Một nhát chém vào mặt nhân dân
Sau năm ngày, dư luận đã dấy lên một làn sóng căm phẫn trước một hiện tượng xã hội đang diễn ra ở một TP Tuy Hòa (Phú Yên) vốn xưa nay yên ả.
Chưa bao giờ trên truyền thông đại chúng, trên các trang mạng lại tràn ngập những chính kiến bất bình của các nhà làm luật, các luật sư, thẩm phán, các nhà hoạt động xã hội và của tất cả người có lương tri như thế. Hàng triệu chính kiến bày tỏ sự không tán đồng với mức án mà VKSND TP Tuy Hòa đã đề xuất. Người ta đau đáu trông đợi một bản án công bằng hơn, phải đạo lý hơn, “tâm phục , khẩu phục hơn”.
Nhưng rồi niềm tin đã tan vỡ khi mà tòa án đã phán quyết một bản án mất lòng người, cho dù đã có thay đổi một chút. Nó không phản ánh được đúng bản chất của sự việc mà người ta phải gọi đúng tên của nó là “giết người”, giết đồng loại bởi một tập thể những người sống bằng tiền thuế của người dân.
Họ được nhân dân trao quyền lực và niềm tin để giữ gìn trật tự xã hội. Nhưng họ đã không làm được như nhân dân mong đợi mà lại kết thành một nhóm “đánh hội đồng”, sử dụng vũ khí, sức mạnh của những người trai trẻ và cái quyền của công an nhân dân để giết một người không còn khả năng tự vệ, một người chỉ còn biết van xin trong đau đớn, đói khát và tuyệt vọng.
Phải gọi đúng tên đó là hành động vô nhân tính, hành động không xứng với một con người theo nghĩa giản dị nhất của từ này.
Tôi là một người lính, từng đối mặt với những người lính ở bên kia chiến tuyến. Trước đó, trên chiến tuyến, chúng tôi đã nã đạn vào nhau, đâm lê vào bụng nhau. Nhưng khi ai đó bị sa cơ là tù binh thì chúng tôi (cả hai phía) đối xử với nhau vẫn như những con người (ít nhất là trong trường hợp của tôi và những người lính dưới quyền tôi). Còn ở đây, trong vụ án này, anh Ngô Thanh Kiều là công dân Việt Nam, là đồng bào của năm công an nhân dân. Ấy vậy mà họ lại hành động dã man, vô nhân tính đến rợn người.
Bản án mà tòa vừa tuyên chiều hôm qua (3-4) thật sự là một nhát chém ngang mặt nhân dân, hằn sâu vào tâm thức nhân dân. Họ đang thách thức dư luận.
Tôi có một niềm tin chắc chắn rằng Đảng, Chính phủ không hề muốn như thế; những vị lãnh đạo cao nhất của nước ta khi biết đến vụ án này cũng không muốn như thế. Tôi cũng có một niềm tin cộng sản là họ không đồng ý với bản án mất lòng dân như thế.
Giết người mà chịu một bản án nhẹ hều như thế chẳng khác nào một tiền lệ khuyến khích những người công an khác tin rằng cứ vô tư hành xử côn đồ với dân, cứ mạnh dạn xuống tay với dân đi, bất quá chỉ bị năm năm tù, thậm chí chỉ chịu án treo thôi.
Video đang HOT
Cách nay dăm năm, tôi đã cảnh báo rằng tội phạm đã lờn, họ nghĩ phạm tội sao cũng được, miễn là không bị tử hình, sau đó sẽ sớm ra tù. Chính vì thế, tội phạm ngày càng gia tăng, năm sau cao hơn năm trước.
Một hệ quả khác nghiêm trọng mà xã hội phải gánh chịu từ kiểu xử án như thế này là người dân mất niềm tin vào công lý, không còn tin là xã hội này có “ Bao Công” thật.
