Một mình ở trên cao
Nếu không may tôi ngã xuống, vợ còn khăng khăng làm theo ý mình không. Bố mẹ tôi có đòi hàng tháng phải gửi ngần đó tiền nữa không? Là tôi đã và đang khiến bố mẹ vợ con có suy nghĩ ích kỷ, tư tưởng hưởng thụ.
Tôi là con trưởng, từ bé tôi được ba mẹ dành cho mọi điều tốt đẹp nhất, đầy đủ nhất. Ví như tôi đang đi xe đạp, nay con em gái vào cấp ba cũng cần xe đạp đi học, bố mẹ sẽ mua xe mới cho tôi, và cái xe cũ sẽ là phần của em gái. Bố mẹ tôi giải thích, con gái mai kia gả vào nhà người ta, sinh con đẻ cái cho nhà người ta, là mất, còn con trai mai kia lấy vợ, sinh con mang họ nhà mình. Và về hậu, bố mẹ phải dựa vào con trai chứ dựa vào ai, nên ngay từ bây giờ bồi dưỡng vun đắp cho con trai thì có gì sai?
Tôi luôn học giỏi nhất nhì lớp, ra trường là có ngay việc làm với mức lương đáng thèm muốn. Không những nuôi được vợ con mà tôi còn lo được cho ba mẹ ở quê một cuộc sống sung túc. Ba mẹ, bà con luôn lấy tôi làm tấm gương sáng để học tập. Hàng xóm làng xã ghen tị và ngưỡng mộ. Về tới đầu làng là tôi được người ta chỉ trỏ như thể tôi là quan to quan lớn gì. Tiếng nói của tôi luôn có uy quyền và giá trị.
Khi công việc không thuận lợi, tôi không biết chia sẻ với ai. Ảnh minh họa
Thời gian rồi, công việc đột nhiên không thuận lợi, thu nhập giảm sút, tôi không biết chia sẻ nỗi lo của mình với ai. Vợ tôi từ lâu đã không đi làm, sinh hai đứa con rồi ở nhà cơm nước, bằng đại học bỏ đó cho nấm mọc, nếu tôi nói ra, vợ có thông cảm mà đi tìm việc gánh đỡ tôi hay không?
Sau gần một tuần mất ngủ, tôi quyết định nói với vợ. Chọn buổi tối cuối tuần, tôi đưa vợ con đi ăn ngoài. Lúc hai đứa trẻ chạy chơi trong khu thiếu nhi, tôi nói với vợ kế hoạch của mình. Vợ tròn mắt:
“Gì, giờ anh bắt em đi làm á? Và hàng tháng nhận chừng chục triệu tiền lương? Anh có biết bữa ăn vừa xong hết bao nhiêu tiền không?”
Lúc này tôi mới nhớ lại, vợ và thằng con trai lớn luôn tìm những món ăn lạ và… đắt. Nhà bốn người, hai vợ chồng và hai đứa con, đứa lên chín, đứa lên bốn mà hết gần triệu rưỡi. Thấy tôi không nói gì, vợ bắt đầu phân tích. Nếu vợ đi làm, với mức lương chục triệu, vợ sẽ phải đầu tư sắm sửa áo quần son phấn giày dép với con số gấp ba, có khi còn hơn. Có nghĩa ba tháng đầu vợ sẽ đi làm công không, trong khi phải tìm thuê giúp việc, thuê xe đón con. Từ tháng thứ tư trở đi, lương vợ chắc vừa đủ thuê giúp việc và đổ xăng, trong khi giúp việc là người ngoài, liệu có yên tâm mà giao cả nhà cả con cho người ta không. Chưa kể giúp việc có nấu nướng hợp khẩu vị của tôi và hai con không. Nhất là thời buổi này thuê giúp việc đâu dễ, thuê được mà người ta có ở với mình không, có sạch sẽ tin tưởng được không…
Tôi thấy như mình cô đơn một mình. Ảnh minh họa
Video đang HOT
Và vì tương lai của con, tôi đành quên đi ý định này.
Tôi về quê, nói ra ý định của mình với bố mẹ, rằng từ tháng sau tôi sẽ giảm khoản chu cấp cho đến khi nào công việc của tôi khả quan hơn. Tất nhiên khoản tiền tôi gửi hàng tháng vẫn đủ cho ông bà ăn uống, chi tiêu. Bố tôi giãy nảy:
“Giảm là giảm làm sao, mỗi tháng tiền thuốc của bố mẹ cũng gần hai triệu bạc, chưa kể mẹ đã hứa mỗi tháng sẽ cho mỗi đứa cháu một ít. Rồi làng xóm nhìn vào sẽ nói sao, đó giờ anh là người thành đạt, bố mẹ mát mày mát mặt, làm sao lại có chuyện cắt gì giảm gì!”
