Một gia đình 3 lần “nhận được” trẻ sơ sinh bị bỏ rơi
Trong 2 năm qua, gia đình anh Mai Văn Lập (40 tuổi, ngụ xã Vĩnh Hiệp, TX Vĩnh Châu, Sóc Trăng) “nhận được” 3 cháu bé sơ sinh bị bỏ rơi trong phần đất nhà mình.
Bà Đoàn Thị Năm (60 tuổi, mẹ ruột anh Lập) kể, khoảng 8h sáng ngày 5/4/2015, anh Lập và con gái đến chòi canh tôm của gia đình, cách nhà khoảng 100m, thì phát hiện 1 bé gái sơ sinh nằm khóc trong chòi, trên người không được mặc mảnh tã hay quần áo gì.
Anh Nguyễn Út Trong, một người dân địa phương cho biết, hay tin có cháu bé bị bỏ rơi, anh chạy đến chòi giữ tôm nhà anh Lập, đưa cháu bé đến Trạm Y tế phường Vĩnh Phước kiểm tra và chăm sóc sức khỏe. Ngày 7/4, anh Trong đưa bé đến UBND xã Vĩnh Hiệp làm thủ tục nhận con nuôi, đặt tên là Nguyễn Kim Anh.
Ông Trần Việt Dũng, cán bộ Tư pháp xã Vĩnh Hiệp cho biết: “Bước đầu, địa phương có biên bản ghi nhận sự tự nguyện chăm sóc cũng như nhận bé sơ sinh làm con nuôi của vợ chồng anh Trong. Tuy nhiên, theo quy định, chúng tôi sẽ thông báo rộng rãi về cháu bé để xem có thân nhân nhận hay không. Sau 30 ngày, không có ai nhận thì chính quyền sẽ làm thủ tục giao chú cho vợ chồng anh Trong”.
Cháu bé sơ sinh bị bỏ rơi trong chòi tôm của anh Mai Văn Lập hôm 5/4.
Nghe tin có bé sơ sinh bị bỏ rơi, chị Bùi Mộng Thu (35 tuổi, ngụ phường Vĩnh Phước) cũng cùng chồng sang xã Vĩnh Hiệp để xin nhận con nuôi. Sang đến nơi mới biết vợ chồng anh Trong đã nhận cháu nên vợ chồng chị Thu ra về. Tuy nhiên khi qua khỏi nhà anh Lập chưa đầy 100m, chị Thu bỗng nghe tiếng khóc của trẻ sơ sinh. Vợ chồng chị dừng lại để quan sát thì phát hiện một bé trai sơ sinh còn dính nhau thai, kiến bu cắn đỏ người ở trong lùm cỏ bên kia ao tôm, cũng nằm trong phần đất nhà anh Lập.
Vợ chồng chị Thu lập tức đưa cháu bé vào trạm y tế. Sau khi được cán bộ y tế vệ sinh, cắt rốn và kiểm tra sức khỏe, bé trai sơ sinh đã được vợ chồng chị Thu đưa về nhà chăm sóc.
“Vợ chồng tôi lấy nhau đã lâu nhưng chưa có con, mong một mụn con cho vui cửa vui nhà mà chưa có. Bây giờ bỗng nhiên được cháu bé này thì vui lắm, đúng là mừng như nhặt được vàng. Lúc mới phát hiện, thấy cháu tội lắm, tưởng chừng không qua khỏi nhưng nay đã khỏe, vết thương dưới chân bị cỏ cắt đứt cũng sắp lành. Vợ chồng tôi đã đề đạt nguyện vọng với chính quyền địa phương để xin nhận cháu làm con nuôi theo quy định”, chị Thu vui vẻ cho biết.
Kể về việc bỗng nhiên có tới 2 trẻ sơ sinh bị bỏ rơi trong khu đất nhà mình, chị Trần Thị Hồng Nga (40 tuổi, vợ anh Lập) cho biết thêm, vào khoảng quá nửa đêm dịp này năm trước, cũng có 2 người lạ ghé nhà chị năn nỉ nhờ chị nhận nuôi 1 cháu bé sơ sinh. “Tôi nói nhà tôi nghèo lắm, lại đã có 5 đứa con rồi nên không nuôi nữa thì họ để con lên tay tôi rồi quay đầu xe chạy ra ngoài lộ đi mất luôn. Sau đó một người quen ở Vĩnh Phước đã nhận cháu bé làm con nuôi đến giờ”, chị Nga cho hay.
Video đang HOT
Chị Trần Thị Hồng Nga lấy làm lạ khi trên phần đất gia đình liên tục có trẻ sơ sinh bị bỏ rơi.
Theo ông Nguyễn Hoàng Vũ – Trưởng Công an xã Vĩnh Hiệp – sau khi nhận tin báo có 2 cháu bé sơ sinh bị bỏ rơi trên đất gia đình anh Mai Văn Lập, đã vào cuộc truy tìm người thân của hai cháu nhưng chưa có kết quả. Anh Vũ nhận định, rất có thể một sản phụ nào đó ở địa bàn khác đến đây sinh con rồi bỏ rơi.
Nhiều người dân địa phương cũng ngạc nhiên không hiểu vì sao có tới 3 cháu bé bị bỏ rơi trên đất gia đình anh Lập. Càng băn khoăn hơn khi đường vào phần đất nhà anh Lập rất khó đi, chỉ có người địa phương mới biết rõ lối đi.
