Một số hậu duệ của các lãnh tụ Liên Xô
Tháng 1/2024, ông Aleksey Adzhubey, 69 tuổi, cháu ngoại của Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô qua đời tại Moscow.
Aleksey Adzhubey sinh năm 1954, là con trai của bà Rada Khruschyova và nhà báo Liên Xô nổi tiếng Adzhubey. Nhân dịp này, xin trân trọng giới thiệu đôi nét về một số hậu duệ của các lãnh tụ Liên Xô.
Xin bắt đầu từ Vladimir Lenin, một trong những người sáng lập và đứng đầu chính phủ nước Nga Xô Viết giai đoạn 1917-1924, rồi Liên Xô giai đoạn 1922-1924. Theo các tài liệu lịch sử, Vladimir Lenin và Nadezhda Krupskaya chung sống với nhau 25 năm, nhưng không có con, mặc dù thời trẻ, họ mơ ước được trở thành cha mẹ. Những năm tháng tù đày đã hủy hoại sức khỏe của Nadezhda Krupskaya, khiến bà không thể sinh con. Căn bệnh basedow mà bà mắc phải đã dần dần tàn phá sắc đẹp một thời của bà.
Người kế nhiệm của Vladimir Lenin, Joseph Stalin (Dzhugashvili) giữ chức Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô (1922-1952) và Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô (1941-1953). Ông có ba người con từ hai đời vợ. Người vợ đầu của lãnh tụ tương lai là Ekaterina Svanidze, em gái bạn học của ông tại Chủng viện Tâm linh Tiflis. Một năm sau khi kết hôn, bà qua đời vì bạo bệnh, hoặc là lao hoặc là sốt thương hàn, để lại cho chồng một cậu con trai 8 tháng tuổi, Ykov.
Số phận của con người này có nhiều bí ẩn. Trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, thượng úy Ykov Dzhugashvili ra mặt trận và bị bắt vào tháng 7/1941. Có thông tin cho rằng, Stalin được Đức Quốc xã đề nghị trao đổi con trai ông lấy Thống chế Friedrich Paulus và hàng chục sĩ quan cấp cao của Tập đoàn quân 6 bị Liên Xô giam giữ. Hitler đã hứa với người dân Đức sẽ đưa các tướng lĩnh về nước. Nhưng nhà lãnh đạo Liên Xô đã trả lời một cách lạnh lùng trước đề nghị của Đức: “Tôi sẽ không đổi một người lính lấy một Thống chế”.
Năm 1943, Ykov Dzhugashvili bị bắn tại trại tập trung “Sachsenhausen”. Ông để lại hai người con ngoài giá thú: Evgeny và Galina. Evgeny Dzhugashvili trở thành nhà sử học quân sự và giảng dạy tại một số học viện quân sự. Ông mất năm 2016, thọ 80 tuổi. Galina Dzhugashvili học ngữ văn, làm việc tại Viện Văn học Thế giới mang tên A.M. Gorky thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga. Trở thành vợ của Hussein bin Saad, một chuyên gia người Algeria về tình trạng khẩn cấp của Liên hợp quốc, bà nghiên cứu văn học Algeria bằng tiếng Ả Rập và tiếng Pháp.
Joseph Stalin kết hôn lần thứ hai với bà Nadezhda Alliluyeva. Năm 1932, Nadezhda Alliluyeva tự sát, để lại hai người con: Svetlana và Vasily. Vasily Stalin trở thành phi công quân sự, tham gia Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, được tặng Huân chương Cờ đỏ, Huân chương Suvorov hạng II và Huân chương Aleksandr Nevsky. Năm 1948, lúc mới 27 tuổi, ông được bổ nhiệm chức Tư lệnh Lực lượng Không quân của Quân khu Moscow. Ngay trước khi Stalin qua đời, Vasily Stalin bị cách chức, còn sau đó, ông bị bắt vì lạm dụng chức vụ và “tuyên truyền chống Liên Xô”. Vasily Stalin bị giam ở tỉnh Vladimir. Sau đó, ông lại bị xét xử, bị đi đày và chết ở Kazan năm 1962. Nguyên nhân cái chết được cho là ngộ độc rượu. Trong 40 năm cuộc đời, Vasily Stalin kết hôn 4 lần, trong hai lần đầu tiên, ông có 4 người con: Aleksandr, Nadezhda, Svetlana và Vasily.
Chị gái của Vasily Stalin, Svetlana Alliluyeva (mang họ mẹ) tốt nghiệp Khoa Sử Đại học Quốc gia Moscow, làm nghiên cứu sinh tại Học viện Khoa học Xã hội thuộc Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, trở thành dịch giả và biên tập viên văn học. Năm 1966, bà sang Mỹ sinh sống, để lại hai người con ở Liên Xô. Ở Mỹ, bà xuất bản một số cuốn sách tự truyện, kết hôn với một người Mỹ và lấy tên là Lana Peters – trong cuộc hôn nhân này, bà sinh được một cô con gái.