Bạn có biết ở các nước phương Tây, hình ảnh của vị thần công lý trên tòa án là ai không? Đó là một người phụ nữ bịt mắt, một tay cầm cái cân, một tay cầm kiếm. Bất luận trong trường hợp nào, người cầm cán cân công lý phải là người “nhắm mắt” lại, không chịu sự chỉ đạo, chi phối, xúi quẩy của người khác, bất luận trong trường hợp nào cũng phải giữ cho được cán cân công lý thăng bằng, không bị quyền uy, tiền bạc, lợi ích chi phối. Tay luôn nắm chắc thanh kiếm để trừng trị bất kỳ kẻ nào đi ngược lại với những điều cam kết với nhân dân.
TS NGUYỄN MINH HÒA (*)
Theo PLTPHCM
(*) TS Nguyễn Minh Hòa hiện là trưởng khoa Đô thị học – Trường ĐH KHXH&NV TP .HCM.
Phó Chánh tòa Hình sự TAND TP.HCM Vũ Phi Long: Công an đánh chết nghi can là giết người
Trong quá trình điều tra, điều tra viên hoặc cán bộ điều tra có hành vi trực tiếp xâm hại, gây tổn hại đến sức khỏe, tính mạng người khác thì sẽ bị xử tội giết người hoặc cố ý gây thương tích chứ không phải tội dùng nhục hình.
LTS: Theo dự kiến, ngày mai (3-4), TAND TP Tuy Hòa (Phú Yên) sẽ tuyên án vụ năm công an đánh chết nghi can. Dư luận cho rằng năm bị cáo công an này đánh chết người nhưng chỉ bị xử tội dùng nhục hình là không thỏa đáng. Chúng tôi xin giới thiệu ý kiến của Thẩm phán Vũ Phi Long, Phó Chánh tòa Hình sự TAND TP.HCM, nhằm soi rọi thêm vụ án đang gây bức xúc dư luận này.
. Phóng viên: Thưa ông, có phải nếu bắt giữ người đúng quy định pháp luật thì hành vi đánh người đến chết sau đó sẽ bị khép vào tội dùng nhục hình; còn bắt giữ người không đúng quy định thì việc đánh người đến chết sẽ bị xử loại tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người?
Thẩm phán Vũ Phi Long (ảnh) : Cả hai ý trên đều không chính xác. Việc dùng nhục hình khi bắt giữ người (bắt người dù đúng hay không đúng trình tự, thủ tục luật định) đều bị cấm.
Trong hoạt động điều tra, v iệc đánh người mà không có hành vi cố ý gây ra thương tích cho nghi can thì sẽ bị xử tội dùng nhục hình. Còn việc đánh người với hành vi cố ý sẽ bị xem xét xử lý về hành vi tương ứng, không phải tội dùng nhục hình nữa. Ví dụ như điều tra viên hoặc cán bộ điều tra trong quá trình điều tra có hành vi trực tiếp xâm hại, gây tổn hại đến sức khỏe, tính mạng người khác sẽ bị xử tội giết người hoặc cố ý gây thương tích chứ không phải tội dùng nhục hình.
Đánh chết người với lỗi cố ý gián tiếp là giết người
. Trường hợp nghi can bị bắt giữ không đúng quy định pháp luật (bị bắt vào ban đêm, không có lệnh bắt, chưa bị khởi tố, không phải trường hợp bị bắt theo lệnh truy nã hay phạm tội quả tang), sau đó bị đánh đến chết tại trụ sở công an thì người thực hiện hành vi này sẽ bị truy cứu thế nào?
Trường hợp này đương nhiên sẽ bị xử lý hai trong ba tội: Tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật và tội giết người hoặc tội cố ý gây thương tích.
. Có thể viện dẫn vì phục vụ cho hoạt động điều tra nên nếu đánh chết người thì đó chỉ là xâm phạm các hoạt động tư pháp và bị xử lý về tội dùng nhục hình không?
