Một ngày theo chân “mọt sắt” mưu sinh nghề đánh đu với tử thần
Chiến tranh qua đi nhưng hàng vạn tấn bom, mìn còn sót lại luôn rình rập đe dọa tính mạng của người dân. Thế nhưng, hằng ngày đội quân “mọt sắt” rong ruổi khắp nẻo đường tìm kiếm sự sống nơi chết chóc
Nhọc nhằn kiếp “mọt sắt”
Thật không khó để nhìn ra đội quân “mọt sắt”, bởi đặc điểm không lẫn lộn vào bất cứ ngành nghề nào. Mỗi một thành viên trong đội “mọt sắt” sau lưng được trang bị một bao tải, trước ngực vắt chéo chiếc quốc nhỏ (dụng cụ đào bới thành phẩm). Đôi tay cầm máy dò kim loại phát ra tiếng rè rè. Đặc biệt đôi tai được chắp thêm ống nghe (head phone). Cặp mắt đăm chiêu, mặt cúi gầm. Với đội quân “mọt sắt” mà nói khi dò được bom, mìn chưa phát nổ thay vì sợ hãi, họ nhảy cẫng lên reo vui như bắt được vàng.
Tháng 11, Tây Nguyên nắng như đổ lửa. Mặc cho sức nóng lan tỏa trên những cánh đồng A Bar, xã Trà Đa, TP. Pleiku (Gia Lai), đội quân rà phá bom, mìn hơn chục con người mưu sinh nghề phế liệu vẫn miệt mài với công việc.
Giữa khoảng không rộng lớn, mỗi người một góc lặng lẽ đào bới chỉ có tiếng gió lao xao xen kẽ âm thanh rè rè phát ra từ chiếc máy dò. Nổi bật trong đám “mọt sắt” đập vào mắt tôi một người đàn ông tuổi ngoài ngũ tuần oằn mình gồng gánh một bao tải “no căng” chiến lợi phẩm. Mặt đất nóng ran, người đàn ông với đôi chân trần nhón gót từng bước chậm chạp. Đôi tay bận rộn nắm chặt cần chiếc máy dò lỗi thời đều đặn khua qua trái, qua phải theo từng nhịp chân.
Anh Nguyễn Văn Ba – “thợ mọt sắt” ở Ea H’Leo (Đắk Lắk) sang tận Chư Prông (Gia Lai) chỉ để hành nghề
Thỉnh thoảng, chúng tôi lại thấy ông vội vã quẳng bao tải khỏi vai, quỳ gối, đôi tay vội vung cuốc sới tung mặt đất, nhặt từng mảnh kim loại đưa lên miệng thổi tung bụi đất bỏ vào bao. Chớp nhoáng khoảnh khắc ông vừa chiếm được chiến lợi phẩm, chúng tôi lân la giữa cánh đồng khô khốc bắt chuyện.
Thấy chúng tôi, người đàn ông bộ dạng khắc khổ, mồ hôi ướt đẫm, khuôn mặt đầy bụi đất ngửa mặt nhìn. Qua vài câu xã giao được biết ông tên là Lê Văn Tâm (tạm trú xã Chư Ă, TP. Pleiku), một người dân xứ Quảng lặn lội lên Tây Nguyên tìm kiếm vận may đổi đời từ nghề “mọt sắt” đầy khó nhọc.
Khẽ đưa tay quệt ngang giọt mồ hôi ướt đẫm trên mặt, không quên nở nụ cười đầy viên mãn, ông Tâm khoe một bao tải chất đầy chiến lợi phẩm: “Mọi hôm đi cả ngày muốn rã đôi chân chỉ được lưng chừng toàn phế phẩm loại sắt rỉ rẻ tiền. Hôm nay tôi gặp may chú ạ. Mới buổi sáng mà thu nhập cũng khá khá. Nghề này, phải nói là vất vả, thế nhưng hôm nào “trúng mánh” mỗi ngày thu nhập cả triệu bạc ngon ơ”.
Theo lời ông Tâm, các cơ sở thu mua hàng phế liệu, sắt thường được chia ba loại: Sắt tốt (sắt loại I) có giá từ 2.700 – 2.950 đồng/kg, sắt pha thiếc tốt như tôn, lon… (loại II) dao động từ 1.900 -2.100 đồng/kg và sắt pha kẽm chất lượng thấp (loại III): 1.400 – 1.500 đồng/kg. Như vậy, mỗi ngày chỉ cần “mót” vài chục kg sắt là đã có bộn tiền. Đó là chưa kể những hôm trúng mánh dò được bom loại lớn đến hàng tạ sắt, coi như cả tháng rủng rỉnh tiền tiêu. Nhiều người gặp may đào được kim loại như đồng, nhôm, đồ cổ khỏi phải bàn. Hơn nữa cái nghề mọi sắt chẳng cần phải học hành, kinh nghiệm gì cả. Mỗi người chỉ cần bỏ ra vài ba trăm nghìn là có ngay máy dò kim loại, 75 nghìn có ngay 1 đôi tai nghe tốt và vài chục nghìn để “tậu” 1 chiếc cuốc chim có thể hành nghề.
