Một năm Covid-19 khuynh đảo thế giới
Một năm qua, Covid-19 đã gieo hoảng loạn toàn cầu với hàng chục triệu ca nhiễm, tàn phá nặng nề kinh tế thế giới và thay đổi cách con người sống, tương tác.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) gọi Covid-19 là chu kỳ “hoảng loạn – lãng quên”. Mô hình điển hình của chu kỳ này là một loại bệnh truyền nhiễm bùng phát, chính phủ và giới chức y tế các nước phản ứng với hàng loạt chính sách, dịch bệnh được kiểm soát và biến mất, con người quên nó đi. Sau đó, chu trình trên tiếp tục lặp lại.
Đã 12 tháng trôi qua kể từ khi Covid-19 bùng phát tại Vũ Hán, Trung Quốc, rồi lan rộng ra toàn cầu, trở thành một cuộc khủng hoảng y tế. Đại dịch đã khiến hơn 1,6 triệu ca tử vong, hơn 73 triệu ca nhiễm và con số vẫn tiếp tục tăng. Các biện pháp phong tỏa nhằm kiềm chế dịch bệnh đã tàn phá nền kinh tế thế giới, việc làm và những mối quan hệ xã hội gắn kết con người với nhau.
Nhân viên nhà xác chuyển thi thể một bệnh nhân Covid-19 từ một trại dưỡng lão ở Brussels, Bỉ, hồi tháng 4. Ảnh: Reuters.
Đại dịch Covid-19 được cho là một trong 4 cú sốc kinh tế lớn nhất của thế kỷ 21.
Trước năm 2020, mô hình dự báo tinh vi nhất cho thấy một đại dịch tương tự cúm Tây Ban Nha năm 1918 có thể giết chết 71 triệu người trên toàn thế giới và làm giảm 5% GDP. Số người chết do Covid-19 có vẻ thấp hơn nhiều, nhưng ảnh hưởng đến GDP lại lớn hơn.
Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vào tháng 6, đến cuối năm 2020, GDP thế giới có thể thấp hơn khoảng 8% so với khi không có đại dịch. Thay vì tăng 3%, GDP sẽ giảm khoảng 5% – lớn nhất kể từ sau Thế chiến II. Năm 2009, khủng hoảng tài chính chỉ khiến GDP toàn cầu mất 0,1%.
Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo GDP các nền kinh tế có thu nhập thấp và trung bình sẽ giảm năm nay, lần đầu tiên trong ít nhất 60 năm. 89 triệu người sẽ bị đẩy vào tình trạng nghèo cùng cực, tăng 15%.
Nợ công tăng vọt. IMF dự báo tỷ lệ tổng nợ công trên GDP của các nền kinh tế tiên tiến sẽ tăng từ 105% vào năm 2019 lên 132% vào năm 2021.
Trong báo cáo của hai nhà kinh tế học thuộc Đại học Harvard David Cutler và Lawrence Summers, đăng hồi tháng 10 trên Tạp chí Hiệp hội Y khoa Mỹ, họ gọi Covid-19 là virus 16 nghìn tỷ USD. Đây là thiệt hại kinh tế ước tính của đại dịch đối với riêng nước Mỹ. Nó lớn hơn cả giá trị tổng sản phẩm quốc nội (GDP) 14,3 nghìn tỷ USD của Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Báo cáo cho rằng “thiệt hại kinh tế to lớn của Covid-19 là động lực thúc đẩy việc suy nghĩ lại một cách cơ bản vai trò của chính phủ trong công tác chuẩn bị đối phó đại dịch”.
Một nghiên cứu hồi tháng 7 của Liên Hợp Quốc chỉ ra rằng suy thoái kinh tế từ đại dịch Covid-19 có thể đẩy 130 triệu người đến cảnh chết đói vì nó phá vỡ chuỗi cung ứng thực phẩm.
Về chính trị , một trong những tác động lớn nhất của Covid-19 là nó làm gia tăng sự phụ thuộc của các nước vào những tổ chức quốc tế như WHO, theo tiến sĩ Begum Burak từ Đại học Marmara ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ.
Bên cạnh đó, sức tàn phá khủng khiếp của đại dịch đã thúc đẩy các quốc gia tăng cường hợp tác với nhau nhằm hạn chế tối đa những ảnh hưởng tiêu cực. Khi vaccine Covid-19 được điều chế thành công, nhu cầu hợp tác nhằm phân phối vaccine tới khắp thế giới càng trở nên cấp thiết.