Tôi chán nản xách túi đi. Tôi phải làm sao với tình cảnh này. Đó giờ tôi luôn ở trên cao, một mình đón gió, tôi không được phép ốm, bệnh, cũng không được phép nghiêng ngả, tôi phải luôn là tượng đài bất khuất.
Tôi sực nhớ, không biết từ bao giờ tôi không được xem bộ phim nào vì ở nhà thì vợ con giành tivi, ra rạp thì vợ muốn tôi cùng xem phim hoạt hình với con, rằng đi xem phim thì vợ chồng con cái phải bên nhau. Tôi cũng không có thời gian cầm quyển sách thư giãn, bấy lâu tôi là cái máy, ngày nào cũng lặp lại ngần đó việc và không được phép sai lầm.
Ảnh minh họa
Là tôi mới gặp khó khăn mà đã không có ai đứng bên cạnh, nếu tôi thất bại hoàn toàn, thì vợ tôi có chịu đi làm gánh đỡ gia đình hay không. Đồng nghiệp tôi đã huấn luyện cho con làm việc nhà từ khi con bốn tuổi, đâu phải vợ đi làm là bắt buộc phải thuê giúp việc. Nói gở, nếu không may tôi ngã xuống, vợ còn khăng khăng làm theo ý mình hay không. Bố mẹ tôi có đòi hàng tháng phải gửi ngần đó tiền nữa không? Tôi lờ mờ nhận ra, chính tôi đã và đang khiến bố mẹ vợ con có suy nghĩ ích kỷ, tư tưởng hưởng thụ.
Nên ông bà mới nói, nghèo lên giàu thì dễ nhưng giàu xuống nghèo cực khó. Nhưng tôi không thể làm gì khác, tôi cũng đã cố gắng hết sức nhưng mọi chuyện chưa thấy tín hiệu nào đáng mừng, tôi biết làm sao?
Chỉ mong đợt khó này sẽ khiến ba mẹ vợ con biết nghĩ và hiểu, cũng là cũng là bài học cho tôi sau này. Rằng ở một mình trên cao rất lạnh, rất cô đơn và buồn tẻ, cần có thêm những gần gũi chia sẻ và yêu thương.
Hạnh Vân
Theo phunuonline.com.vn
Một mình đi qua giông bão
Dám yêu, dám sống, dám chịu trách nhiệm và luôn chủ động theo đuổi mục tiêu của mình là cách Chi chọn để tồn tại giữa cuộc đời xô bồ này. Cái kết hạnh phúc của Chi trở thành câu chuyện truyền cảm hứng cho nhiều bạn trẻ.
Ngô Kim Chi ngồi trước mặt tôi, cơ thể nhỏ bé với cái thai đang lùm lùm lớn lên từng ngày.
Cái bụng bầu, với Chi, như một niềm tự hào, hạnh phúc mà Chi luôn muốn phô ra, bởi để có thể trở thành mẹ như hôm nay, cô đã trải qua cảm giác từ cõi chết trở về sau rất nhiều lần phá thai - băng huyết rồi bị ung thư thai trứng.
Ngô Kim Chi hạnh phúc bên người chồng trẻ, kết thúc những tháng ngày đớn đau, kiệt quệ.
Vượt qua đớn đau để sống...
Tuổi trẻ bồng bột và cả tin, Chi yêu say đắm, dâng hiến tất cả cho tình yêu, nhưng gặp phải kẻ bội bạc, nên cuối cùng cô chỉ còn lại một mình với căn bệnh. Mới mười tám, đôi mươi, cuộc sống còn rộng mở, vậy mà khi "án tử" treo lơ lửng trên đầu, Chi không một lần nghĩ đến cái chết hay tuyệt vọng vì cô đơn, kiệt quệ tinh thần, thể xác và tài chính. Cô cứ như một dây leo mảnh khảnh bám vào bức tường đá, nhích dần từng chút để vươn ra đón nắng. Và thật kỳ lạ, sự gan dạ đã giúp Chi chiến thắng số phận.
Chi nghỉ học, một mình vào viện hóa trị. Cô vay mượn tiền từ bạn bè, sau một đợt hóa trị lại lao đi làm thêm để có tiền trả nợ và dành dụm cho đợt hóa trị kế tiếp. Những ngày tháng đớn đau ấy, "người yêu" không một lần hỏi thăm. Động lực để cô gái trẻ bám víu chính là mẹ và em trai. Chi kể: "Tôi phải sống để lo cho mẹ và em trai, để gầy dựng sự nghiệp, làm một người thành đạt, tử tế".
Những bệnh nhân ung thư luôn có người nhà túc trực, chỉ riêng Chi một mình ra vào bệnh viện. Thấy con gái quá vất vả, mẹ Chi lên thành phố, làm giúp việc, để tiện chăm sóc con. "Dù mẹ rất thương, cũng không ở bên tôi thường xuyên. Thi thoảng, bà lén gói thức ăn thừa của nhà người ta, mang cho tôi; có khi không có tiền đi xe ôm, phải ứng trước tiền công của chủ nhà" - Chi nghẹn ngào nhớ lại.
