Một ngày khám phá núi Bà Đen: Xem gì, chơi đâu, ăn gì?
Có 6 ngôi chùa từ chân núi lên lưng chừng núi và một quần thể tâm linh lớn trên đỉnh, núi Bà Đen mang đến vô số trải nghiệm văn hoá tâm linh độc đáo.
Dưới đây là lịch trình chi tiết nếu bạn chỉ có 1 ngày để khám phá “nóc nhà Nam bộ”.
5h – 6h sáng: Săn mũ mây
Đây là một trải nghiệm được rất nhiều người, đặc biệt là các bạn trẻ yêu thích, bởi núi Bà Đen thường xuất hiện các hiện tượng mây rất hiếm gặp trên thế giới như mây thấu kính (mũ mây, mây đĩa bay), mây xà cừ, biển mây…
Mây trên đỉnh núi Bà Đen. Ảnh: Nguyễn Minh Tú |
Đặc biệt, hiện núi Bà Đen đang trong mùa săn mây đẹp nhất trong năm khi Tây Ninh vào mùa mưa. Chiều hôm trước mưa càng lớn bao nhiêu thì sáng sớm đĩa mây càng đẹp bấy nhiêu. Từ xa nhìn lại, đỉnh núi cao nhất Nam bộ như đội một chiếc nón mây khổng lồ bồng bềnh vô cùng ảo diệu và đẹp mắt.
6h-7h sáng: Đi cáp treo lên khu vực chùa Bà
Từ ga đi cáp treo sẽ có hai luồng di chuyển lên núi Bà Đen – một luồng di chuyển lên khu vực chùa Bà, một luồng di chuyển lên đỉnh núi. Nếu bạn chưa hành hương chùa Bà bao giờ thì nên đi cáp treo lên Chùa, sau khi hành hương xong thì từ Chùa sẽ có tuyến cáp treo lên đỉnh núi.
Tại khu vực chùa Bà có 5 điểm thờ Linh Sơn Thánh Mẫu Bồ Tát – một biểu tượng tâm linh tại Nam bộ, một chỗ dựa tinh thần vững chắc để người dân Nam bộ gửi gắm ước nguyện về sức khoẻ, tài lộc, sự may mắn. Hệ thống chùa gồm: chùa Long Châu Phước Trung, Linh Sơn Tiên Thạch Tự với Điện Bà kế bên, chùa Hoà Đồng, chùa Hang và chùa Quan Âm.
|
Linh Sơn Tiên Thạch Tự là ngôi chùa cổ nhất tại núi Bà Đen. Ảnh: Sun World Ba Den Mountain |
Tại đây, điểm thờ quan trọng mà bạn cần ghé là Linh Sơn Tiên Thạch Tự – ngôi chùa cổ nhất tại núi Bà Đen với tuổi đời 300 năm. Trước sân chùa là tượng Phật Bà Quan Âm khoác áo trắng, tay cầm bình nước cam lộ. Ngay bên cạnh chùa là Điện Bà được dựng lên từ một mái hang đá, chính điện thờ Linh Sơn Thánh Mẫu mặt đen.
Cũng ngay trước khuôn viên chùa là đại hồng chung, nơi rất nhiều người dân chọn ngồi dưới chuông để tĩnh tâm, nghe tiếng chuông và nguyện cầu giữa không gian thanh tịnh của chùa.
10h sáng: Đi cáp treo lên đỉnh núi và chiêm bái tượng Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn
Video đang HOT
Từ khu vực chùa Bà, bạn chỉ mất 5 phút để đi cáp treo lên đỉnh núi. Giữa không gian rộng lớn của đỉnh núi mây phủ, tượng Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn bằng đồng cao nhất châu Á hiện lên uy nghi với khuôn mặt hiền từ, tay trái cầm bình cam lộ biểu trưng cho sự ban phát phước lành, tay phải nâng lên bắt quyết Giáo hóa ấn, tượng trưng cho sự phù hộ độ trì cho chúng sinh.
|
Tượng Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn trên đỉnh núi. Ảnh: Nguyễn Minh Tú |
Ngay từ quảng trường rộng lớn, du khách có thể phóng tầm mắt nhìn ra toàn cảnh đồng bằng trù phú ẩn hiện giữa biển mây. Cũng từ đây, du khách sẽ lạc vào miền đất Phật an yên với khung cảnh thiền định và những lối đi bạt ngàn hoa bung nở suốt bốn mùa.
