Một số ngân hàng tăng lãi suất tiết kiệm và lý do phía sau
Lãi suất tiết kiệm trung bình đã có diễn biến tăng nhẹ trở lại trong tháng 11/2021 đối với cả hai kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng.
Xu hướng tăng lãi suất tiết kiệm tiếp tục kéo dài trong tháng 12 này tại một số ngân hàng thương mại.
Một số ngân hàng tăng lãi suất tiết kiệm
Báo cáo của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) phát hành gần đây đề cập, lãi suất tiết kiệm trung bình đã có diễn biến tăng nhẹ trở lại trong tháng 11/2021 đối với cả hai kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng.
Cụ thể, theo thống kê từ đơn vị này, lãi suất huy động 6 tháng tăng 0,01 điểm %, lên 4,71%/năm và lãi suất tiết kiệm với tiền gửi 12 tháng tăng lên 5,51%/năm vào cuối tháng 11 (tương đương tăng 0,1 điểm %).
Tuy nhiên, nếu so sánh với cùng kỳ, các mức lãi suất này vẫn thấp hơn 0,33 điểm % và 0,49 điểm %.
Chi tiết hơn, các chuyên gia tại BVSC cho biết, nhóm ngân hàng tăng lãi suất tiết kiệm trong tháng 11 là những ngân hàng có quy mô nhỏ, với mức vốn điều lệ dưới 5.000 tỷ đồng. Đây cũng là nhóm ngân hàng duy nhất có sự điều chỉnh về lãi suất. Trong tháng 11, biểu lãi suất tiết kiệm của nhóm ngân hàng này tăng lần lượt 0,03 điểm % và 0,02 điểm % với kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng, lên 5,42% và 6,02%/năm.
Ngược lại, nhóm ngân hàng TMCP quy mô lớn (vốn trên 5.000 tỷ đồng) và nhóm ngân hàng có gốc quốc doanh không thay đổi lãi suất tiết kiệm đối với cả 2 loại kỳ hạn 6 và 12 tháng trong tháng 11 này.
Lãi suất kỳ hạn 6 tháng của 2 nhóm ngân hàng này lần lượt ở mức 4,41% và 3,78%/năm; trong khi lãi suất kỳ hạn 12 tháng duy trì ở mức 5,25% và 4,95%/năm.
Video đang HOT
Bước sáng tháng 12, một số ngân hàng cũng điều chỉnh tăng lãi suất huy động.
Biểu lãi suất có hiệu lực từ 1/12 của Eximbank cho thấy, nhà băng này vừa tăng lãi suất tiết kiệm tiền đồng thêm khoảng 0,1 – 0,3%/năm ở nhiều kỳ hạn ngắn. Hiện lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng của Eximbank đứng ở mức 3,3%/năm, 3 tháng lên 3,6%/năm, 6 tháng lên 5%/năm, 9 tháng lên 5,4%/năm, 12 tháng lên 5,7%/năm.
Tương tự, biểu lãi suất tiết kiệm thường tại quầy lĩnh lãi cuối kỳ của OCB hiệu lực từ 9/12 cũng có sự điều chỉnh tăng tại một số kỳ hạn so với đầu tháng trước. Phạm vi lãi suất do đó dao động từ 3,55%/năm – 6,15%/năm dành cho các khoản tiền gửi có kỳ hạn 1 tháng đến 36 tháng, lĩnh lãi cuối kỳ.
Theo biểu lãi suất có hiệu lực từ 8/12 của GPBank, gửi tiết kiệm kỳ hạn 6 tháng lãi suất tăng từ 5,7%/năm lên 6,5%/năm; 9 tháng tăng từ 5,9%/năm lên 6,6%/năm. Các kỳ hạn từ 12 tháng đến 36 tháng đều tăng thêm 0,8 điểm % trong vòng 1 tháng qua.
Không tăng lãi suất nhưng một số ngân hàng khác thực hiện khuyến mại có tổng giá trị lên tới hàng tỷ đồng để hút khách hàng gửi tiết kiệm.