Video đang HOT
Nghề… “đánh đu” với tử thần
Ông Tâm chia sẻ: “Những người theo nghiệp “mọt sắt” cần tập cho bản thân tinh thần thép, sự “liều mạng” và một sức khoẻ tốt, đối đầu với sự khắc nghiệt của thời tiết”. Cái máu của dân “mọt sắt” chẳng khác gì dân đào vàng, tìm trầm, cứ nghe ở đâu có người mới trúng lớn lại lũ lượt kéo nhau đến, nhặt nhạnh những gì còn sót lại.
Hằng ngày, đội quân “mọt sắt” chia ra từng tốp nhỏ, rong ruổi khắp nơi dò tìm phế liệu. Tối đến mọi người tụ tập chia sẻ cho nhau kinh nghiệm, cách vô hiệu hóa thứ hủy diệt chết chóc ghê sợ. “Vẫn biết đối mặt với bom, mìn chằng khác nào án tử treo lơ lững nhưng họ vẫn nhảy cẩng lên reo hò hi hữu mỗi khi dò được quả bom, mìn còn sót lại”, ông Tâm cười cho hay.
Ẩn mình dưới tán cây cổ thụ né tránh cái nắng khốc liệt mùa khô Tây Nguyên, vừa nghỉ ngơi sau chặng đường dài. Chia sẻ về cuộc sống lang bạt của đời mình, ông Tâm kể: “Từ Quảng Ngãi, tôi lên Tây Nguyên đã gần 10 năm nay. Không nghề ngỗng, không chữ nghĩa và cũng không có lấy một mảnh đất cắm dùi, chỉ biết bám víu vào công việc nhặt sắt phế liệu cho dù biết rằng tai họa có thể ập lên đầu bất kỳ lúc nào.
Không đồng dính túi không theo nghề này biết làm gì trong lúc đói khát. “Nghiệp mọt sắt” đã và đang bắt bao con người vì miếng cơm, manh áo mà phải sống với nhiều nguy cơ có thể xảy ra bất kỳ lúc nào: mất mạng, sống kiếp người tàn phế… Chứng kiến những bài học ấy, ông Tâm lại càng hiểu hơn những manh nha giữa may rủi, sống chết trong cái nghiệp của mình.
Ông Lê Văn Tâm đang hành nghề “mọt sắt” trên cánh đồng A’Bar.
Châm lửa mồi thuốc, rít hơi thật dài, ông Tâm ngậm ngùi: “Rà kim loại kiểu như tụi tôi thì ai biết được ở dưới đất có thứ gì? Gặp mìn cũng mừng, nhưng thiếu kinh nghiệm, nóng vội nhẹ què quặt, nặng mất mạng như chơi, còn bỏ “ngang xương” thì lấy gì mà ăn, lấy gì nuôi con”.
Suốt ngày phải lân la ngoài nắng, gió, bất kể nơi nào, từ ruộng khô hay đến đồi cao, khe đá, anh Nguyễn Văn Ba từ huyện Ea H’Leo (Đắk Lắk) sang đến tận huyện Chư Prông (Gia Lai) chỉ để tìm sắt phế liệu. Là một người theo “nghiệp mọt sắt” khá gan dạ, nhưng anh Ba cũng không giấu được nỗi nghẹn lòng: “Tôi từ Đắk Lắk sang đây để kiếm thêm, nhưng anh không biết thì thôi, ai đã theo nghề này thì phụ thuộc rất nhiều vào vận mệnh: May và không may. May – có tiền đem về nhà, không may thì mất chân, mất tay hay là… chết!”.
Không phải ngẫu nhiên những người cùng nghề như anh Ba, ông Tâm “luyện” được cho mình thói quen “không sợ chết”, với một thính giác cực kỳ nhạy bén. Mỗi khi nghe tiếng máy dò lạc điệu từ “rè… rè…” chuyển sang một “tông” thấp hơn, thì gần như ngay lập tức họ đã biết kim loại hiện đang nằm ở dưới lòng đất nông hay sâu, nhiều hay ít? Thậm chí, chỉ cần một khoảnh khắc nhỏ nhoi trong tích tắc, họ cũng đã tính được bản thân mình phải vung cuốc chim lên bao lâu, mới nhặt được kim loại đang chìm trong lòng đất.
