Một nông dân tìm thấy 500 tờ giấy bạc Cụ Hồ
500 tờ giấy bạc Cụ Hồ với nhiều mệnh giá khác nhau
Ông Hồ Văn Cưng ở ấp Thanh Phong xã Tân Long Hội ( huyện Mang Thít, Vĩnh Long) cho biết, cách đây 4 ngày, ông đào được chiếc hộp đựng 500 tờ giấy bạc Cụ Hồ với nhiều mệnh giá.
Ngày 10/12, ông Hồ Văn Cưng ở ấp Thanh Phong xã Tân Long Hội (huyện Mang Thít, Vĩnh Long) cho biết, cách đây 4 ngày, trong lúc đào lỗ chôn cột nhà, ông tình cờ phát hiện hộp thiếc đựng bánh, trong đó có trên 500 tờ giấy bạc Cụ Hồ với nhiều mệnh giá khác nhau, trong đó nhiều nhất là loại mệnh giá 100 đồng với 379 tờ, 91 tờ loại mệnh giá 20 đồng, 33 tờ loại mệnh giá 50 đồng và một số tờ mệnh giá khác.
Video đang HOT
Được biết, đây là loại giấy bạc được Bác Hồ ký quyết định phát hành trong những năm kháng chiến. Theo Bảo tàng tỉnh Vĩnh Long, những tờ giấy bạc được tìm thấy là những tờ bạc in tại Nam Bộ vào những năm 1948. Người dân Nam Bộ lúc bấy giờ thường hay lưu giữ những tờ giấy bạc Cụ Hồ như một cách để nhớ Bác.
Hiện ông Cưng đã hiến toàn bộ số tiền trên cho Bảo tàng Vĩnh Long để phục vụ công tác trưng bày triển lãm.
Theo 24h
Sống giữa kho tiền vô giá
Tiền vốn dĩ là rất quý, tiền cổ lại còn quý hơn. Nó giống như một thứ bùa ngải mà nếu không may ai đó vướng phải, ắt hẳn cuộc sống sẽ luôn lao đao vì bị "tiền hành" để rồi mơ ước có ngày được sống giữa một kho tiền.
Đến nhà ông Đào Văn Minh (Kim Sơn, Sơn Tây, Hà Nội), cảm nhận đầu tiên là ngôi nhà vốn đã nhỏ bé dường như lại càng thêm chật chội hơn bởi khắp các không gian trong nhà là vô số những đồng tiền cổ, tổng cộng có đến hơn... 9.000 loại.
Hơn 20 năm... lọ mọ
Để có được bộ sưu tập đồ sộ như hiện nay, ông Minh đã phải đánh đổi quãng thời gian suốt hơn 20 năm ròng rã, lặn lội khắp các vùng miền trên dải đất hình chữ S, bởi sưu tầm tiền cổ là cả một hành trình dài không có hồi kết.
Chủ yếu mua lại từ những người chuyên tìm kiếm khai thác hoặc do ngẫu nhiên mà đào được các cục tiền keo kết lẫn với đất bụi thời gian, nhiều khi cũng phải phó mặc cho sự may rủi của số phận, mà theo cách gọi của người sưu tầm, đó là cơ duyên thì mới có thể bổ sung thêm vào bộ sưu tập của mình những đồng tiền cổ có giá trị.
Để có được hơn 9.000 loại tiền cổ trong bộ sưu tập như hiện nay, ông Minh đã phải mua đến hơn 6 tấn "tiền phôi" xuất lộ dưới mặt đất, mang về lại dày công đục đẽo, cạy từng tí bùn đất dính trên mỗi đồng tiền.
"Nhiều khi cũng là may rủi, có những lúc mua về, ngồi đẽo cả ngày, thậm chí cả đêm, cho đến khi "cục tiền" đã ra thành "bã tiền" mà không tìm được đồng tiền nào khả dĩ bổ sung vào bộ sưu tập hoặc có chút giá trị để "gỡ gạc" tiền vốn mua phôi. Nhưng cũng có lần cơ duyên tìm đến, trong vài cân phôi tiền mua về tôi lại có được những đồng tiền vô cùng quý hiếm và có giá trị", ông Minh cho biết.
Hàng nghìn đồng tiền cổ các loại được lưu giữ cẩn thận trong các tủ kính
Nói về cái duyên của mình với tiền cổ, ông Minh cũng cho biết thêm: "Thật may mắn khi tôi có được trong bộ sưu tập của mình đồng Thuận Thiên Đại Bảo - đồng tiền đầu tiên do vua Lý Công Uẩn cho đúc khi rời đô lên Thăng Long. Đây là đồng tiền đặc biệt quý hiếm, được giới chơi tiền cổ quốc tế đánh giá ở cấp độ Đại Trân và có giá khoảng hơn 100 triệu đồng (tính theo tiền Việt Nam). Có được nó cũng là cái duyên, khi tôi mua được 15 kg tiền của anh em thợ buôn đưa từ Nghệ An ra. Tiền đựng trong một ống sành loại nhỏ đường kính khoảng 13 cm, cao gần 30 cm còn nguyên vẹn. Một mẻ tiền may mắn, đẹp cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Sau một ngày đập đẽo, may mắn đã phát lộ đồng Thuận Thiên Đại Bảo vô giá này".Hơn 20 năm lọ mọ, bộ sưu tập ngày một nhiều lên và những trang nhật ký viết về những chuyến lặn lội để tìm mua "cục tiền may rủi" cũng ngày một dày lên, đồng thời với nó là tiền trong nhà ngày một ít đi, bởi quá trình sưu tầm của ông Minh là hành trình...