12h: Trải nghiệm ẩm thực đa dạng
Trên đỉnh núi Bà Đen có rất nhiều lựa chọn ẩm thực hấp dẫn. Thử các món ăn nhanh như phở, bánh mì, xúc xích, bánh pizza, cơm gà… ngay tại khoảng sân mây phủ và ngắm thiên đường hoa là một trải nghiệm vô cùng thú vị.
Đặc biệt, kem Bà Đen là một món ăn phải thử tại đây với những tạo hình vô cùng độc lạ của núi Bà như nhà ga cáp treo, cột mốc 986m, cáp treo hay hoa sen, với nhiều hương vị cốm, chanh dây, socola, dâu… thơm mát.
Buffet là một lựa chọn ẩm thực hấp dẫn trên đỉnh núi Bà Đen. Ảnh: Sun World Ba Den Mountain |
Một trải nghiệm ẩm thực khác được rất nhiều lựa chọn là ăn buffet tại nhà hàng Năm Châu, với hàng trăm món ăn Âu – Á là sự kết hợp giữa ẩm thực truyền thống và hiện đại. Nếu chọn ăn buffet, bạn nên mua combo vé cáp buffet tại khu vực ga đi cáp treo để hưởng mức giá ưu đãi.
14h: Khám phá triển lãm Phật giáo
Ngay dưới chân tượng Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn là một trung tâm triển lãm Phật giáo 4 tầng rộng lớn.
Tại tầng 1, trải nghiệm không thể bỏ qua là xem phim 3D mapping về sự hình thành của vũ trụ dưới lăng kính Phật giáo trên màn hình mái vòm có đường kính 20 mét ứng dụng công nghệ hiện đại hàng đầu thế giới.
Tại tầng 2, có 16 thiết bị trình chiếu 3D hologram hiện đại, nơi du khách có thể chiêm ngưỡng mô hình 16 ngôi chùa nổi tiếng tại Việt Nam. Cũng ngay tại đây, du khách còn có thể tham quan gian phòng đặc biệt của các trụ Kinh Luân (bánh xe cầu nguyện).
Chiếu phim 3D mapping về sự hình thành của vũ trụ. Ảnh: Sun World Ba Den Mountain |
Tầng 3 là không gian trưng bày các phiên bản mô phỏng những tác phẩm nghệ thuật Phật giáo kinh điển, trong đó có nhiều pho tượng Phật được phóng tác theo nguyên bản đặc biệt nổi tiếng của Ấn Độ, Tây Tạng, Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản…
Tầng 4 là nơi lưu giữ Xá lợi Phật Thích Ca do Liên đoàn Phật giáo thế giới tại Bồ Đề Đạo Tràng Ấn Độ trao tặng Việt Nam vào năm 2014. Với các Phật tử, được chiêm bái ngọc xá lợi Đức Phật là một phước báu hiếm có.
Tại khu giảng pháp dưới lòng đất, du khách sẽ chiêm bái cụm 5 trụ kinh bằng đá granite đen kim sa, điêu khắc tâm kinh Bát Nhã bằng chữ vàng, trong đó, trụ kinh lớn nhất có đường kính 2m và cao 19,8m vươn thẳng lên giữa đĩa nước lớn nhất tại quảng trường rộng lớn dưới chân tượng Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn.
17h: Tham gia nghi lễ dâng đăng
Dâng đăng là nghi thức văn hóa tâm linh đặc trưng tại đỉnh núi Bà Đen được tổ chức vào tất cả các buổi tối thứ 7. Ngay từ khoảng 4-5 giờ chiều, hàng ngàn du khách đã tập trung tại quảng trường rộng lớn dưới chân tượng Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn, nhận những ngọn đăng hoàn toàn miễn phí từ nhân viên khu du lịch Sun World Ba Den Mountain. Bút và bàn viết được chuẩn bị sẵn để du khách tự tay ráp đèn đăng và viết lời nguyện ước.