Lý do lãi suất tiết kiệm “ nóng” trở lại
Lãi suất tiết kiệm “nóng” trở lại tại một số ngân hàng là điều từng được TS. Lê Xuân Nghĩa dự đoán trước đó. Ông Nghĩa cho biết: lý do tạo sức ép tăng lãi suất tiết kiệm tại các ngân hàng đó chính là việc Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư số 14/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020, cho phép các ngân hàng kéo dài thời gian cơ cấu nợ thêm 6 tháng so với quy định cũ, tới 30/6/2022. Bởi ngân hàng huy động tiền gửi của dân chúng, vì vậy việc thu hồi nợ gần như là bắt buộc để trả lại cho người gửi tiền.
Một số ngân hàng tăng lãi suất tiết kiệm trong tháng 12. (Ảnh: EIB)
Theo ông Nghĩa, trong điều kiện hiện tại, việc giãn, hoãn nợ đối với các ngân hàng lớn không quá khó khăn bởi các ngân hàng này thường có những khoản tiền gửi của các doanh nghiệp, tập đoàn lớn và có lãi suất thấp, vốn dự phòng tương đối lớn hoặc có thể phát hành trái phiếu dài hạn.
Tuy nhiên, với các ngân hàng nhỏ, tiền gửi hầu hết là tiền gửi ngắn hạn và đã phải dùng phần lớn tiền gửi ngắn hạn cho vay trung và dài hạn. Hai là tiền gửi ngắn hạn nhưng không thu về được do các ngân hàng này cho vay nhóm khách hàng nhỏ, siêu nhỏ như hộ gia đình, cửa hàng nhà hàng – đây là nhóm khách hàng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch,… Cộng với việc kéo dài thời gian cơ cấu nợ thêm 6 tháng so với quy định cũ, tới 30/6/2022.
“Những điều này đều “đánh thẳng” vào thanh khoản của ngân hàng. Vì vậy, các ngân hàng nhỏ buộc phải tăng lãi suất tiết kiệm trở lại và duy trì lãi suất tiết kiệm ở mức rất cao để thu hút tiền gửi bù đắp vào các khoản nợ chưa thể thu hồi do được giãn hoãn theo Thông tư của Ngân hàng Nhà nước”, ông Nghĩa nhấn mạnh.
Còn theo lời ông Trương Văn Phước, nguyên Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia: Hiện nay vẫn có một số ngân hàng đang thiếu “thuốc” và tìm cách “mua thuốc” bằng bất cứ giá nào để điều trị bệnh thanh khoản của mình, đây là một vấn đề. Điều này dẫn tới việc hệ thống ngân thanh khoản dồi dào nhưng vẫn cạnh tranh nhau lãi suất.
Các chuyên gia đến từ Công ty Chứng khoán VNDirect cũng đã chỉ ra 3 lý do khiến cho lãi suất tiết kiệm sẽ khó duy trì ở mức thấp như hiện tại đó là: Nhu cầu huy động vốn tăng dựa trên tín dụng tăng; áp lực lạm phát trong năm 2022 và sự cạnh tranh từ các kênh đầu tư hấp dẫn như bất động sản và chứng khoán.
Các chuyên gia dự báo, lãi suất tiền gửi tiết kiệm sẽ tăng 0,3-0,5 điểm % trong năm 2022.
Lãi suất huy động tăng giảm trái chiều
Thời gian qua, một số ngân hàng vẫn duy trì lãi suất tiền gửi tiết kiệm ở mức thấp, nhưng từ giữa tháng 10/2021 đến nay, ở khối ngân hàng có quy mô nhỏ đã tăng lãi suất huy động khi gửi tiền tiết kiệm online.
Một số ngân hàng áp dụng chương trình hút khách gửi tiền tiết kiệm. Ảnh: NL.
Thời gian qua, lãi suất huy động của NCB giảm nhẹ từ 0,05 - 0,2 điểm phần trăm ở tất cả các kỳ hạn. Theo đó, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 3 tháng giảm từ 3,9%/năm xuống còn 3,8%/năm; kỳ hạn 6 tháng từ 6,25%/năm xuống 6,1%/năm; kỳ hạn 12 tháng giảm từ 6,4%/năm xuống còn 6,35%/năm.
