Một ngày làm… “ông câu”
Vừa chuẩn bị hành trang, “mồi màng” cho một ngày đi xa, phơi mình ngoài nắng gió, tôi vừa nghêu ngao hát: “Vua nước Sở một hôm lòng thanh thản/ Cởi long bào giả dạng một thường dân/Vác cần câu ra ngồi giữa thạch bàn/ Lòng vương giả mơ màng theo sóng nước”…
Anh Tám ở TP Vĩnh Long với chiến lợi phẩm “2 tay 2 tôm”.Tôi chợt nghĩ: Ngày xưa vua cũng khoái đi câu, huống gì giờ đây mình chỉ là một phó thường dân, thì vác cần đi câu có sá gì, có ai cười đâu mà sợ!
Riêng bà xã mỗi lần thấy tôi “khăn gói” ra đi là trêu chọc: “Đi câu làm chi cho mệt xác? Con cá nào cắn câu của ông chắc không có con mắt. Để tui xách giỏ ra chợ cho chắc ăn!”
Dù ai nói ngả nói nghiêng, đã hẹn với chiến hữu vào ngày nghỉ cuối tuần thì phải giữ lời. Thế là tôi lên xe trực chỉ hướng phà Đình Khao, tại đây các “cần thủ” nghiệp dư đã chờ sẵn. Chúng tôi qua phà thẳng tiến về hướng xã Đồng Phú (Long Hồ).
Con đường đan ngoằn ngoèo xuyên qua những khu vườn đưa chúng tôi đến đầu cồn thuộc ấp Phú Mỹ 1. Sông rộng mênh mông, bên kia là huyện Cái Bè của tỉnh Tiền Giang.
Với vị trí khá thuận lợi là dòng chảy ổn định, dòng nước mát trong theo con thủy triều lên xuống hàng ngày, rất thích hợp cho nuôi cá lồng bè.
Từ lâu bè cá của gia đình chú Sáu đã trở thành địa điểm lý tưởng của các đàn cá, tôm ngoài tự nhiên tìm đến, bởi nơi đây vừa khá an toàn, vừa sẵn có thức ăn từ các lồng bè rơi ra.
Còn nhóm đi câu nghiệp dư như chúng tôi do tạo được mối quan hệ tốt với chủ bè nên có điều kiện xuống bè để câu.
Video đang HOT
Dãy nhà bè đậu cách bờ vài chục mét được nối với bờ bằng chiếc cầu ván nhỏ, chông chênh. Chú Sáu chủ bè mái đầu bạc phơ, nước da rám nắng, cười vui vẻ tiếp chúng tôi. Ngoài sông gió bấc se lạnh thổi về, thời tiết này bất lợi.
Cá “làm biếng” cắn câu lắm đây! Vì vậy mồi đi câu mà các “cần thủ” mang theo cũng phải thật hấp dẫn, đó là những chú tép rong còn sống nhảy soi sói.
Ngoài ra còn có mồi trùn, chuối chín, ruột vịt… mới có thể dụ được đám cá tôm ngoài tự nhiên đang họp đàn quanh bè như cá vồ đém, cá chim trắng, cá cóc, cá mè, cá lăng nha, tôm càng xanh,…
Hơn nửa tiếng kiên trì buông cần, anh Tám ở TP Vĩnh Long vui mừng khoe “chiến lợi phẩm” là 2 chú tôm càng xanh.
Ở bè gần bên, 1 cần thủ cũng giật lên con cá chim trắng gần 2 ký, 1 con cá vồ đém nhỏ xíu nhưng háu ăn được ném trả về sông, chờ dịp khác.
Sau một hồi câu không thấy cá ăn, tôi nản chí bước vào nhà bè tìm ly nước mát.
Đưa ánh mắt xa xăm lên những rặng bần, chú Sáu nói tiếp: “Qua tết, khoảng tháng Giêng, tháng 2, kéo dài đến tháng 3 là đến mùa cá bông lau.
