đêm giảm thêm đôi chút. Tôi bước lên xe điện để dạo một vòng phố núi. Bác tài là người dân tộc Giáy, khá rành tiếng Kinh. Khi được hỏi, Sa Pa mùa nào lạnh nhất.
Video đang HOT
Bác tài xởi lởi: “Sa Pa không có mùa nào lạnh nhất. Bởi nhiệt độ dao động từ 17 đến 24 0C, riêng mùa đông Sa Pa không còn lạnh nữa, mà chuyển sang rét!”. Câu nói nửa đùa nửa thật của bác tài khiến tôi bật cười. Quả thật, khí hậu và cảnh sắc hùng vĩ là thứ “đặc sản” điển hình của Sa Pa, mà bất cứ du khách nào cũng muốn nếm trải!
Bác tài còn cho biết, những ai đã quen khí hậu Sa Pa khi về lại miền xuôi, dẫu có bật máy điều hòa vẫn cảm thấy nóng. Với tôi, người lần đầu trải nghiệm cái lạnh ở độ cao khoảng 1.600m so với mực nước biển vô cùng đặc biệt, nó giúp tâm hồn trở nên thư thái sau chặng đường dài từ miền Nam đến với nước non Tây Bắc.
Hôm sau, đoàn chúng tôi lên đỉnh Fansipan, nơi được mệnh danh là “nóc nhà Đông Dương”. Nếu Sa Pa là nơi gặp gỡ của đất trời, thì đỉnh Fansipan là nơi chúng ta có thể chạm đến “lưng trời”. Sau 15 phút đi cáp treo qua những thung lũng hùng vĩ, tôi đến với đỉnh Fansipan quanh năm mây phủ.
Du khách chụp ảnh với biểu tượng đỉnh Fansipan
Ở độ cao hơn 3.000m so với mực nước biển, “nóc nhà Đông Dương” mang đến cho người ta cảm giác bồng bềnh, thoát tục bởi mọi thứ chìm ngập trong mây. Đến đây, dù có là người thực dụng, bạn cũng sẽ phải lắng lòng để cảm nhận thiên nhiên kỳ diệu.
Hôm chúng tôi đến, đỉnh Fansipan không mưa, tiết trời mát mẻ và mây phủ nơi nơi. Mây nhiều đến nỗi không nhìn rõ mặt người. Trong đoạn dốc đầu tiên, tôi đến chiếc cổng có hàng chữ “Thanh vân đắc lộ”. Quả thực, đứng trước cổng tam quan đậm vẻ cổ kính này, người ta có cảm giác mình đang đứng ở “cổng trời”.
Ngoài cổng tam quan “Thanh vân đắc lộ”, đỉnh Fansipan còn có Kim Sơn Bảo Thắng Tự, tháp 11 tầng, tượng đồng Quan Thế Âm Bồ Tát, đại tượng phật A Di Đà bằng đồng lớn nhất Việt Nam… Tất cả những công trình này đều thoắt ẩn, thoắt hiện trong mây, tạo nên cảm giác mơ màng, thoát tục như chốn hư không nào đó.
Nó giúp lòng người buông bỏ muộn phiền, tái tạo năng lượng cho chặng đường phía trước. Những người có kinh nghiệm du lịch Fansipan đều nói, cần chuẩn bị áo mưa mỏng để phòng thời tiết mưa bất chợt. Tuy nhiên, như một sự hữu duyên, chuyến đi của tôi chỉ ngập tràn trong mây mà không có giọt mưa nào.
Có lẽ, điểm đến lý tưởng mà bất cứ ai cũng mơ ước đặt chân đến một lần trong đời là đỉnh Fansipan, với độ cao 3.143m so với mực nước biển. Lên đến đây, mới hiểu cảm giác tự hào của mỗi người khi đến với nơi cao nhất của bán đảo Đông Dương. Hầu hết du khách đều muốn có bức ảnh check-in với nơi này, để lưu dấu kỷ niệm đẹp với Fansipan và thêm yêu quý thiên nhiên đất nước mình.
Tại Sa Pa, ngoài đỉnh Fansipan, du khách còn có thể đến với bản Cát Cát để tìm hiểu, hòa mình vào cuộc sống của các dân tộc thiểu số tại địa phương. Sau chặng đường xuống bản, tôi nghe tiếng suối rì rầm. Rất nhiều du khách vận trang phục của các dân tộc thiểu số để chụp ảnh với khung cảnh núi rừng hùng vĩ, thác nước mộng mơ.
