Một số quận ở TP HCM được đề xuất sáp nhập
Theo Phó giám đốc Sở Nội vụ TP HCM Đỗ Văn Đạo, việc sáp nhập quận 4 vào một quận khác sẽ tinh giản biên chế, vì diện tích ở đây quá nhỏ mà vẫn cần đầy đủ bộ máy hành chính.
Tại buổi làm việc của Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng với Quận uỷ Bình Tân chiều 23/12, ông Đỗ Văn Đạo đề xuất sáp nhập một số đơn vị hành chính như phường và quận trên địa bàn.
“Ví dụ có thể sáp nhập quận 4 vào một quận khác. Bởi quận này chỉ rộng 4 km2, dân số hơn 200.000 người. Nếu so sánh về diện tích, quận 4 nhỏ hơn cả phường Bình Hưng Hoà A (quận Bình Tân) nhưng vẫn phải duy trì một bộ máy đầy đủ từ quận xuống 15 phường”, ông Đạo nói.
Phó giám đốc Sở Nội vụ cho biết, 30 năm trước vấn đề tinh giản biên chế đã được đề cập và hiện này càng đòi hỏi cấp bách hơn. “Trình độ cán bộ, khoa học kỹ thuật được nâng lên. Vì thế phải tiến tới sáp nhập đơn vị hành chính để giảm biên chế và gánh nặng cho bộ máy”, ông Đạo nêu quan điểm.
Quận 4 có diện tích nhỏ, dân số ít nhưng vẫn duy trì bộ máy hành chính đến 15 phường. Ảnh: H.C
Bí thư Đinh La Thăng cho biết, TP HCM sẽ không máy móc “chỗ nào cần tách thì vẫn tách, chỗ nào nhập thì vẫn nhập”. Thành phố sẽ đánh giá lại toàn bộ để nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước nhưng đồng thời phải thực hiện được chủ trương tinh giản biên chế.
Video đang HOT
“Vấn đề này sẽ cần một đề án tổng thể của thành phố chứ không làm phân tán từng quận một”, ông Thăng nói.
Về vấn đề của quận Bình Tân, ông Đinh La Thăng cũng nhắc lại việc “đường cao hơn nhà” tại đường Kinh Dương Vương, đồng thời yêu cầu quận Bình Tân cùng các cơ quan liên quan của thành phố phải làm dứt điểm vụ việc này.
“Tất nhiên Sở GTVT và nhiều cơ quan khác có liên quan. Nhưng nếu quận vào cuộc kịp thời, chúng ta có ý kiến ngay từ đầu thì chắc là không để tình trạng như vậy”, ông Thăng nói.
Thiên Ngôn
Theo VNE
Lãnh đạo Sở Nội vụ TP HCM: 'Chủ tịch quận cũng bị tinh giản'
Theo Phó giám đốc Sở Nội vụ TP HCM, chủ tịch quận huyện, giám đốc sở ngành, tiến sĩ... cũng thuộc diện tinh giản nếu không làm được việc.
Trao đổi với báo chí ngày 11/11, Phó giám đốc Sở Nội vụ TP HCM Lê Văn Làm cho biết, cơ sở pháp lý cho đợt tinh giản biên chế lần này là Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức và theo Nghị định 108 của Chính phủ mới ban hành, quy định rõ nhân sự diện tinh giản.
Theo đó, từ nay đến hết năm 2021 thành phố sẽ tinh giản 10% trong số gần 140.000 biên chế (gần 14.000 người), chia đều ra từng năm. Đầu tiên, thành phố tuyên truyền cho cán bộ công chức nắm được nguyên tắc đánh giá tiêu chí cán bộ công chức; rà soát lại cơ cấu tổ chức bộ máy xem có trùng lắp không để tổ chức lại cho phù hợp, bước này từng địa phương, sở ngành sẽ thực hiện.
"Về chủ trương chung, việc tinh giản biên chế của TP HCM nhằm đưa ra khỏi cơ quan, tổ chức, đơn vị những người dôi dư, không đáp ứng yêu cầu công việc, không phù hợp với vị trí việc làm, không thể tiếp tục bố trí sắp xếp công tác khác", ông Làm cho hay.
