‘Một người vì mọi người…’
Trong giai đoạn dịch đang diễn biến xấu, mỗi một hành vi bất cẩn, vị kỷ, thiếu trách nhiệm đều như que diêm giấu ngọn lửa bên trong.
Ảnh minh họa
Ngay trong đêm nhận thông tin từ Đắk Lắk về nghi vấn có người “ bỏ trốn khỏi khu cách ly” sau khi tiếp xúc gần với 2 du khách Anh nhiễm Covid-19, trên đường từ Đà Nẵng về quê đã rời khỏi xe…, các PV Thanh Niên ở Đà Nẵng, Quảng Nam khẩn trương kết nối, xác minh. Nhưng thông tin quá “mờ”, đành tạm ngưng. Ngày hôm sau, khi tiếp cận báo cáo nhanh từ một huyện ở Đắk Lắk, trong đó tái khẳng định cô gái 26 tuổi làm việc ở sân golf là người “bỏ trốn”, PV Thanh Niên lại vào cuộc kiểm chứng.
Kết quả thật bất ngờ khi ông Nguyễn Tiên Hồng, Phó giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng, khẳng định không hề có chuyện chị ấy “bỏ trốn”, thậm chí đã rất hợp tác. Chị xuống xe để… quay lại cách ly, giờ vẫn đang cách ly tập trung tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng. Nhưng không phải vụ “né” cách ly nào cũng kết thúc có hậu như vậy.
Hôm qua 11.3, Công văn số 232/BVC-KHTH của Bệnh viện C gửi Trung tâm kiểm soát bệnh tật Đà Nẵng báo về vụ bệnh nhân 39 tuổi ở Q.Sơn Trà không đồng ý vào khu vực cách ly rồi “tự ý bỏ về” đã khiến nhiều người quan tâm. Rất may, địa phương đã kịp truy tìm địa chỉ và vận động, yêu cầu chị cùng 5 người trong gia đình tự cách ly tại nhà. Chị này được xác định thuộc diện tiếp xúc F2 sau khi dự hội thảo tại khách sạn có 2 du khách Anh dương tính SARS-CoV-2 lưu trú. Hai ngày trước đó, thêm chuyện đình đám của ông chủ tịch HĐQT một công ty có dự án năng lượng ở Quảng Trị “đánh tráo cách ly” và sau đó buộc phải đánh tiếng xin lỗi.
Khẩu hiệu “Chống dịch như chống giặc” mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra ngay từ đầu mùa dịch không chỉ dừng ở chủ trương lớn, như đưa công dân Việt Nam về nước, khai báo y tế toàn dân, kiểm soát du khách… Mà ngay ở mỗi cá nhân, rất cần những biểu hiện đồng bộ, từ chuyện giữ vệ sinh nơi công cộng, tuân thủ khuyến cáo của các cơ quan chức năng, thực hiện nghiêm ngặt quy định về cách ly…
Trong giai đoạn dịch đang diễn biến xấu, mỗi một hành vi bất cẩn, vị kỷ, thiếu trách nhiệm đều như que diêm giấu ngọn lửa bên trong. Lúc này, rất muốn nghe lại phương châm “Một người vì mọi người, mọi người vì một người” của những người lính ngự lâm trong tác phẩm của nhà văn Pháp Alexandre Dumas (cha). Chuyện từ giữa đầu thế kỷ 17, nhưng sang đến đầu thế kỷ 21 vẫn còn nguyên tính thời sự.
Video đang HOT
Theo Thanh niên
'Bệnh nhân 35' từng dự cuộc họp có 40 người
Sau khi bán hàng cho khách nhiễm nCoV, "bệnh nhân 35" đã dự họp công ty, mua sắm ở hai siêu thị, thăm nhà mẹ đẻ.
Theo bác sĩ Nguyễn Tiên Hồng - Phó giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng, cuối giờ chiều ngày 4/3, hai du khách Anh ("bệnh nhân 22" và "bệnh nhân 23") ghé siêu thị điện máy Xanh ở số 7 Nguyễn Văn Linh để mua sim điện thoại.
Dữ liệu camera giám sát cho thấy, nữ nhân viên 29 tuổi đã giao dịch bằng tiếng Anh với khách 10-20 phút. Cô gái có đeo khẩu trang, nhưng khi nói chuyện đã kéo xuống, còn hai du khách người Anh không đeo khẩu trang.
Cửa hàng điện máy Xanh số 7 Nguyễn Văn Linh đóng cửa, ngày 11/3. Ảnh: Nguyễn Đông
Nhà chức trách y tế Đà Nẵng xác định, sau khi khách rời siêu thị, nữ nhân viên tiếp tục làm việc đến 22h mới về nhà chồng ở đường Hoàng Diệu (phường Bình Thuân, quận Hải Châu). Từ ngày 5 đến 7/3, cô lên nhà bố mẹ ruột tại phường Hoà Thọ Đông (quận Cẩm Lệ) gửi con để đi làm.
Ngày 5/3, cô tham gia một cuộc họp tại trung tâm Thế giới di động số 325 Điện Biên Phủ (quận Thanh Khê) với khoảng 40 người, sau đó về nhà mẹ ruột và mẹ chồng.
Sáng 6/3, cô có triệu chứng ho khan nhưng tiếp tục đi làm và di chuyển qua lại giữa nhà mẹ đẻ và nhà chồng. 18h30 này 7/3, cô đi siêu thị Danavi Mart (tại đường Lê Đình Lý) cùng em chồng và tới khuya thì sốt nhẹ, mệt mỏi.