Svetlana Alliluyeva kết hôn bốn lần và trải qua nhiều mối tình. Những năm cuối đời, bà sống trong viện dưỡng lão. Con trai của Svetlana Alliluyeva từ người chồng đầu tiên, Joseph, trở thành bác sĩ tim mạch, con gái Ekaterina từ người chồng thứ hai là một nhà nghiên cứu núi lửa, con gái từ người chồng Mỹ Olga Peters làm việc tại một cửa hàng thời trang cổ điển.
Video đang HOT
Người kế nhiệm của Stalin trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô là Georgy Malenkov, mặc dù ông chỉ đảm nhận chức vụ này hai năm, từ 1953 đến 1955. Malenkov kết hôn với bà Valerya Golubtsova, một phụ nữ thông minh có tài tổ chức, hiệu trưởng Trường Đại học Năng lượng Moscow năm 1943. Họ có ba người con: con gái đầu Valentina Malenkova trở thành kiến trúc sư, con trai thứ hai Andrey Malenkov là tiến sĩ sinh học, con trai thứ ba Georgy Malenkov là tiến sĩ hóa học, trưởng phòng thí nghiệm mô hình hóa toán học của các quá trình vật lý và hóa học tại Viện Hóa lý và Điện hóa mang tên A.N. Frumkin thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga.
Sau Malenkov, Nikita Khruschyov trở thành Bí thư Thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô (1953 -1964) và Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô (1958 – 1964). Ông kết hôn ba lần và có sáu người con, bốn gái, hai trai (Nadya, một trong những người con gái của ông, qua đời lúc còn nhỏ). Leonid Khruschyov, con trai của Nikita Khruschyov, là phi công quân sự, tham gia Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại và hy sinh năm 1943. Cùng năm, vợ ông, Lyubov Sizykh, bị xét xử vì tội hoạt động gián điệp, lúc bấy giờ, con gái của họ Yulya mới ba tuổi. Nikita Khrutschov nhận nuôi cháu và coi như con gái.
Con gái lớn của Nikita Khruschyov là Yulya Khruschyova, làm trợ lý phòng thí nghiệm hóa học và là vợ của giám đốc Nhà hát Opera Kyiv, Viktor Gontar, nhưng họ không có con. Con gái thứ hai của Nikita Khrushyov, Rada Khruschyova, làm việc 50 năm tại tạp chí “Khoa học và Đời sống”, bà kết hôn với Aleksey Adzhubey, trong những giai đoạn khác nhau, là tổng biên tập của các báo “Sự thật Thanh niên” và “Tin tức”. Con trai thứ Sergey Khruschyov là kỹ sư tên lửa, làm việc tại OKB-52, một trong những nhà máy tên lửa và vũ trụ hàng đầu của Liên Xô. Năm 1991, ông di cư sang Mỹ và giảng dạy lịch sử “Chiến tranh lạnh” tại Đại học Brown. Con gái út Elena Khruschyova là kỹ sư hóa học, làm trợ lý phòng thí nghiệm tại một viện nghiên cứu khoa học, bà qua đời năm 34 tuổi vì bệnh lao ban đỏ.
Người kế nhệm của Nikita Khruschyov là Leonid Brezhnev, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô. Năm 1927, Leonid Brezhnev kết hôn với nữ hộ sinh Victoria Petrovna. Bà sinh được hai người con: Yury và Galina. Yury Brezhnev trở thành cán bộ đảng, là Thứ trưởng Bộ Ngoại thương Liên Xô và đại biểu Xô Viết tối cao của Cộng hòa XHCN Xô Viết Liên bang Nga. Ông qua đời năm 2013 vì bệnh u não. Yury Brezhnev có sáu người con, tất cả đều trở thành nhà khoa học, chính trị gia và doanh nhân.
Galina Brezhneva học ngữ văn, nhưng không làm khoa học, bà nổi tiếng trước hết với những cuộc phiêu lưu tình ái của mình. Bà chính thức kết hôn ba lần, nhưng có rất nhiều tình nhân. Người chồng đầu tiên của bà là vận động viên nhào lộn Evgeny Milaev, giám đốc rạp xiếc Moscow, người chồng thứ hai là Yury Churbanov, Thứ trưởng thứ nhất Bộ Nội vụ Liên Xô. Bà được cho là có quan hệ “ngoài luồng” với vũ công ba lê người Latvia Maris Liepa, diễn viên kiêm ca sĩ người Digan Boris Buryatse, nhà báo Oleg Shirokov…
Năm 1984, sau khi bố bà, Leonid Brezhnev, qua đời và chồng bà, Yury Churbanov, bị bắt trong một vụ án tham nhũng, Galina Brezhneva nhanh chóng trở thành một kẻ nghiện rượu. Bà qua đời ở tuổi 69 do đột quỵ tại một bệnh viện tâm thần ở ngoại ô Moscow, nơi bà đang điều trị chứng nghiện rượu mãn tính.
