Một giảng viên đại học cuỗm 50 tỷ đồng chạy việc rồi bỏ trốn
Ngày 22-4, Phòng CSHS – CATP Hà Nội cho biết, đơn vị đã ra quyết định truy nã đối với Đỗ Tuấn Anh (SN 1981, trú tại phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội), là Thạc sĩ, nguyên giảng viên khoa Luật, công tác tại một Học viện ở Hà Nội về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản…
CQCA xác định, có tới 170 là nạn nhân bị Đỗ Tuấn Anh lừa đảo và số tiền đối tượng chiếm đoạt khoảng 50 tỷ đồng.
Với thủ đoạn lấy mác giảng viên khoa Luật của một Học viện, đối tượng này đã giới thiệu rằng mình có khả năng “chạy” việc ở bất cứ đâu.
Quyết định truy nã bị can với Đỗ Tuấn Anh. (Ảnh: CA cung cấp)
Thấy Đỗ Tuấn Anh có vị trí và nghề nghiệp đáng tin cậy, nhiều người ở Hà Nội và các tỉnh Hòa Bình, Nam Định đã nộp hồ sơ và tiền cho Đỗ Tuấn Anh. Có người muốn xin làm kế toán, bác sĩ, cô giáo tại các đơn vị thuộc Bộ Công an, người lại muốn xin học hoặc “chạy điểm” để được nhập học tại các trường trong lực lượng CAND; có trường hợp là CA nghĩa vụ nhờ Đỗ Tuấn Anh xin cho được vào biên chế và có trường hợp đang làm việc trong ngành CA, muốn “chạy” chuyển công tác từ lĩnh vực này sang lĩnh vực khác, cũng được giới thiệu và mang tiền đến cậy nhờ giảng viên luật này. Trung bình, 1 suất đặt cọc xin việc, chuyển việc Tuấn Anh nhận từ 20-30 triệu đồng; thậm chí có người đưa cho Tuấn Anh đến 600 triệu nhưng chờ mãi vẫn không thấy động tĩnh gì.
Video đang HOT
Đồng phạm của Đỗ Tuấn Anh là Dương Xuân Đầy, trú tại quận Hà Đông, Hà Nội. Bước đầu, CQĐT xác nhận có 119 bị hại đã thông qua Dương Xuân Đầy nộp cho Đỗ Tuấn Anh khoảng 40 tỷ đồng. Ngoài ra, còn hơn 50 người bị hại đã thông qua một số đối tượng khác nộp khoảng 10 tỷ đồng cho Đỗ Tuấn Anh.
Hiện Đỗ Tuấn Anh đã bỏ trốn nên Phòng CSHS – CATP Hà Nội ra quyết định truy nã, yêu cầu Đỗ Tuấn Anh đầu thú để nhận khoan hồng của pháp luật.
Ai là nạn nhân của Đỗ Tuấn Anh và biết đối tượng này đang lẩn trốn tại đâu, đề nghị báo ngay cho Đội Điều tra xét hỏi, Phòng CSHS – CATP Hà Nội, số 7 phố Thiền Quang, phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội; ĐT: 0904.119.988 (Trung tá Võ Nam Hưng) để cung cấp thông tin.
Nam Du
Theo phapluatxahoi
Bài học không cũ để tránh lừa đảo qua "chạy việc"
Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế xuất hiện nhiều vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan đến một số giáo viên, giảng viên công tác tại các trường học.
Dù thủ đoạn không mới, song các đối tượng đã lợi dụng lòng tin, sự tín nhiệm của nhiều người để giăng bẫy lừa nhằm mục đích chiếm đoạt tiền của các nạn nhân.
Những ngày trung tuần tháng 3, nhiều sinh viên và phụ huynh ở Huế bị "sốc" trước thông tin giảng viên Hoàng Thị Nhiên (39 tuổi, trú tại chung cư Vincoland, phường Xuân Phú, TP Huế), công tác tại Trường Cao đẳng (CĐ) Sư phạm Huế, bị Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế bắt tạm giam để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Là giảng viên trình độ Thạc sĩ với tương lai rộng mở, thay vì nỗ lực cống hiến cho sự nghiệp "trồng người", giảng dạy đào tạo sinh viên theo học tại trường thì Nhiên nghĩ ra mọi cách làm sao kiếm được thật nhiều tiền phục vụ cho mục đích tiêu xài cá nhân. Để thực hiện điều này, Nhiên thường khoe khoang với các sinh viên và nhiều người khác về mối quan hệ với lãnh đạo các cấp ở tỉnh Thừa Thiên - Huế, sau đó cam kết xin được việc làm cho nhiều sinh viên vừa tốt nghiệp ra trường.
