Một số món ngon không thể bỏ qua khi tới Sài Gòn
Nếu dịp lễ này bạn chọn Sài Gòn là điểm đến, nếu lễ này bạn không đi du lịch và ở lại Sài Gòn, hãy dành ra vài ngày để tận hưởng một Sài Gòn trọn vẹn cả cảnh sắc và nhiều nét ẩm thực thú vị.
Dù ở quận nào, mặt đường lớn hay hẻm sâu hun hút, không khó khăn để thực khách tìm cho mình một quán ốc lai rai.
Chắc có lẽ không nơi đâu quán ốc, các món ốc lại đa dạng và tuyệt vời như ở Sài Gòn. Bất kể bạn là ai, khi đến quán ốc, cũng đều có thể tìm cho mình được món phù hợp. Từ ốc móng tay, óc hương, ốc nhung, sò long, sò huyết, sò điệp, hàu… cho đến “đồ hiếm” như ốc giấm, ốc vú nàng, ốc ngựa… đều xuất hiện trong menu của các quán.
Đến Sài Gòn nhất định phải tìm ăn ốc (Ảnh: Internet)
Cách chế biến ốc cũng phong phú và hấp dẫn, nào hấp, luộc, nào xào, chiên, nào nướng, nào cháy tỏi, đút lò kết hợp với rau muống, tỏi, me… Món nào cũng thơm lừng khó cưỡng và mang vị đặc trưng của riêng nơi này. Tùy theo quán, theo món mà các loại nước chấm khác nhau, nhưng rau răm, tắc, muối tiêu thì quán nào cũng phục vụ kèm.
Các con đường ốc phải kể đến như Thành Thái (Q.10), Vĩnh Khánh (Q.4), khu bờ kè… với giá từ 30.000 đồng/phần.
Cơm tấm
Thứ “cơm nhà nghèo” của ngày xưa dần trở thành món đặc sản của miền Nam. Cơm tấm có sự kết hợp hài hòa giữa những hạt cơm nhỏ, màu trắng, rời, khô và các món cơ bản thông dụng như sườn nướng, chả trứng, trứng ốp la, bì và nhiều món khác. Được ưa thích nhất là cơm tấm sườn với miếng sườn heo phải được ướp đúng gia vị, khi ăn vừa có độ dai nhưng phải chín toàn diện, tỏa hương thơm ngào ngạt quyến rũ.
Cơm tấm là món không thể không ăn khi ghé Sài Gòn cũng như người Sài Gòn bao năm qua vẫn không ngán món này (Ảnh: Internet)
Phía trên đĩa cơm được rưới một chút mỡ hành cho cơm tấm có độ béo đặc trưng. Đồ chua thường làm từ đu đủ, cà rốt, củ cải, dưa leo, đôi khi là cà chua giúp cơm tấm có vị chua ngọt. Tất cả đi kèm thứ nước mắm ngọt dường như chỉ hợp với cơm tấm mà thôi. Mắm ấy đơn giản lắm, gồm mắm pha với nước lọc, thêm đường, chút ớt xay là ngon. Đặc biệt, cơm tấm dọn ra trên đĩa, dùng muỗng và nĩa để ăn.
Cơm tấm ngon ở Sài Gòn rất nhiều nhưng muốn ăn “đúng chất” thì bạn nên ghé Đặng Văn Ngữ (Q.Phú Nhuận), cơm tấm khuya chợ Tân Định, An Dương Vương (Q.5), và một số hệ thống như Thuận Kiều, Mộc… với giá từ 25.000 đồng/phần.
Hủ tiếu/hủ tíu
ẩm thực Sài Gòn mang trong nó một danh sách dài các loại hủ tíu: hủ tíu Sa Đéc, hủ tíu Mỹ Tho, hủ tíu bò viên, hủ tíu Tàu… Được ưa thích và phổ biến nhất là hủ tíu Nam Vang và “hủ tíu gõ”.
Hủ tíu Nam Vang, có nguồn gốc từ Campuchia nhưng được chế biến theo phong vị Hoa, biến đổi phù hợp với Sài Gòn. Các quán hủ tíu Nam Vang nổi tiếng ở Sài Gòn tọa lạc trên đường Kỳ Đồng, Võ Văn Tần, Nguyễn Thượng Hiền (Q.3)… với giá từ 50.000 đồng/tô.
