Một sớm mai trong lành ở Bảo Lộc
Bảo Lộc (Lâm Đồng) là một thành phố kỳ lạ. Lúc đầu đặt chân đến, tôi chỉ xem nơi này như là điểm dừng chân. Nhưng vào sáng sớm, khi chạy xe qua những con đường vắng vẻ và mờ sương để về lại TP.HCM, một cảm giác thanh bình chầm chậm lan tỏa, hệt như một giấc mơ êm đềm.
Bảo Lộc sớm mai
Bảo Lộc, thành phố nhỏ nằm cách địa danh Đà Lạt vốn đã quá nổi tiếng khoảng 100km. Vì ở độ cao thấp hơn Đà Lạt mà ở Bảo Lộc, khí hậu luôn “nhạt” hơn một chút. Ít sương hơn, ít lạnh hơn. Cái lạnh ở đây cũng se se vừa đủ, khiến bạn thích thú.
Nếu như Đà Lạt được nhiều người biết đến với những cái tên mỹ miều như thành phố ngàn hoa, thành phố tình yêu, thành phố diễm tình bậc nhất Việt Nam…, thì người ta thường gọi Bảo Lộc là thành phố hương trà, vì nơi đây sản xuất nhiều loại trà nổi tiếng.
Đèo Bảo Lộc
Cách đây gần một thế kỷ, người Pháp đã đưa nghề trồng trà đến và kể từ đó, trà Bảo Lộc đã trở thành một thương hiệu vang danh khắp nơi. Vượt qua con đèo Bảo Lộc khá ngoằn ngoèo, từ cửa ngõ vào thành phố, bạn đã có thể ngửi thấy mùi thơm dịu của các loại trà.
Chạy xe dọc qua những con đường, tôi cảm nhận một thành phố sớm mai trong lành và ngọt lịm. Một làn sương mờ nhẹ nhẹ phủ lên vạn vật. Người đi ra đường sớm, nhẹ nhàng co mình trong chiếc áo ấm.
Một con phố nhỏ
Bảo Lộc bình yên và quá đỗi dịu dàng. Mọi hoạt động của người dân diễn ra nhẹ nhàng như tính cách ôn hòa vốn có của người phố núi.
Video đang HOT
Rồi mặt trời lên, dần vén màn sương, để lộ ra cảnh quan phố núi, đẹp như những bức tranh thủy mặc. Từ trên cao nhìn xuống, tôi thấy những thân chè lấp lánh trong nắng mai. Phía đằng xa, thành phố vẫn còn chìm trong lớp sương dày đặc, trắng xóa như mây.
Mặt trời lên…
Góc phố xanh ngắt
Rời xa thành phố, tôi cứ tiếc mãi giấc mơ êm đềm nhưng ngắn ngủi. Tôi nhớ cảnh hồ Bảo Lộc lung linh trong nắng chiều, nhớ những góc phố xanh ngắt mà tôi đã vội vàng lướt qua. Nhớ cả nụ cười dễ thương và giọng nói nhẹ tênh của chị tiếp tân khách sạn.
Rồi tự hứa với lòng mình, nếu có thể, tôi sẽ quay trở lại, để tiếp nối giấc mơ ấy…
Theo iHay
Bảo Lộc - Nơi dừng chân của những tâm hồn đồng điệu
Khám phá Bảo Lộc mùa này, bạn sẽ được ngắm những đồi chè bát ngát, những thác nước hùng vĩ cũng như khung cảnh thiên nhiên chìm trong màn sương mờ ảo.
1. Thác Dambri: Từ thị xã Bảo Lộc đi hơn 18 km, qua những đồi chè, cà phê, cây ăn trái xanh ngát... du khách đến với khu du lịch sinh thái Dambri để được thưởng thức cảnh đẹp cùng khí hậu mát mẻ của rừng nguyên sinh Nam Tây Nguyên. Dambri là một thác nước đẹp, cao nhất vùng Lâm Đồng. Nguồn nước của dòng thác từ trên cao hơn 90 m đổ xuống, tạo nên một khung cảnh rất hùng vĩ. Mùa mưa, nước thượng nguồn đổ về ầm ầm, đi xa vài km còn nghe thấy tiếng nước chảy. Ảnh: Zeepee.
Xung quanh thác là một khu rừng hầu như vẫn còn giữ được nguyên vẹn nét đẹp hoang sơ chưa mấy người khám phá, diện tích gần 300 ha với đủ loài chim. Nhiều cây cổ thụ quý hiếm như sao, kền kền, dổi... gốc to tầm vài ba vòng tay người ôm cũng có mặt tại khu rừng này. Ảnh: Zeepee.
2. Chùa Di Đà: Chùa do một vị tu sĩ của tu viện Bát Nhã lập ra bởi người muốn xa lánh cõi trần sau nhiều biến cố của tu viện. Xưa kia chùa tên là Đăng Đừng do lấy tên buôn Đăng Đừng ở đây, trước cổng chùa có tượng phật A Di Đà rất lớn nên phật tử viếng thăm thường gọi là chùa A Di Đà, lâu dần rồi quen nên giữ tên gọi này để những người đến dâng hương dễ tìm đến. Vừa bước qua cổng chùa là thấy ngay một khung cảnh mát rượi cây xanh, men theo lối vào là hai hàng phong linh bằng tre. Ảnh: Kynhong.
