Một lần gặp Bác một đời không quên
Dù đã ở tuổi xưa nay hiếm, nhưng trong trí óc của người lính tiểu đoàn 5 năm ấy, hình ảnh Bác Hồ của gần 60 năm trước mặc bộ quần áo màu vàng nhạt, râu tóc bạc phơ, hiền từ, chỉ dạy cho những người lính về Đảng, về cách tăng gia, sản xuất chưa bao giờ phai mờ…
“Nhớ như in từng lời Bác nói”
Đó là lời khẳng định chắc chắn của cụ Nguyễn Viết Hiếu ( phường Tân Sơn, TP. Thanh Hóa). Năm nay cụ Hiếu đã ngoài 80 tuổi, thế nhưng gần 60 năm qua, cụ vẫn nhớ như in hình ảnh lần đầu tiên được gặp Bác, nhớ nguyên vẹn từng câu Bác hỏi, Bác dặn dò.
Cụ kể, năm 18 tuổi, cụ tình nguyện lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ Quốc. Sau 3 tháng huấn luyện tân binh tại xã Hải Lĩnh, Tĩnh Gia (Trung đoàn 53), cụ được điều động vào đại đội 19, tiểu đoàn 5, phối thuộc trung đoàn 57 (thuộc Cục Hải Quân, nay là Bộ Tư lệnh Hải quân).
Cụ Nguyễn Viết Hiếu vẫn nhớ nguyên vẹn từng câu nói của Bác Hồ trong lần Bác về Sầm Sơn năm 1960.
Do yêu cầu nhiệm vụ lúc bấy giờ, Trung đoàn của cụ phải làm nhiệm vụ bảo vệ Sầm Sơn, cửa ngõ số 1 trong chiến lược của ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.
Anh binh nhì Nguyễn Viết Hiếu được giao nhiệm vụ đo xa (máy đo mục tiêu trên biển) của khẩu pháo nòng dài 105mm do Nga viện trợ cho Việt Nam. Hồi ấy, mới chỉ dừng lại công tác huấn luyện và bắn đạn thật chứ chưa được chiến đấu.
Vào buổi chiều tháng 7/1960, khi anh vừa đến trận địa tập luyện thì có lệnh tập hợp gấp, sau đó được thông báo có cán bộ Trung ương đến thăm. Bảo vệ bờ biển Sầm Sơn có tiểu đoàn 4 (tiểu đoàn bộ binh thuộc Trung đoàn 57) và tiểu đoàn 5 pháo binh (phối thuộc Trung đoàn 57) có lệnh tập hợp. Ban đầu tất cả cán bộ, chiến sĩ tập hợp thành hình chữ U.
Cụ Hiếu nhớ lại: “Sau khi Trung tá Bùi Đức Tạn (Trung đoàn trưởng) báo cáo với Bác việc đã tập hợp tất cả anh em thì Bác vẫy tay. Lúc đó, chúng tôi mới biết được gặp Bác Hồ, không ai bảo ai, đều chạy ùa đến vây quanh Bác. Bác ân cần hỏi thăm tình hình đời sống cán bộ, chiến sĩ. Tôi vẫn nhớ câu đầu tiên Bác hỏi là “các cháu có ăn no không”. Mọi người đồng thanh “thưa Bác có ạ”. Bác lại nói tiếp “Bác biết các cháu chưa no nhưng Nhà nước ta đã cố gắng, các cháu phải cố gắng tăng gia để đảm bảo sinh hoạt”. Lúc đó, anh em chúng tôi ai cũng xúc động đến trào nước mắt…”
“Bác hỏi tiếp “các cháu có tăng gia không?”; “tăng gia thì tăng gia cái gì”?; Bác dặn dò “tăng gia nuôi dê, bò, câu cá, trồng cây lương thực như củ sắn trắng, trồng lúa đồi, trồng rau muống. Bác tỉ mỉ chỉ cách lấy xịn biển ủ với phân bắc sau đó trộn đều, lấy để trồng sắn thì củ sắn sẽ to. Và sau khi thu hoạch sắn, trước khi ăn phải ngâm sắn với nước muối trước”.
