Một ngày ở cùng gia đình 9 con ở Sài Gòn
Cuộc sống khó khăn, nhìn 9 đứa trẻ hồn nhiên đang dần lớn lên, vợ chồng anh Nguyễn Văn Hải (44 tuổi) và chị Huỳnh Thị Gái (37 tuổi, quê Long An) không khỏi xót xa khi nghĩ về tương lai của chúng.
Anh Hải mới 44 tuổi, còn chị Gái chỉ 37 tuổi nhưng đã có đến 9 đứa con, đứa lớn cách đứa bé chừng 12 tháng.
Năm 1997, anh Hải và chị Gái lấy nhau, thuê căn nhà ọp ẹp chừng 12m2 ở xóm lao động nghèo KP10, P.5, Q.8, TP.HCM để sinh sống. Một năm sau con trai đầu lòng chào đời. Gia đình anh, em nội, ngoại túng thiếu nên không giúp được gì. Khi con trai đầu lòng mới biết bò, chị mang bầu đứa thứ 2. Điệp khúc đẻ – mang bầu – đẻ cứ lặp đi lặp lại và 9 đứa trẻ chào đời trong 12 năm đối với vợ chồng này trôi qua rất… nhẹ nhàng.
Điều đặc biệt là 8 lần sinh trước chị đều lâm bồn tại căn nhà nhỏ, lần cuối cùng mới đến bệnh viện. Những em bé chào đời trong điều kiện khó khăn nhưng lại khỏe mạnh. Trong một lần sinh đôi, có một bé quá nhỏ nên đã mất ngay sau đó. Những đứa trẻ, đứa lớn nhất 15 tuổi, nhỏ nhất 3 tuổi cách nhau khoảng… 12 năm.
12 năm trải qua 8 lần sinh được 9 đứa con, anh Hải và chị Gái được xem như cặp vợ chồng đẻ “kỷ lục” ở TP.HCM. Hiện chị Gái đã triệt sản sau khi được chính quyền vận động, nếu không thì chắc chắn vợ chồng trẻ này còn sinh tiếp.
8 lần sinh đầu chị Gái đều lâm bồn tại căn phòng nhỏ, lần cuối cùng mới đến bệnh viện. Những em bé chào đời trong điều kiện khốn khó nhưng lại khỏe mạnh.
Video đang HOT
Hẻm nhỏ, nhà nhỏ, cửa chính nhiều nhà đối đầu, không gian sinh hoạt thiếu nên mọi người thường ra ngoài đầu đường ngồi cho đỡ oi bức. Căn phòng thuê với giá 800.000 đồng/tháng được che chắn bởi những tấm tôn gỉ sét, những tấm lợp nắng dọi, mưa dột.
Công việc chạy xe ôm của anh Hải hàng ngày kiếm được khoảng 100.000 đồng. Nhiều ngày ế khách coi như bữa ăn hôm đó không có gì. Ba đứa lớn đi nhặt ve chai mỗi ngày một đứa kiếm được 30.000 – 40.000 đồng để phụ tiền nhà, điện, nước hàng tháng. Còn chị Gái, trong 12 năm sinh nở, chị phải ở nhà chăm sóc cho cả một “tiểu đội” từ sáng đến đêm.
Nhìn những đứa trẻ nhà chị Gái chân đất, cởi trần, chạy đi chạy lại từ đầu đên cuối hẻm cả ngày phơi nắng mà thắc mắc không biết chị chăm sóc thế nào. Chị Gái cho biết: “Chúng ít khi bị ốm đau, tự chơi, tự ăn cơm khi nào thấy đói. Việc tắm rửa vào buổi chiều thì lần lượt từ lớn đến nhỏ. Chuyện cãi lộn, đánh nhau là thường xuyên, nhưng cũng nhanh qua. Ban đêm thì bạ đâu ngủ đấy, không dùng mùng mà để quạt cả đêm hoặc dùng nhanh muỗi. Mấy đợt dịch sốt xuất huyết xảy ra trên địa bàn nhưng gia đình tôi đều thoát cả”.
Mấy đứa con của chị đều nhuộm tóc vàng ươm. Chị Gái cho biết một tiệm hớt tóc ngoài đường nhuộm cho khi họ thừa… thuốc. Các bé đùa nghịch, trêu chọc, thể hiện yêu thương nhau rất hồn nhiên suốt cả ngày, lúc cười nói, lúc khóc vang cả xóm.
Sáng sớm, bé Nguyễn Ngọc Bảo (con thứ 7) đánh răng sau khi các anh chị đã đánh xong…
… Rồi đi lấy cơm ăn. Chị Gái cho biết, con của chị tự chơi, tự lấy cơm ăn khi nào thấy đói. Ngày ăn 2 bữa, lúc 10h sáng và 5h chiều.
Bé Nguyễn Thị Hồng Đào (3 tuổi), rất thích cởi trần, cứ mặc áo vào là cởi ra. Đào là út, rất tinh nghịch và dễ gần. Mấy đứa con của chị Gái đều nhuộm tóc vàng ươm. Chị cho biết một tiệm hớt tóc ngoài đường nhuộm cho khi họ thừa… thuốc
Bé Nguyễn Ngọc Chính vừa đi đá bóng ngoài đường về. Bé rất thích đá bóng, tinh nghịch và vui vẻ, được hàng xóm quý mến.
Bé Chính và bé Đào cùng nhảy điệu Gangnam Style rất điệu nghệ khi PV mở nhạc cho các bé nghe.
Đứa con thứ 2 Nguyễn Ngọc Ba (SN 2000), học đến lớp 4 phải nghỉ để kiếm tiền phụ gia đình; đứa con đầu và thứ 3 cũng đi nhặt ve chai. Hiện bé thứ 5 là Quỳnh Như và thứ 6 là Quỳnh Lan đang học lớp từ thiện ở chùa Liên Hoa, Q.8. (Trong ảnh: Bé Quỳnh Như xem lại bài tập. Em học ở chùa 6 năm nay mà vẫn ở ngưỡng lớp 2. Ước mơ của em là được vào học trường bình thường như bao bạn khác.
Mặc dù thỉnh thoảng có đánh lộn, chửi nhau, khóc lóc nhưng các bé cũng rất yêu thương nhau.
Chị Gái tắm cho bé út rồi giặt đồ, nấu cơm. Hai ngày chị Gái giặt đồ cho gia đình một lần. Còn về bữa ăn hàng ngày chỉ có cơm, 1 món mặn và món canh. Mọi chi phí ăn uống đều phụ thuộc vào ngày chạy xe ôm của chồng. Có bao nhiêu, ăn bấy nhiêu. Thiếu ăn, bênh tật không có tiền thì vay người quen mỗi người một ít. Hàng xóm tuy nghèo cả nhưng cũng thương các bé, thỉnh thoảng vẫn cho tiền ăn quà vặt.
Căn phòng chừng 12m2 này gia đình anh Hải đã thuê 10 năm nay với giá 800.000/tháng, còn điện gần 300.000 đồng/tháng, nước hơn 200.000 đồng/tháng. Căn phòng này cũng là nơi chào đời của 8 đứa trẻ.
Chiếc tủ lạnh người quen cho nhưng trống rỗng vì không có tiền mua đồ ăn dự trữ.
Nhìn những đứa trẻ vui chơi hồn nhiên, nhưng chúng không biết rồi tương lai của mình sẽ đi về đâu.
Theo vietbao