Trong đơn thư gửi đến Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế tố cáo hành vi lừa đảo của Nhiên, bà T. ở TP Huế cho biết: "Sau khi biết con tôi tốt nghiệp ra trường nhưng chưa xin được việc làm, Nhiên gặp gỡ và hứa hẹn chuyện xin việc cho con tôi. Thấy Nhiên là nữ giảng viên có trình độ, có quan hệ nên tôi tin tưởng và không mảy may nghi ngờ. Lợi dụng lòng tin của gia đình tôi, Nhiên chủ động đề cập việc nộp 120 triệu đồng làm phí "chạy việc".
Dù hoàn cảnh khá khó khăn nhưng tôi vẫn cố gắng vay mượn khắp nơi để có đủ tiền giao cho Nhiên xin việc làm cho con. Thế nhưng, nhiều tháng trôi qua sau khi nhận được tiền, khi gọi điện hỏi về việc làm thì Nhiên tắt máy và cố tình trốn tránh. Nghi ngờ nên tôi đã tìm hiểu thì được biết đây là trò lừa đảo của nữ giảng viên này". Ngoài trường hợp của bà T., Nhiên còn làm quen và lợi dụng lòng tin của nhiều phụ huynh khác để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế đọc lệnh bắt giữ Nguyễn Xuân Hợp về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Bước đầu, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế, xác định, Nhiên đã lừa đảo 6 gia đình để "chạy việc", chiếm đoạt gần 723 triệu đồng tiêu xài cá nhân. Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Nhiên, đồng thời tiếp tục nhận đơn tố cáo của các bị hại để điều tra xử lý đối tượng theo quy định pháp luật.
Một trường hợp khác là Nguyễn Xuân Hợp (34 tuổi, trú số 3/1/28 đường Nguyễn Đình Xướng, phường Phú Bài, thị xã Hương Thủy) cũng lợi dụng lòng tin, sự tín nhiệm của nhiều người để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trong thời gian công tác, giữ chức vụ Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Dương Hòa (thị xã Hương Thủy), Hợp vay mượn tiền của nhiều giáo viên; thậm chí còn nhờ một số giáo viên đứng tên ngân hàng để vay tiền với tổng số hơn 800 triệu đồng. Nhận được phản ánh của các giáo viên, Phòng GD&ĐT thị xã Hương Thủy cùng cơ quan chức năng đã làm rõ sự việc, qua đó kỷ luật thôi việc đối với Hợp.
Qua điều tra, Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế còn làm rõ, từ tháng 5-2018, Hợp nhận gần 900 triệu đồng của nhiều người để "chạy việc", nhưng thực tế không xin được việc cho bất cứ ai. Trong đó, không ít nạn nhân ở cùng địa phương với Hợp, bị Hợp lợi dụng lòng tin để lừa đảo dẫn đến cảnh nợ nần chồng chất...
Thượng tá Đoàn Minh Hải, Chánh Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, ngoài vụ án Hoàng Thị Nhiên và Nguyễn Xuân Hợp đã khởi tố, hiện đơn vị đang tiếp tục phối hợp với Công an các địa phương để điều tra, xử lý những đối tượng có liên quan đến các vụ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản khác.
"Trong quá trình tìm kiếm việc làm, người dân, nhất là các sinh viên vừa tốt nghiệp ra trường có nhu cầu xin việc cần hết sức cảnh giác với các chiêu trò nhận tiền chạy việc của những đối tượng lừa đảo. Mặt khác, người xin việc có thể đến trực tiếp các cơ quan có nhu cầu tuyển dụng để nộp hồ sơ; hoặc đăng ký tại Trung tâm dịch vụ việc làm của tỉnh để được tư vấn về việc làm hoặc tham gia các phiên giao dịch việc làm, nhằm tránh bị các đối tượng lợi dụng lòng tin để lừa đảo chiếm đoạt tiền", Thượng tá Hải khuyến cáo.
Anh Khoa
Theo and.com.vn
Bị tố vô cớ đánh , bắt giữ một đạo diễn, Công an Cần Thơ nói gì? Công an Cần Thơ khẳng định, thông tin về việc ông Đặng Quốc Việt, đạo diễn, giảng viên thỉnh giảng trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM bị bắt giữ và đánh đập vô cớ mà trên mạng xã hội là không chính xác. Ông Đặng Quốc Việt (sinh năm 1972, ngụ phường 2, quận 3, TP.HCM), đạo diễn, giảng viên...