Sáng 8/3, cô sốt cao nên nghỉ làm. Chiều cùng ngày, cô đến Phòng khám Nội Bệnh viện Đà Nẵng. Các bác sĩ chẩn đoán bị viêm phế quản cấp, được cấp thuốc và cho điều trị ngoại trú.
Sáng 9/3, bệnh nhân đọc được thông tin hai người Anh nhiễm nCoV. Đối chiếu với hình ảnh camera cửa hàng, cô đã đi xe máy một mình đến Bệnh viện Phổi và được khuyến cáo tự theo dõi, cách ly tại nhà.
Trước khi về nhà, cô ghé siêu thị Vinmart ở đường Hoàng Diệu mua sắm. Tối cùng ngày, bệnh nhân được Trung tâm Y tế quận Hải Châu thăm khám, rồi tự lên Bệnh viện Phổi để cách ly. Kết quả test nhanh cho thấy cô đã nhiễm nCoV, trở thành "bệnh nhân 35".
Chiều 10/3, cô được chuyển đến điều trị tại khu cách ly Khoa Y học nhiệt đới (Bệnh viện Đà Nẵng).
Công an túc trực trước khách sạn Vanda, nơi đang cách ly 48 người tiếp xúc với hai người Anh nhiễm nCoV. Ảnh: Nguyễn Đông
Giải thích việc không cách ly ngay khi "bệnh nhân 35" đến khám, bà Ngô Thị Kim Yến - Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng cho biết, chiều 8/3, nữ bệnh nhân bị ho nhưng không biết mình đã nói chuyện trực tiếp với hai người Anh nhiễm nCoV. Hai ca bệnh này cũng chưa được công bố, nên Bệnh viện Đà Nẵng đã thăm khám thông thường, chẩn đoán viêm phế quản và cho thuốc để nữ bệnh nhân về điều trị ngoại trú.
Chiều 9/3, nữ bệnh nhân tự đối chiếu trên camera của siêu thị điện máy Xanh, có cảm nhận đã tiếp xúc với hai người Anh nên đã chạy xe máy lên Bệnh viện Phổi khám. "Khi đó chị này hoàn toàn khoẻ mạnh, không ho, không sốt nên bệnh viện thực hiện theo quy định 345 của Bộ Y tế là cho cách ly tại nhà", bà Yến nói.
Bệnh viện Phổi sau đó đã thông báo cho Trung tâm Y tế quận Hải Châu để giám sát bệnh nhân. Đến 17h, Trung tâm y tế quận đến thăm khám, khuyến cáo nữ bệnh nhân đến cơ sở y tế cách ly. 21h cùng ngày, bệnh nhân đến Bệnh viện Phổi và được cách ly ngay.
Theo bà Yến, cuối ngày 9/3, ngành y tế thành phố mới nhận được công văn 1126 của Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch, yêu cầu những trường hợp tiếp xúc gần thì được cách ly tại cơ sở y tế và lấy mẫu xét nghiệm. Sở Y tế đã tổ chức ngay một cuộc họp từ 19h đến 21h với trung tâm y tế quận huyện và các bệnh viện liên quan để triển khai. Lúc này, Trung tâm Y tế quận Hải Châu đến thăm khám cho "bệnh nhân 35" và động viên đi cách ly lúc 21h.
"So với điều trị và phòng chống dịch trước đây, Bộ Y tế đã nâng lên một cấp. Trường hợp "bệnh nhân 35" khi đến bệnh viện khám và sau đó về nhà ở trong giao điểm của việc thực hiện công văn 1126", bà Yến nói và cho rằng đội ngũ bác sĩ đã làm việc trách nhiệm nhất có thể để phòng, chống dịch.
Ngoài ra, theo nhà chức trách Đà Nẵng,việc rà soát những điểm đến của hai du khách Anh mất nhiều thời gian, do họ di chuyển nhiều, tiếp xúc với 119 người. Sáng 11/3, Ban chỉ đạo phòng, chống Covid-19 TP Đà Nẵng mới thông báo lộ trình có thêm siêu thị điện máy Xanh ở đường Nguyễn Văn Linh. Cửa hàng này đã đóng cửa.
Ông Đặng Văn Khánh - Chủ tịch phường Bình Thuận, cho biết sáng nay 4 người trong gia đình "bệnh nhân 35" (chồng, mẹ chồng, em chồng và con) được đưa đi cách ly tại Trung tâm y tế quận Hải Châu. Nơi ở của bệnh nhân được phun thuốc khử trùng. "Chúng tôi đang chờ thành phố công bố dịch để khử trùng khu vực xung quanh", ông Khánh nói.
"Bệnh nhân 35" là ca dương tính nCoV thứ 3 tại Đà Nẵng. Tại Việt Nam, 16 ca nhiễm bệnh đã được chữa khỏi, chưa có trường hợp tử vong.
Nguyễn Đông
Theo VNE
Đà Nẵng không cách ly ngay bệnh nhân COVID-19 'số 35' vì chủ quan? Khi có triệu chứng ho, chị N.T.T.N. - 'bệnh nhân số 35' - đã tới bệnh viện khám và khai báo có tiếp xúc trực tiếp với ca nhiễm COVID-19 nhưng bệnh viện chỉ yêu cầu cách ly tại nhà, vì sao? Khách sạn Vanda (tòa nhà cao nhất hình) nơi 2 người Anh lưu trú nhiễm COVID-19 và bên cạnh là siêu...