Một nông dân bỏ hơn 300 triệu đồng xây cầu cho dân làng
Trăn trở thương các em nhỏ trong làng đi học qua suối trên mấy cây cầu tạm chông chênh, té ngã hoài; anh Coor Dênh – một nông dân ở huyện miền núi Nam Giang – đã tự bỏ tiền xây một cây cầu cho dân làng mình.
Anh Coor Dênh (phải) vui mừng bên cây cầu mới do chính anh đầu tư xây dựng cho bà con thôn Vinh, xã Tà Pơ
Sinh ra và lớn lên ở vùng núi đầy khó khăn, anh Coor Dênh (SN 1979, ở thôn Vinh, xã Tà Pơ, huyện Nam Giang, Quảng Nam) thấu hiểu bao vất vả của bà con dân làng mình; nhất là việc đi lại trắc trở do đường núi gập ghềnh, lại có con suối cách ngăn đường từ làng này sang làng khác. Lớn lên theo cha đi làm ăn xa rồi quay về ổn định lập nghiệp ngay trên mảnh đất quê, anh Coor Dênh thấy dân làng mình khổ với con suối cách làng với đường huyện. Người làng làm nương làm rẫy, tới vụ thu hoạch, cõng lúa thóc, nông sản qua con suối đưa ra ngoài bán khó khăn. Các thương lái lên các huyện thu mua lúa thóc, nông sản cũng ngại mấy cây cầu tạm chông chênh. Thương nhất là mấy đứa trẻ con trong làng ngày ngày đi học qua suối trên cầu tạm cứ té ngã hoài; mùa mưa nước ngập cầu, người lớn thương con phãi cõng con trẻ lội suối tới trường, không thì phải bỏ học.
Anh Coor Dênh nói: “Dân bắc cầu tạm qua con suối, mùa mưa lũ cầu ngập rồi bị lũ cuốn trôi, lại làm cầu tạm. Người trong làng cứ chứng kiến cảnh trượt ngã xuống suối hoài. Dắt xe qua cầu tạm, cả người cả xe lao xuống suối, thấy mà cám cảnh. Có lần một em học sinh bị ngã xuống suối, nước đẩy trôi chút nữa thì chết đuối”.
Cứ trăn trở như vậy, nên dù làm nương rẫy tích cóp chẳng được là bao, nhưng ngay khi được dự án công trình thủy điện ở địa phương đền bù giải tỏa đất đai được khoảng tiền kha khá, anh Coor Dênh không giữ dành dụm mà bàn với vợ bỏ hơn 300 triệu đồng mua vật liệu, thuê nhân công xây ngay một cái cầu bê tông bắc ngang con suối, nối thẳng đường từ làng ra đường. Từ đây, người dân thôn Vinh có cây cầu bê tông dài 7 mét, rộng 2 mét, trụ cao 5 mét chắc chắn nối liền với đường bê tông dài gần 20 mét thẳng từ trong ra đường huyện.
Nay người dân thôn Vinh, xã Tà Pơ đã yên tâm qua suối khi có cây cầu nối với đường bê tông thẳng từ làng ra đường huyện
Video đang HOT
Dẫn chúng tôi ra phía cây cầu mới, chỉ vào mực nước suối dâng cao những ngày mưa lũ chạm gần đáy cầu, anh Coor Dênh cười vui nói: “Nước suối dâng cao lắm cũng không vượt qua được mặt cầu. Trước đi vì con suối cách trở mà làng mình như bị tách biệt. Chừ thấy bà con đi lại qua cây cầu qua con suối hàng ngày giản tiện hơn; thấy xóm mình, thôn mình cũng thay đổi rất nhanh từ ngày có cây cầu. Rứa là vợ chồng mình vui trong bụng lắm. Vợ chồng mình còn tính làm cái khu sinh hoạt tập thể ngay đầu xóm chỗ cây cầu nữa. Ngày lễ, ngày hội, dân làng mình có cái chỗ mà vui chơi”
Xây xong cầu, anh Coor Dênh đang thực hiện tâm nguyện xây một khu sinh hoạt cộng đồng ngay đầu xóm Cơ Pía, thôn Vinh
Dân làng ở xóm Cơ Pía, thôn Vinh, xã Tà Pơ nhắc đến anh Coor Dênh đầy trìu mến. Bà Bh’nươch Bế, nay đã ngoài 70 tuổi đang chuyện trò cùng với bà con xóm Cơ Pía ở đầu làng chia sẻ: “Có cây cầu của Coor Dênh xây, người già như mế không lo qua suối không được nữa. Lỡ mế có đau ốm gì, mấy đứa cũng đưa mế đi trạm y tế nhanh hơn. Mấy đứa trẻ con trong làng từ ngày có cây cầu không phải bỏ học vì khó khăn khi đi qua con suối nữa. Người làng đi chặt củi, vận chuyển lúa, nông sản ra vào cũng rất là tiện lợi. Dân làng quý tấm lòng của Coor Dênh lắm”.