Tùy từng loại mà các phụ liệu trong hủ tíu khác nhau, khiến cho vị của chúng cũng khác nhau (Ảnh: Internet)
Còn hủ tíu gõ có giá bình dân hơn, chỉ từ 10.000 đồng/tô. Khắp các ngõ, hẻm, con đường đều dễ dàng tìm thấy xe hủ tíu nghi ngút khói, nhất là lúc chiều về. Hủ tíu gõ giản dị mà vẫn luôn đông khách với hương vị nhẹ nhàng và không kém phần thơm ngon. Sợi hủ tíu dai, nước lèo ngọt, thanh, ăn với giá sống, hẹ, tóp mỡ, hành phi với thịt, bò viên, giò… hấp dẫn. Trước khi ăn có thể cho vào ít xì dầu, tiêu, chanh, ớt, tỏi, tương ớt tùy khẩu vị. Đặc biệt, khó có món ăn nào mà thịt lại được cắt mỏng như món hủ tíu gõ này.
Video đang HOT
Bò bía và gỏi cuốn tương đối giống nhau về hình dáng nhưng nguyên liệu thì có sai khác. Bò bía có nhân cuốn là củ sắn luộc, lạp xưởng, tôm khô, salad. Nó được dùng chung với tương đen xay, bỏ chút ớt, đồ chua, đậu phọng, hành phi, tạo ra mùi vị khá đặc biệt.
Trong khi đó, gỏi cuốn có đầy đủ rau sống, rau thơm, bún, tôm, thịt ba chỉ, dễ ăn và thân thiện hơn bò bía. Nước chấm gỏi cuốn là điểm thu hút và thể hiện “đẳng cấp” của từng quán. Chỉ với 2 loại: nước tương đen và mắm nêm nhưng do cách pha chế và tay nghề khác nhau mà có chỗ khách “ăn hoài không ngán” nhưng có chỗ chỉ chừng 1 – 2 cuốn là khách bỏ đi. Với các nguyên liệu đa dạng kết hợp một cách tuyệt vời, đánh thức ngũ vị khiến gỏi cuốn phù hợp với nhiều người, nhiều lứa tuổi, đáng để thử.
Gỏi cuốn là một trong 50 món ăn ngon nhất thế giới (Ảnh: Internet)
Gỏi cuốn bình dân được bày bán rộng rãi ở khắp các hàng rong, quán cóc, chợ và cả siêu thị… nhưng có nhiều trên đường Vạn Kiếp (Q.Bình Thạnh) với giá chỉ từ 2.500 đồng/cuốn. Món bò bía thì tập trung bán nhiều nhất trên đường An Dương Vương, gần đại học Sư Phạm (Q.5).
Sài Gòn nắng nóng, tưởng là không hợp với lẩu nhưng thật ra, người Sài Gòn ăn lẩu quanh năm và đó luôn là món được chọn trong các buổi họp mặt hay tiệc tùng. Sài Gòn có đủ loại lẩu: mắm, cá, lẩu Thái, lẩu nấm… Mỗi loại lẩu có hương, vị khác nhau song đều mang đến những trải nghiệm thú vị, nhất là lẩu cá kèo và lẩu dê.
Hãy chọn lẩu cá kèo hoặc lẩu dê để thấy hương vị miền Nam đậm đà và đặc trưng (Ảnh: Internet)
Lẩu cá kèo mang hương vị miền Nam đặc trưng và hương thơm khó quên. Cá kèo chín, ăn cả con, thịt có vị ngọt bùi, thấm thêm vị chua chua chát chát của lá dang, chấm thêm vị mặn của nước mắm ớt tươi cay nồng, thỉnh thoảng nghe đắng ở đầu lưỡi vì mật cá mới tròn vị. Thực khách chan nước lẩu đang sôi vào chén bún, thêm chút mắm, vừa thổi vừa ăn, vừa hít hà cái vị tổng hòa chua cay mặn ngọt thật dễ gây nghiện. Các loại rau ăn kèm: chuối, rau nhút, rau đắng… cũng ngon không kém tạo thêm nét riêng cho loại lẩu này. Lẩu cá kèo ngon ở Bà Huyện Thanh Quan, Nguyễn Thị Diệu, Sư Thiện Chiếu (Q.3).
