Một sớm trên chợ nổi Cái Răng
Lênh đênh trên vùng sông nước mênh mông, lắng nghe thanh âm náo nhiệt ở các thuyền ghe, xì xụp tô hủ tiếu nóng hổi là những trải nghiệm khó quên ở chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ).
Trời sáng rồi, ta đi chợ nổi thôi
5h30 sáng, khi mặt trời rót những tia nắng nhẹ xuống làn nước mênh mang, tôi bắt đầu hành trình khám phá chợ nổi Cái Răng. Trong buổi ban mai, những rặng dừa xanh, cao vút, tỏa bóng xuống dòng sông Hậu lấp lánh nắng mới, từng ngôi làng, xóm nhỏ e ấp, những ghe thuyền nằm san sát, chất đầy nông sản miệt vườn.
Các sản phẩm được treo lủng lẳng trên sào cắm trước mũi ghe, gọi là “cây bẹo”. Người mua chỉ cần nhìn vào “cây bẹo” là biết được trên ghe bán thứ gì. Mặt trời dần lên cao, những chiếc ghe neo đậu dần kín cả một khúc sông.
Tiếng máy nổ, chèo khua nước, sóng vỗ oàm oạp vào mạn thuyền cùng thanh âm cười nói, chuyện trò của người mua kẻ bán, tạo nên sự đông vui, náo nhiệt khó tả.
Tại đây, tôi còn được chuyện trò với những người dân chân chất, nghe họ kể về cuộc sống mưu sinh, những điều thú vị riêng có ở khu chợ Tây Đô. Đặc biệt hơn cả là được thưởng thức những món ngon Nam Bộ với cảm giác lắc lư đầy thú vị.
Trải nghiệm ẩm thực có một không hai
Chị lái ghe rẽ nước, đưa tôi đến quán cô Bảy, một trong những hàng bún riêu, hủ tiếu có tiếng tại chợ Cái Răng. Chỉ cần gọi hướng về chiếc ghe có món mình thích, cô bán hàng sẽ chèo đến sát thuyền khách, mắc dây vào thành và nhanh chóng bày biện món ăn.
Trên chiếc ghe nhỏ chở bát đĩa, nguyên liệu cồng kềnh, cô Bảy múc nước dùng nóng hổi thoăn thoắt, liên tục chan ngập bát này đến bát khác… Mùi thơm quyến rũ của bát hủ tiếu sóng sánh, ngập tràn topping như gan heo, thịt bằm, giá non, rau sống, thách thức chiếc bụng đói sáng sớm.
Sau đó, tôi tiếp tục trải nghiệm thiên đường ẩm thực chợ nổi ở hàng nước ngọt, sữa đậu nành nóng, mít tố nữ… Chợ Cái Răng họp từ 5h, nhộp nhịp nhất lúc 6h-8h rồi vãn dần. Mặt trời dần lên cao cũng là lúc khép lại hành trình khám phá chợ nổi đất Tây Đô. Những món ăn mộc mạc cùng nhịp sống bình dị của người dân miền sông nước để lại ấn tương khó phai trong lòng người lữ khách như tôi.
Ngập hải sản trong nồi lẩu mắm Cần Thơ Đến Cần Thơ, du khách khó lòng bỏ qua nồi lẩu mắm thơm ngon với giá hợp lý. Thành phần chính của món này là hải sản như lươn, tôm, ốc, cá… ăn kèm rau, chấm nước mắm.
Độc đáo chợ nổi Miền Tây
Miền Tây Nam bộ - miền sông nước với mạng lưới sông rạch chằng chịt. Nơi đây có những dòng sông rất lớn và cũng có những dòng kênh nhỏ xanh trong.
Từ lâu đời, bà con nơi đây ngược xuôi trên những dòng sông, con kênh. Và cũng chính vì thế đã sản sinh ra một nét văn hóa đặc trưng của miền sông nước, đó là chợ nổi.