Liên quan đến công việc “mọt sắt” sự sống và cái chết chỉ cách nhau gang tấc, ông Tâm cho biết thêm: “Chẳng phải đâu xa, cha tôi vì theo nghề này tại huyện Mộ Đức (Quảng Ngãi) đã vĩnh viễn ra đi mà không giữ được trọn vẹn thi hài. Trong khi đó, nhiều bạn bè cùng nghề với tôi, có người đã mất đi một phần cơ thể mình. Mới đây, anh Trung (bạn cùng quê cũng đã “vĩnh biệt” cụt hai chân chỉ sau một nhát cuốc tìm sắt… Ai ngờ lại đụng phải một quả lựu đạn, khi đang lân la quanh dốc Hàm Rồng, xã Chư H’Rông (TP. Pleiku)”.
Nghiêm cấm hành nghề Trao đổi với PV, một lãnh đạo Công an xã Trà Đa xác nhận, thực tế ở xã đã từng xảy ra trường hợp người dân mưu sinh bằng nghề rà phế liệu đụng phải mìn mất mạng. Theo nguyên tắc người dân khi phát hiện bom, mìn phải khẩn trương báo cho cơ quan có thẩm quyền để giải quyết. Thế nhưng, trên thực tế những người hành nghề ra phế liệu khi dò được bom, mìn tự ý đào bới, xử lí để bán phế liệu không lường trước hậu quả. Hiện tại, chính quyền địa phương thực hiện nhiều biện pháp mạnh ngăn cấm, cưỡng chế đối với với những trường hợp hành nghề rà phế liệu trái phép trên địa bàn.
Hồ Nam
Theo_Người Đưa Tin
Mót sắt mưu sinh tại siêu dự án Formosa
Hàng trăm người dân thôn Đông Yên (xã Kỳ Lợi, H.Kỳ Anh, Hà Tĩnh), sau khi nhường đất cho dự án Formosa, không có ruộng đất canh tác, không có việc làm, đành chấp nhận quay trở lại khu vực dự án này, mót sắt mưu sinh bất chấp nguy hiểm.
Dong thuyền ra biển, lặn xuống độ sâu hàng chục mét để mót xái sắt - Ảnh: Nguyên Dũng
12 giờ trưa. Nhiệt độ trên bãi cát trắng tại cảng Sơn Dương (khu kinh tế Vũng Áng, H.Kỳ Anh) chạm ngưỡng 40oC. Hàng chục phụ nữ, đàn ông trung niên, có cả những người già, chạy theo những chiếc xe ủi đất, vật thải của siêu dự án Formosa, nhặt nhạnh từng mẩu sắt vụn, thanh thép đã hoen gỉ trộn lẫn trong đất cát. Cạnh đó, nhiều người cầm búa tạ, búa đinh, xà beng đập, nạy những khối bê tông để lấy vài ba mẩu sắt đang bị mắc kẹt trong đó.
Đàn bà đội nắng đập bê tông
Mỗi khi xe ủi, xe chở vật thải của siêu dự án Formosa đẩy, đổ đất cát có trộn lẫn "xái" sắt ra hướng sát cảng Sơn Dương là nhiều người xúm lại, chen lấn, nhanh tay lượm lặt bất cứ thứ gì có thể bán lại cho các đại lý thu mua đồng nát. Không có bất kỳ dụng cụ bảo hộ lao động nào phòng thân, tất cả những con người lam lũ tại đây, đều để tay trần đào bới, nhặt nhạnh từng thanh sắt thép, khuân vác từng mảng bê tông chứa sắt thép, dưới trời nắng bỏng rát, bụi phủ kín.
Người dân thôn Đông Yên mót sắt dưới cái nắng như đổ lửa tại dự án Formosa - Ảnh: Nguyên Dũng
Mặt mũi lấm lem cát bụi, chân phải đạp lên tảng bê tông, hai tay giữ chặt cán búa đinh, đưa cao quá đầu, rồi đập mạnh xuống tảng bê tông khô cứng, chị Mai Thị Tịnh (44 tuổi, thôn Đông Yên, xã Kỳ Lợi, H.Kỳ Anh), loạng choạng, suýt ngã vật xuống đất. Lấy lại thăng bằng, chị lại quai búa, cố đập thật mạnh, khiến mảng bê tông vỡ vụn, rồi nhặt vội những thanh sắt, cẩn thận để vào một chỗ. Khi thấm mệt, đói bụng hay khát nước, chị Tịnh và những "đồng nghiệp" của mình, lại chui vào những căn lều nhỏ, dựng tạm bợ trên bãi cát trắng cạnh cảng Sơn Dương để nghỉ chốc lát, ăn uống cầm hơi rồi lại tiếp tục công việc nặng nhọc.