Với tội dùng nhục hình, mục đích phải nhằm vào việc phục vụ cho hoạt động tư pháp. Ví dụ bịt miệng, nhốt vào phòng tối hoặc dùng khăn bịt miệng cho người đó sợ mà khai ra nhưng vì không may người bị nhốt không thở được rồi chết thì xem xét xử lý ở tội dùng nhục hình. Trong các loại tội xâm phạm hoạt động tư pháp, hậu quả là vô ý.
Hiến pháp 2013 quy định: Tính mạng con người được pháp luật bảo hộ. Không ai bi tươc đoat tính mạng trái luật. Trong ảnh: Người thân anh Ngô Thanh Kiều, người bị công an tỉnh Phú Yên đánh chết, tại phiên tòa xét xử năm công an tỉnh Phú Yên dùng nhục hình. Ảnh: TẤN LỘC
Nếu có hành vi như bóp cổ dẫn đến chết hoặc cầm cây, cầm dùi cui đập vào đầu dẫn đến chết người thì người có hành vi ấy phải bị xử về tội giết người (dù việc làm này với mục đích, động cơ là cho bị can khai ra, phục vụ việc điều tra, phá án nhanh chóng). Lỗi này luật gọi là lỗi cố ý gián tiếp (khoản 2 Điều 9 BLHS) - tức người thực hiện hành vi nhận thức được hậu quả có thể xảy ra tuy không mong muốn nhưng bỏ mặc cho hậu quả xảy ra. Hành vi cố ý này không bị xử lý về mặt động cơ mà bị xử lý về hậu quả. Nói cách khác, hễ có chết người xảy ra thì người có hành vi phải bị xử về tội giết người, dù với động cơ, mục đích nào.
Quyền bất khả xâm phạm về tính mạng của công dân
. Thực tế có nhiều trường hợp bắt người trước, hợp thức hóa giấy tờ sau, thưa ông?
Việc hợp thức hóa việc bắt giữ bằng cách sửa tài liệu là vi phạm tố tụng không thể chấp nhận được. Việc hợp thức hóa về sau cũng không đảm bảo phản ánh đúng sự thật, đúng vấn đề, bởi khi ghi biên bản thì địa điểm và thời gian đã đổi khác.
. Có ý kiến cho rằng thấy nghi can có dấu hiệu phạm tội nên bắt, còn lệnh bắt chỉ là thủ tục, không quan trọng?
Không thể chấp nhận dùng lời khai của người khác để xem nghi can này đương nhiên là tội phạm được. Hoạt động điều tra chỉ được tính từ sau khi khởi tố. Khi chưa bị khởi tố thì nghi can nằm ngoài vòng tố tụng, phải được đảm bảo đầy đủ quyền của một con người tự do. Xin nhắc lại, không một công dân nào bị truy nã nếu họ không bị khởi tố về một tội nào đó. Có nghĩa là cơ quan tố tụng có thể tình nghi ai đó có hành vi vi phạm pháp luật chứ không có quyền quy kết họ đã phạm tội để rồi tùy tiện bắt bớ.
. Nếu có hai người khai rằng người nào đó có hành vi phạm pháp cùng với họ thì cơ quan tố tụng có thể bắt để điều tra?
Bắt người phải có căn cứ, phải được VKS phê chuẩn. Cho dù có 10 lời khai mà chưa khởi tố thì người bị khai ra cũng không thuộc diện điều tra.