Sinh hoạt hàng ngày của "người chợ nổi".
Nằm trên sông Cái Răng, cách thành phố Cần Thơ khoảng 6 km, chợ nổi Cái Răng là một điểm nhấn du lịch của thành phố Cần Thơ.
Chợ họp từ tờ mờ sáng. Cả một vùng bến sông rộn rã tiếng nói cười, tiếng mái chèo khua nước.
Là một trong ba chợ nổi lớn nhất miền Tây Nam Bộ, Cái Răng tấp nập người mua kẻ bán cùng hàng trăm thuyền, ghe lớn bé đậu san sát ngay từ sáng sớm. Ngày thường, chợ họp từ 3h sáng đến 9h, đến cận Tết chợ họp gần như suốt ngày.
Trên nhiều con thuyền, người ta bán các món ăn đậm chất Miền Tây như hủ tiếu, cà phê, bún cá... và có cả các quán nhậu "lưu dộng" lênh đênh trên sông nước. Du khách rất thích thú khi nhìn thấy những chiếc sào cao có treo các loại đồ để thu hút sự chú ý từ xa. Tạp chí Rough Guide của Anh đã từng miêu tả chợ nổi Cái Răng là một trong những khu chợ tuyệt vời nhất thế giới vì nét độc đáo và sự thân thiện.
Nếu như dân địa phương và các vùng lân cận thường sử dụng các ghe, xuồng loại trung bình chở các mặt hàng nông sản đến đây tiêu thụ thì những ghe bầu lớn là của các thương lái thu mua trái cây tỏa đi khắp nơi.
Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa Nam bộ cho rằng, chợ nổi Cái Răng bắt đầu nhộn nhịp từ đầu thế kỉ thứ 18. Vào thời ấy, cuộc sống trên sông còn phong phú hơn trên cạn. Người dân không chỉ đánh bắt cá, di chuyển giữa từ nơi này đến nơi khác, mà chính việc họp chợ cho thấy thương mại đã hình thành và phát triển ở đây từ rất sớm. Cũng chính vì gắn bó với sông nước, những cư dân lênh đênh tháng ngày đã tạo ra một nét văn hóa đặc biệt: Văn hóa miền sông nước trên nền tảng của văn hóa đặc trưng của người Nam bộ.
Tới nay, trong sự phát triển mạnh mẽ của cuộc sống nói chung, cuộc sống đô thị nói riêng, chợ nổi Cái Răng không còn tấp nập như xưa. Nhiều người dân đã lên bờ ổn định cuộc sống. Nhưng chợ nổi Cái răng vẫn là điểm thu hút khách thập phương mỗi khi có dịp ghé lại thành phố Cần Thơ.
Cùng với chợ nổi Cái Răng, chợ nổi Cái Bè cũng rất nổi tiếng, chợ nhóm họp ở nơi giáp ranh giữa 3 tỉnh Vĩnh Long, Bến Tre, Tiền Giang. Cũng chính từ những hoạt động giao thương nhộn nhịp mà nơi đây đã hình thành những khu dân cư sầm uất. Sách xưa ghi lại, mỗi khi chợ Cái Bè nhóm họp, thuyền ghe qua lại như mắc cửi.
Trên những con thuyền, người ta bán không thiếu thứ gì, từ con gà, con cá... cho đến đủ loại trái cây. Cư dân trên bờ rất thích xuống thuyền mua bán, đồng thời nghe ca cải lương. Cũng ở cái chợ nổi này mà nhiều anh tài ca cải lương cũng như những tay đàn thiện nghệ trở nên nổi tiếng khắp Miền Tây.
Người ta nói rằng, ngày trước nhiều ông bầu cải lương từ Sài Gòn xuống đây, lên thuyền nghe ca rồi chiêu mộ người hát, người đàn. Số người lên thành phố lập nghiệp bằng nghề đàn ca khác nhiều nhưng cũng không vì thế mà xứ này thiếu người hát cải lương, thiếu người chơi đàn kìm, đàn gáo.