Ông Mai Văn Cấm (62 tuổi, cha anh Lập) bộc bạch: “Tôi không hiểu họ nghĩ thế nào mà mang con còn đỏ hỏn bỏ đi; dù sao nó cũng là máu mủ ruột rà của mình chứ. Nếu sinh con ra không có điều kiện nuôi thì có thể gửi gắm ở cửa chùa hay bệnh viện, chứ ai lại đem bỏ ngoài chòi canh tôm hoang vắng hay bỏ giữa đám cỏ dại như vậy?”.
Hỏi thăm về tình hình sức khỏe những đứa trẻ đã bị bỏ rơi trên đất nhà mình, chị Nga cho biết may mắn các cháu đều được cứu kịp thời nên giờ đều khỏe mạnh.
Bạch Dương
Theo Dantri
Cửa biển Tư Dung bị bồi lấp nặng, người dân kêu cứu !
Cửa biển Tư Dung (xã Lộc Bình, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế) đã bị bồi lấp nặng gần 5 năm qua, khiến đời sống người dân gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, những hộ làm kinh tế dựa vào nuôi trồng thủy hải sản đã và đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Theo ông Phan Thế Phúng, Chủ tịch UBND xã Lộc Bình, có khoảng hơn 20ha mặt nước từ cửa biển Tư Dung kéo vào bờ đã bị bồi lấp, việc bồi lấp nặng nhất từ 3 năm trở lại đây, còn trước đó đã bắt đầu có tình trạng bồi lấp cửa biển.
Do vậy, nguồn nước từ biển đưa vào để cung cấp cho hệ thống đầm Hải Phú ở xã Lộc Bình (và một phần xã Vinh Hiền sát bên) đã không thể đủ. Khi thủy triều lên, nước cũng chỉ xấp xỉ 20 phân, tràn qua các doi cát bồi lấp để "tiếp" nước phía trong nhưng không đáng kể.
"Vì thế, 43 hộ nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản của xã chúng tôi đã bị thiệt hại rất lớn. Trước khi cửa biển bị bồi lấp, mỗi hộ dân sống bằng nghề nuôi trồng thủy hải sản cũng có thể kiếm được từ 30-50 triệu đồng/năm, từ các loại cá hồng, cá mú, cá vẩu nuôi trong đầm Hải Phú. Giờ thì có rất nhiều hộ không còn nuôi được loại thủy hải sản nào nữa, do nước bẩn vì không có sự lưu thông từ nguồn nước biển vào. Một số hộ khác thì điêu đứng, lao đao vì làm không đủ trả nợ (!)" - ông Phúng "chua xót" chia sẻ.
Đó là chưa kể đến một hệ thống nuôi trai lấy ngọc của công ty Biển Ngọc đầu tư, cũng ngưng hoạt động từ 2 năm nay do nguồn nước bẩn khiến trai chết hàng loạt và thiệt hại hơn 4 tỷ đồng, giờ đành bỏ hoang.
Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thừa Thiên Huế đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty CP Khai thac san xuât khoang san 55 vê thưc hiên dư an đâu tư nao vet thông luông va tân thu cat nhiêm măn cưa biên Tư Hiên (xã Vinh Hiền) - Tư Dung (xã Lộc Bình) va Thuân An (Thị trấn Thuận An) đê xuât khâu, thời gian bắt đầu từ tháng 7/2014. Vào trước tết Âm lịch 2015, đích thân ông Nguyễn Văn Cao - Chủ tịch tỉnh đã về chỉ đạo việc thi công.
Thế nhưng, theo UBND xã Lộc Bình, việc nạo vét chưa được triển khai ở cửa biển Tư Dung xã mình mà mới chỉ làm ở biển Tư Hiền của xã bên cạnh. Trong khi đó, nếu không nhanh chóng nạo vét kịp thời thì sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến đến thu nhập của bà con ở xã này - ông Phúng chia sẻ.
Một số hộ dân ở đây đang đề nghị chính quyền cho phép được chủ động ra nạo vét sớm, để cửa biển được thông. Với trang thiết bị máy móc hiện đại như hiện nay, nếu bắt tay vào làm thì chỉ khoảng 1 tháng là xong. Xã đang đề nghị cấp trên có kế hoạch giúp đỡ sớm, để bà con đỡ khổ - Ông Phúng cũng cho biết thêm.
Dưới đây là những hình ảnh được PV Dân trí ghi nhận vào những ngày đầu tháng 4/2015:
Các đoạn cửa biển Tư Dung bị bồi lấp, ảnh chụp ngày 9/4
Nhiều doi cát mọc ra giữa biển gây cản nước biển vào bờ
Nhiều bãi cát với bề dài hàng trăm mét, bề rộng hàng chục mét chắn ngang biển
Hơn 20ha mặt nước bị bồi lấp
Nhiều khoảng đất mới mọc lên ở vị trí trước đây là biển
Nước ở phía trong hệ đầm phá Thủy Phú bị ô nhiễm làm thủy hải sản do người dân nuôi không thể sống nổi, gây kiệt quệ kinh tế cho bà con
Đại Dương
Theo Dantri
Đã xác định được mẹ của trẻ sơ sinh bị bỏ rơi Sau một ngày xác minh thông tin, cơ quan chức năng xã Trung Chánh (huyện Hóc Môn, TPHCM) xác định, người phụ nữ đến nhà bà Phạm Thị Lan xin nhận con vào chiều 8/4 chính là mẹ ruột của cháu bé. Theo đó, sau khi trình các giấy tờ liên quan, bà Phạm Thị Lan (người nhặt được cháu bé) đã chính...