Sau Brezhnev, Yury Andropov được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô. Ông kết hôn hai lần và có bốn người con. Cuộc hôn nhân thứ nhất với Nina Engalycheva để lại hai người con, Vladimir và Evgenia. Số phận của Vladimir Andropov rất bi thảm – hai lần ông bị xét xử vì tội trộm cắp, sau đó nghiện rượu và chết vì bệnh suy thận ở tuổi 35. Ông bố không đến bệnh viện thăm con và dự đám tang. Evgenya Andropova trở thành bác sĩ da liễu, sống và làm việc ở thành phố Yaroslavl. Bà qua đời ở tuổi 82.
Lần thứ hai, Yury Andropov kết hôn với bà Tatyana Lebedeva, họ sinh được hai người con: Igor và Irina. Igor Andropov tốt nghiệp Trường Đại học Quan hệ quốc tế Moscow (MGIMO), làm việc tại Viện Nghiên cứu Mỹ và Canada, giảng dạy tại Học viện Ngoại giao của Bộ Ngoại giao Nga, về sau trở thành Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền Liên Xô ở Hy Lạp. Con gái của ông, Tatyana, là ca sĩ opera, làm việc tại Nhà hát Lớn, trong những năm 1990, bà di cư sang Mỹ. 10 năm sau, Tatyana trở lại Nga, nhưng sớm qua đời vì bệnh tật.
Con gái của Yury Andropov, Irina Andropova, tốt nghiệp khoa Ngữ văn Đại học Quốc gia Moscow và làm việc tại một nhà xuất bản. Một số hậu duệ của Yury Andropov hiện đang sống ở Mỹ.
Người kế nhiệm của Yury Andropov là Konstantin Chernenko, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô. Ông kết hôn hai lần. Cuộc hôn nhân thứ nhất với bà Faina Vasilyevna để lại hai người con: Albert và Lidya. Albert Chernenko sau này trở thành tiến sĩ triết học và luật, còn Lidya Chernenko trở thành kỹ sư. Trước năm 2002, bà làm việc tại Viện Nghiên cứu Kỹ thuật bán dẫn, rồi nghỉ hưu.
Người vợ thứ hai của Konstantin Chernenko là Anna Dmitryevna, bà sinh được ba người con: Vladimir, Vera và Elena. Vladimir Chernenko tốt nghiệp Trường Đại học Quan hệ Quốc tế Moscow, sau đó làm nghiên cứu sinh tại Trường Điện ảnh Quốc gia (VGIK). Ông đã cống hiến cả cuộc đời mình cho điện ảnh. Vladimir Chernenko từng làm trợ lý cho Chủ tịch và Phó chủ tịch Ủy ban Điện ảnh Nhà nước Liên Xô, cán bộ nghiên cứu tại Quỹ Điện ảnh Quốc gia và tham gia lồng tiếng cho phim nước ngoài. Elena Chernenko tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm và trở thành phó tiến sĩ triết học, làm việc tại Cục Lưu trữ Trung ương Đảng thuộc Viện Mác-Lênin trực thuộc Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô. Vera Chernenko cũng tốt nghiệp đại học sư phạm.
Tổng Bí thư cuối cùng của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, đồng thời là Tổng thống đầu tiên và duy nhất của Liên Xô, là Mikhail Gorbachyov. Ông kết hôn với bà Raisa Maksimovna và chung sống với nhau 45 năm – cho đến khi bà qua đời vì bệnh bạch cầu vào năm 1999. Họ chỉ có một người con gái duy nhất là Irina. Bà học ngành y và trở thành phó tiến sĩ y khoa, sau đó tốt nghiệp Học viện Kinh tế Quốc dân và phụ trách Quỹ Gorbachyov cho tới tận bây giờ. Irina Gorbachyova kết hôn hai lần, lần thứ nhất, bà sinh được hai cô con gái: Ksenia và Anastasia, cả hai hiện đều sống ở Đức. Theo tin đồn, gia đình này hiện làm nghề kinh doanh rượu ở Đức
Nga-Mỹ đưa tin trái ngược về tình trạng khẩu đội Patriot ở Kiev
Trong khi Nga khẳng định phá hủy đài radar quan trọng cùng 5 bệ phóng tên lửa phòng không Patriot ở Kiev thì quan chức Mỹ tuyên bố hệ thống này chỉ hư hại nhẹ, vẫn hoạt động được.