Tương tự, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 tháng tại VIB giảm từ 3,6%/năm xuống còn 3,4%/năm; kỳ hạn từ 6 tháng chỉ còn 5,0%/năm; kỳ hạn 24 tháng giảm từ 6,1%/năm xuống 5,8%/năm. Yại Nam A Bank, các kỳ hạn 8 - 11 tháng và 12 tháng lần lượt giảm lãi suất xuống còn 5,9%/năm và 6,1%/năm, cùng thấp hơn 0,1 điểm phần trăm so với tháng 9/2021. Cùng giảm 0,2 điểm % trong tháng 10/2021, các kỳ hạn 25 - 29 tháng hiện được ấn định với mức lãi là 6,5%/năm và các kỳ hạn 30 - 33 tháng là 6,4%/năm.
Lãi suất tiền gửi đang thấp nhất lịch sử là một trong những nguyên nhân khiến tiền gửi từ khu vực dân cư tăng chậm. Vì vậy, nhiều ngân hàng đã tung các sản phẩm, chương trình để hút khách gửi tiền trở lại. Mới đây nhất, Sacombank tăng 0,4 - 0,6% lãi suất huy động tại một số kỳ hạn. Cụ thể, lãi suất kỳ hạn từ 2 tháng đến dưới 6 tháng được điều chỉnh tăng 0,6%, lên 3,2% - 3,4%/năm so với đầu tháng 10/2021.
Với các khoản tiết kiệm kỳ hạn 18 tháng và 36 tháng, biểu lãi suất tiết kiệm tại quầy (lĩnh lãi cuối kỳ) tăng 0,4% so với nửa đầu tháng 10/2021. Hiện, tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn 18, 24 và 36 tháng tại Sacombank lần lượt 5,9%/năm, 6%/năm và 6,1%/năm.
Tại MB Bank, lãi suất tiền gửi tiết kiệm tại nhà băng này cũng tăng nhẹ 0,05%, lên mức 4,3%/năm đối với kỳ hạn 6 tháng. Lãi suất kỳ hạn 12 tháng được điều chỉnh lên 4,9%/năm; kỳ hạn 24 tháng tăng lên mức 5,4%/năm dành cho khoản tiền gửi lĩnh lãi trước.
Từ giữa tháng 10/2021 đến nay, khối ngân hàng có quy mô nhỏ đã tăng lãi suất huy động khi gửi tiết kiệm. Theo đó, so với mức gửi tại quầy, lãi suất gửi tiết kiệm online tăng thêm 0,7%. So với tháng trước, lãi suất huy động nhích lên 0,1 - 0,3%, tùy theo từng kỳ hạn. Khách hàng gửi tiền tiết kiệm online được hưởng lãi suất 7,45% kỳ hạn 15 tháng; kỳ hạn 9, 12 và 13 tháng cũng được tăng lên lần lượt là 6,55%/năm, 6,2%/năm và 6,7%/năm.
Nhằm tiếp sức cho khách hàng trước khó khăn mùa dịch, từ nay đến hết tháng 12/2021, ABBank sẽ tặng thêm 0,4% lãi suất tiền gửi online dành cho khách hàng cá nhân. Khách có nhu cầu vay vốn cũng được hưởng lãi suất vay ưu đãi chỉ từ 7,6%/ năm.
Cụ thể: Với tối thiểu 500.000 đồng và kỳ hạn từ 1 đến 12 tháng, mức lãi suất khi gửi tiết kiệm online tại ABBank sẽ được cộng thêm lên 0,4%/ năm so với lãi suất tiết kiệm niêm yết tại quầy giao dịch trong chương trình "Gửi tiền online - Cộng ngay lãi suất". Chương trình có hạn mức 1.000 tỷ đồng áp dụng cho các sản phẩm: Tiết kiệm trả lãi trước, tiết kiệm có kỳ hạn lĩnh lãi hàng quý, tiết kiệm có kỳ hạn lĩnh lãi hàng tháng, tiết kiệm có kỳ hạn lĩnh lãi cuối kỳ thông qua dịch vụ online banking và ngân hàng số AB Ditizen.
"Gửi tiết kiệm online - nhận lãi suất nhân đôi" trên VPBank NEO đang được triển khai từ nay tới 30/11. Theo đó, khách hàng mở tài khoản số đẹp và thực hiện gửi tiết kiệm trên VPBank NEO, sản phẩm tiền gửi có kỳ hạn thường lĩnh lãi cuối kỳ sẽ được hưởng ưu đãi nhân đôi lãi suất tháng đầu tiên. Số tiền gửi tối thiểu là 10 triệu đồng; kỳ hạn gửi 6 tháng và 12 tháng. Kênh gửi tiền online (qua ứng dụng VPBank NEO hoặc website: neo.vpbank.com.vn).