Phong linh được làm hoàn toàn bằng ống tre do những chú tiểu trong chùa làm. Phong linh được treo khắp mọi nơi trong khuôn viên chùa, nên cho dù bất kỳ chỗ nào ta cũng có thể nghe được tiếng lộc cộc của hàng trăm chiếc phong linh. Một âm thanh đặc trưng mà không một nơi nào có được mang cảm giác bình yên đến lạ kỳ. Ảnh: Kynhong.
3. Đèo Bảo Lộc: Là con đèo nằm trên quốc lộ 20, nối TP. HCM với cao nguyên Lang Biang, cao khoảng 1.500 m so với mực nước biển. Muốn đến phố hoa Đà Lạt, đầu tiên phải đi qua đèo Bảo Lộc (còn gọi là đèo B'Lao theo tiếng K'ho), dài 10 km. Đèo Bảo Lộc là ranh giới giữa địa phận thành phố Bảo Lộc và huyện Đạ Huoai. Ảnh: Huunguyenddk.
Con đèo được xây năm 1973, một thời là nỗi kinh hoàng của cánh xe tải khi đi qua những đoạn dốc sạt lở núi nguy hiểm. Quốc lộ 20 nay đã được xây dựng lại, con đường rộng đi qua nhiều cánh rừng cao su, rừng thông, những đồi chè xanh mướt và những vườn cà phê bạt ngàn trĩu quả. Ảnh: Huunguyenddk.
4. Đèo Triệu Hải: Điểm xuất phát để tới đèo Triệu Hải dễ nhất là từ trung tâm thành phố Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng. Từ đây xuất phát bạn sẽ tới được thác Dambri, qua hồ Tâm Châu rồi đến đập thủy điện Dambri. Nước hồ có màu xanh ngọc bích đẹp mê mẩn được bao trọn bởi những dãy núi xung quanh. Ảnh: Hải An.
Màu xanh của nước được suy đoán là do cao lanh và các khoáng chất trong đất đá hòa vào nước hồ dưới tác dụng của ảnh mặt trời. Hành trình chinh phục cung đường đèo Triệu Hải thật sự là một trải nghiệm thú vị để bạn học hỏi nhiều kỹ năng như giải quyết khó khăn, xử lý sự cố và hơn cả là tìm ra các giá trị tiềm ẩn trong chính bản thân mình cũng như tận hưởng thành công. Ảnh: Hải An.
5. Đèo Tà Pứa: Nằm trên đường tỉnh lộ DT713 nối hai thành phố Bảo Lộc và Long Khánh, đèo Tà Pứa (dân địa phương còn gọi là đèo Tà Pao) tuy chỉ là một con đèo nhỏ nhưng lại có tầm quan sát vô cùng đẹp mắt. Sau khi đổ đèo Bảo Lộc khoảng 10 km trên quốc lộ 20, phía bên tay phải bạn sẽ thấy nhà thờ Dambri, chạy khoảng 100 m nữa là đến ngã ba quẹo vào DT713. Từ ngã ba chạy đến đèo Tà Pứa khoảng 17 km. Ảnh: Tessua Rai.
Đoạn đường này chạy rất thoáng và đẹp. Bạn sẽ đi qua một chiếc cầu treo bắt ngang qua suối, buổi chiều dân địa phương thường ra đây tắm suối, đi dạo hay câu cá rất vui. Hai bên đoạn đường này rất vắng vẻ, đa số chỉ có người dân tộc ít người và lâu lâu mới có vài xe lớn đi ngang. Ảnh: Tessua Rai.
6. Rừng Nam Cát Tiên: Vườn quốc gia Cát Tiên là một khu bảo tồn thiên nhiên nằm trên địa bàn ba huyện Tân Phú, Vĩnh Cửu (Đồng Nai), Bảo Lộc (Lâm Đồng) và Bù Đăng (Bình Phước), cách TP HCM 150 km về phía bắc. Đặc trưng của vườn quốc gia này là rừng đất thấp ẩm ướt nhiệt đới. Khoảng 50% diện tích của Cát Tiên là rừng cây xanh, 40% là rừng tre, 10% là nông trại. Ảnh: Khampha.
Động vật đặc trưng có tê giác Java một sừng, voi châu Á, bò tót, gấu chó, gấu ngựa, trâu rừng, hổ, báo hoa mai, báo gấm, nai... Các loài chim của Cát Tiên cũng phong phú đa dạng: đại bàng đen, vịt trời cánh trắng, chim mỏ sừng lớn... Cát Tiên cũng là nơi cư ngụ của 40 loài nằm trong Sách đỏ thế giới, trong đó đặc biệt là loài tê giác. Ảnh: Khampha.
Theo Zing
Những điểm đến gần Sài Gòn cho dịp lễ 2/9 Bảo Lộc, Phan Thiết, Đồng Tháp, hay Cần Thơ là các địa điểm đều chỉ cách Sài Gòn dưới 180 km, có nhiều nơi tham quan để du khách dễ di chuyển cũng như nghỉ ngơi dịp 2/9. Dưới đây là những lựa chọn hợp lý để bạn cùng người thân dành có kỳ nghỉ ngắn ngày 2/9. Bảo Lộc, Lâm Đồng Đất...