“Các cháu có thi đua không” – “có ạ”, “thế thi đua thì thi đua cái gì”. Chúng tôi trả lời Bác là thi đua ba nhất. Bác nói: “nhất thì nhất những gì” thì chiến sĩ đều trả lời sai. Bác nhắc ba nhất là phải “nhiều nhất, đều nhất, giỏi nhất”, nghĩa là nhiều người tham gia nhất, tính năng, kỹ thuật tinh thông nhất; góp phần vào phong trào thi đua chung của cả nước là “sóng duyên hải, gió đại phong, cờ hồng ba nhất”. Bác căn dặn “phải thi đua thật tốt, học tập tốt” thì Bác sẽ viết thư về khen. Trước khi chia tay chúng tôi, Bác còn dặn dò “Sầm Sơn là cửa ngõ số 1 của Tổ Quốc, các cháu phải bảo vệ thật tốt”.
Video đang HOT
Rồi cụ bảo, sau này khi báo cáo Bác về thành tích sản xuất đạt kết quả cao, Bác Hồ có viết thư về khen, cụ vẫn nhớ bức thư ấy, Bác viết bằng mực đỏ.
“Bác Hồ đẹp như một ông Tiên”
Đó là hình ảnh trong trí nhớ của người lính Nguyễn Phương Ngân (xã Đông Hòa, huyện Đông Sơn), cụ Ngân cũng cùng Trung đoàn với cụ Hiếu và là người vinh dự được gặp Bác Hồ khi Người về thăm Thanh Hóa lần thứ 3 năm 1960.
Cụ Nguyễn Phương Ngân, người vinh dự được gặp Bác Hồ.
Hình ảnh nhớ nhất trong trí nhớ của cụ Ngân chính là hình ảnh Bác Hồ trong bộ quần áo màu vàng nhạt, khuôn mặt phúc hậu, hiền từ đi dưới bờ biển Sầm Sơn đẹp như một ông Tiên.
Cụ Ngân khẳng định trong cuộc đời người lính của mình, đó là hình ảnh đẹp đẽ nhất, đáng quý nhất. Sau này, cụ về công tác Bộ Tư lệnh Hải quân, chuyển về làm cơ yếu của đoàn tàu không số rồi xuất ngũ năm 1984, về quê hương, hình ảnh được gặp Bác Hồ vẫn được cụ kể lại cho con cháu nghe với một niềm tự hào.
Trong một lần tình cờ, cụ được cầm tờ Hòa Báo, in trang bìa tờ báo những năm 1960 có bức ảnh Bác Hồ chụp cùng những người lính tiểu đoàn 5, trung đoàn 57 bảo vệ bờ biển Sầm Sơn, cụ Ngân sung sướng cất giữ như báu vật vì trong đó có hình ảnh của cụ được ngồi gần Bác ở phía tay trái.
Cụ Ngân sung sướng khi thấy mình có mặt trong bức ảnh chụp cùng Bác Hồ.
Cũng như anh binh nhì Nguyễn Viết Hiếu, với cụ Ngân được gặp Bác Hồ là vinh dự lớn nhất trong cuộc đời cụ. Những giây phút được nghe Bác nói, cảm nhận ở vị lãnh tụ giản dị trong cách nói, bao dung, ân cần chỉ bảo chưa, mấy chục năm qua chưa bao giờ cụ quên.
Nguyễn Thùy
Theo Dantri
Người phụ nữ 30 năm lưu lạc và lời khẩn cầu từ bên kia biên giới
Chị Vân 16 tuổi lưu lạc nơi xứ người. Gần 30 năm sau, những ký ức về quê hương, về người mẹ vẫn luôn thôi thúc chị tìm về nơi chôn nhau, cắt rốn. Khó thay, từ nước bạn, chị chỉ nhớ mang máng về một miền quê nghèo với địa chỉ thôn xã không rõ ràng.
Bức ảnh chị vân chụp từ Trung Quốc gửi về tìm người thân.
Những ký ức rời rạc
Chị Lê Thị Vân đã gửi về từ Trung Quốc một bức thư cho PV Lao Động với tâm tư nhờ tìm gia đình người thân tại tỉnh Thanh Hóa. Trong thư, chị Vân kể, cách đây gần 30 năm, khi 16 tuổi, chị bị lừa và đưa sang Trung Quốc. Trong thời gian đầu sang nước bạn, chị đã cố gắng trốn chạy nhiều lần để về quê, tuy nhiên không thành.