Nhánh sông Tiền bên này cá về ít hơn miệt bên sông Hậu- nhất là đoạn sông thuộc cù lao Tân Qui (huyện Cầu Kè- Trà Vinh), cù lao Mây (Trà Ôn).
Cá bông lau một loài cá ngon của sông Cửu Long sinh sống ở vùng nước lợ gần biển. Cứ khoảng thời gian này, như tiếng gọi vô hình của thiên nhiên hoang dã, cá ngược dòng tìm về những rặng bần quen thuộc để họp đàn, ăn trái bần chín rụng để thịt cá thêm đẫy đà, béo ngậy.
Chú cho biết, vài chục năm trước ở khúc sông Tiền này, nhiều người còn bắt được cá hô cỡ lớn. Ngày ấy, các loại cá ngoài thiên nhiên nhiều vô kể, cá nhỏ thì thương lái không thèm mua!
Năm ngoái vào khoảng giữa tháng 11, chú có nghe một ngư dân ở xã An Phước (Mang Thít), khi giăng lưới trên sông Cổ Chiên, đoạn cù lao Dài (xã Quới Thiện- Vũng Liêm) đã may mắn bắt được con cá hô nặng trên 125kg và bán được 314 triệu đồng (2,5 triệu đồng/kg)!
Rồi chú nhắc lại thời “hoàng kim”của nghề nuôi cá bè- khoảng năm 2008. Những năm ấy, cá được giá cao, dễ ăn lắm, mỗi bè cá kiếm vài trăm triệu là chuyện thường.
Chú thở dài ngao ngán: “Ngày nay, nhìn dòng sông thì chú em biết rồi đó! Cá lớn, cá ngon ngoài thiên nhiên cạn kiệt hết rồi. Hiện thời vào ban đêm ngoài sông lớn cát tặc quần dữ lắm.
Chúng vào sát bờ quăng gàu múc cát ầm ầm, là nguyên nhân làm sạt lở bờ sông, cá tôm nào chịu nổi, bị động ổ đành phải bỏ đi.
Ngoài ra, còn có nhiều ghe cào điện “càn quét” tới lui tận diệt mọi nguồn lợi thủy sản! Chú mong rằng vấn đề đảm bảo an ninh trật tự ở một xã đầu sóng, ngọn gió như Đồng Phú phải cần được quan tâm nhiều hơn nữa.
Ngồi trên bè một ngày cuối năm, chờ đợi cá đớp mồi, tôi thấy lòng mình nhẹ nhàng thanh thản, không phải bận tâm như vua nước Sở với cám cảnh “lòng dạ đàn bà”.
Có thể nói, đi câu cá là thú vui giải trí lành mạnh của nhiều người, vừa tập tính kiên nhẫn vừa “xả stress” nhưng quan trọng nhất được gần gũi, tiếp xúc với những người dân chơn chất, bao đời gắn bó với dòng sông, với đầu cồn cuối bãi.
Được trải lòng với họ để lắng nghe tiếng nói của những gia đình đã có 4- 5 thế hệ sinh sống nơi đây.
Dù thỉnh thoảng còn có xảy ra những bất đồng nho nhỏ giữa một vài người dân với doanh nghiệp, một số bà con với chính quyền, nhưng tất cả đang được dần dần tháo gỡ, bởi đa số bà con nơi đây đều có chung mong muốn làm sao cho quê hương mình ngày càng giàu đẹp, đồng lòng đúng như tên gọi của tiền nhân đã gửi gắm niềm tin khi đặt tên cho mảnh đất này- Đồng Phú!
Theo Trần Thắng (Báo Vĩnh Long)
Chỉ 8.000m2 ao nuôi cá kiểng mà lời tới 80 triệu đồng mỗi tháng
Ông Đặng Văn Sết, xã Mỹ Hội, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang chia sẻ thật tình: "Ngày trước, tôi cũng như nhiều hộ dân ở xã trồng lúa, sau trồng cây ăn trái, rồi chuyển sang nuôi cá thịt. Nhận thấy nuôi cá kiểng chi phí ít và rủi ro thấp nên tôi đã chuyển sang nuôi cá kiểng. Hiện tại với 8.000 m2 nuôi cá kiểng, mỗi tháng tôi thu lãi từ 60 - 80 triệu đồng".