Thật đặc biệt là chợ họp từ rất sớm và tan cũng rất sớm: 2 giờ sáng đã lác đác người bán mua và cho đến 8 giờ, khi cái nắng rực rỡ thì chợ tan.
Một chợ nổi nữa, đó là chợ Phụng Hiệp, hay còn gọi là chợ Ngã Bảy - nơi 7 tuyến sông gặp nhau. Đây là chợ nổi nổi tiếng của tỉnh Hậu Giang. Chợ này khá thuận lợi đường giao thông cả thủy lẫn bộ. Chợ hình thành từ 1915, sau 10 năm đào kênh Xáng, nối các kênh rạch còn lại, tạo thành Ngã Bảy Phụng Hiệp, trung tâm đầu mối giao thông đường thủy lớn nhất trong vùng một thời. Khi đó, người ta ví rằng chợ nổi Phụng Hiệp là một "siêu bách hóa", vì bán đủ loại không thiếu một thứ gì.
Nhiều người buôn bán tại chợ nổi Phụng Hiệp đã lấy thuyền ghe làm nhà. Khi có phiên chợ thì tụ họp lại, khi tan chợ lại đưa thuyền chở hàng đi nơi khác bán tiếp. Nhiều người sau một thời gian "đi chợ" kiếm được chút lưng vốn thì đã lên cạn mua đất cất nhà, để người già và lũ nhỏ trên bờ, còn mình thì lại lênh đênh đi làm ăn mua bán.
Bữa ăn được phục vụ ngay trên sông.
Ở Vĩnh Long, chợ nổi Trà Ôn cũng rất nổi tiếng. Chợ này nhóm họp ở hạ lưu sông Hậu và thường thì họp vào con nước, khi nào nước lớn thì chợ đông. Chợ nổi Trà Ôn giống như một chợ đầu mối, các sản vật được phân phối theo dạng sỉ, nông sản thì có khoai mỡ, khoai ngọt, dưa chuột, mướp đắng (trái khổ qua). Trái cây thì có cam sành Tân Thành, vú sữa Hòa Bình, sầu riêng Lục Sĩ Thành...
Thật thú vị khi chứng kiến ở chợ nổi này là những con thuyền chở đầy hoa. Nhất là những ngày giáp tết, thuyền ghe trên sông xuôi ngược tụ về đây nhìn xa như những vườn hoa di động nhiều màu sắc rất đẹp mắt. Cũng ở chợ nổi Trà Ôn, người ta được thưởng thức đặc sản "cá cháy" với đủ loại chế biến không nơi nào có.
Cũng như các chợ nổi khác ở Miền Tây Nam bộ, chợ nổi Trà Ôn cũng là nơi phổ biến hoạt động tài tử cải lương. Cũng chính vùng đất này có được một Nghệ sĩ Nhân dân tài danh: Ông Út Trà Ôn (1919-2001). Ông tên thật là Nguyễn Thành Út. Sinh thời, giọng ca đặc biệt có một không hai của ông được người mộ điệu cải lương xưng tụng là "Đệ nhất danh ca". Cho tới nay, bản "Tình anh bán chiếu" qua giọng ca Út Trà Ôn vẫn được người đời truyền tụng, tán dương.
Hành trình 3 ngày khám phá miền Tây sông nước Vùng đất Tây Nam Bộ ghi điểm du khách bởi sông nước mênh mông và nét văn hóa lâu đời. Từ TP.HCM, bạn có thể tận hưởng kỳ nghỉ trọn vẹn tại 3 tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau và Cần Thơ. Ảnh: Pudlexoxo, vyyyvyyyvyyy. Điểm đến đầu tiên của hành trình khám phá miền Tây sông nước là Bạc Liêu. Trong đó, nhà...