Biết tin người yêu cũ gặp nạn, Chi còn đưa gã tệ bạc vào viện, lo viện phí, thuốc men rồi đưa anh ta về phòng trọ chăm sóc. Ai cũng bảo Chi khờ, nhưng với Chi, đó là người Chi từng gắn bó, từng yêu. Bản năng mách bảo cô phải cứu mà không nghĩ gì xa xôi. Sau hơn một năm kiên trì điều trị, tinh thần lạc quan đã giúp Chi vượt qua bạo bệnh một cách thần kỳ. Cô còn nâng đỡ tinh thần cho những bệnh nhân ung thư khác. "Tôi đã hét lên như một người điên khi nhận thông báo bệnh đã qua cơn hiểm nghèo. Dù bác sĩ cảnh báo, khả năng mang thai và giữ thai trong tương lai rất mong manh, tôi vẫn hy vọng mình sẽ làm mẹ" - Chi quả quyết.
... và để yêu
Khỏi bệnh, Chi đi học, đi làm trở lại, rồi cũng tốt nghiệp, cũng trải qua vài ba mối tình không đi đến đâu. Tốt nghiệp Trường đại học Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM, Chi được gọi ngay cho một vai diễn cá tính trong bộ phim sitcom nhiều tập. Sau đó, Chi chuyển qua làm trợ lý sản xuất, âm thanh, ánh sáng hay phụ trách trường quay cho các game show. Công việc dần ổn định, Chi có tiền lo cho mẹ và em trai. Trong sâu thẳm, cô vẫn ao ước có được người đàn ông yêu thương mình thật lòng, không toan tính; ao ước được làm mẹ của những đứa trẻ, có một gia đình để chăm lo...
Chi gặp Nguyên - chồng cô bây giờ - khi cả hai làm cùng công ty. Lúc đó, Chi đã là tổ trưởng tổ thiết kế sân khấu, Nguyên kém cô 8 tuổi, là chàng kỹ thuật viên bẽn lẽn, thẹn thùng, nhưng suy nghĩ chín chắn và luôn hành xử với thái độ tôn trọng phụ nữ. "Tôi để ý Nguyên vì Nguyên đẹp trai, luôn quan tâm đến người khác. Khi nói chuyện sâu hơn, tôi cảm nhận Nguyên còn trẻ nhưng chững chạc. Tôi thích Nguyên, nhưng tự biết thân phận mình, nên chỉ để đó. Nguyên kém tôi nhiều tuổi, còn cả tương lai phía trước" - Chi kể.
Nhưng chuyện Chi thích Nguyên thì cả công ty biết. Sau một lần bị Nguyên cà khịa "chị thích em hả?", Chi quyết tâm cưa đổ anh chàng. "Giờ nghĩ lại, tôi cũng không hiểu sao ngày trước tôi có thể "thủ đoạn" thế. Sau giờ làm, tôi cứ rủ cả nhóm đi ăn nhậu, nhậu xong về nhà trọ của tôi ngủ lại. Mọi người biết ý, ra về hết, còn mỗi tôi và Nguyên, rồi chuyện gì đến cũng đến. Nhiều ngày sau đó, bọn tôi không nói chuyện với nhau, cho đến khi Nguyên chủ động bày tỏ tình cảm, hai đứa mới chính thức bắt đầu mối quan hệ nghiêm túc" - Chi hồi tưởng với ánh mắt ngập tràn hạnh phúc.
Yêu nhau hơn một năm, họ quyết định tổ chức đám cưới. Biết quá khứ của Chi, Nguyên càng thêm yêu và thương vợ. Cả hai đang ra sức làm việc để dành tiền mua nhà, sinh con. Nhìn Chi hiện tại, không ai có thể nghĩ cô đã một mình đi qua giông bão thế nào, một mình đấu tranh với thần chết ra sao.
Dám yêu, dám sống, dám chịu trách nhiệm và luôn chủ động theo đuổi mục tiêu của mình là cách Chi chọn để tồn tại giữa cuộc đời xô bồ này. Cái kết hạnh phúc của Chi trở thành câu chuyện truyền cảm hứng cho rất nhiều bạn trẻ trước ngưỡng cửa cuộc đời.
Châu Mỹ
Theo phunuonline.com.vn
Gửi con cho bà ngoại vì "úp sọt" được đại gia, mẹ đơn thân không ngờ ôm trái đắng Đã định cả đời là mẹ đơn thân nhưng đến khi gặp Tuấn, Trang lại thay đổi hoàn toàn suy nghĩ của mình với ý định móc túi anh ta... Có những người phụ nữ nguyện cả đời làm mẹ đơn thân, chấp nhận cuộc sống vất vả, bươn chải để kiếm tiền nuôi con của mình, không màng đến những thứ khác....