Dâng đăng trên đỉnh núi Bà Đen. Ảnh: Sun World Ba Den Mountain |
Nghi thức dâng đăng sẽ diễn ra khi trời ngả tối, nơi hàng ngàn người xếp hàng nghiêm cẩn dưới quảng trường, tâm tĩnh tại trước ánh sáng lung linh của các ngọn đăng, cùng nguyện cầu bình an, may mắn, tạo nên một không gian vô cùng huyền ảo trên đỉnh thiêng.
Nếu đến núi Bà Đen trong mùa Vu Lan này, đừng bỏ lỡ đại lễ dâng đăng được tổ chức vô cùng quy mô và thiêng liêng để tỏ lòng tri ân và cầu bình an cho đấng sinh thành diễn ra vào tối Thứ 7, ngày 24/8. Đây cũng là dịp để du khách cùng trò chuyện với các bậc chân tu về đạo hiếu và xem chương trình nghệ thuật Phật giáo đầy ý nghĩa cho mùa Vu Lan báo hiếu.
20h: Xem show nhạc nước tại khu vực tôn tượng Bồ Tát Di Lặc
Sau nghi thức dâng đăng, du khách sẽ di chuyển xuống khu vực tôn tượng Bồ Tát Di Lặc, xem show nhạc nước sử dụng các thiết bị công nghệ hiện đại hàng đầu Việt Nam cùng hệ thống 1.450 đèn chiếu sáng vô cùng ảo diệu.
Show nhạc nước bên tượng Bồ Tát Di Lặc. Ảnh: Đỗ Thành Nhân |
Show mang đến các hoạt cảnh đặc sắc lấy trung tâm là tôn tượng Bồ Tát Di Lặc bằng đá sa thạch lớn hàng đầu thế giới. Show diễn đậm sắc màu thiền định sẽ kết thúc một ngày khám phá núi Bà Đen của du khách bằng một cảm xúc vô cùng an yên, thư thái.
Bản du lịch cộng đồng dưới chân núi Sơn Bạc Mây, Lai Châu
Cách thành phố Lai Châu khoảng 30km có một bản người Mông đẹp thơ mộng; bản nằm dưới chân núi Sơn Bạc Mây, đỉnh núi có độ cao trên 1500m so với mực nước biển, quanh năm mây mù bao phủ.
Đó là bản Sin Suối Hồ, xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ (Lai Châu), địa danh này nổi tiếng với cách làm du lịch cộng đồng. Song một điều ít ai biết, Sin Suối Hồ là bản còn lưu giữ được những giá trị văn hóa truyền thống vẹn nguyên như: kiến trúc nhà trình tường, hàng rào đá, nghề rèn, dệt vải, vẽ hoa văn sáp ong lên vải chàm... Phụ nữ Mông chuẩn bị đón khách
Ngày nay, nhiều chị em vùng cao không mặn mà với việc se lanh dệt vải. Thực tế, chỉ cần ra chợ, bà con dễ dàng tìm mua cho mình bộ trang phục truyền thống may sẵn. Những năm trở lại đây, khách du lịch tìm về Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu không chỉ để nghỉ dưỡng mà với họ được trải nghiệm khám phá tục làm trang phục thổ cẩm truyền thống của bà con nơi đây là điều thật thú vị.
Chúng tôi lên Sin Suối Hồ vào một ngày cuối tuần, đồng chí Sùng A Lùng - Phó Chủ tịch UBND xã Sin Suối Hồ chỉn chu trong trang phục truyền thống người Mông, anh niềm nở đón chúng tôi trong tâm thế của vùng đất làm du lịch: thân thiện, cởi mở và mến khách. A Lùng dẫn chúng chúng tôi gặp cụ Giàng Thị Cang 82 tuổi, bản Sin Suối Hồ, người "cất giữ" những tinh hoa độc đáo trong nghề làm áo váy thổ cẩm truyền thống của người Mông vùng này. Cụ Cang kể: Nghề dệt vải lanh làm thổ cẩm của người Mông có từ rất lâu. Con gái xứ này lớn lên ai cũng biết se lanh, dệt vải và cây lanh có ý nghĩa rất lớn trong đời sống sinh hoạt của cộng đồng Sin Suối Hồ. Đám cưới ở đây trang phục của cô dâu chú rể nhất thiết phải từ vải lanh mới thành, đó là truyền thống tổ tiên truyền lại. Ngoài trang phục cổ truyền trong các ngày lễ hội, thì vải lanh còn là chuyện tâm linh, là vật bất ly thân trong tang ma của đồng bào Mông. Bởi khi người Mông qua đời, trang phục mặc cho người chết lúc nhập quan phải là y phục làm từ vải lanh, như thế ở thế thế giới bên kia tổ tiên mới đón nhận họ.