Lẩu dê được đánh giá là ngon phải thơm và còn thoang thoảng mùi hăng của dê. Ăn lẩu dê không thể thiếu cải bẹ xanh, tần ô và lá tía tô. Ngoài ra, các nguyên liệu đi kèm như đậu hũ, tàu hũ ky, khoai môn cũng góp phần tạo nên hương vị đặc biệt của lẩu. Cũng khó có loại nước chấm nào thay thế được chao trong món này. Bởi vị béo, độ mặn và mùi đặc trưng của chao hợp một cách tuyệt vời với thịt dê, làm cho vị ngọt của thịt càng tăng lên.
Những người “sành” thường tới lẩu dê Trương ịnh, Nguyễn Công Trứ ((Q.1), quán ở góc Ngô Quyền – Lý Thái Tổ (Q.10)
Món ngon Sài Gòn còn rất rất nhiều món ngon khác đang chờ bạn khám phá, nào là phá lấu, các loại bún, bột chiên, bánh tráng trộn, gỏi khô bò… Món nào cũng làm cho thực khách ngây ngất và khó mà quên được. Trong mấy ngày nghỉ lễ, hãy tranh thử thời gian để thưởng thức những món mà bạn ưu tiên lựa chọn nhé!
Những chú ý cần thiết khi du lịch Sài Gòn
- Về phương tiện di chuyển: Các địa điểm tham quan ở đây cách nhau khá xa, vì thế tốt nhất là bạn nên mua bản đồ, thuê xe máy tự tìm tòi. Hoặc di chuyển bằng taxi, xe ôm. Nhớ mang theo đầy đủ giấy tờ, tuân thủ quy định an toàn giao thông đường bộ.
- Về nơi lưu trú: Bạn nên chọn các khách sạn trên tuyến đường Phạm Ngũ Lão, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Thị Minh Khai, 3/2 để tiện cho việc tham quan. Nếu không phải khách sạn lớn, thì mặt bằng chung của các khách sạn tại Sài Gòn dao động từ 150.000 – 300.000 đồng. Nhưng tốt nhất, bạn nên gọi hỏi giá và đặt phòng trước.
- Lưu ý khác: Trang bị bao tay, kính, khẩu trang rất cần thiết vì Sài Gòn mùa này nắng và nóng hơn; hạn chế các đồ dùng lỉnh kỉnh vì tại Sài Gòn, bạn cần cái gì cũng có mà giá cũng không chênh bao nhiêu so với nhiều nơi khác.
Theo Eva
Những món ăn ngon khó cưỡng ở Sài Gòn
Sài Gòn được biết đến là "xứ sở vàng của ẩm thực Việt Nam" với những món ăn bắt mắt, ngon, lạ... không chỉ trong những nhà hàng, quán ăn sang trọng mà ngay cả ẩm thực vỉa hè cũng như là một mê cung khiến bạn khó lòng mà thoát ra được.
Nói tới ẩm thực Sài Gòn quả như lạc vào một mê cung với vô vàn món ăn hội tụ tại chốn phồn hoa đô thị này. Nhưng có 10 món ăn đặc trưng dưới đây bạn nên nhớ thưởng thức.
1. Bánh tráng trộn/nướng
Thành phần chính của bánh là: bánh tráng cắt sợi, trộn với tôm khô chiên mỡ, phổi bò cháy, rau răm, đu đủ, xốt tương, đậu phộng... Món ăn này được bán trong từng túi bóng nhỏ với giá khá rẻ, chỉ khoảng 5.000đ/bịch.
Bánh tráng nướng với nguyên liệu là: trứng chim cút, mỡ hành, thịt băm, tép rang tuy xuất hiện sau đó rất lâu nhưng cũng đã kịp làm mê mẩn không ít thực khách tới đây.
2. Ốc
Từ con hẻm nhỏ đến mặt đường lớn, không khó tìm một quán ốc để dừng chân. Quán ốc là từ gọi chung, bởi ở đó còn có nhiều loại hải sản khác. Có đủ cách chế biến để món ốc luôn hấp dẫn, từ hấp, luộc, xào, chiên đến nướng, đút lò... với đủ thứ gia vị như tỏi, hành, tiêu, ớt, rau răm...
3. Cơm tấm/Cơm sườn
Cơm tấm, dường như trở thành "đặc sản" độc tôn của xứ Sài Thành bởi hương vị thơm ngon độc đáo hiếm nơi nào có được.
Cơm tấm là sự kết hợp hài hòa giữa những hạt cơm nhỏ, màu trắng, miếng sườn nướng cháy cạnh, bì thơm giòn hay trứng chưng béo mềm, trứng ốp la béo ngậy. Với cơm tấm, mọi sức sáng tạo nằm gọn trong chén nước mắm chấm kèm.
