Một nửa trong danh sách chắt của Nữ hoàng Elizabeth là thường dân
Nhắc đến chắt của Nữ hoàng Elizabeth người ta thường chỉ nghĩ đến các con của Hoàng tử William và Kate Middleton. Thực tế thì hậu duệ của bà đông đúc hơn thế.
Khi còn nhỏ, Hoàng tử William không thể phát âm chữ ‘bà’ (grandma) nên đã gọi Nữ hoàng Elizabeth ‘gary’. Thời gian trôi qua, ba đứa con của William đã lớn và có thể chơi đùa thoải mái bên bà cố của chúng.
Nữ hoàng còn có những đứa cháu/chắt khác ngoài những đứa con của Hoàng tử William và Kate Middleton. Bà có 4 đứa cháu/chắt thuộc hoàng gia và 4 đứa là thường dân.
1. Savannah Phillips là chắt lớn nhất của Nữ hoàng Elizabeth
Savannah Phillips 9 tuổi là chắt lớn nhất của Nữ hoàng. Cô bé là con gái của người cháu lớn nhất của Nữ hoàng, Peter Phillips và vợ Autumn. Savannah không có tước hiệu hoàng gia bởi cha cô không có. Khi Peter Phillips chào đời, cha mẹ ông (Công chúa Anne và Đại úy Mark Phillips) đã từ chối lời đề nghị phong tặng danh hiệu hoàng gia. Theo tờ Washington Post, họ không muốn tương lai con cái bị phụ thuộc vào một chức danh. Chính vì vậy mà Savannah là một thường dân, sống một cuộc sống bình thường ở London. Tuy vậy, cô bé vẫn tham dự các sự kiện hoàng gia như Trooping the Color và còn chơi thân với các con nhà Hoàng tử William và Kate.
2. Isla Phillips là em gái của Savannah
Em gái của Savannah, Isla Elizabeth, 8 tuổi cũng không có tước hiệu hoàng gia. Cô bé đứng thứ 17 trong danh sách thừa kế ngai vàng (nếu có tước hiệu). Cha mẹ vẫn đưa cô đến các sự kiện hoàng gia như lễ giáng sinh tại nhà thờ Sandringham và cuộc diễu hành Trooping the Color.
3. Hoàng tử George có thể là vua tương lai của nước Anh
Là một vị vua tương lai (đứng thứ ba trong danh sách thừa kế ngai vàng), Hoàng tử George là người chắt nổi tiếng nhất của Nữ hoàng. Cậu bé 6 tuổi là anh cả trong ba người con của Hoàng tử William và Kate Middleton. George có tính cách khá hiền lành và nhút nhát.
4. Mia Tindall không có danh hiệu hoàng gia
Mia Grace Tindall là con gái của cựu cầu thủ bóng bầu dục Mike Tindall và con gái duy nhất của Công chúa Anne và Đại úy Mark Phillips, Zara Tindall. Cô bé Mia 6 tuổi đứng thứ 19 trong danh sách thừa kế ngai vàng nhưng không có tước hiệu hoàng gia.
5. Công chúa Charlotte là con thứ hai của Hoàng tử William và Kate Middleton
Công chúa Charlotte hiện đang theo học tại Trường mẫu giáo Willcocks ở Kensington. Còn nhỏ tuổi nhưng cô bé đang dần trở thành biểu tượng thời trang giống như mẹ Kate. Charlotte đứng thứ 4 trong danh sách thừa kế ngai vàng. Biết đâu một ngày nào đó chúng ta sẽ thấy Charlotte nhí nhố đội vương miện của Nữ hoàng Anh.
6. Hoàng tử Louis chào đời ngay trước đám cưới của Hoàng tử Harry và Meghan Markle
Hoàng tử Louis Arthur Charles là con út của Hoàng tử William và Kate Middleton. Cậu bé sinh vào ngày 23 tháng 4 năm 2018, đứng thứ 5 trong danh sách thừa kế ngai vàng. Louis còn quá nhỏ để tham dự đám cưới của Hoàng tử Harry và Meghan Markle, nhưng được xuất hiện tại Trooping the Color và trên tài khoản Instagram của cung điện Kensington.
7. Lena Tindall không có tước hiệu hoàng gia giống như chị gái, Mia
Lena Elizabeth Tindall sinh ngày 18 tháng 6 năm 2018, là con gái thứ hai của Mike và Zara Tindall. Giống như chị gái Mia, Lena không có tước hiệu hoàng gia. Cô ấy đứng thứ 20 trong danh sách thừa kế ngai vàng.
8. Archie Harrison Mountbatten-Windsor là con trai của Hoàng tử Harry và Meghan Markle
Archie sinh ngày 6 tháng 5 năm 2019. Cậu bé đã đồng hành cùng Hoàng tử Harry và Meghan Markle trong chuyến công tác châu Phi năm ngoái. Cha mẹ của Archie đã rút lui khỏi cuộc sống hoàng gia nhưng nếu nói về thứ bậc, cậu bé xếp thứ 7 trong danh sách thừa kế ngai vàng.
Nữ hoàng Anh: 'Đừng bao giờ tuyệt vọng'
Nữ hoàng Elizabeth II kêu gọi người Anh "đừng bao giờ bỏ cuộc, đừng bao giờ tuyệt vọng" trong thông điệp kỷ niệm 75 Ngày Chiến thắng phát xít.
Nữ hoàng Elizabeth II có bài phát biểu được truyền hình trực tiếp vào 21h ngày 8/5 (3h ngày 9/5 giờ Hà Nội) từ lâu đài Windsor, Berkshire, Anh, nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Chiến thắng ở châu Âu, tức ngày quân đội các nước Đồng minh chấp nhận sự đầu hàng vô điều kiện của Đức Quốc xã trong Thế chiến II.