Chị Tịnh cho biết đã nhiều năm nay, ngày nào chị và chồng là anh Nguyễn Trọng (46 tuổi), cũng miệt mài với nghề mót xái sắt tại siêu dự án này. Theo chị Tịnh, trước đây, gia đình chị và đông đảo bà con lối xóm đều bám biển mưu sinh, hằng ngày giong thuyền đi thả lưới, đánh bắt cá, tôm, cua, mực... bán kiếm tiền mua gạo, trang trải cuộc sống gia đình. Những nhà không đi biển thì trồng lúa, trồng khoai, tỉa bắp trên những thửa ruộng khoán. Từ năm 2008, gia đình chị Tịnh và tất cả người dân thôn Đông Yên phải chuyển lên khu tái định cư, nhường đất cho dự án Formosa. Nơi ở mới cách xa nơi ở cũ, cách biển đến 25 km, lại không có đất nông nghiệp để canh tác, thiếu công ăn việc làm, người dân phải bươn chải khắp nơi kiếm sống, trong đó nhiều người quay lại khu vực đang triển khai dự án Formosa mót sắt.
"Cùng đường mưu sinh nên mới phải làm công việc này chú ạ! Nghề mót xái sắt vất vả lắm. Chạy theo xe tải, xe ủi, tìm kiếm, nhặt nhạnh, đập từng mảng bê tông giữa nắng nóng, bụi bặm suốt cả ngày trời cũng chỉ mót được ít sắt vụn, kiếm được 50.000 - 200.000 đồng/ngày, tùy vào may rủi", chị Tịnh nói.
Đàn ông mất mạng vì lặn biển
Nhiều năm nay, trong quá trình thi công hạng mục đúc giếng chìm và một số công trình khác tại cảng nước sâu Sơn Dương, sắt thép rơi xuống biển không ít và những người thợ lặn tìm cách trục vớt, bán đồng nát. Ngoài việc nhặt nhạnh sắt trên cạn, không ít người bà con của chị Tịnh cũng giong thúng, thuyền máy ra ngụp lặn ở độ sâu hàng chục mét biển để "khai thác nguồn xái sắt" này.
Anh Hoàng Thắng (49 tuổi, thôn Đông Yên), một thợ lặn đã có hơn 2 năm trong nghề, cho biết so với những người mót "xái" sắt trên cạn, những người lặn biển tìm sắt thường "gặt" được thành quả cao hơn, nếu may mắn "trúng quả đậm", có thể kiếm cả nửa triệu mỗi ngày. Nhưng anh Thắng và những thợ lặn mưu sinh nơi đây cũng thấm thía, nghề lặn biển mót xái sắt, nguy hiểm gấp bội lần, nếu gặp bất trắc, nhẹ thì bị ngạt khí, nặng thì bị tàn tật hoặc tử vong.
Tháng 3.2015, anh Võ Xuân Lịnh (thôn Đông Yên) lặn biển tìm sắt mưu sinh. Trong lúc đang ở độ sâu hơn chục mét, vòi thở khí ô xy bất ngờ bị tụt khỏi miệng, anh Lịnh bị ngạt nước, bất tỉnh. Nhờ những bạn lặn đi cùng đưa lên bờ, cấp cứu kịp thời nên anh Lịnh may mắn thoát khỏi lưỡi hái tử thần trong gang tấc, nhưng cũng từ đó anh phải sống cuộc đời của một người bị tàn phế.
Theo ông Mai Văn Chất, Trưởng thôn Đông Yên, trong khoảng 7 năm trở lại đây, ở địa phương có 11 người tử vong vì gặp tai nạn trong lúc lặn biển mót sắt mưu sinh và 15 người bị tàn phế suốt đời.
Nguyên Dũng
Theo Thanhnien
Nuôi giấc mơ đổi đời từ phế liệu "Không có bằng cấp, học vấn thì ngoài công việc này chúng tôi còn có thể làm gì với số vốn ít ỏi", anh Phùng Thanh Thắng chia sẻ việc đến với nghề mua bán phế liệu để nuôi giấc mơ đổi đời. Thay vì mua vật liệu mới đắt tiền người đàn ông này đang chọn mua vật liệu cũ còn tốt...