Một năm y bác sĩ bị bạo hành nhiều hơn 3 năm cộng lại
Năm 2017 xảy ra 13 vụ thân nhân bệnh nhân bạo hành y bác sĩ trong khi khám chữa bệnh, còn tổng cả ba năm trước đó có 12 vụ.
Tại hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện quy chế phối hợp đảm bảo an ninh, trật tự trong lĩnh vực y tế giữa Bộ Y tế và Bộ Công an, chiều 12/6, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết gần đây tình hình mất an ninh trật tự tại các cơ sở y tế diễn ra phức tạp. Mức độ bạo hành ngày càng có khuynh hướng táo tợn và nguy hiểm hơn. Ngoài ra, nạn trộm cắp, lừa đảo, cò mồi, giả danh nhân viên y tế, bắt cóc, gây rối trật tự công cộng, đập phá tài sản của các cơ sở y tế vẫn xảy ra.
Thống kê của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, số vụ bạo hành xảy ra trong năm 2017-2018 nhiều hơn so với các năm trước. Năm 2017 xảy ra 13 vụ, trong khi cả 3 năm 2014 – 2015 – 2016 tổng cộng 12 vụ. Bạo hành chủ yếu ở bệnh viện tuyến tỉnh (60%), 20% ở tuyến trung ương.
70% nạn nhân là bác sĩ, 15% là điều dưỡng. Tới 90% vụ bạo hành xảy ra khi bác sĩ đang cấp cứu, chăm sóc cho bệnh nhân, 60% xảy ra khi thầy thuốc đang giải thích cho bệnh nhân, người nhà.
Theo Bộ trưởng Tiến, tình trạng này ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng khám chữa bệnh của các cơ sở y tế và gây tâm lý hoang mang lo lắng đối với cán bộ y tế. Sự bất ổn về tình hình an ninh, trật tự trong bệnh viện cũng khiến người bệnh có cảm giác bất an, ảnh hưởng không tốt tới hiệu quả điều trị.
Video đang HOT
Ảnh camera ghi lại bố bệnh nhân đánh bác sĩ tại khoa Phẫu thuật Tạo hình, Bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội), năm 2018.
Theo đại diện Bộ Công an, 5 năm qua, hai Bộ đã phối hợp giải quyết hơn 1.000 đơn thư, 956 vụ việc phức tạp, phối hợp điều tra khởi tố trên 100 vụ vi phạm pháp luật hình sự liên quan ngành y tế. Trong đó có nhiều vụ án lớn, điển hình như Công ty trách nhiệm hữu hạn Vinaca tại Hải Phòng sản xuất thuốc điều trị ung thư từ bột than tre. Nhiều hành vi buôn lậu, làm giả hồ sơ để thay đổi nguồn gốc, xuất xứ thuốc; nhập vòng qua nước thứ hai (chủ yếu Hong Kong, Singapore) về Việt Nam nhằm nâng giá thuốc… bị phát hiện.
Hơn 5.000 trường hợp trộm cắp tài sản của bệnh viện, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân; đe dọa hành hung nhân viên y tế, đập phá tài sản bệnh viện, mê tín dị đoan, tán phát tài liệu tuyên truyền đạo trái phép… bị xử lý.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đề nghị hai Bộ tiếp tục phối hợp đảm bảo an ninh trật tự tại các bệnh viện, để thầy thuốc an tâm làm việc, bệnh nhân được điều trị và chăm sóc tốt nhất.
Lê Nga
Theo VNE
Nghề y - nghề bán hàng hay dịch vụ?
Hôm qua có bạn hỏi mình nghề y là nghề bán hàng hay dịch vụ? Mình rất ngạc nhiên bởi từ trước tới nay chưa bao giờ gặp những câu hỏi như thế. Câu hỏi ấy cứ làm mình suy nghĩ mãi.
Là người theo nghề y gần 20 năm, mình biết nghề y hiển nhiên không phải là bán hàng. Bởi lẽ, nghề y không có kẻ mua người bán, không có sản phẩm hàng hóa, không có quy luật kinh tế thị trường chi phối... Tất cả chỉ có niềm tin và sự hy vọng. Tin vào khả năng của y học, tin vào tay nghề của bác sĩ và hy vọng vào đạo đức lương tâm của người thầy thuốc, tin rằng tất cả mọi người đều được quan tâm, chăm sóc chữa bệnh, từ người nhiều tiền cũng như người ít tiền.