"Qua nhiều năm, tôi không thể nhớ chính xác địa chỉ nhà mình ở đâu, chỉ nhớ rằng, quê ngoại ở một vùng quê nghèo ven biển, không rõ là xã Hải Thanh hay Hải Bình (huyện nào) của tỉnh Thanh Hóa", chị Vân nêu trong thư.
Ngoài ra, chị Vân nhớ mẹ mình là Lê Thị Toàn (năm nay ngoài 70, không rõ còn hay mất), chị gái là Lê Thị Nhung, dì là Lê Thị Hạnh, cậu là Lê Văn Dân và một cậu liệt sĩ là Lê Văn Đức.
Chị Vân cũng chia sẻ, hiện chị đang sinh sống và làm việc tại Quảng Đông (Trung Quốc). Trải qua gần 30 năm ở xứ người, chị vẫn luôn canh cánh ngày trở về, vậy nên thông qua cộng đồng mạng, PV Báo Lao Động nhờ chia sẻ, tìm kiếm giùm gia đình, người thân của mình nơi quê nhà Việt Nam" chị Vân chia sẻ.
Cuộc tìm kiếm gian truân
Trước những thông tin chị Lê Thị Vân gửi, PV Lao Động đã tiến hành xác minh. Bước đầu PV xác định, hai xã Hải Thanh và Hải Bình như trong thư chị Vân nêu thuộc huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa).
Ngay sau đó, PV Lao Động đã có mặt tại xã Hải Thanh, huyện Tĩnh Gia. Tại đây, sau khi sàng lọc, tìm kiếm những trường hợp công dân địa phương đang mất tích, UBND xã Hải Thanh khẳng định, không có người nào tên Vân như thông tin PV cung cấp.
Trong khi đang tìm kiếm, bất ngờ, một người dân xã Hải Bình cho hay, gia đình mà PV tìm hiện đang sinh sống tại thôn Liên Đình, xã Hải Bình, huyện Tĩnh Gia. Ngay sau đó, PV đã tìm đến địa chỉ trên.
Gia đình người thân mong sớm gặp lại chị Vân sau nhiều năm xa cách
Gia đình bà Phang Thị Thợt (67 tuổi, mợ dâu của chị Vân) ngụ tại thôn Liên Đình, xã Hải Bình. Bà Thợt cho hay, thông qua ảnh thì người con gái này đích thị là Vân mà thủa xưa bà vẫn hay trìu mến gọi Vân "kè".
"Nó đấy (100% là Vân "kè" đấy). Đã gần 30 năm trôi qua, trông ảnh nó là tôi nhận ra ngay, nó đâu có khác xưa lắm, chỉ già đi thêm chút. Nó còn sống là tốt rồi, tôi chỉ mong sớm được gặp lại nó", bà Thợt nói.
Anh Lê Văn Nghị bất ngờ trước thông tin chị họ mình đang lưu lạc nơi xứ người.
"Tôi sẽ báo tin ngay cho bác Toàn (bà Lê Thị Toàn, mẹ đẻ chị Vân), vì sau khi chị Vân mất tích, bác Toàn không ở đây nữa mà chuyển về sống với chị Nhung (chị gái chị Vân) tại TP. Sầm Sơn. Anh Lê Văn Nghị (40 tuổi, em họ chị Vân) nói.
Ông Phạm Văn Quân - Phó Trưởng công an xã Hải Bình xác nhận, tại địa phương đúng là có trường hợp chị Lê Thị Vân (con gái bà Lê Thị Toàn, trú tại thôn Liên Đình) mất tích nhiều năm không về quê.
QUÁCH DU
Theo Laodong
Ven biển Thanh Hoá ngổn ngang, xơ xác sau bão Sơn Tinh Vài giờ sau khi bão số 3 ập tới, nhiều cây bị quật đổ, cổng chào nghiêng gãy tại một số khu dân cư ven biển Tĩnh Gia, Thanh Hoá. Sáng 19/7, nhiều tuyến đường và khu dân cư ở huyện Tĩnh Gia bị xác xơ, cây cối và nhiều đồ vật đổ ngổn ngang, một số nơi bị ngập nước. Từ sáng...