Ông Đào Văn Minh, chủ nhân của kho tiền cổ vô giá
Đem tiền nay đổi lấy... tiền xưa
Chơi tiền cổ là cả một hành trình tìm kiếm, đòi hỏi người sưu tầm phải bỏ thời gian, công sức và cả tiền bạc. Cái cảnh ôm tiền nay đi mua từng mẫu tiền xưa từ những thợ buôn luôn khiến người sưu tầm cảm thấy xót xa, rẻ thì vài ba chục, đến một vài trăm ngàn đôi khi tiền triệu, có những mẫu hiếm thì giá lên tới hàng chục triệu; còn những mẫu quá quý hiếm mà đôi khi phải mua ngược từ nước ngoài về thì giá cả thật kinh khủng, dăm chục, một trăm triệu, thậm chí đến tiền tỷ là chuyện thường... Tuy mua là được đấy nhưng đã mấy ai dám xuống tiền?
Chia sẻ về kho tiền xưa có giá trị hàng chục tỷ đồng tiền nay của mình, ông Minh cho biết: "Chỉ tính riêng tiền mua số phôi tiền suốt hơn 20 năm qua cũng đã lên đến tiền tỷ (tính bình quân khoảng hơn 200 nghìn đồng/1kg, nhân với 6 tấn - PV). Có những lúc trong nhà không còn một đồng nào, tôi đã phải bán đi nhiều thứ, thậm chí cả những vật dụng của gia đình để có tiền mua vài chục cân hoặc thậm chí chỉ là dăm ba lạng "quặng tiền" theo kiểu may rủi. Rồi có lần anh em mang về hàng tạ mà không đủ tiền mua, tiếc đứt ruột mà đành chịu".
"Vẫn biết tiền cổ là một thứ đam mê xa xỉ, nhưng một khi nó đã ăn vào máu thì không thể nào dứt ra được", ông Minh thổ lộ. "Thời gian đầu thấy chồng cứ mang hết tiền đi để mua phôi tiền, vợ con tôi cũng kêu lắm, nhưng rồi dần dần niềm đam mê đó của tôi cũng được vợ con chấp nhận và chia sẻ. Đến giờ thì hình như là cả nhà tôi ai cũng mê... tiền cổ".
Ngôi nhà của ông Minh giống một bảo tàng cổ vật
Kho tiền vô giá
Đặc thù nghề chơi đòi hỏi các đồng tiền cổ phải có tính liên tục. Vì lý do nào đó mà không có được đầy đủ, kể cả ở mức độ đại diện, thì coi như bộ sưu tập vẫn chưa được hoàn chỉnh và còn phải lần mò tìm kiếm. Tiền tệ kích thước tuy nhỏ bé nhưng kỷ luật đòi hỏi khá khắt khe, bởi trên mình chúng có chữ nghĩa biểu hiện quốc thể và nói về nơi chúng được sinh ra, nếu tên chữ của chúng mà khớp với niên hiệu, niên biểu, việc xếp đặt sẽ trở nên đơn giản. Nhưng tên tuổi chúng lạ lẫm thì phải tìm hiểu, nghiên cứu mất hàng năm, thậm chí nhiều năm trời.
Theo tài liệu về sưu tập tiền cổ (của các nước Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản và Triều Tiên) đến thời điểm hiện tại, chỉ tính các loại tiền công cụ và tiền tròn lỗ vuông được lưu hành từ năm 770 TCN đến năm 1950 SCN thì có đến trên dưới 15 ngàn tự dạng (loại).
Như vậy có thể thấy bộ sưu tập khổng lồ của ông Minh với hơn 9.000 loại thực sự là kho tiền vô giá. Có được một kho tiền như vậy đã khó, nhưng để hiểu về nó và có thể đánh giá được mức độ quý hiếm của nó cũng như những câu chuyện lịch sử đằng sau đó cũng khó khăn không kém. Mỗi khi có thêm một mẫu tiền cổ nào đó, người sưu tập lại cất công để tìm hiểu lai lịch của nó.
Và mỗi đồng tiền lại mở ra một câu chuyện thú vị. Những đồng tiền cổ mà ông Minh đã sưu tập được không chỉ mang ý nghĩa vật chứng lịch sử mà còn giống một pho sách để chúng ta tìm hiểu những biến thiên, thăng trầm của từng giai đoạn lịch sử, thậm chí cả những dâu bể đời người và có khi còn là cả triết lý sống của một dân tộc.
(Theo An ninh Thủ đô)
Đào đất xây nhà, phát hiện hũ tiền cổ thời nhà Tống Trong khi đào đất làm công trình vệ sinh, anh Nguyễn Quang Duẩn (thôn Ngụ Quế, xã Cẩm Vịnh, huyện Cẩm Xuyên) bất ngờ đào được một chiếc hũ sành hàn kín miệng, đựng 13kg tiền cổ thời nhà Tống. Theo lời kể của anh Duẩn, hũ tiền trên được phát hiện ở độ sâu chừng 1,5m; bên trong chứa rất nhiều tiền...