Ông Nguyễn Khánh Phúc, Giám đốc Khối Khách hàng cá nhân (KHCN) của ABBank chia sẻ: "Trong giai đoạn dịch COVID-19 tái bùng phát phức tạp, ABBank không chỉ mong muốn đáp ứng kịp thời, nhanh chóng nhu cầu vay vốn của khách hàng nhằm cân bằng nguồn lực tài chính, sớm ổn định cuộc sống và hoạt động kinh doanh mà còn giúp khách hàng dễ dàng tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng trực tuyến để thuận tiện trong các giao dịch với ngân hàng, bắt kịp xu hướng công nghệ số, góp phần phục hồi và tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn hậu COVID-19".
Đánh giá về mức lãi suất huy động thời gian qua, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết: Lãi suất đầu vào của các ngân hàng đã giảm liên tục từ năm 2020 đến nay, hiện vào khoảng 5 - 5,5%/năm. Như vậy, trường hợp lạm phát duy trì ở mức 3% thì người gửi tiền mới có lãi suất thực dương.
"Trong trường hợp ngân hàng huy động lãi suất quá thấp, người dân sẽ không gửi tiền ngân hàng nữa mà đi mua nhà, mua vàng. Trong khi, các ngân hàng chủ yếu là đi vay từ người dân để cho vay trở lại nền kinh tế. Do đó, phải duy trì được nguồn vốn đầu vào, không thể đặt mục tiêu giảm lãi suất đầu vào để giảm lãi suất đầu ra từ nay đến cuối năm", Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết.
Theo Công ty Chứng khoán Bảo Việt, từ thời điểm cuối tháng 9/2021, nhóm ngân hàng thương mại cổ phần có quy mô lớn (vốn trên 5.000 tỷ đồng) đang có mức lãi suất huy động thấp nhất kể từ năm 2017 đến nay. Cụ thể: Nhóm này đã giảm lãi suất huy động đối với 2 loại kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng lần lượt 0,02 và 0,05 điểm phần trăm, xuống còn 4,45%/năm và 5,39%/năm. Đối với ngân hàng thương mại cổ phần quy mô nhỏ (vốn dưới 5.000 tỷ đồng), lãi suất huy động của kỳ hạn 6 tháng giảm 0,02 điểm phần trăm, xuống còn 5,37%/năm; lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng tăng nhẹ lên 6%/năm.
Riêng nhóm ngân hàng Nhà nước chi phối vốn không thay đổi lãi suất tiết kiệm đối với cả 2 loại kỳ hạn 6 và 12 tháng, duy trì ở mức 3,775%/năm và 4,95%/năm. Nhìn chung toàn thị trường, hết tháng 9/2021, lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng thấp nhất là 3,7%/năm và cao nhất là 6,1%/năm; kỳ hạn 12 tháng thấp nhất là 4,5%/năm và cao nhất 6,8%/năm.
Đại diện Công ty TNHH chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương (VCBS) kỳ vọng: Từ nay tới cuối năm, lãi suất huy động có thể ổn định ở mặt bằng thấp, lãi suất cho vay có dư địa giảm thêm. Phía NHNN tiếp tục nhất quán: Kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào hoạt động kinh doanh, đầu cơ bất động sản; định hướng chung là duy trì mặt bằng lãi suất thấp để hỗ trợ cho doanh nghiệp trong diễn biến phức tạp.
Tin nhanh chứng khoán ngày 23/11: Thị trường tiếp tục điều chỉnh, VN30 giúp VN Index thoát được phiên giảm mạnh Tiếp đà giảm điểm của phiên cuối tuần vừa qua, thị trường tiếp tục điều chỉnh trong phiên giao dịch ngày 22/11 với mức giảm điểm không quá lớn. Tuy nhiên sắc đỏ lại được lan toả rộng khắp bảng điện tử với số mã giảm gấp hơn 3 lần số mã tăng và có tới 196 mã giảm sàn trên 3 sàn...