Bộ Quốc phòng Nga hôm nay (18/5) thông báo, đài radar đa chức năng và 5 bệ phóng thuộc tổ hợp tên lửa phòng không Patriot do Mỹ sản xuất, đặt tại thủ đô Kiev của Ukraine, đã bị phá hủy hoàn toàn trong đợt tập kích bằng tên lửa siêu vượt âm Kinzhal do Nga thực hiện vào rạng sáng 16/5, RiaNovosti đưa tin.
Tên lửa Kinzhal được treo trên MiG-31K của Nga. Ảnh: RiaNovosti
Theo CNN, Ukraine hiện sở hữu tổng cộng 2 tổ hợp Patriot, một do Mỹ trực tiếp cung cấp, một do Đức và Hà Lan phối hợp chuyển giao. Chưa rõ tổ hợp bị hư hại do bên nào viện trợ.
Một tổ hợp Patriot thông thường gồm đài chỉ huy, đài radar, trạm phát điện và tối đa 8 bệ phóng với 4 ống phóng/bệ phóng. Trong trường hợp đài radar hoặc đài chỉ huy bị phá hủy, hệ thống Patriot sẽ không thể đưa vào vận hành trở lại trong thời gian ngắn.
Trái ngược với tuyên bố của Nga, một quan chức Mỹ ngày 17/5 nói với AFP rằng, dù Patriot ở Ukraine bị hư hại sau đợt tập kích tên lửa, nhưng nó vẫn đang hoạt động được. "Hệ thống phòng không Patriot bị hư hại do đầu đạn chưa rõ chủng loại rơi gần trận địa, mức độ nghiêm trọng vẫn đang được đánh giá. Nó vẫn duy trì khả năng hoạt động", vị quan chức nói.
CNN dẫn lời một nhóm quan chức Mỹ khác tiết lộ thêm, hai thành phần của tổ hợp Patriot bị hư hại nhưng không bao gồm đài radar.
Đoạn video được truyền thông khu vực đăng tải về vụ tập kích ngày 16/5 cho thấy cụm tác chiến phòng không ở Kiev, khả năng cao là Patriot, đã phóng khoảng 30 quả đạn trong hai phút. Vài giây sau, một chớp sáng bùng lên ở trận địa phòng không, dường như do tên lửa đối phương đánh trúng.
Khoảnh khắc tên lửa phát nổ ở Kiev. Ảnh: Reuters
Các quan chức Mỹ ngày 17/5 từng thừa nhận, Nga có thể đã thu được tín hiệu phát ra từ Patriot, sau đó sử dụng tên lửa Kinzhal để tập kích. Khác với những hệ thống phòng không tầm ngắn cơ động, Patriot được bố trí cố định và mất thời gian di chuyển, cho phép lực lượng Nga có thời gian ngắm bắn.
Trong khi đó, phát ngôn viên không quân Ukraine Yuriy Ignat đã lên truyền hình tuyên bố, chỉ một quả tên lửa Kinzhal không thể phá hủy hoàn toàn một tổ hợp Patriot do các thành phần của hệ thống phòng thủ này nằm rải rác cách xa nhau.
Các bệ phóng tên lửa của hệ thống Patriot. Ảnh: GettyImages
Patriot là mẫu tên lửa phòng không tầm xa hiện đại nhất mà Ukraine được Mỹ và đồng minh cung cấp. Biến thể mới nhất trong dòng Patriot là PAC-3, được Mỹ mô tả là có khả năng tiêu diệt các mối đe dọa trên không như tiêm kích, máy bay không người lái (UAV), tên lửa các loại.
Tên lửa siêu vượt âm Kinzhal của Nga có tốc độ tối đa khoảng Mach 10-12 (gấp 10-12 lần vận tốc âm thanh) và quỹ đạo bay phức tạp. Nga lần đầu tiên sử dụng tên lửa Kinzhal hồi tháng 3/2022, khi tấn công một kho vũ khí lớn ở tỉnh Ivano-Frankivsk, miền Tây Ukraine.
Mỹ hứa "giúp đỡ" nếu tên lửa Patriot ở Ukraine bị Kinzhal làm hỏng
Thái Hà
Chuyên gia đánh giá chi tiết nguy cơ tái lặp thảm họa Chernobyl ở Kursk Vụ nổ năm 1986 tại nhà máy hạt nhân Chernobyl của Liên Xô đã gây rúng động thế giới. Giờ đây, một chuyên gia trong ngành giải thích về rủi ro tái lặp thảm họa này với nhà máy hạt nhân ở Kursk. Phòng Điều khiển tại Nhà máy điện hạt nhân Kursk của Nga. Ảnh: NSenergy Những ngày gần đây, tình hình...