Phụ thân của Nữ hoàng, Vua George VI, từng có bài phát biểu vào đúng thời điểm trên khi kết thúc trận chiến ở châu Âu năm 1945. Đúng 21h ngày 8/5/1945, Vua George VI tuyên bố trên đài phát thanh: "Chúng ta giữ trọn một niềm tin với chính mình và với nhau, chúng ta giữ trọn niềm tin và đoàn kết với các đồng minh tuyệt vời của mình. Chính niềm tin, sự đoàn kết đó đã đưa chúng ta đến chiến thắng, vượt qua những nguy hiểm có lúc tưởng chừng không thể chịu đựng", ông nói.
Phát biểu từ lâu đài Windsor bên cạnh chân dung Vua George VI đúng 75 năm sau, Nữ hoàng nói: "Bài phát biểu của tôi hôm nay cùng giờ với phát biểu phụ thân tôi đã đưa ra 75 năm trước. Thông điệp của ông sau đó đã được gửi đến những người đàn ông, phụ nữ trong và ngoài nước đã hy sinh rất nhiều để đạt được điều mà ông gọi là 'sự giải thoát tuyệt vời'".
"Đó là một cuộc chiến tổng lực. Nó ảnh hưởng đến tất cả mọi người và không ai tránh khỏi tác động của nó", Nữ hoàng Elizabeth nói. "Ban đầu, tình hình có vẻ ảm đạm, không ai dám chắc về kết cục của nó. Nhưng chúng ta vẫn giữ tin rằng chính nghĩa thuộc về mình, và niềm tin này, như cha tôi từng nói, đã đưa chúng ta vượt qua".
Nữ hoàng Anh gọi Ngày Chiến thắng ở châu Âu là một trong những ngày đáng nhớ nhất cuộc đời bà và bà sẽ không thể quên niềm hân hoan khi còn là Công chúa Elizabeth trẻ tuổi, được hòa vào dòng người mừng chiến thắng trên đường phố London.
"Không bao giờ bỏ cuộc, không bao giờ tuyệt vọng, đó là thông điệp của Ngày Chiến thắng", Nữ hoàng Anh tuyên bố. "Tôi rất biết ơn về sức mạnh, lòng can đảm mà Vương quốc Anh, Khối thịnh vượng chung và tất cả chúng ta đang đồng lòng thể hiện. Thế hệ thời chiến hiểu rằng cách tốt nhất để tôn vinh những người không trở về sau chiến tranh là đảm bảo điều đó không xảy ra lần nữa. Cống hiến lớn nhất cho sự hy sinh của họ là những quốc gia từng là kẻ thù truyền kiếp giờ là bạn bè, sát cánh vì hoà bình, sức khoẻ và thịnh vượng của tất cả chúng ta".
Nữ hoàng Anh Elizabeth phát biểu từ lâu đài Windsor, Berkshire, Anh, nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Chiến thắng ở châu Âu, ngày 8/5. Ảnh: Điện Buckingham.
Bài phát biểu được Nữ hoàng Elizabeth đưa ra trong thời điểm nước Anh vẫn đang nỗ lực chống chọi với đại dịch Covid-19, khi hàng triệu người chịu lệnh phong tỏa ngăn virus lây lan.
"Hôm nay chúng ta khó có thể kỷ niệm ngày đặc biệt này như chúng ta mong muốn. Thay vào đó, chúng ta hãy tưởng nhớ từ trong nhà và bậc thềm. Đường phố của chúng ta không trống vắng, chúng chứa đầy tình thương yêu và sự quan tâm chúng ta dành cho nhau", bà nói.
"Và khi tôi nhìn vào đất nước chúng ta hôm nay và những gì chúng ta sẵn sàng làm để bảo vệ và hỗ trợ lẫn nhau, tôi tự hào nói rằng chúng ta vẫn là một quốc gia mà những người lính, thuỷ thủ và phi công dũng cảm đó đã luôn ghi nhận và cảm phục".
Bài phát biểu của Nữ hoàng Elizabeth được coi là sự kiến kỷ niệm cuối cùng của Anh nhân 75 năm ngày chiến thắng phát xít ở châu Âu. Người Anh trước đó đã dành một phút mặc niệm, tổ chức các bữa tiệc đường phố giãn cách cộng đồng hay tiệc trà trong nhà.
Ngày 7/5/1945, đại đô đốc Đức Karl Donitz ký thỏa thuận đầu hàng không điều kiện với phe Đồng minh, sau những trận chiến cuối cùng ở thủ đô Berlin. Tin tức về sự đầu hàng của phát xít Đức nhanh chóng lan đi khắp toàn cầu.
Anh, Mỹ và nhiều nước châu Âu kỷ niệm Ngày Chiến thắng vào 8/5, trong khi Nga và các quốc gia thuộc Liên Xô cũ kỷ niệm sự kiện này vào 9/5 do chênh lệch múi giờ.
Covid-19 đã xuất hiện ở 210 quốc gia, vùng lãnh thổ sau khi khởi phát ở Vũ Hán, Trung Quốc vào tháng 12/2019, khiến hơn 4 triệu người nhiễm, hơn 276.000 người chết. Nước Anh hiện là vùng dịch lớn thứ tư thế giới với hơn 211.000 ca nhiễm, hơn 31.000 ca tử vong.
Hội đồng Bảo an thảo luận về Bảo vệ thường dân bị nạn đói do xung đột Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ngày 21/4 đã họp trực tuyến, thảo luận về bảo vệ thường dân bị nạn đói do xung đột. Theo Báo cáo toàn cầu về khủng hoảng lương thực, năm 2019 có 135 triệu người tại 55 quốc gia phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng, cao nhất trong vòng...