Đến với bản Cát Cát, người ta dễ liên tưởng đến khung cảnh của những bộ phim cổ trang nào đó. Ngồi bên bờ suối, lắng nghe giai điệu truyền thống của cộng đồng dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc là một trải nghiệm khó quên ở bản Cát Cát.
Sau những ngày trải nghiệm phố núi Sa Pa, tôi trở về với phương Nam nhiều nắng gió. Tuy nhiên, ấn tượng về vùng đất Sa Pa sẽ còn mãi, thôi thúc tôi trở lại nơi này khi có dịp, để được tận hưởng không khí trong lành, thơ mộng, đặt chân lên đỉnh Fansipan hùng vĩ và lắng nghe tiếng suối âm vang giữa núi rừng Tây Bắc.
Mùa mây Bảy Núi
Mưa xuống, những đám mây về đậu trên triền núi cao cao, đánh thức vẻ đẹp mộng mơ của vùng Bảy Núi.
Với nhiều người, mùa mưa là thời điểm lý tưởng đến tham quan vùng Bảy Núi, khi thiên nhiên "thức dậy" với sức sống mãnh liệt của cây cỏ và những ngày mây phủ mơ màng.
Mùa mây là đề tài sáng tác lý tưởng cho người đam mê nhiếp ảnh
Đến núi Cấm (xã An Hảo, TX. Tịnh Biên) vào mùa mưa, dù khách có thể tự tay "chạm" vào những đám mây lững lờ trôi trước mắt. Trông từ xa, mây là thứ hữu hình, nhưng khi chạm đến, mây tựa như khói, như sương. Những ai yêu mến thiên nhiên, sẽ chọn thời điểm Thiên Cấm Sơn man mác những cơn mưa giăng khắp núi rừng để tham quan, trải nghiệm. Vì khi đó, ngoài khung cảnh hữu tình, du khách có thể tận hưởng sự trong trẻo, mát lành của thiên nhiên.
Núi Cấm những ngày mưa thanh vắng đến tĩnh lặng. Khi đó, chỉ có những du khách cố tình đi tìm vẻ đẹp của mây mới rảo bước thẩn thờ dưới cơn mưa lất phất. Sau mưa, mây bắt đầu sà xuống lòng hồ Thủy Liêm trong trẻo. Đi qua mây, cứ như đi qua hàng vạn giọt nước nhỏ li ti thấm vào da thịt. Khi đó, người ta mới cảm nhận được sự tồn tại của mây một cách đầy đủ nhất, với đủ thứ giác quan.
Với người dân sống trên núi Cấm, mùa mưa đến là thời điểm họ tất bật với vườn rẫy, nhưng cũng là lúc cuộc sống trở về với sự bình lặng của núi rừng. Khi đó, họ nhớ đến mây. Người cao niên, sáng sớm, châm ấm trà ngan ngát hương thơm, ngắm mây lững thững trôi qua ngõ. Người trẻ năng động hơn, vẫn mải miết mưu sinh trong làn mây phủ. Chẳng phải họ không quan tâm, nhưng vì mọi thứ đã trở nên quen thuộc từ ngày thơ ấu. Mây quen đến nỗi người ta gọi hẳn khu chợ trên núi Cấm là chợ Mây.
Dù khoác lên mình cái tên lãng mạn, nhưng chợ Mây không bán mây. Ở đây, người ta mang đến chợ đủ thứ thịt, cá, rau, củ... để phục vụ nhu cầu của dân sống trên núi. Chỉ có điểm khác biệt là trong những sáng mùa mưa, mây đáp vào khu chợ rồi khoác lên vẻ độc đáo riêng. Người ta rì rầm mua bán, ngã giá hàng hóa và nói chuyện phím... trong mây.
Theo người dân địa phương, những tháng mùa khô, núi Cấm vẫn có mây nhưng chủ yếu vào sáng sớm. Sang mùa mưa, mây xuất hiện rất nhiều, vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày. Do đó, những bạn trẻ muốn "săn mây" núi Cấm thường tìm đến đây vào mùa mưa. Du khách sẽ thường đến khu trung tâm hành hương để ngắm mây là là mặt nước hồ Thủy Liêm, để bắt trọn nụ cười tự tại của Đức Phật Di Lặc ẩn khuất trong sương khói mông lung.