Khoảng 3 năm nay, phong trào nuôi cá kiểng ở xã Mỹ Hội, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang phát triển mạnh, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Với con cá kiểng, nhiều hộ nghèo đã vươn lên làm giàu.
Ông Đặng Văn Sết có gần 10 năm nuôi cá kiểng cho biết: "Ngày trước, tôi cũng như nhiều hộ dân ở xã Mỹ Hội trồng lúa, sau đó lên liếp trồng cây ăn trái, rồi chuyển sang nuôi cá thịt. Nhận thấy nuôi cá kiểng chi phí ít và rủi ro thấp nên tôi đã chuyển sang nuôi cá kiểng. Hiện tại với 8.000 m2 nuôi cá kiểng, mỗi tháng tôi thu lãi từ 60 - 80 triệu đồng".
Nhờ nghề nuôi cá kiểng mà nhiều hộ nông dân xã Mỹ Hội, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang trở nên giàu có.
Thành công của ông Sết đã mở ra phong trào nuôi cá kiểng ở xã Mỹ Hội, từ đó giúp cho nhiều hộ thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Điển hình như anh Nguyễn Thành Lâm từ hai bàn tay trắng, sau 2 năm chuyển sang nuôi cá kiểng đến nay thu nhập mỗi tháng trên dưới 20 triệu đồng. Không nuôi với diện tích lớn, 500 m2 hồ nuôi cá kiểng của anh Đặng Văn Hùm cũng cho lãi từ 6 - 8 triệu đồng/tháng. Anh Hùm cho biết, nghề nuôi cá kiểng tuy vất vả nhưng thu nhập cao và ổn định.
Dù vậy, theo nhiều nông dân nuôi cá kiểng, cá kiểng thường mắc các bệnh như cháy đuôi, cháy mình, bọ mang. Ngoài ra, người nuôi phải thường xuyên thay nước, vệ sinh hồ để hạn chế bệnh phát sinh trên cá. Do đó, để nuôi cá kiểng mang lại hiệu quả cao, các nhà chuyên môn khuyến cáo người nuôi không nên chọn nuôi những giống cá thường mắc những chứng bệnh khó trị hoặc không trị được, chỉ chọn những giống cá kiểng dễ nuôi, thị trường tiêu thụ tốt như: Hồng nhung, rambô, bảy màu, hồng kim...
Chủ tịch UBND xã Mỹ Hội Lư Tấn Nhiều cho biết, mô hình nuôi cá kiểng đang mang lại hiệu quả kinh tế cao. Từ vài hộ nuôi ban đầu, đến nay mô hình đã phát triển rộng khắp trên địa bàn xã, với gần 20 hộ nuôi cá kiểng, diện tích 34.500 m2. Năm 2016, xã đã triển khai Dự án Phát triển mô hình sản xuất cá kiểng trên bề lót bạt. Theo đó, dự án đã hỗ trợ cho 12 hộ nuôi cá kiểng (mỗi hộ được hỗ trợ 30 con cá giống, 100 kg thức ăn); đồng thời mở các lớp chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho các hộ nuôi. Thời gian tới, xã sẽ tiếp tục hỗ trợ về con giống, thức ăn để phát triển mô hình nuôi cá kiểng ở địa bàn. Bên cạnh đó, xã đang xem xét thành lập hợp tác xã để tiết kiệm chi phí nuôi, mở rộng đầu ra cho cá kiểng.
Theo Quốc Tuấn (Báo Ấp Bắc)
Dừng dự án lấp sông Tiền xây công viên trái cây 350 tỷ đồng Huyện Cái Bè (Tiền Giang) cho biết đã dừng dự án lấn sông xây công viên trái cây, sau khi có ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Ngày 2/11, ông Nguyễn Quốc Thanh - Chủ tịch UBND huyện Cái Bè (Tiền Giang) cho rằng trước khi triển khai dự án lấn sông Tiền gần 10 ha làm công viên trái...