Tuy nhiên, sau khi đại dịch trôi qua, các nước được cho là sẽ theo đuổi những chính sách kinh tế khép kín hơn. Hợp tác kinh tế có thể giảm trong khi hợp tác về khoa học sẽ gia tăng.
Một tác động khác của đại dịch đối với quan hệ đối ngoại nằm ở những tiến trình ngoại giao. Trước Covid-19, các vấn đề liên chính phủ thường được tham vấn trực tiếp. Tuy nhiên, trong và sau đại dịch, vai trò của công nghệ và Internet đã trở nên quan trọng hơn. Các hội nghị trực tuyến ngày nay chiếm ưu thế hoàn toàn trong quan hệ ngoại giao quốc tế.
Về quan hệ các nước, Covid-19 đã đặc biệt khoét sâu căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc, tiềm ẩn nguy cơ nổ ra một cuộc “Chiến tranh Lạnh mới” giữa hai cường quốc. Tổng thống Mỹ Donald Trump cáo buộc Bắc Kinh giấu giếm thông tin khi dịch mới bùng phát, khiến Covid-19 lan rộng ra toàn cầu. Ông thậm chí gọi nCoV là “virus Trung Quốc”. Bắc Kinh trong khi đó một mực bác bỏ. Hàng loạt cuộc khẩu chiến đã nổ ra giữa đôi bên liên quan đến đại dịch.
Đại dịch Covid-19 đã tạo ra sự gián đoạn hệ thống giáo dục lớn nhất trong lịch sử , ảnh hưởng tới gần 1,6 tỷ người học trên toàn cầu tại hơn 190 nước trên tất cả các châu lục.
Việc đóng cửa trường học và những không gian học tập khác tác động tới 94% số học sinh, sinh viên toàn thế giới. Tỷ lệ này lên đến 99% tại các nước có thu nhập thấp và dưới trung bình, theo báo cáo hồi tháng 8 của Liên Hợp Quốc.
Cuộc khủng hoảng làm trầm trọng thêm sự chênh lệch về giáo dục khi nó làm giảm cơ hội tiếp cận của trẻ em, thanh thiếu niên và cả người lớn ở những nhóm dễ bị tổn thương nhất như người nghèo, người sống ở vùng nông thôn, người tị nạn, người khuyết tật…
Andreas Schleicher, Giám đốc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) về giáo dục và kỹ năng, cho rằng Covid-19 đã để lộ nhiều bất cập và bất bình đẳng trong hệ thống giáo dục trên toàn thế giới. “Những học sinh có hoàn cảnh khó khăn đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng và mọi quốc gia nên làm nhiều hơn nữa để đảm bảo tất cả trường học có đủ nguồn lực cần thiết giúp học sinh có cơ hội học tập và thành công như nhau”, Schleicher nói.
Video đang HOT
Giới chuyên gia cảnh báo hệ lụy của việc không thể duy trì học tập có nguy cơ kéo dài nhiều thế hệ, xóa bỏ những tiến bộ giáo dục đã đạt được trong nhiều thập kỷ.
Nhưng mặt khác, Covid-19 cũng kích thích đổi mới trong ngành giáo dục. Nhiều phương pháp tiếp cận sáng tạo được thúc đẩy như học tập qua radio, truyền hình. Hàng loạt giải pháp đào tạo từ xa được phát triển nhờ phản ứng nhanh chóng của chính phủ và các đối tác giáo dục trên khắp thế giới nhằm hỗ trợ nền giáo dục đa sắc thái.
Về y tế, WHO cảnh báo những thành tựu nhân loại có nguy cơ bị xóa sổ khi 90% quốc gia gián đoạn y tế vì Covid-19.
“Tác động của dịch Covid-19 tới các dịch vụ y tế thiết yếu rất đáng lo ngại”, báo cáo công bố hồi tháng 8 của WHO lưu ý. “Những thành tựu trong lĩnh vực y tế đạt được trong hai thập kỷ qua có thể bị xóa sổ chỉ trong thời gian ngắn”.