Khánh Hiền
Theo dantri
Dân giả quan uống rượu thề không tham nhũng
Các cụ cao niên và người dân Thuận Thiên (Kiến Thụy, Hải Phòng) cùng uống rượu pha tiết gà rồi đọc lời thề 'không vụ lợi, không tham ô, tham nhũng, hách dịch, làm việc chí công vô tư'.
Sáng 13/2, tại đền, chùa Hòa Liễu, xã Thuận Thiên, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng diễn ra lễ hội Minh Thế (hay còn gọi là Minh Thệ). Đây là lễ hội dành cho những người làm quan thề "không vụ lợi, không tham ô, tham nhũng, không hách dịch nhân dân, làm việc chí công vô tư". Ai làm trái với lời thề sẽ bị trời tru đất diệt.
Trước đài thề có một vòng tròn bằng vôi trắng đường kính khoảng 2 m, ở giữa có một ô đất trống, gọi là vòng thiêng. Sau khi chủ tế và các bồi tế (là các vị có chức sắc trong làng, mặc áo lễ màu đen) đã yên vị, chủ tế vái lạy, là lúc con dao bầu được chuyển từ trên đài thề xuống.
Chủ tế cắm mạnh con dao vào tử địa vòng thiêng, rồi rút nó lên, vẽ một vòng tròn theo hình vòng vôi trắng, rồi lại cắm xuống tử địa. Chủ tế bắt đầu đọc Văn thề bằng chữ Hán - Việt. Sau mỗi hồi đọc, các "vị quan" - do nông dân nhập vai, đồng thanh hô vang lời thề năm xưa của các bậc tiền nhân làm quan: " ai dùng của công xây dựng việc công xin thần linh ủng hộ; ai lấy của công làm của tư xin thần linh đả tử...".
Một con gà trống được cúng tế trước ban thờ.
Con gà được mang ra cắt tiết, chủ tế và một người trong làng sẽ cho vào mỗi chén rượu một giọt tiết gà...
... và mời các cụ cao niên, chức sắc, các vị quan trong làng cùng uống.
Ông Nguyễn Trọng Khải - Chủ tịch UBND xã Thuận Thiên cho biết, hội Minh thề có từ hơn 500 năm nay, được khôi phục từ năm 2003. Lời thề có ý nghĩa giáo dục các vị chức sắc, người dân phải công tâm chính trực, chí công vô tư, đoàn kết xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa, chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và quy định của địa phương...
Theo tài liệu Hán Nôm còn lưu giữ và theo truyền khẩu của người dân địa phương, người có công xây dựng nên chùa và đền Hòa Liễu là một Thái hoàng Thái hậu nhà Mạc họ Vũ. Vào thập niên 1650, khi vương triều Mạc còn thịnh, bà đã kêu gọi các hoàng thân quốc thích khác cùng đóng góp, dựng nên ngôi chùa Thiên Phúc ở làng Hòa Liễu và mấy chục chùa khác ở các nơi. Riêng Hòa Liễu, bà xuất tiền mua 25 mẫu 8 sào ruộng cúng Tam bảo. Nhiều vị trong hoàng tộc hưởng ứng, sau số ruộng cúng chùa đạt tới 47 mẫu 3 sào. Từ số ruộng đó, làng cho nhà chùa 4 mẫu để cày cấy, còn lại làm ruộng công để đảm bảo người nào trong làng cũng có ruộng. Tương truyền, nhân đó, Thái hoàng Thái hậu đã đặt ra những lời thề với người được sử dụng đất và bản văn Minh Thệ "không lấy của công làm của tư" đã dần dần định hình.
Trường Giang
Theo Dantri
Phục dựng nghi lễ "rước nước, tế cá" tại lễ hội đền Trần Sáng nay 11/2 (nhằm ngày 12 tháng giêng), tại khu di tích đền Trần, phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định, Ban tổ chức lễ hội đền Trần đã cho phục dựng lại nghi lễ "rước nước, tế cá". Điểm mới của lễ hội Khai ấn đền Trần năm nay là việc khôi phục lại nghi lễ "rước nước, tế cá" truyền thống...