Cái có thể được mua bán ở đây chỉ là không gian phòng bệnh rộng rãi hơn, giường bệnh sạch đẹp hơn, nụ cười của nhân viên y tế tươi rói hơn, và... chỉ có vậy. Thứ duy nhất ngoài thị trường tự do tạm gọi là mua bán thì vi phạm đạo đức và luật pháp nghiêm cấm: Đó là mua bán nội tạng. Vậy nên, nghề y nhất định không phải là bán hàng.
Thầy thuốc luôn tận tâm vì sức khỏe của người bệnh.
Nghề y cũng không phải là dịch vụ. Bởi nếu hiểu nôm na dịch vụ là cung cấp những sản phẩm vô hình nhằm thỏa mãn nhu cầu phi vật chất của khách hàng thì nghề y chưa làm được.
Những sản phẩm vô hình như sức khỏe, chất lượng cuộc sống lại bị chi phối bởi quá nhiều yếu tố từ bên ngoài xã hội như thực phẩm ngâm tẩm hóa chất độc hại, ô nhiễm khói bụi trong không khí, nguồn nước bị nhiễm bẩn, vi khuẩn kháng thuốc. Như thế làm sao có thể đáp ứng tốt được các nhu cầu phi vật chất của mọi người? Bệnh viện còn quá tải thì đừng bao giờ nghĩ đến việc người bệnh vào nằm viện mà như nghỉ dưỡng hay hài lòng với chất lượng phục vụ.
Nghề y thực tế chỉ đang làm những công việc tối thiểu mà y học có thể làm được, đó là khắc phục hậu quả mà cuộc sống gây nên đối với sức khỏe con người. Nghề y không bán sức khỏe nhưng các thầy thuốc cùng với các thiết bị y tế, các phương pháp chữa bệnh, các loại thuốc... có thể giúp phục hồi chức năng các cơ quan trong cơ thể bị khiếm khuyết tổn thương hay suy yếu để người bệnh có lại được sức khỏe bình thường. Nhờ đó chất lượng cuộc sống của con người được nâng cao.
Trong thế giới tràn ngập thông tin như hiện nay, rõ ràng không thể chỉ nghe một chiều, nói một chiều hoặc áp đặt quan điểm của người này lên người khác mà cần phải có sự trao đổi, tranh luận... Qua đó, mới có thể cùng nhau tìm đến một quan điểm phù hợp nhất.
Chính vì vậy, chớ nên vì một vài quan điểm cá nhân, một vài lời nói bâng quơ tung trên mạng xã hội mà đã đồn thổi chuyện này chuyện kia mà hiểu nghề y một cách phiến diện, nhiều khi là bóp méo nghề y, bóp méo hình ảnh của những người thầy thuốc chân chính đang ngày đêm dốc toàn bộ sức lực và trí tuệ của mình để cứu chữa cho người bệnh.
Nghề y không phải là dịch vụ cũng chẳng phải bán hàng. Với mình, nghề y không chỉ là một nghề mà còn là nghiệp. Ai đã lỡ theo nghề y tức đã dính vào nghiệp y, khi ấy xem như họ phải giành trọn cuộc đời của mình để phục vụ nhân dân, phụng sự xã hội. Và đó chính là ý nghĩa hết sức cao quý và thiêng liêng của nghề thầy thuốc mà không gì có thể sánh được. Cũng chính vì trách nhiệm và lương tâm của người thầy thuốc mà những người thầy thuốc chân chính sẵn sàng xả thân vì người bệnh, sống trọn vẹn với nghề của mình.
Theo Zing
Bệnh nhân sống thực vật 14 năm bỗng nhiên mang bầu Theo RT ngày 4/1, Mỹ đang vào cuộc điều tra nghi án lạm dụng tình dục tại một cơ sở y tế ở Phoenix sau khi một nữ bệnh nhân sống thực vật 14 năm bỗng nhiên mang bầu và sinh con. Hình minh họa. Các nhân viên tại Trung tâm Chăm sóc Sức khỏe Hacienda, Phoenix cho biết, họ không hề biết...