Theo cuộc khảo sát thực hiện giữa tháng 5 và 7 tại hơn 100 quốc gia, các dịch vụ y tế quan trọng ở hầu hết các nước đều bị gián đoạn, đe dọa tính mạng cả những người không nhiễm nCoV. Các nước thu nhập thấp và trung bình chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
70% dịch vụ tiêm chủng định kỳ ở các nước được khảo sát chịu tác động từ dịch Covid-19, theo sau là kế hoạch hóa gia đình (68%), chẩn đoán và điều trị ung thư (55%), dịch vụ cấp cứu (25%).
“Sự chậm trễ đáng kể ở bất kỳ dịch vụ nào cũng có thể dẫn đến tác động tiêu cực lâu dài cho sức khỏe dân số”, cơ quan y tế Liên Hợp Quốc trụ sở tại Geneva cảnh báo. “Các tác động có thể lớn hơn những gì cảm nhận khi đại dịch đang diễn ra, bởi trong nỗ lực đáp ứng dịch vụ, nguồn lực y tế ở các nước có thể bị quá tải”.
Thời điểm đầu dịch mới bùng phát, tình trạng khan hiếm vật tư y tế trở nên phổ biến. Các quốc gia trên thế giới tranh nhau mua kit xét nghiệm Covid-19. Cùng với đó, các mặt hàng được săn lùng nhất là thiết bị bảo vệ cá nhân (PPE – Personal Protective Equipment) như bộ đồ bảo hộ, khẩu trang, máy thở và hóa chất dùng làm xét nghiệm. Nhu cầu về PPE gia tăng nhanh hơn tốc độ người bị lây nhiễm do số lượng và tần suất người sử dụng chúng rất cao.
Các nhân viên y tế trong đồ bảo hộ tại bệnh viện dã chiến Lôi Thần Sơn ở Vũ Hán, Trung Quốc, hồi tháng hai. Ảnh: Reuters.
Covid-19 cũng thúc đẩy một cuộc đua chưa từng có trong nỗ lực phát triển vaccine và hàng loạt kết quả thử nghiệm tốt hơn mong đợi gần đây làm dấy lên hy vọng đại dịch sắp bị chặn đứng.
Để kiềm chế dịch bệnh lây lan, hàng loạt quốc gia đã áp dụng nhiều biện pháp hạn chế và phong tỏa nghiêm ngặt . Điều này làm thay đổi đáng kể cách con người tương tác và tạo ra không ít tranh cãi.
Nhóm phản đối phong tỏa cho rằng bản thân biện pháp này đã trở thành một phần của vấn đề khi nó gây ra những tổn thất ngoài dự kiến, đặc biệt về kinh tế. Họ kêu gọi chính phủ các nước nên áp dụng cái mà họ gọi là biện pháp “bảo vệ tập trung” nhằm đạt “miễn dịch cộng đồng”.
Biện pháp hướng tới cô lập các nhóm được xác định là có nguy cơ cao nhất trước Covid-19, ví dụ như người già tại viện dưỡng lão hay những người có bệnh lý nền, trong khi vẫn cho phép những nhóm khác tiếp tục cuộc sống bình thường.
Tuy nhiên, nhóm phản đối cho rằng cách tiếp cận trên sẽ chỉ khiến Covid-19 lây lan mất kiểm soát.
“Khi nhìn vào Anh hay các nước châu Âu khác, bạn không cần đến một biểu đồ bệnh truyền nhiễm phức tạp mới có thể nhìn thấy rằng dịch bệnh đang tăng gấp đôi quy mô sau mỗi 4 ngày”, tiến sĩ Katharina Hauck từ Đại học Hoàng gia London cho hay. “Không mất quá nhiều thời gian để tính ra khi nào các phòng chăm sóc đặc biệt sẽ quá tải và đây là điều mà nhiều mô hình đã cho thấy. Vì thế, tôi nghĩ thực tế trên đã thuyết phục các nhà hoạch định chính sách rằng phong tỏa là biện pháp thay thế duy nhất”, bà nhấn mạnh.
Ngoài việc kìm kẹp cuộc sống, thay đổi các mối quan hệ xã hội, Covid-19 còn tác động không nhỏ tới sức khỏe tâm thần của con người . Theo nghiên cứu của các nhà khoa học Đại học Oxford đăng trên tạp chí Lancet Psychiatry hồi tháng 11, khoảng 20% bệnh nhân Covid-19 gặp các rối loạn tâm thần sau ba tháng mắc bệnh. Lo âu, trầm cảm, mất ngủ là những tình trạng phổ biến nhất.