4. Phá lấu
Phá lấu là món ăn quen thuộc của người Hoa, làm từ nội tạng động vật. Có rất nhiều loại phá lấu: phá lấu heo, phá lấu gà vịt, phá lấu bò... Trong đó, món phá lấu bò được ưa thích hơn cả. Đây là món ăn dân dã, ngon miệng, có sức cuốn hút đến kỳ lạ không chỉ đối với học trò nhỏ mà cả giới sinh viên, công chức.
5. Hủ tíu
Hủ tíu là món ăn rất được ưa chuộng đối với người dân Sài Gòn. Bạn có thể ghé vào bất cứ một hàng ăn nào trong thành phố và gọi một tô hủ tiếu theo giá từ 8.000 - 25.000 đồng với nhiều lòng heo và mỡ béo ngậy...
Hủ tíu Sài Gòn - Chợ Lớn là một thế giới với nhiều loại hủ tíu như: hủ tíu Sa Đéc, hủ tíu Mỹ Tho, hủ tíu Nam Vang, hủ tíu bò viên, hủ tíu Tàu...
6. Lẩu dê/Nầm dê nướng
Là món ăn phổ biến của người Sài Gòn mỗi dịp họp mặt gia đình, bạn bè. Lẩu dê cuốn hút người ăn bởi nó được liệt vào hàng bổ dương, cường lực. Cái chất "bổ dưỡng" siêu hạng của dê có thể chỉ là võ đoán nhưng cái hương vị độc đáo của thịt dê so với các thịt khác thì quả là không ai có thể phủ nhận.
7. Bột chiên
Bột chiên là món ăn đơn giản làm từ bột gạo giòn bên ngoài, dẻo bên trong, là món vặt hết sức hấp dẫn. Tùy từng nơi và khẩu vị khách mà món bột chiên sẽ được chế biến khác nhau. Những miếng bột vàng giòn, điểm chút xanh của hành lá, phơn phớt đu đủ, đo đỏ của tương ớt, cà rốt đã làm mê mẩn bao người.
Bột chiên được bán ở nhiều nơi, tập trung chủ yếu quanh các khu trường học, khu đông dân cư với giá cả bình dân khoảng 10.000 - 15.000đ/đĩa.
8. Sủi cảo
Sủi cảo được chế biến gần giống với hoành thánh, nhưng lớn hơn và nhiều nhân hơn. Điều quan trọng quyết định lát sủi cảo ngon là nhân, thường được làm từ tôm, thịt lợn, các loại rau... băm nhuyễn với nhau và trộn gia vị cho vừa ăn. Ngoài sủi cảo nước còn có món cảo chiên vàng rụm cũng rất hấp dẫn.
9. Xiên chiên/nướng
Cá viên, bò viên, tôm viên, đậu bắp, đâu hũ... sau khi xâu lại thành từng xiên sẽ được đem chiên trong chảo dầu nóng cho đến khi những viên thịt phồng to, cháy vàng mới bỏ ra cho vào đĩa hoặc hộp.
Món này ăn với tương ớt và tương đen có vị cay nồng, mằn mặn, giòn dai, nhai sần sật, không quá mềm cũng không quá cứng. Ở một số nơi còn ăn kèm với củ cải, cà rốt ngâm giấm, dưa leo...
10. Chè
Không ngọt gắt như chè Huế, nhiều hương liệu như chè Bắc, chè Sài Gòn ngọt thanh bởi nước cốt dừa, đá bào. Với chè Sài Gòn, không chỉ là thưởng thức từng hương vị của nguyên liệu mà còn thưởng thức bằng mắt ngay từ cái nhìn đầu tiên. Chè Sài Gòn là sự pha trộn sắc màu rất thú vị.
Với hàng trăm món ăn độc đáo, sẽ không là quá đáng khi tặng cho miền đất này cái tên "xứ sở vàng của ẩm thực Việt Nam".
Theo MASK
20 hàng cơm tấm ngon ở Sài Gòn Cơm tấm là món ăn bình dị nhưng nổi tiếng của đất Sài Gòn với nhiều nguyên liệu ăn kèm hấp dẫn như: sườn, phá lấu, chả, nem... khiến thực khách khó có thể bỏ qua. 1. Quán cơm tấm - 113 Nguyễn Phi Khanh, quận 1. Đây là quán cơm tấm được nhiều người ưa thích nhờ hai thành phần chả cua...