Ngoài ra, du khách cũng có thể chọn phương án nghỉ qua đêm để tận hưởng không khí trong lành, sắt se của núi Cấm. Sáng sớm hôm sau sẽ ngắm mây đáp núi để tìm cảm giác an yên. Đặc biệt, du khách rất thích có được những tấm ảnh với làn mây bao phủ, giữa không gian thoáng đãng, hữu tình như một cách lưu lại kỷ niệm cùng núi Cấm.
Không như khách du lịch, người đam mê chụp ảnh có nhiều mục đích hơn. Họ có thể chọn đỉnh cao nhất núi Cấm là vồ Bồ Hong để thu toàn cảnh khu trung tâm hành hương chìm giữa làn mây vào một cái bấm máy. Hoặc cung cấp cho người xem bức tranh thiên nhiên bao la, ẩn hiện giữa làn mây mờ ảo. Hiện nay, việc sử dụng flycam (thiết bị quay phim, chụp ảnh trên không) đã giúp những người đam mê nhiếp ảnh có được góc nhìn độc đáo, tuyệt đẹp về mùa mây núi Cấm. Tuy nhiên, những tay máy đam mê chụp ảnh vùng Bảy Núi chia sẻ, việc tạo nên tác phẩm về mây cũng rất khó. Dù đang trong mùa mưa, nhưng không có nghĩa bạn muốn chụp ảnh mây thì sẽ có mây. Việc này đòi hỏi sự kiên nhẫn và cả thời gian.
Có những ngày, cánh nhiếp ảnh lang thang khắp nơi trên núi Cấm, vẫn không có được tấm ảnh ưng ý. Có lúc, họ phải lưu lại nhiều ngày mới được kết quả như mong đợi. Do đó, ảnh về núi Cấm và vùng Bảy Núi khá nhiều, nhưng ảnh sáng tác về mùa mây thật sự đẹp thì khá hiếm. Dù vậy, bằng niềm đam mê bất tận, cánh nhiếp ảnh vẫn có được những tấm ảnh ấn tượng về mùa mây Bảy Núi, để chuyển tải vẻ đẹp này đến người xem.
Các bạn trẻ rất thích đến núi Cấm "săn mây"
Năm nay, Dương Việt Anh (Ban Quản lý Khu du lịch núi Cấm) chuyển hướng sáng tác. Thay vì lang thang trên núi, anh lặn lội khắp các cánh đồng để tìm kiếm khoảnh khắc những đám mây vắt mình trên triền dốc xa xa. Hướng khai thác mới giúp cung cấp góc nhìn chân thật cho người xem, để họ vừa cảm nhận được vẻ đẹp của mây, vừa hiểu rõ hơn sự hùng vĩ của thiên nhiên vùng Bảy Núi.
Cùng với mây, vùng Bảy Núi trong mùa mưa cũng xuất hiện đủ thứ đặc sản từ trái cây, rau rừng cho đến các món ẩm thực độc đáo. Đến núi Cấm mùa mưa, dĩa bánh xèo rau núi sẽ phong phú hơn, thực đơn cũng có thêm cua núi, ốc núi hay đủ loại trái cây, như: Bơ, dâu, sầu riêng... giúp du khách có trải nghiệm thỏa thích hơn về miền bán sơn địa này.
Theo vòng quay tạo hóa, một mùa mây nữa lại về mang theo vẻ đẹp riêng, thôi thúc những bạn trẻ yêu mến thiên nhiên đến Bảy Núi tham quan, trải nghiệm. Đến với mùa mây, du khách sẽ cảm nhận đầy đủ hơn về nét độc đáo của miền đất An Giang và thêm yêu quý cảnh sắc hữu tình của vùng Bảy Núi.
Sa Pa: Du khách mê mải đồi hoa cải vàng rực tại Fansipan Tháng 3 về, đồi hoa cải Fansipan (Sa Pa, Lào Cai) bung nở rực rỡ, tựa như tấm thảm vàng rực khổng lồ phủ trên triền núi. Và giới đam mê xê dịch lại có thêm một lý do, để đến với đỉnh thiêng nơi vùng cao Tây Bắc. Đầu tháng 3 này, khi hoa đào, hoa mận đã dần phai tàn, thì...