Một trong những nét đẹp được du khách ghé thăm bản du lịch cộng đồng Sin Suối Hồ, Phong Thổ (Lai Châu) là hình ảnh bà con người Mông nơi đây thứ thái thêu vá bên những hiên nhà cổ truyền thống
Với người Mông Sin Suối Hồ, con gái trưởng thành phải biết se lanh, dệt vải, thêu thùa, phong tục ấy như một tiêu chuẩn để cộng đồng ghi nhận sự trưởng thành. Và như một tục lệ "bất thành văn" khi người con gái về nhà chồng phải tự tay dệt được hai bộ váy. Bộ thứ nhất mặc trong ngày rước dâu, bộ thứ hai dành tặng mẹ chồng để tỏ lòng kính hiếu công sinh thành nên người mình thương. Việc tự tay dệt hai bộ váy như để khẳng định sự khéo léo, đảm đang và giáo dục của truyền thống gia đình. Về phía nhà trai cũng phải chuẩn bị một bộ trang phục để đón nàng dâu mới và bộ váy này phải đích thân tay mẹ chồng hoặc người nhà bên chồng dệt.
Để hoàn thành một bộ y phục truyền thống của đồng bào Mông, bà con mất khá nhiều thời gian và công đoạn, kèm theo những phụ kiện bằng kim loại rất tốn kém. Một chiếc váy hoàn chỉnh, phải cần tới 5 vuông vải lanh khổ 20 vuông. Nhưng "linh hồn" làm váy Mông khoe sắc phải là kỹ thuật in thêu hoa văn bằng sáp ong. Công đoạn này rất cầu kỳ, tinh xảo, phải là những người già thuần thục mới có được kỹ thuật đó. Chị Sùng Thị Mẩy, một trong những người được các cao niên trong bản chân truyền những tuyệt kỹ về nghề này chia sẻ: "Sáp ong vốn đông cứng nên khi sử dựng phải đun chảy, rồi vẽ lên vải các họa tiết. Sau đó mang lanh nhuộm chàm, tới khi màu vải sẫm vừa đến, rồi đem nhúng vào nước sôi, khi ấy sáp sẽ tan ra và nổi các họa tiết lên vị trí đã vẽ. Lúc này trên nền màu chàm vải lanh sẽ xuất hiện các hoa văn óng ánh như những sợi bạc dát mỏng mà người thợ kim hoàn mới chế tác xong. Đây là công đoạn khá tỉ mỉ, ngoài sự khéo léo đôi tay, cần sự sáng tạo trong việc chọn sắp xếp các họa tiết sao cho phù hợp với từng trang phục theo lứa tuổi".
Độc đáo kỹ thuật vẽ hoa văn bằng sáp ong của người Mông Sin Suối Hồ (Phong Thổ) đến nay vẫn còn nguyên giá trị.
Năm 2018, chị Mẩy được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lai Châu mời làm giảng viên lớp học truyền dạy vẽ hoa văn bằng sáp ong tổ chức cho hơn 40 học viên tại bản. Thực sự khi tận mắt chứng kiến quy trình in sáp ong của chị Mẩy truyền cho các học viên mới thấy được sự công phu và tâm huyết đối với nghề truyền thống như thế nào. Ngoài hoa văn bằng sáp ong, váy Mông được tô điểm bằng tài khéo léo thêu thủa của các thiếu nữ. Đó là những đường chỉ thêu có màu sặc sỡ quanh viền váy, khấu áo, cổ áo tạo nên điểm nhấn cho mỗi bộ trang phục. Qua đường nét, hình thù sáp ong trên vải cũng phần nào nhận biết tính cách của người con gái.