Ông Lê Văn Làm, Phó giám đốc Sở Nội vụ TP HCM. Ảnh: T.S
Theo Phó giám đốc Sở Nội, đối với khối đơn vị sự nghiệp, hiện Nhà nước không khuyến khích thành lập đơn vị mới (ngoại trừ nhu cầu bức thiết phải thành lập), chỉ ưu tiên cho giáo dục và y tế theo yêu cầu xây dựng thêm trường học và bệnh viện.
Riêng đội ngũ cán bộ công chức sẽ được kiểm tra lại trình độ chuyên môn, xây dựng lại vị trí việc làm để trình Bộ Nội vụ xem xét. Thành phố sẽ có khung biên chế theo tiêu chí tinh giản là người có 2 năm liền kề không hoàn thành nhiệm vụ, trình độ đào tạo không phù hợp, rà soát liệu có trùng lắp bộ máy cơ quan nhà nước hay không (như cấp nước, thoát nước, chống ngập).
"Đối tượng cần tinh giản là công bằng, không có ngoại lệ. Kể cả chủ tịch quận huyện, giám đốc sở ngành, phó trưởng phòng trở lên... Thậm chí là thạc sĩ, tiến sĩ mà không làm được việc", ông Làm nói.
Về động thái rà soát lại cơ cấu tổ chức bộ máy, lãnh đạo Sở Nội vụ cho biết, một số dự án giống nhau sẽ được tổ chức lại thành đơn vị đầu mối. Thời gian qua, việc sử dụng người cũng chưa đúng trình độ nên cần sắp xếp, lựa chọn người có năng lực; người không đạt sẽ được đào tạo lại, bố trí, giới thiệu công việc khác.
"Áp lực giải quyết cho một người nghỉ việc vô cùng lớn. Muốn cho người ta nghỉ phải có đầy đủ sai phạm, chứ không phải thích cho nghỉ là được. Hy vọng qua đợt tinh giản này, đến cuối năm 2021 bộ máy Nhà nước sẽ tinh gọn hơn, năng lực bộ máy cán bộ công chức sẽ tốt hơn", ông Làm nói.
Trả lời câu hỏi "việc tinh giản biên chế có gây xáo trộn, ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ quan, đơn vị?", ông Làm cho rằng thành phố đã có cách tính toán cụ thể khi thực hiện. Đề án thực hiện trong 6 năm, đã có tuyên truyền nên các cơ quan sẽ không bất ngờ, bị động.
"Là cơ quan tham mưu cho UBND thành phố thực hiện đề án, trước mắt chúng tôi sẽ tự rà soát, xây dựng kế hoạch tinh giản ngay trong năm 2016. Sở Nội vụ sẽ làm mẫu trước, giảm 4 người ở bộ phận văn phòng. Việc này đội ngũ cán bộ chúng tôi tự đánh giá, tự chọn để đảm bảo công bằng, không ép ai", ông Làm chia sẻ.
Cũng theo ông Làm, cơ quan Nhà nước phải chọn những người đủ tiêu chuẩn, đủ đức đủ tài. "Vừa qua Sở Nội vụ tuyển một vị trí văn thư nhưng có đến 6 người đăng ý thi vào, trong đó có hai người trình độ thạc sĩ. Việc tuyển dụng này là hoàn toàn công bằng chứ không có chuyện con anh con chị xin vào được", ông Làm nói.
Về số tiền ngân sách bỏ ra để chi trả cho người bị tinh giản biên chế, Phó giám đốc Sở Nội vụ cho rằng "không thể ước lượng được vì nhiều đối tượng khác nhau". "Như bản thân tôi, 39 năm công tác, nếu nghỉ sẽ có ít nhất 200 triệu đồng. Nhìn chung chế độ chính sách cho đối tượng tinh giản biên chế vừa ưu đãi, vừa tạo điều kiện cho họ có điều kiện đào tạo lại, giới thiệu việc làm mới", ông Làm chia sẻ.
Trung Sơn
Theo VNE
TP HCM sẽ tinh giản gần 14.000 biên chế Loại bỏ những người không đáp ứng yêu cầu công việc, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ... từ nay đến năm 2021 TP HCM sẽ tinh giản gần 14.000 biên chế. Theo đề án tinh giản biên chế vừa được Sở Nội vụ trình UBND TP HCM, trong 6 năm tới, thành phố sẽ thực hiện tinh giản 1.300 người ở khối...