Xử loại tội xâm phạm hoạt động tư pháp là sai Hành vi của năm bị cáo nguyên là công an không phạm tội dùng nhục hình mà có dấu hiệu của loại tội xâm phạm quyền tự do, dân chủ của công dân (Chương XIII BLHS) và loại tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người (Chương XII BLHS). Cáo trạng nêu anh Ngô Thanh Kiều bị bắt lúc 3 giờ sáng. Đây là thời điểm ban đêm (theo quy định, ban đêm được tính từ 22 giờ hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau). Căn cứ khoản 3 Điều 80 BLTTHS, việc bắt người không được tiến hành vào ban đêm, trừ trường hợp bắt khẩn cấp, phạm tội quả tang hoặc bắt người đang bị truy nã (quy định tại Điều 81 và 82 BLHS). Trong trường hợp bắt khẩn cấp thì phải có lệnh và lệnh bắt phải ghi rõ ngày, tháng, năm, họ tên, chức vụ của người ra lệnh; họ tên, địa chỉ của người bị bắt và lý do bắt. Lệnh bắt phải có chữ ký của người ra lệnh và có đóng dấu. Việc bắt anh Kiều là không có lệnh. Như vậy những người thực hiện việc bắt anh Kiều đã thực hiện hành vi bắt, giữ người trái pháp luật. Theo Điều 131 BLTTHS (về hỏi cung bị can) thì điều tra viên hoặc kiểm sát viên bức cung hoặc dùng nhục hình đối với bị can thì phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 299 hoặc Điều 298 BLHS. Quy định này áp dụng cho những trường hợp đã có quyết định khởi tố bị can mà người tiến hành tố tụng đã có hành vi dùng nhục hình đối với bị can trong khi hỏi cung họ. Vụ án này, anh Kiều chưa hề bị chế tài bởi một lệnh hay quyết định tố tụng nào. Việc bắt, giữ anh Kiều là hoàn toàn trái pháp luật và đã xâm phạm quyền tự do, dân chủ của công dân. Hành vi này không phải là hành vi xâm phạm hoạt động tư pháp. Nói chính xác, hành vi bắt, giữ anh Kiều đã có dấu hiệu phạm tội bắt, giữ người trái pháp luật (Điều 123 BLHS). Động cơ đánh anh Kiều cũng giống như động cơ của người tiến hành tố tụng khi thực hiện hành vi dùng nhục hình trong khi hỏi cung bị can. Nhưng khách thể bị xâm hại là tính mạng của con người chứ không phải khách thể bị xâm hại là hoạt động tư pháp, tức là các hoạt động đúng đắn của các cơ quan điều tra, kiểm sát, xét xử và thi hành án. Vả lại anh Kiều không phải là bị can trong một vụ án. 72 vết thương trên thi thể anh Kiều cho thấy anh bị đánh rất dã man. Việc xác định tội danh phải căn cứ vào dấu vết, các thương tích bên ngoài cũng như bên trong cơ thể dẫn đến cái chết. ThS-LS TRỊNH MINH TÂN, nguyên Trưởng phòng Kiểm sát xét xử án hình sự VKSND TP.HCM TP.HCM từng xử vụ tương tự về tội giết người . Ông đã từng xét xử trường hợp nào tương tự như vậy chưa? Cách đây vài năm ở TP.HCM có vụ hai CSGT truy đuổi một nhóm đua xe trái phép nhưng khi bị thổi lại thì họ đã phản ứng, chống đối. CSGT đã dùng báng súng đánh vào đầu người vi phạm khiến người này chết vì chấn thương sọ não. Vụ này liên ngành tố tụng thống nhất khởi tố, truy tố và xét xử về tội giết người. Rõ ràng hành vi cầm một vật nguy hiểm đánh vào đầu người khác là xâm phạm đến tính mạng công dân, dù có nóng nảy cỡ nào cũng không thể biện bạch rằng đang thực thi công vụ.
Theo Phương Loan
Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh
Dược sỹ cuồng tình "tắm" người yêu bằng axit gây chấn động Sài Thành Biết An đã từng có vợ con, cô quyết định chấm dứt mối quan hệ yêu đương. Tuy nhiên, An một mực níu kéo, từ năn nỉ, cầu xin vẫn không thể lay chuyển ý định của Giao, hắn đã nhẫn tâm dùng ca axit tạt vào mặt bạn gái để cô không thể đến với ai khác. Chủ quán cà phê bị...