Nỗi lo sợ bị nhiễm Covid-19 còn làm trầm trọng thêm các triệu chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD) ở những người đã được chẩn đoán mắc hội chứng này trước đó.
Một nghiên cứu của Tạp chí Rối loạn Lo âu, Mỹ, trên 394 cá nhân mắc OCD cho thấy 72% số người tham gia bị gia tăng các triệu chứng giữa cuộc khủng hoảng Covid-19. Virus cũng tạo ra các triệu chứng OCD ở những người bị chẩn đoán mắc những hội chứng lo âu khác hoặc người dễ căng thẳng.
Để giải tỏa căng thẳng, nhiều người tìm đến các chất kích thích như ma túy và rượu mạnh. Đây là một hệ lụy khác do Covid-19 gây ra. Tại Mỹ, từ tháng hai đến tháng ba, số đơn thuốc benzodiazepines, một loại thuốc có thể gây nghiện dùng để trị chứng lo âu, hồi hộp, đã tăng 34%.
Một lo vaccine Pfizer được sản xuất tại Bỉ. Ảnh: BioNTech.
Về du lịch , theo báo cáo từ Liên Hợp Quốc hồi tháng 9, lượng khách quốc tế từ 1,5 tỷ lượt năm 2019 sẽ giảm từ 58 – 78% trong 2020, tương đương từ 850 triệu đến 1,1 tỷ lượt. Trước đó, Liên Hợp Quốc dự đoán ảnh hưởng của Covid-19 đến ngành du lịch toàn cầu có thể gây ra thiệt hại từ 910 đến 1,2 nghìn tỷ USD và đe dọa hơn 120 triệu việc làm.
Thực tế, trong 5 tháng đầu năm, thiệt hại doanh thu du lịch toàn cầu là 320 tỷ USD, gấp ba lần mức sụt giảm trong đợt khủng hoảng kinh tế năm 2009. Thiệt hại trong du lịch có thể kéo GDP toàn cầu giảm từ 1,5 – 2,8%, tùy thuộc khả năng ngành công nghiệp này có thể trụ đến khi nào.
Thị trường du lịch chậm lại có xu hướng tác động nặng nề nhất đến những nước kém phát triển, đặc biệt là tại châu Phi và những hòn đảo nhỏ đang phát triển, nơi ngành du lịch chiếm tỷ lệ cao hơn trong GDP.
Rất lâu trước khi Covid-19 bùng phát, các chuyên gia đã cảnh báo về nguy cơ xảy ra đại dịch chết người toàn cầu. Tháng 9/2019, ngay trước khi loại virus corona mới xuất hiện, một nhóm nhà khoa học quốc tế cho biết trong một báo cáo rằng nỗ lực chuẩn bị cho đại dịch hiện nay là “hoàn toàn không đủ”.
Một năm trôi qua, các bài học đã được rút ra song quỹ đạo tương lai của đại dịch vẫn chưa chắc chắn. Michael Ryan, giám đốc điều hành Chương trình Y tế Khẩn cấp WHO, cảnh báo Covid-19 tốt nhất không nên trở thành một phần trong chu kỳ “hoảng loạn – lãng quên”. “Chúng ta không thể, không thể, không thể để thế giới lãng quên, bởi vì thứ tiếp theo ập đến có thể là điều tồi tệ nhất”, ông nhấn mạnh. “Covid-19 có thể chỉ là một điềm báo”.
Nhiều người Mỹ trả giá đắt vì Lễ Tạ ơn
Với việc nhiều người Mỹ đã mắc Covid-19 trong Lễ Tạ ơn, giới chức y tế đang cảnh báo công chúng - thậm chí là cầu xin họ - đừng lặp lại sai lầm tương tự trong mùa lễ hội cuối năm.
"Đây là mức tăng cao hơn mức hiện tại. Thành thật mà nói, đây là dấu hiệu cảnh báo cho tất cả", Ali Mokdad, giáo sư về khoa học đo lường sức khỏe tại Đại học Washington ở Seattle, cho biết.
Trên khắp nước Mỹ, những bệnh nhân mới thừa nhận rằng họ đã gặp gỡ nhiều người bên ngoài gia đình trong Lễ Tạ ơn, bất chấp những cảnh báo y tế rõ ràng đề nghị họ ở nhà và giữ khoảng cách với những người khác.
