Một hiệu trưởng mầm non “gục ngã” vì… chứng khoán
Càng muốn gỡ chứng khoán, Huyền lại càng mắc vào mớ bòng bong do chính mình giăng ra…
Sinh ra trong một gia đình công chức gia giáo, Linh Thị Huyền lớn lên trong vòng tay yêu thương của bố mẹ. Trải qua tuổi thơ êm đềm tại thị trấn Văn Quan, huyện Văn Quan, Huyền luôn mơ ước được trở thành cô giáo mầm non, chăm sóc cho những em bé còn nhiều thiệt thòi, thiếu thốn ở quê hương của mình. Đến năm 1998, Huyền đã thi đỗ vào Trường Cao đẳng Sư phạm Lạng Sơn. Trong quá trình học tập tại trường, Huyền luôn tâm niệm phải học tập cho tốt, lĩnh hội các kiến thức để phục vụ công tác của mình sau này.
Sau 3 năm miệt mài học tập, ra trường với tấm bằng loại khá, Huyền được phân về công tác tại Trường mầm non xã Bình Phúc, huyện Văn Quan. Với tâm huyết và trình độ vượt trội, sau 2 năm công tác, Huyền đã được bổ nhiệm chức vụ Hiệu trưởng Trường mầm non Bình Phúc.
Dù ở cương vị quản lý, nhưng lòng yêu trẻ vẫn luôn cháy bỏng trong cô. Hàng ngày cô vẫn thường xuyên đến từng lớp để xem các cháu ăn ngủ thế nào và nhắc nhở các cô giáo quan tâm chăm sóc, dạy dỗ các cháu như chính con em của mình.
Đến năm 2003, Huyền gặp một kiến trúc sư xây dựng, công tác tại Sở xây dựng Lạng Sơn. Hai người nhanh chóng nên duyên vợ chồng và sinh ra một cậu con trai kháu khỉnh, khỏe mạnh. Chồng công tác ở thành phố nhưng lúc nào nghỉ là lại tranh thủ về khu tập thể của trường Bình Phúc để thăm 2 mẹ con. Bữa cơm đoàn tụ của cả gia đình luôn rộn rã tiếng cười.
Hạnh phúc tưởng chừng như đã mỉm cười với cô hiệu trưởng trẻ tuổi. Thế nhưng, cuộc đời có những điều không ai ngờ đến. Một ngã rẽ mà Huyền tự lựa chọn đã đẩy cô sang một cuộc sống khác. Không muốn sống cảnh vợ chồng mỗi người một nơi, do tích góp được chút vốn liếng, vợ chồng Huyền đã mua được một mảnh đất ở thành phố Lạng Sơn và quyết định làm nhà. Ngôi nhà mới xây khang trang, đẹp đẽ nhưng đôi vợ chồng trẻ lại nợ ngân hàng 100 triệu đồng. Huyền hoang mang không biết khi nào mới trả được hết nợ.
Đúng lúc đó, cô bạn thân đã rủ Huyền chơi chứng khoán. Sau khi nghe cô bạn “thuyết trình” về lợi nhuận kếch sù mà chứng khoán đem lại, Huyền bị thuyết phục. Cô đã vay tiền về để chơi chứng khoán. Lúc đầu, kinh doanh chứng khoán đem lại cho cô số tiền lãi nho nhỏ, Huyền vui mừng và tiếp tục vay tiền bạn bè, người thân để đầu tư (nhưng nói dối là để trả nợ tiền xây nhà). Tuy nhiên, do không phải là người chơi chứng khoán chuyên nghiệp, Huyền cùng bạn ôm rất nhiều cổ phiếu giá cao để rồi khi rớt giá lại không bán được hoặc phải bán với giá rất thấp. Càng muốn gỡ, Huyền lại càng mắc vào mớ bòng bong do chính mình giăng ra.
Túng quá làm liều, Linh Thị Huyền đã 3 lần dùng con dấu của Trường mầm non Bình Phúc, giả mạo chữ ký của hiệu phó và chủ tịch công đoàn để viết giấy sửa chữa công trình xây dựng của trường. Qua đó tạo lòng tin để vay tiền. Ban đầu, Huyền vay 19 triệu đồng với lãi suất 10.000 đồng/1 triệu đồng/1 ngày. Lúc này số tiền lãi còn rất nhỏ nên Huyền cũng không quan tâm. Sau đó Huyền tiếp tục vay thêm rất nhiều lần nữa. Lãi mẹ đẻ lãi con, số tiền kiếm được rất ít nên Huyền không có khả năng chi trả cả vốn lẫn lãi. Cứ mỗi lần đến hạn, không trả được lãi, Huyền buộc phải ký vào giấy nợ số tiền gốc cộng thêm tiền lãi thành số tiền gốc vay mới.
Cứ thế đến tháng 8/2010, số tiền mà Huyền nợ đã lên đến 237, 5 triệu đồng. Như vậy, số tiền lãi mà Huyền phải trả mỗi ngày là hơn 2 triệu đồng. Không thể tìm đâu ra số tiền quá lớn đó, do chủ nợ thường xuyên đến nhà đòi nợ nên Linh Thị Huyền đã trốn khỏi địa bàn. Các bị hại cho vay tiền đã làm đơn tố cáo hành vi lợi dụng tín nhiệm để chiếm đoạt tài sản của Linh Thị Huyền. Công an thành phố Lạng Sơn đã ra lệnh truy nã toàn quốc, phối hợp với công an các tỉnh, thành trong cả nước để bắt giữ Linh Thị Huyền. Đầu tháng 12/2011, Linh Thị Huyền đã bị Công an thành phố Hà Nội phát hiện, bắt giữ và bàn giao cho Công an thành phố Lạng Sơn tiếp tục điều tra xử lý.
Giờ đây Huyền không còn là một hiệu trưởng trẻ tuổi, năng động, xinh đẹp mà là một bị can tiều tụy, mắt luôn đẫm lệ. Cô ân hận vì đã quá nông nổi khi tham gia vào một lĩnh vực kinh doanh nhiều rủi ro, vay lãi suất cao và làm giả giấy tờ, khi tỉnh ra thì đã quá muộn. Huyền mong muốn sau khi chịu hình phạt của pháp luật sẽ được trở về tiếp tục chăm sóc những học sinh thân yêu.
Theo ANTD