Tại sạp hàng bày bán các trang phục thổ cẩm và đồ lưu niệm, chúng tôi có dịp trò chuyện với chị Sùng Thị Sua, bản Căn Câu (xã Sin Suối Hồ): "10 tuổi mình đã bắt đầu học cách se lanh, dệt vải, tập vẽ sáp từ bà và mẹ, những công đoạn, kỹ thuật đã ăn sâu vào tâm trí, lâu lâu không làm lại nhớ. Tuy làm trang phục thổ cẩm khá cầu kỳ và tốn kém, những đã là phụ nữ Mông thì phải biết làm se lanh, dệt vải, bà chúng mình dạy thế", Sua kể .
Từ khi xã có chợ phiên, và phát triển du lịch, Sua vui lắm, hàng ngày chỉ mong đến cuối tuần để được gặp gỡ trao đổi với mọi người. Thế nên sạp hàng của chị luôn đông đảo được du khách du lịch tới thăm. Nếu là du khách ở xa lần đầu đến Sin Suối Hồ khi gặp cô gái người Mông Hạng Thị Xú, chắc hẳn ai ai cũng cảm mến với em. Xú khá thạo Anh ngữ và am hiểu lịch sử địa phương nên em được bản giao làm hướng dẫn viên khi có khách ở xa về . Qua câu chuyện biết em đã có 2 năm làm du lịch ở Sa Pa, 2015, Sin Suối Hồ được công nhận là bản văn hóa du lịch cộng đồng, Xú quyết định về xã cùng bà con làm dịch vụ Homstay. Cùng với những kinh nghiệm tích lũy làm du lịch, Xú tích cực quảng bá địa danh Sin Suối Hồ tới bạn bè bốn phương. Hiện giờ, gia đình em là một trong những hộ tiên phong của bản làm du lịch cộng đồng đầu tiên ở Sin Suối Hồ. Nay cô gái bản Mông đã bén duyên với chàng trai Sài Gòn, nhưng quyết không "theo chồng bỏ cuộc chơi". Qua tâm sự được biết, hai bạn trẻ gắn bó cũng là tình yêu làm du lịch, và giờ Xú và ông xã đang có những dự định mới để du lịch Sin Suối Hồ phát triển hơn nữa.
Đến hẹn lại lên, cứ vào thứ bảy Sin Suối Hồ lại nhộn nhịp với cảnh chợ phiên, tại đây du khách thoải mái lựa chọn các sản phẩm thủ công do chính tay người dân làm ra. Du khách tới chợ phiên, ngoài không gian trong lành, ẩm thực phong phú, thì điều họ quan tâm là khám phá văn hóa truyền thống bản địa. Và nghề làm thổ cẩm với kỹ thuật in thêu hoa văn bằng sáp ong độc đáo từ lâu được bà con duy trì. Đó chính là một trong những điều trải nghiệm thực tế thu hút khách du lịch đến với Sin Suối Hồ.
Du khách thưởng thức văn nghệ tại bản
Cùng với sự phát triển mô hình du lịch cộng đồng, bà con Sin Suối Hồ luôn trân quý giữ gìn nghề truyền thống. Sẽ không còn lạ lẫm với khách quốc tế ghé bản với hình ảnh các cụ già cần mẫn chỉ bảo con cháu mình từng đường kim mũi chỉ, về những tinh hoa trong nghề thủ công truyền thống của dân tộc mình dưới những mái hiên nhà cổ: "Làm du lịch không khó, cái khó bà con mình biết giữ gìn bảo tồn văn hóa làm sao không đánh mất bản sắc như vậy du lịch mới thực sự bền vững" - Vàng Anh Chỉnh, trưởng bản Sin Suối Hồ khẳng định./.
Nét độc đáo của Làng Văn hóa du lịch cộng đồng Nặm Đăm Đến với làng văn hóa du lịch cộng đồng Nặm Đăm du khách sẽ có cơ hội được chiêm ngưỡng vẻ đẹp cảnh quan, một ngôi làng thanh bình yên ả nằm dưới chân núi cổng trời, được tìm hiểu khám phá các nét sinh hoạt văn hóa truyền thống độc đáo cùng với bà con người Dao nơi đây. Làng Văn hóa...