Số ca nhiễm tăng mạnh trở lại
Virus đã hoành hành ở Mỹ ngay cả trước Lễ Tạ ơn nhưng có dấu hiệu thuyên giảm. Thế nhưng, tỷ lệ lây nhiễm tăng trở lại kể từ đó, với số ca mới mỗi ngày thường xuyên ở mức hơn 200.000.
Hành khách tại sân bay O'Hare ở Chicago hôm 29/11. Ảnh: AP.
Mỹ đang tiến đến một chiến dịch tiêm chủng lớn phòng Covid-19, khi Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) đưa ra quyết định cuối cùng hôm 11/12 cho phép sử dụng khẩn cấp vaccine của Pfizer. Hơn 290.000 người Mỹ đã chết vì Covid-19 trong hơn 15,8 triệu ca nhiễm.
Chánh văn phòng Nhà Trắng Mark Meadows đã thúc ép giám đốc FDA Stephen Hahn cấp phép cho vaccine nói trên ngay trong ngày hoặc sẽ bị sa thải, theo hai quan chức chính quyền nói với điều kiện giấu tên.
Tổng thống Donald Trump, người từng nổi giận với FDA vì không phê chuẩn vaccine nhanh hơn, đã gọi cơ quan này là "con rùa to xác, già, chậm chạp". "Hãy cho lưu hành các loại vaccine đó ngay và luôn, bác sĩ Hahn. Hãy ngừng chơi trò chơi và bắt đầu cứu lấy tính mạng người ta", ông Trump viết trên Twitter.
Bác sĩ Hahn từng nói rằng ông sẽ làm theo "khoa học, không phải chính trị".
Sân bay LaGuardia ở New York hôm 25/11. Ảnh: AP.
Số ca tử vong do Covid-19 ở Mỹ trung bình 7 ngày là gần 2.260 ca/ngày, tương đương mức cao nhất hồi giữa tháng 4, khi khu vực thành phố New York trở thành điểm nóng. Theo một phân tích của AP, số ca mới đang ở mức khoảng 195.000 ca/ngày, dựa trên mức trung bình cuốn chiếu trong hai tuần, tăng 16% so với ngày trước Lễ Tạ ơn.
Tại bang Washington, lực lượng truy vết đã thống kê ít nhất 336 người có kết quả xét nghiệm dương tính cho biết họ đã tham dự các cuộc tụ họp hoặc đi du lịch vào cuối tuần Lễ Tạ ơn. Con số thực tế có thể nhiều hơn vậy.
Virus vẫn có thể ủ bệnh trong người bị phơi nhiễm khi đang trên đường về nhà vào chủ nhật sau lễ Tạ ơn; thời gian kết thúc hai tuần ủ bệnh là chủ nhật này (13/12).
Zana Cooper, 60 tuổi, từng vượt qua bệnh ung thư ở Murrieta, California, đã có kết quả dương tính với SARS-CoV-2 sau khi tham dự bữa tối Lễ Tạ ơn với gia đình bạn gái của con trai bà. Vào bữa tối, bố của cô bạn gái, người vừa đi đến Florida, cảm thấy không được khỏe và đi ngủ sớm.
Chủ nhật tuần sau, bà Cooper biết rằng ông ấy có kết quả dương tính.
Bà Zana Cooper. Ảnh: AP.
"Phản ứng đầu tiên của tôi là chửi thề. Tôi đã rất tức giận", bà nói. "Tôi đã rất buồn. Tôi đã tức giận. Tôi kiểu như 'Sao ông ta dám lấy mạng tôi bằng chính tay ông ta?'".
Bà bị sốt và nhức đầu, chảy nước mũi và mắt đỏ ngầu, những ngày gần đây cảm thấy khó thở hơn và bà đã phải sử dụng ống hít. Bà nói rằng bà tin mình đã mang virus về nhà cho con gái và hai đứa cháu, những người sống với bà và đang mắc bệnh mà bác sĩ chẩn đoán là Covid-19.
Ở Philadelphia, một phụ nữ ở độ tuổi 20 đã tụ tập với 10 người thân vào lễ Tạ ơn, mặc dù cô không cảm thấy khỏe vào ngày hôm trước. Sau đó cô có kết quả dương tính với Covid-19. Gia đình cô bắt đầu xuất hiện các triệu chứng và 7 thành viên có kết quả dương tính, theo bác sĩ Thomas Farley, lãnh đạo y tế của Philadelphia.
Hiệu ứng domino
Các đợt lễ hội tiếp theo có thể số ca nhiễm tăng thêm nữa. Các kỳ nghỉ liền kề bắt đầu vào tuần này. Hanukkah bắt đầu vào tối 10/12 và kết thúc vào ngày 18/12, tiếp theo là Giáng sinh, Kwanzaa và giao thừa.
"Đây không phải là lúc để mời những người hàng xóm đến ăn tối. Đây không phải là lúc để tổ chức tiệc tùng", bác sĩ Joshua LaBaer, nhà nghiên cứu của Đại học Bang Arizona, nói.
Tại các khu vực của bang New York, lực lượng truy vết thường xuyên nghe những người mới nhiễm bệnh nói rằng họ đã tham dự lễ Tạ ơn, Giám đốc Y tế Công cộng hạt Steuben, Darlene Smith, cho biết. Vẫn chưa biết họ đã lây nhiễm cho bao nhiêu người và bao nhiêu người cuối cùng sẽ phải nằm trên giường trong sự chăm sóc đặc biệt, cô nói.
"Đó là hiệu ứng domino", cô nói.
Vợ chồng Harry và Ashley Neidig. Ảnh: AP.
Harry và Ashley Neidig, sống ở Shepherdstown, bang West Virginia, xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 vào tuần trước. Hai nhân viên an ninh này tin rằng họ đã lây nhiễm từ một người nào đó khi đang làm việc nhưng không biết về việc này trước khi đón Lễ Tạ ơn với cả hai bên gia đình.
Vào thứ Ba sau Lễ Tạ ơn, Ashley Neidig, 25 tuổi, nhận thấy cô không thể ngửi thấy mùi thơm của sản phẩm tẩy tế bào chết toàn thân. Sau khi hai vợ chồng đi xét nghiệm, họ đã liên lạc với gia đình để cảnh báo. Harry Neidig, 24 tuổi, cho biết một số người đang chờ kết quả xét nghiệm và cho đến nay không ai khác có bất kỳ triệu chứng nào.
"Chúng tôi cảm thấy tồi tệ vì... chúng tôi lẽ ra nên xem xét kỹ hơn quyết định dự tiệc của mình", anh nói. "Đáng lẽ chúng tôi nên nói với gia đình rằng 'Với tính chất công việc, tụi con không thể cách ly như những người làm công việc văn phòng'".
Sự gia tăng số ca nhiễm mới trên khắp đất nước đang khiến các bệnh viện quá tải và khiến các y tá, nhân viên chăm sóc sức khỏe khác kiệt sức và mất tinh thần.
"Mệt mỏi một cách từ bi là từ tốt nhất để mô tả những gì chúng tôi đang trải qua", Kiersten Henry, y tá ICU tại Bệnh viện MedStar Montgomery ở Olney, Maryland, cho biết.
"Tôi cảm thấy chúng tôi đã chạy marathon, và đây là lần thứ hai của chúng tôi. Ngay cả những người lạc quan cũng cảm thấy chán nản vào lúc này".
Tòa thị chính Philadelphia. Ảnh: AP.
Trong khi một số bệnh viện đang chạy đua để có thêm giường và chuyển đổi phòng lưu trữ và những nơi khác thành nơi điều trị bệnh nhân, họ cũng đang đối phó với tình trạng thiếu nhân lực trầm trọng.
"Chúng tôi có thể có cách tạo ra giường mới", bác sĩ Lew Kaplan tại Trường Y Perelman thuộc Đại học Pennsylvania cho biết. "Chúng tôi không biết làm thế nào để tạo ra nhân sự mới".
Nga tiêm vaccine Covid-19 diện rộng từ tuần sau Putin yêu cầu giới chức y tế bắt đầu triển khai tiêm vaccine Covid-19 trên diện rộng từ tuần sau, cho biết Nga đã sản xuất gần hai triệu liều Sputnik V. "Tôi yêu cầu bà sắp xếp công việc để chúng ta bắt đầu tiêm chủng trên quy mô lớn trước cuối tuần sau", Tổng thống Putin nói với Phó thủ tướng...